Trung tướng Trần Văn Độ: Vị tướng luôn trăn trở vì một hệ thống pháp luật hướng thiện

(Pháp lý) - Nhiều người vẫn nghĩ, một nhân vật tầm cỡ, đứng đầu Tòa án quân sự Trung ương phải là người “hét ra lửa”, khuôn mẫu, nghiêm nghị, khó tính… nhưng Trung tướng Trần Văn Độ chắc chắn khác hẳn với những hình dung ấy! Ngoài sự khúc triết và mạch lạc vốn có của người làm công tác bảo vệ pháp luật ẩn sâu bên trong thì bên ngoài ông thường nói nhẹ, cười nhiều và có một lối sống bình dị.

Chỉ còn vài ngày nữa, Trung tướng Trần Văn Độ (Nguyên là Chánh Tòa quân sự Trung Ương) sẽ nhận quyết định nghỉ hưu. Ông đang bệnh phải nghỉ ngơi và dùng thuốc điều trị nhưng vẫn làm việc 4 tiếng/1 ngày. Trong căn phòng dưỡng bệnh, tôi đã có vinh dự được ông chia sẻ về những năm tháng của đời mình, chia sẻ về những trăn trở vì một hệ thống pháp luật hướng thiện, bảo vệ được quyền và quyền và lợi ích sinh mệnh của người dân.

“Nghề luật chọn tôi”

Sinh năm 1954 ở đất học Hà Tĩnh, khó khăn vất vả đã hun đúc ý chí ham học của thanh niên Trần Văn Độ. Thủa đôi mươi, là một học sinh học giỏi, ông có giấy gọi đi học đại học ở nước ngoài, nhưng trước cảnh đất nước thời chiến, được sự động viên của gia đình Trần Văn Độ nhập ngũ. Sau đó, vào cuối những năm 1974 đầu 1975 ông lại được đơn vị cử đi học. Nói về giai đoạn này, ông Độ vui vẻ: Tôi thích khối A để học về kĩ thuật nhưng đơn vị thấy tôi hiền hiền, lại khéo tay nên cử đi thi khối B để học Y. Năm đó, tôi đỗ thủ khoa toàn quốc khối B và vào học quân Y. Học được 4 tháng, quân đội lại có yêu cầu về cán bộ Luật cho tương lai, tôi lại được cử sang Liên Xô học Luật. Tôi là sinh viên đầu tiên được tiếp nhận vào học ở khoa Luật ở Trường đại học Lô mô nô xốp (Nga) sau nhiều năm dài gián đoạn.

[caption id="attachment_145451" align="aligncenter" width="410"]Trung tướng Trần Văn Độ Trung tướng Trần Văn Độ[/caption]

Đến bây giờ, khi nhớ về những ngã rẽ lớn trong cuộc đời mình, ông Độ vẫn cho rằng nó rất ngẫu nhiên. Ông bảo: Thực ra nghề chọn tôi chứ không phải tôi chọn nghề. Thủa ấy, tôi chỉ nghĩ vì đất nước cần mình, vì quân đội cần cán bộ có chuyên môn về Luật nên tôi luôn cố học cho thật giỏi. 31 tuổi tôi đã bảo vệ luận án tiến sĩ tại Liên Xô. Thời gian học tập ở Liên Xô khi ấy, cho tôi những kiến thức pháp lý hàn lâm rất tốt phục vụ cho quá trình làm việc, nghiên cứu của tôi sau này. Những vấn đề đến nay còn nguyên giá trị như: Mối quan hệ chế ước hiệu quả giữa các cơ quan tiến hành tố tụng (đó là mối quan hệ giữa cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, trong đó Viện kiểm sát giữ vai trò chỉ đạo quá trình điều tra, cơ quan điều tra thực hiện nhiệm vụ điều tra, Tòa án xét xử chỉ có chức năng xét xử, bảo vệ Công lý…); hay cách thức tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm phán tòa tối cao, vai trò quan trọng của Hội đồng trong giải thích và hướng dẫn áp dụng pháp luật, tổng kết thực tiễn xét xử, ban hành các tập phán quyết của Hội đồng tương tự như án lệ…; hay quan điểm tiến bộ về phòng ngừa tội phạm (coi trọng phòng hơn chống, xác định nguyên nhân, điều kiện của tình hình tội phạm chủ yếu từ các yếu tố tiêu cực, hạn chế của tình hình kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục… để từ đó có những giải pháp phòng ngừa khách quan, động viên toàn xã hội vào hoạt động phòng ngừa tội phạm…).

