Với tốc độ 10-15 km/giờ, hoàn lưu bão rộng với bán kính 200 km, nhiều khả năng bão vào vịnh Bắc Bộ mạnh lên, khi đổ bộ vào đất liền bão số 3 (có tên quốc tế là Thần Sét) gây ra mưa lớn 200-300 mm, có nơi lên đến 500 mm.
Chiều tối nay (17-8), Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp triển khai các phương án đối với bão Thần Sét.
Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cho biết bão Thần Sét di chuyển chậm, tốc độ 10-15 km/giờ, hoàn lưu bão rộng với bán kính 200 km, nhiều khả năng bão vào vịnh Bắc Bộ mạnh lên.
Khi bão Thần Sét đổ bộ vào Việt Nam, gió cấp 10-11, gió giật cấp 12-14. Vùng ảnh hưởng của bão Thần Sét từ Quảng Ninh - Nghệ An có gió mạnh cấp 6 trở lên.
Ngày 19-8, bão vào bờ, vùng đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11, gây mưa lớn diện rộng với lượng mưa 200-300 mm.
Mưa lớn cũng có thể xảy ra ở địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Nguy cơ cao gây lũ quét, sạt lở đất xảy ra đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, đồng thời tại những vùng thấp trũng sẽ bị ngập úng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.
Ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, cho hay ngoài việc đảm bảo an toàn hồ chứa thì phải đảm bảo an toàn cho người dân khu vực hạ du, kịp thời sơ tán dân khi có tình huống xảy ra. Đối với các đô thị, phải sẵn sàng các phương án tiêu thoát nước để chống ngập úng.
[caption id="attachment_146342" align="aligncenter" width="410"]
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp khẩn đối phó với cơn bão số 3 (Thần Sét).[/caption]
Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn lưu ý cần tránh tình trạng chủ quan đối với ứng phó bão, mưa lũ sau bão. Đối với tàu đang ở trên biển từ Quảng Trị đến Quảng Ninh nhanh chóng tìm nơi tránh trú bão, đồng thời đã thực hiện lệnh cấm biển tại Thái Bình vào chiều nay (17-8).
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, nhận định: “Đây là cơn bão có thời gian hình thành hoạt động khá dài trên biển cho thấy diễn biến khó lường và phức tạp của cơn bão này. Cấp độ năng lượng hướng đi phức tạp, tác động từ Bắc Trung Bộ trở ra - đây là vùng chúng ta đã chịu tổn thất khá lớn do bão số 1 và 2 gây ra”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết bão vào khả năng gây mưa lớn ở khu vực các tỉnh từ Bắc Trung Bộ trở ra trong khi nền đất bị bão hòa, ngậm nước nhiều, nếu xảy ra mưa lớn thì vấn đề ứng cứu cho sản xuất, bảo vệ hệ thống đê, kè phải được theo dõi cẩn trọng.
Vì lượng mưa bão Thần Sét lớn thì khả năng tác hại cũng rất lớn nên công tác chuẩn bị ứng phó phải khẩn trương, tích cực, nhanh chóng, nhất là đối với các tỉnh từ Bắc Trung Bộ trở ra. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương liên tục tăng tần suất tin dự báo, cảnh báo kịp thời.
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn, công an, bộ đội biên phòng hướng dẫn tàu thuyền, sơ tán dân vào nơi trú tránh an toàn. Chuẩn bị lực lượng có giải pháp kỹ thuật, nguồn giống để khắc phục sản xuất. Đối với Bộ Công Thương, cần chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam chuẩn bị các phương án để đảm bảo hệ thống nguồn điện phục vụ sản xuất. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các lực lượng địa phương thực hiện nghiêm.
Theo Plo.vn
Link nội dung: https://phaply.net.vn/bao-than-set-do-bo-vao-viet-nam-gay-mua-dien-rong-giat-cap-14-a146341.html