(Pháp lý) - Báo chí Việt Nam trong thời gian gần đây liên tục phát đi với tần suất dày đặc về pháp nhân tàn phá môi trường sống nghiêm trọng. Trong khi người dân 4 tỉnh miền Trung còn chưa hết bàng hoàng về hậu quả do hành vi xả thải chất cực độc ra biển và trên cạn của Formosa Hà Tĩnh thì mới đây, dư luận trong nước tiếp tục nóng lên trước việc Công ty CP Tơ lụa Bảo Lộc (Lâm Đồng) xả thải hóa chất nhuộm vải độc hại ra hồ Đồng Nai, đặc biệt là hành vi Công ty TNHH Nông sản Việt Phước (Bình Phước) ngang nhiên vứt hàng trăm xác heo chết ngay sát thượng nguồn sông Sài Gòn – nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt chủ yếu cho phần lớn người dân thành phố… Một lần nữa, vấn đề xử lý hình sự đối với pháp nhân tàn phá môi trường tiếp tục được đặt ra, đòi hỏi Quốc hội khóa XIV sớm bấm nút thông qua Bộ luật Hình sự năm 2015 đang bị trì hoãn…
Phạt hành chính… như phủi bụi
Nền kinh tế đất nước đang hội nhập quốc tế sâu rộng mở ra nhiều cơ hội phát triển, song mặt trái của nền kinh tế thị trường, cùng với tư duy ích kỷ, kinh doanh chụp giựt chạy theo lợi nhuận, đã làm “mờ mắt” nhiều chủ thể, trong đó có các chủ thể là doanh nghiệp.
Gần 8 năm trước (tháng 9/2008), dư luận cả nước phẫn uất trước hành vi Công ty Vedan (có 100% vốn nước ngoài) đóng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, xả hàng ngàn mét khối nước thải độc hại trực tiếp (không qua xử lý) ra sông Thị Vải, trong một thời gian dài tính đến thời điểm bị phát hiện, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn người dân trong khu vực. Kết quả điều tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Công ty Vedan có đến 10 sai phạm. Vụ việc cũng đã từng nóng trên diễn đàn Quốc hội khi đại biểu chất vấn người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường về xử lý vi phạm của Công ty Vedan và làm rõ trách nhiệm của hệ thống quản lý từ Trung ương đến địa phưong. Song như chúng ta đã biết, hành vi sai phạm đặc biệt nghiêm trọng của Vedan cũng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường.
[caption id="attachment_146515" align="aligncenter" width="410"] Chiều 28/7, lực lượng có chức năng tỉnh Đồng Nai đã phát hiện Công ty TNHH Chin Well Fasteners Việt Nam (100% vốn đầu tư nước ngoài) xả thải ra môi trường…[/caption]
Từ đó cho đến nay, theo số liệu điều tra của cơ quan có chức năng, mỗi năm có hàng trăm cơ sở, doanh nghiệp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, đặc biệt trong đó phải kể đến “thành tích” của Công ty CP Nicotex Thanh Thái (Thanh Hóa), đã chôn gần 1.000 tấn chất thải độc hại tại 7 khu vực trong một thời gian dài.
Và mới đây, trong khi vụ xả chất cực độc ra môi trường biển làm cho hải sản 04 tỉnh ven biển miền Trung chết hàng loạt của Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra, sự cuồng nộ của dư luận cả nước còn chưa giải quyết xong, thì các cơ quan có chức năng tiếp tục phát hiện Công ty TNHH Nông sản Việt Phước (Đài Loan) thẳng tay vứt hàng loạt xác heo chết ra thượng nguồn sông Sài Gòn – con sông cung cấp nước sinh hoạt cho phần lớn người dân thành phố Hồ Chí Minh.
