(Pháp lý) - Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV đã kiện toàn bộ máy nhà nước. Ngay trong kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Quốc hội đã cho cử tri cả nước thấy quyết tâm cao của các vị lãnh đạo Nhà nước vừa được bầu, cũng như đòi hỏi từ các đại biểu về trách nhiệm giám sát tối cao của Quốc hội.
Thông điệp nhậm chức
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV đã kiện toàn bộ máy Nhà nước theo đúng qui định của Hiến pháp. Sau lễ tuyên thệ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu rằng: “Trên cương vị người đứng đầu cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, tôi sẽ cùng tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội khoá XIV phát huy truyền thống 70 năm vẻ vang của Quốc hội Việt Nam, thực hiện có hiệu quả các chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao với toàn bộ hoạt động của Nhà nước".
[caption id="attachment_145851" align="aligncenter" width="410"] Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu trước Quốc hội[/caption]
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ: "Sẽ nỗ lực làm hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp; chủ động tham gia xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân".
Phát biểu trước Quốc hội sau lễ tuyên thệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn; xử lý nợ xấu chưa thực chất; dư địa chính sách và nguồn lực cho phát triển giai đoạn tới rất hạn hẹp. Chính phủ phải nỗ lực tinh giản bộ máy hành chính nhà nước các cấp, đi đầu trong việc tiết kiệm công quỹ, sử dụng tài sản công, xe công, đi công tác nước ngoài... Chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội.
Sự kiện Formosa cũng là bài học sâu sắc về chính sách tiếp nhận và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài. Chúng ta quyết không để tái diễn. Phải rà soát lại những dự án lớn, kiểm soát chặt chẽ các cam kết về môi trường, về chuyển giao công nghệ.
Phát biểu sau lễ tuyên thệ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Tôi sẽ cùng tập thể lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao phát huy truyền thống, đoàn kết một lòng, đề cao kỷ luật, xây dựng Tòa án nhân dân tối cao trong sạch và liêm chính, thực hiện tốt nhiệm vụ Hiến pháp quy định. Bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Chăm lo đội ngũ thẩm phán giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, để nhân danh Nhà nước đưa ra những phán quyết thượng tôn pháp luật, nghiêm minh và công bằng.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trân trọng đề nghị Quốc hội, các đại biểu Quốc hội ủng hộ và tăng cường giám sát hoạt động của Tòa án các cấp, để cùng xây dựng Tòa án nhân dân trở thành biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin, như mong đợi của nhân dân.
Lo ngại khi nợ công tăng nhanh
Nói về những thách thức, khó khăn Việt Nam đang phải đối mặt, báo cáo của Chính phủ nhận định đến cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP, nợ Chính phủ 50,3% (vượt trần quy định là 50%); nợ nước ngoài của quốc gia 43,1%. "Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn. Nếu tăng trưởng GDP năm 2016 không đạt mục tiêu 6,7% đề ra thì các tỷ lệ này sẽ còn cao hơn", Thủ tướng nhấn mạnh.
[caption id="attachment_145852" align="aligncenter" width="410"] Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: Đình Nam[/caption]
Năm 2015, nghĩa vụ chi trả nợ lãi trực tiếp bằng khoảng 8,4% tổng thu ngân sách Nhà nước. Chi trả nợ giai đoạn 2011-2015 gấp 1,86 lần giai đoạn 2006-2010. Dự báo chi trả nợ sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong các năm 2016, 2017 và 2018.
Trong khi đó, bội chi ngân sách liên tục ở mức cao trong nhiều năm. Thu ngân sách khó khăn, nhất là ngân sách trung ương; nợ đọng thuế còn lớn. Cơ cấu chi, theo Thủ tướng, còn bất hợp lý khi tỷ trọng chi đầu tư phát triển giảm, tỷ trọng chi thường xuyên lại tăng từ 55% lên 65%, trong đó chủ yếu do tăng chi cho con người và tiền lương. Bên cạnh đó, việc sử dụng vốn đầu tư còn kém hiệu quả”.
Một số ý kiến cho rằng mặc dù quản lý ngân sách nhà nước đã có nhiều tiến bộ song việc lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém xảy ra khá phổ biến ở nhiều bộ, ngành, địa phương, đó là việc quyết toán còn thiếu căn cứ, chưa sát thực tế, có tình trạng xây dự toán thu thấp so với thực tế, điều chỉnh bổ sung nhiều lần trong năm; việc chấp hành dự toán còn lỏng lẻo, kỷ luật tài chính không nghiêm kể cả thu, chi và quản lý nợ công, nổi lên nhất là quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, thất thoát lãng phí nợ đọng, ứng trước và chuyển nguồn hiệu quả đầu tư thấp...
Nhiều ý kiến lo ngại khi bội chi tăng dẫn tới nợ công tăng nhanh, cho rằng nợ công chưa phản ánh đúng thực tế. Các đại biểu cũng yêu cầu kỷ luật tài chính phải được thực hiện nghiêm và cần hoàn thiện hệ thống pháp luật để tăng cường quản lý tài sản công và tài chính công.
Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cho tiến hành thanh tra, kiểm tra đơn vị, đối tượng vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp bị kiểm toán phát hiện vi phạm; tiếp tục xem xét bổ sung những vấn đề Luật ngân sách nhà nước về sự phân cấp, thời gian chuyển giao quyết toán ngân sách giữa 2 nhiệm kỳ...
Formosa Hà Tĩnh gây quan ngại đặc biệt
Sáng 29/7, phiên thảo luận về kinh tế - xã hội đầu tiên của Quốc hội khoá 14 ghi nhận nhiều ý kiến về sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra. Đại biểu Trần Công Thuật (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình) cho hay, ảnh hưởng sự cố môi trường đến Quảng Bình rất nghiêm trọng, kéo lùi sự phát triển của tỉnh, cả về kinh tế - xã hội, an ninh trật tự và làm giảm lòng tin của nhân dân.
Theo Đại biểu Trần Công Thuật, ô nhiễm môi trường xảy ra khắp nơi, điển hình là sự cố ô nhiễm môi trường biển do công ty TNHH Formosa Hà Tĩnh gây ra đã ảnh hưởng lớn đến người dân, đến an ninh trật tự xã hội, đến lòng tin của người dân. “Sự cố này làm cho nền kinh tế Quảng Bình điêu đứng, lòng dân không yên. Bà con Quảng Bình rất bức xúc, phẫn nộ lên án hành động gây ra sự cố môi trường vừa rồi của Formosa”. Phải công khai minh bạch cái gì của dân được đền bù, cái gì là được hưởng từ hỗ trợ Nhà nước, Chính phủ; cái gì là Nhà nước đầu tư để giải quyết sự cố vừa qua", ông Thuật nhấn mạnh.
Lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Bình trăn trở đưa ra các câu hỏi đề nghị làm rõ và trả lời: Khi nào thì đánh cá vùng gần bờ được; khi nào thì yên tâm ăn hải sản được; khi nào thì môi trường biển an toàn? “Đúng là chúng ta vừa cần tôm cá, vừa cần thép nhưng có cần Formosa đến 70 năm không, một quả bom môi trường nằm sát kề khiến ai cũng lo lắng”, ông Thuật nói.
Cũng đến từ một tỉnh chịu ảnh hưởng của sự cố môi trường Formosa, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng: “Người dân đang hàng ngày, hàng giờ sống với lo âu khắc khoải. Đời sống sản xuất kinh doanh của người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sản phẩm đánh bắt ven bờ và xa bờ đều khó tiêu thụ, do đó tàu gần như nằm bờ hoàn toàn. Thu mua hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá không thể hoạt động được. Còn gì buồn hơn và lo lắng hơn khi người dân không ra khơi bám biển mà phải đi tìm kiếm việc làm khác mưu sinh kiếm sống” – đại biểu Đồng bày tỏ.
Cũng theo vị đại biểu tỉnh Quảng Trị, sự cố môi trường biển vừa qua không chỉ ảnh hưởng đến ngư dân mà khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành... cũng bị ảnh hưởng lớn. Lượng khách du lịch đến Quảng Trị giảm xuống, không được 1/10 so với cùng kỳ 2015.
Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017 gồm: giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 và việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Từ thực trạng trên, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị Chính phủ, Bộ ngành Trung ương mở rộng đối tượng thống kê thiệt hại trên tất cả các lĩnh vực để hỗ trợ thoả đáng, công bằng; tổ chức giám sát hoạt động của Formosa để không gây hậu quả tương tự, khôi phục hệ sinh thái ven bờ để sớm công bố trả lại môi trường biển và ngư trường cho dân.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho hay, người dân vẫn chờ câu trả lời bao giờ biển như xưa. Nếu không trả lời được câu hỏi này, cần xem lại sự tồn tại dự án Formosa.
Trước đó, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, về sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt, xác định nguyên nhân, đối tượng và có biện pháp khắc phục thiệt hại, hỗ trợ ổn định sản xuất và đời sống, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, xử lý nghiêm các vi phạm. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường còn nhiều hạn chế. Quy định về tiêu chuẩn môi trường còn bất cập, chậm được hoàn thiện; thực thi pháp luật về môi trường còn hình thức, giám sát thực hiện còn nhiều yếu kém, phát hiện xử lý vi phạm còn chưa kịp thời...
Tại phiên thảo luận về dự kiến chương trình giám sát năm 2017, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội giám sát dự án đầu tư nước ngoài gây hại tới môi trường, trọng điểm là dự án Formosa Hà Tĩnh. Ủng hộ đề xuất của ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Vũ Trọng Kim nói: “Phải có ủy ban lâm thời giám sát Formosa.Vụ việc ở Formosa không chỉ là sự cố môi trường mà là thảm họa môi trường”.
Tuy nhiên, chương trình Quốc hội giám sát hai chuyên đề vào năm 2017, trong đó không có nội dung liên quan đến sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra do Thường vụ Quốc hội đã giao cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trực tiếp giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường khu công nghiệp và khu kinh tế ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, trong đó có hoạt động của Formosa Hà Tĩnh.
Thái Đăng
Link nội dung: https://phaply.net.vn/tang-cuong-trach-nhiem-giam-sat-toi-cao-cua-quoc-hoi-thai-dang-a145850.html