Tại phiên họp vừa diễn ra của ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015, đại diện tổ biên tập cho biết đang có 16 điều luật mà tổ biên tập chưa thống nhất được là có sửa đổi, bổ sung hay không…
Ba vấn đề gây nhiều tranh luận nhất là về trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân thương mại phạm tội, việc truy cứu TNHS đối với hành vi xâm nhập chỗ ở của người khác và việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật.
Truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân: Sửa mới xử được?
Theo ông Đỗ Văn Đương, nguyên ủy viên Ủy ban Tư pháp, người trước đây trực tiếp tham gia vào quá trình rà soát lỗi trong BLHS 2015), vấn đề TNHS của pháp nhân thương mại phạm tội “không thể không sửa”.
Ông Đương và những người theo quan điểm này cho rằng để tương đồng với TNHS của cá nhân cũng như tạo thuận lợi cho quá trình áp dụng pháp luật thì cần quy định cụ thể một số vấn đề liên quan đến TNHS của pháp nhân như phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại phạm tội; vấn đề đồng phạm, phạm tội có tổ chức; thời hiệu truy cứu TNHS; miễn TNHS; tái phạm, tái phạm nguy hiểm… “Thực tế pháp nhân thương mại phạm tội có thể có đồng phạm, có tái phạm, tái phạm nguy hiểm… nhưng BLHS 2015 lại không quy định những vấn đề này” - ông Đương nói.
Một số ý kiến khác lại cho rằng các quy định liên quan đến TNHS của pháp nhân trong BLHS 2015 đều là vấn đề về chính sách hình sự, mới được Quốc hội khóa XIII thông qua, không phải là sai sót của bộ luật. Cạnh đó, đây là những quy định mới, chưa được áp dụng trong thực tiễn nên khó có cơ sở đánh giá tính hiệu quả, khả thi. Do vậy, trước mắt chỉ nên rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến TNHS của pháp nhân đối với từng tội danh cụ thể để có loại trừ phù hợp.
Ủng hộ quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nói “lật ra sửa cả Phần chung BLHS 2015 thì không được”. Ông Long đề xuất nếu thực tiễn áp dụng có khó khăn thì cơ quan chức năng sẽ ban hành văn bản hướng dẫn.
[caption id="attachment_145963" align="aligncenter" width="410"]
Người có trách nhiệm, quyền hạn nhưng để xảy ra giam, giữ quá hạn sẽ bị tội? Ảnh minh họa: HY[/caption]
Tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác: Xử hình sự?
Một vấn đề gây tranh luận khác là quy định tại điểm d khoản 1 Điều 158 BLHS 2015 (tội xâm phạm chỗ ở của người khác). Theo điều khoản này, chỉ cần một người tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp thì đã đủ yếu tố cấu thành tội xâm phạm chỗ ở của người khác. Mức hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Có ý kiến cho rằng quy định như vậy quá rộng, dễ dẫn đến xử lý hình sự tràn lan và đề nghị quy định lại về điều kiện chặt chẽ hơn. “Việc này ở Việt Nam rất phổ biến, nếu cứ chiếu theo điều luật là hình sự rồi. Quy định này rất không phù hợp với thực tiễn Việt Nam” - Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Công Phàn là một trong những người không tán thành quy định này. “Đi chúc tết thôi cũng bị xử lý hình sự?” - ông Đỗ Văn Đương bổ sung.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác lập luận rằng quyền con người là một trong những vấn đề trọng tâm được Hiến pháp 2013 đặc biệt quan tâm và đề cao, bao gồm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở nhằm bảo đảm môi trường sống an toàn cho người dân. Những người theo quan điểm này đề nghị giữ như quy định tại BLHS 2015 vì hoàn toàn phù hợp về lý luận và thực tiễn, góp phần bảo đảm cho người dân được sống trong môi trường an toàn, an ninh.
Cứ giam, giữ người quá hạn là bị tội?
Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 377 BLHS 2015, người thực hiện hành vi “không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam bị giam, giữ quá hạn” sẽ bị xử lý hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật.
Vấn đề này hiện cũng có những tranh luận trái chiều.
Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng việc xử lý hình sự trong trường hợp này quá rộng, cần quy định chặt chẽ hơn. Theo ông Trần Công Phàn, nếu đúng theo quy định này thì những người thi hành lệnh bắt, giam, giữ cứ quá lệnh một cái là sẽ bị xử lý hình sự mà không cần trước đó có bị kỷ luật hay hình thức xử lý nào khác hay chưa. Trong khi trên thực tiễn, việc quá hạn giam, giữ xảy ra không phải ít. “Thực tế có thể có lệnh rồi nhưng tống đạt chậm, không kịp. Thậm chí có trường hợp quá trình bắt tạm giữ còn đang tranh luận hình sự hay không hình sự, cần thời gian để xem xét, cân nhắc người đó có tội hay không có tội” - ông Phàn giải thích.
“Nếu cố ý giam, giữ người trái pháp luật hoặc cố ý truy cứu TNHS một người không có tội thì rõ ràng phạm tội rồi. Nhưng giờ cứ giam, giữ quá hạn là bị xử lý hình sự thì thực sự rất khó cho anh em làm tố tụng. Cần cân nhắc thêm về quy định này” - ông Phàn đề nghị.
Ngược lại, cũng có ý kiến lập luận quy định trên là cần thiết vì phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013 về tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Tai nạn giao thông, hậu quả sao mới khởi tố?
Trong một số tội xâm phạm an toàn giao thông, BLHS 2015 quy định phạm tội có khả năng thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác sẽ bị xử lý hình sự. Trong khi đó, BLHS hiện hành quy định phạm tội có khả năng thực tế gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng mới bị xử lý hình sự. Có ý kiến cho rằng quy định như BLHS 2015 là quá rộng, dễ dẫn tới xử lý tràn lan, cần thu hẹp phạm vi xử lý hình sự như quy định của BLHS hiện hành. Quan điểm khác lại cho rằng do có vướng mắc trong thực tiễn về việc không thể xác định được mức độ hậu quả mà hành vi phạm tội có khả năng gây ra nên BLHS 2015 đã sửa đổi, bổ sung để việc vận dụng pháp luật thuận lợi hơn. Nếu quy định như BLHS hiện hành thì sẽ không giải quyết được bất cập, vướng mắc. |
Theo Plo
Link nội dung: https://phaply.net.vn/sua-blhs-2015-ba-van-de-dang-con-tranh-luan-a145962.html