Hậu quả lâu dài từ hành vi xả thải chất độc và rác bẩn trực tiếp ra môi trường do các pháp nhân gây ra là không thể lường hết được, nhãn tiền từ vụ Formosa mới chỉ là một phần nổi của tảng băng, trong khi hàng ngàn tấn chất độc được Công ty này chôn lấp liếm trên cạn vẫn còn chưa phát hiện hết…
Điều đáng nói là hành vi của Formosa không phải là hiện tượng và chỉ có xảy ra ở Hà Tĩnh (Việt Nam). Năm 1998, Formosa Plastics bị phát hiện đưa 3.000 tấn chất thải độc hại có chứa thủy ngân tới thành phố cảng Sihanoukville của Campuchia, khiến cho nhiều cư dân sinh sống ở đây lo âu về tình trạng sức khỏe bị kiệt sức, tiêu chảy… đang xảy ra. Vài ngày sau khi biết được thông tin một công nhân cảng tử vong sau khi chùi rửa khoang tàu chuyên chở chất thải từ Đài Loan sang Campuchia, hàng nghìn người dân hoảng sợ, bỏ nhà cửa, tháo chạy khỏi thành phố Sihanoukville vốn yên bình. Trước đó vào năm 1995, tại bang Texas (Mỹ) đã từng hứng chịu hàng triệu lít nước thải cực độc ra của Formosa xả trái phép ra vịnh Texas vào, hậu quả để lại nghiêm trọng đến mức Ủy ban Nước của bang này phải nhận định đã làm thay đổi hoàn toàn “hệ sinh thái địa phương”. “Thành tích” liên tục chơi xấu về mặt sinh thái và xã hội ở nhiều nước trên thế giới của Formosa Plastics đã từng được tổ chức môi trường Đức Etheon vinh danh “Hành tinh Đen” vào năm 2009.
Trước đó, vụ Công ty CP Nicotex Thanh Thái (Thanh Hóa) chôn hàng nghìn tấn chất thải độc hại, khiến cho mỗi người dân Việt có lương tri đồng loại không khỏi kinh hoàng khi mà chỉ mới thống kê của một xã (nằm liền kề Nhà máy), trong khoảng thời gian từ tháng 7/1997 đến tháng 9/2013 đã có 957 người bị các bệnh ung thư, thần kinh, trẻ con bị dị dạng, dị tật bẩm sinh…
Công ty TNHH Nông sản Việt Phước (Đài Loan) công khai thừa nhận nuôi 27.000 con lợn, mỗi ngày có hơn 10 con bị chết do giẫm đạp nhau. Gần đây, do lò đốt của Công ty bị hư hỏng không hoạt động được nên số lợn chết được doanh nghiệp vứt thẳng ra thượng nguồn sông Sài Gòn, khiến người dân thành phố bức xúc. Thế nhưng, khi làm việc với cơ quan chức năng, ông Li Kuo Hui - Tổng Giám đốc đã phủi trách nhiệm vì lý do mới nhậm chức Giám đốc, “tôi không biết gì cả, lúc tôi đến đây, mọi việc đã diễn ra rồi”…
[caption id="attachment_146516" align="aligncenter" width="410"] Hành vi xả chất thải cực độc ra biển của Formosa Hà Tĩnh gây thiệt hại vô cùng lớn tới nguồn lợi hải sản của 4 tỉnh ven biển miền Trung[/caption]
Xử phạt vi phạm hành chính là “bản án” nghiêm khắc nhất mà pháp luật Việt Nam có thể làm được đối với Công ty TNHH Nông sản Việt Phước hoặc đối với Formosa tại thời điểm này. Thế nhưng, mức phạt tiền trong Luật Xử lý vi phạm hành chính (áp dụng tối đa đối với pháp nhân) không vượt quá 2 tỷ đồng, nghĩa là còn quá thấp, chưa đủ sức răn đe. Với mức phạt này, đối với các pháp nhân là các tập đoàn lớn hoặc công ty đa quốc gia như Formosa, Vedan Việt Nam… chỉ là phủi bụi, họ có thể chấp nhận nộp phạt để tiếp tục vi phạm. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng pháp nhân coi thường pháp luật, ngang nhiên vi phạm.
Xử lý hình sự pháp nhân tàn phá môi trường là đòi hỏi bức thiết
Việt Nam có nguy cơ trở thành “thiên đường ô nhiễm”, đó là lời cảnh báo của báo chí liên tục phát đi gần đây. Để ngăn chặn các hành vi xâm phạm nghiêm trọng môi trường từ các doanh nghiệp nói trên, đã đến lúc cần có chế định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Nói cách khác, sửa đổi Bộ luật Hình sự với việc bổ sung quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là rất cấp thiết.
Việt Nam có nguy cơ trở thành “thiên đường ô nhiễm”, đó là lời cảnh báo của báo chí liên tục phát đi gần đây. Để ngăn chặn các hành vi xâm phạm nghiêm trọng môi trường từ các doanh nghiệp nói trên, đã đến lúc cần có chế định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Nói cách khác, sửa đổi Bộ luật Hình sự với việc bổ sung quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là vô cùng cấp thiết hiện nay.
