Sau khi lập kỳ tích cho thể thao Việt Nam tại Olympic Rio 2016, trở về nước, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh lại lập một kỳ tích danh dự nữa trong lòng những người hâm mộ và tự hào về anh.
[caption id="attachment_146539" align="aligncenter" width="410"] Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho xạ thủ Hoàng Xuân Vinh[/caption]
Hầu như trên tất cả các báo, các trang mạng cá nhân đều có hình ảnh và lời nói của anh khi bằng một thái độ trung thực, khiêm cung, anh từ chối xin nhận danh hiệu Anh hùng vì cho rằng công trạng của anh có sự đóng góp của cả một tập thể.
Hoàng Xuân Vinh thực sự là một người hùng bằng cả một quá trình khổ công rèn luyện, bằng bản lĩnh và công trạng của mình, bằng hành động và thái độ, với nhiều người, anh đích thị là Anh hùng mà không cần phong tặng và chính việc anh không làm đơn xin phong danh hiệu khi có lời gợi ý từ cấp trên lại càng là người hùng hơn trong lòng người hâm mộ.
Kỳ tích của Hoàng Xuân Vinh hôm nay đã làm sống lại vinh quang bị lãng quên của một người hùng khác, xạ thủ Trần Oanh, người đã được Ủy ban Olympic quốc tế vinh danh vào năm 2000: Vận động viên xuất sắc nhất Thế kỷ 20 của Việt Nam. Trần Oanh từng phá vỡ nhiều kỷ lục bắn súng quốc tế, từng đứng trên bục cao nhất trong các kỳ thi bắn súng, từng được ca ngợi, từng được gặp gỡ các yếu nhân lịch sử,... nhưng ông chết trong nghèo túng, vô danh ở vùng biển hẻo lánh Thanh Hóa.
Ánh sáng vinh quang của Xuân Vinh đã thắp lên hào quang quá khứ oanh liệt của Trần Oanh, báo chí lại có dịp nói về ông, gặp gỡ gia đình, vợ con ông và trả lại tên tuổi đích thực cũng như sự đóng góp to lớn của ông trong sự nghiệp thể thao nước nhà. Một con người như thế sao có thể lãng quên nhưng sự lãng quê hoặc thờ ơ đã xảy ra trước khi Hoàng Xuân Vinh lập nên kỳ tích cũng ở môn bắn súng, cũng trong quân ngũ, đồng đội hậu duệ Trần Oanh.
Sự từ chối làm anh hùng của Hoàng Xuân Vinh đã làm sáng lên giá trị đích thực của những tấm huân chương và danh hiệu cao quý. Đó là sự khiêm tốn, trung thực, tự trọng – nhưng phẩm chất của người anh hùng. Khác biệt và đối cực với các hiện tượng đánh bóng tên tuổi, chạy chọt danh hiệu đã từng xảy ra với cá nhân hoặc đơn vị.
Có người bằng mọi giá để đạt danh hiệu Anh hùng kể cả gian dối, có công ty thua lỗ ngàn tỷ, lãnh đạo kém cỏi, nhân viên thu nhập thấp nhưng vẫn được phong danh hiệu Anh hùng. Những người gây nên sự phản cảm và đáng xấu hổ này giấu mặt đi đâu trước tấm gương của người anh hùng đích thực? Thật nghịch cảnh trớ trêu với những hình ảnh khi Công an đọc lệnh bắt và khám xét Giám đốc về tội danh tham nhũng ngay tại văn phòng của ông ta, bên dưới những Bằng khen và những tấm huân chương, ghi nhận thành tích và công lao đóng góp(?!).
Giờ khắc chứng kiến việc Hoàng Xuân Vinh từ chối sự phong tặng khiến chúng ta nhớ tới động thái của Hồ Chủ tịch năm xưa, Bác đã từ chối khi được đề nghị trao tặng Huân chương Sao Vàng – danh hiệu cao quý nhất của Nhà nước ta. Tấm gương đạo đức sáng ngời đó, giờ đã có người học tập và làm theo!
Theo Bao Phapluat
Link nội dung: https://phaply.net.vn/hoang-xuan-vinh-anh-hung-dich-thuc-a146538.html