Giám sát quyền lực cơ quan 'nhạy cảm' nhất

Cách đây hai hôm, ngày 13/8, liên quan đến các sai phạm trong vụ quán “Xin Chào” và vụ “chòi vịt” xảy ra tại huyện Bình Chánh, TP HCM, VKSND Tối cao đã ra quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với ông Lê Thanh Tòng – Phó Viện trưởng VKSND quận 6, nguyên Phó Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh.

[caption id="attachment_146224" align="aligncenter" width="410"]Anh minh hoa Anh minh hoa[/caption]

Ông Lê Thanh Tòng là người đã ký cáo trạng truy tố hình sự ông Nguyễn Văn Tấn về tội “Kinh doanh trái phép”. Chính ông này cũng phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Bỉ về tội “Vi phạm quy định về quản lý nhà ở”.

VKSND Tối cao cũng có quyết định cách chức kiểm sát viên (KSV) đối với ông Huỳnh Văn Son, KSV của VKSND huyện Bình Chánh. Ông Son là KSV phụ trách việc kiểm sát hoạt động khởi tố và xét xử đối với vụ án cà phê Xin Chào.

Hai vụ án này sau khi nhờ có báo chí lên tiếng đã bị đình chỉ. Các bị can Nguyễn Văn Tấn và Nguyễn Văn Bỉ được xác định không phạm tội.

Tất nhiên trong “chuỗi tố tụng”, Viện kiểm sát chỉ là “khâu thứ hai”, nếu như cần thiết phải chỉ ra, người phải bị xử lý đầu tiên phải là Trưởng Công an huyện Bình Chánh và điều tra viên thụ lý vụ việc.

Qua vụ việc này, điều mừng nhất là “quyền lực” của những cơ quan “nhạy cảm” nhất cũng đang được giám sát. Đó là tín hiệu tốt, công tâm, minh bạch của Nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang hướng đến.

Đất nước đã đổi mới được 30 năm và ngày càng hội nhập sâu vào thế giới, trong đó có hội nhập tư pháp. Đáng tiếc “tư duy làm án” của chúng ta gần như ít thay đổi, vì nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, vẫn còn hiện tượng pháp luật bị lạm dụng thể hiện ở những vụ “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế, dân sự, “buộc án, gán tội” trở thành điều “ám ảnh” lớn trong quản trị và tâm lý xã hội.

Vụ việc một công dân làm dịch vụ kinh doanh mua bán, sửa chữa điện thoại cũ tại quận 10, TP HCM bị công an bắt quả tang, khám xét khẩn cấp vì bị cho là kinh doanh trái phép tiếp tục là minh chứng cho thực trạng này. Bức xúc đến mức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải “ra tay” yêu cầu UBND TP HCM khẩn trương kiểm tra, làm rõ thông tin.

Cần nhắc lại, tại Hội nghị với doanh nghiệp năm 2016 vào ngày 9/4, Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm khẳng định, lực lượng Công an không có chủ trương hình sự hoá. Ông đề nghị được cung cấp thông tin về những sai phạm của cán bộ trong Ngành. “Điều cấp thiết doanh nghiệp cần là sớm tháo gỡ mọi rào cản kinh doanh; tinh thần lớn nhất là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định như vậy.

Hơn lúc nào hết, cơ chế giám sát quyền lực, kiểm soát hoạt động của bộ máy công quyền (nhất là lực lượng “nhạy cảm”), tạo hành lang pháp lý an toàn, phát triển, gìn giữ sự trong sạch của bộ máy chính quyền đang là yêu cầu cấp thiết.

Theo Bao Phapluat

Link nội dung: https://phaply.net.vn/giam-sat-quyen-luc-co-quan-nhay-cam-nhat-a146223.html