Mặt khác các biện pháp hình sự xử lý pháp nhân có nhiều ưu điểm so với các biện pháp hành chính, dân sự. Việc xử lý hình sự sẽ được tiến hành bởi các cơ quan tiến hành tố tụng mang tính chuyên nghiệp cao, với trình tự, thủ tục tư pháp chặt chẽ, minh bạch, sử dụng các chế tài mạnh mẽ, các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu (mà trong xử lý hành chính, dân sự không có) trong việc chứng minh các hành vi vi phạm và xác minh mức độ thiệt hại do pháp nhân gây ra.
Theo đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những quy định mới, thể hiện sự tiến bộ so với trước, là có điều khoản xử lý với các pháp nhân xâm phạm môi trường. Tại Điều 33 của Bộ luật sửa đổi, pháp nhân thương mại phạm tội sẽ phải gánh chịu một trong các hình phạt chính như: phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn và một hoặc một số hình phạt bổ sung, gồm: cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; và phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính... Trong đó, hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (Điều 79) là “chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra”.
Việc ban hành Bộ luật Hình sự sửa đổi trong đó có điều luật xử lý pháp nhân không những là đòi hỏi bức thiết từ cuộc sống mà còn là phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta hiện nay. Hiện có 119 nước, trong đó Hiệp hội các nước Đông Nam Á đã có 5 nước quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Do đó, sẽ là không bình đẳng trong cạnh tranh nếu như cùng một hành vi vi phạm tương tự, nhưng khi thực hiện ở nước khác thì doanh nghiệp Việt Nam có thể bị xử lý hình sự, trong khi đó, nếu doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam thì dù vi phạm đến mức nào cũng chỉ bị xử phạt hành chính.
Đáng tiếc là Bộ luật trên đã phải hoãn lại vì lý do lỗi kỹ thuật của những nhà làm luật. Việc lùi hiệu lực thi hành (lẽ ra có hiệu lực từ ngày 01/7/2016) cùng với ba đạo luật khác có liên quan đồng nghĩa với việc không truy cứu trách nhiệm hình sự của các pháp nhân thương mại gây ô nhiễm môi trường nói chung ngay tại thời điểm này.
Từ thực tế cuộc sống, cử tri cả nước mong mỏi Quốc hội khóa XIV cần sớm xem xét rút ngắn thời gian việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự 2015. Theo các chuyên gia pháp lý, không nhất thiết phải chờ đủ điều kiện để bấm nút thông qua, trước mắt Quốc hội vẫn có thể xử lý theo hướng chỉ đình chỉ các điều luật bị sai sót trong Bộ luật Hình sự 2015, phần nào không bị sai sót thì vẫn có giá trị thi hành theo thời điểm có hiệu lực.
Đề xuất trên theo chúng tôi là hợp lý, bởi nó không những tạo cơ sở pháp lý để xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm nghiêm trọng môi trường tại Việt Nam đã và đang gây nhức nhối cho người dân Việt Nam mà còn tạo ra một hình ảnh đẹp và ấn tượng về một Quốc hội hành động - Quốc hội khóa XIV trong lòng cử tri cả nước về sự phản ứng nhanh và kịp thời trước những vấn đề bức xúc từ cuộc sống đang đặt ra, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng trên phạm vi toàn cầu.
Đầu tháng 8/2016 sẽ thanh tra toàn diện các dự án có xả thải Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát các dự án có xả thải trên phạm vi cả nước, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Quyết định 1620/QĐ-BTNMT về việc phê duyệt Kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại các dự án có xả thải trên phạm vi cả nước. Mục đích của đợt thanh tra toàn diện lần này nhằm đánh giá công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tài nguyên nước của các cơ quan hành chính nhà nước; các cơ quan chuyên môn có liên quan. Từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chế định pháp luật nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong quá trình thẩm định, xét duyệt và thực hiện dự án đầu tư, đồng thời, đề xuất các giải pháp phù hợp để khắc phục những tồn tại bảo đảm để doanh nghiệp chấp hành nghiêm pháp luật gắn liền với phát triển bền vững. (Nguồn TTXVN) |
VŨ LÊ MINH
Link nội dung: https://phaply.net.vn/phap-nhan-tan-pha-moi-truong-lui-thoi-han-xu-ly-hinh-su-la-co-toi-voi-dan-a146514.html