“Chưa từng tuyên án tử hình cho ai”

Trung tướng Trần Văn Độ làm việc ở Tòa án quân sự Trung Ương khoảng 30 năm. Ông trưởng thành từ vị trí của người thư kí tòa án rồi mới làm Thẩm phán. Trong suốt cuộc đời làm công tác bảo vệ pháp luật khi ở vị trí Thẩm phán hay lãnh đạo Tòa Quân sự, rồi Đại biểu Quốc hội, ông Độ luôn trăn trở về tính nghiêm minh, nhân đạo của pháp luật. Là người đứng đầu các Tòa án quân sự, Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao trong nhiều năm, nhưng triết lý của ông thật đơn giản: Tôi cố gắng để xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; cố gắng giúp đỡ những con người lầm lỗi để họ trở về với đời thường. Tôi vui khi thấy công lý được thực thi. Mấy chục năm làm thẩm phán, tôi cũng chưa từng tuyên án tử hình cho ai. Có những lúc, tôi phải đối diện với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà bị cáo bị Toà án cấp sơ thẩm tuyên án tử hình, nhưng chính tôi lại là người điều tra kĩ lưỡng, tìm hiểu tận cùng vụ việc để “tuyên án đúng pháp luật, cứu vớt một con người”; giảm hình phạt tử hình cho bị cáo.

Trong thời gian làm lãnh đạo Tòa Quân sự, ông Độ đã có không ít những “tham mưu, chỉ đạo thép” giúp công lý được thực thi và nhận được sự đồng thuận lớn của nhân dân. Có một vụ án mà ông nhớ mãi. Đó là vụ án giết người mà bị cáo là Phó ty công an, Chỉ huy trưởng Công an vũ trang (sau này là Bộ đội biên phòng) tỉnh M và một sĩ quan dưới quyền đã tổ chức bắn chết một Chính trị viên đồn biên phòng, vu cho đồng chí đó là phản động. Thực chất, hành vi giết người của các bị cáo là để che dấu những việc làm tham lam, khuất tất của các bị cáo trong việc cho công dân “xuất cảnh” trong thời kỳ phức tạp những năm bảy mươi của thế kỷ trước mà nạn nhân biết được và không đồng tình. Vụ án bị chìm xuồng nhiều năm. Sau này khi lực lượng biên phòng được chuyển về quân đội thì vụ án được khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử. Tuy nhiên, chỉ người trực tiếp thực hiện hành vi bắn đồng đội bị tội giết người; còn Phó ty Công an, người chỉ đạo, tổ chức giết người chỉ bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm. Thế nhưng trong giai đoạn xét xử, được sự tham mưu chặt chẽ, đúng đắn của ông Độ, lãnh đạo Toà án quân sự trung ương đã chỉ đạo kiên quyết, cả 2 bị cáo trong vụ án đều bị kết án về Tội giết người. Đây là một vụ án được người dân quan tâm, khi thấy kết quả xét xử như vậy, nhân dân rất đồng tình. Ông rất nhớ, khi HĐXX từ Đất Mũi trở về, nhân dân đứng kín ở hai ven đường hang cây số vỗ tay đưa tiễn. Tiếp theo vụ án được xét xử lại nhiều lần, một lần phúc thẩm, hai lần giám đốc thẩm của Uỷ ban Thẩm phán và Hội đồng Thẩm phán nhưng kết quả xét xử sơ thẩm vẫn không thay đổi.

Dưới thời ông Trần Văn Độ, Tòa án Quân sự không chỉ có những vụ án được đưa ra xét xử ví như “công lý thép” mà còn có những vụ án đượm tình người, mở ra cho con người cơ hội sống. Ông Độ kể lại: Có một cậu lính mới thường xuyên bị lính cũ bắt nạt. Vào một buổi tối, khi đang canh gác, cậu nhìn thấy người bạn thân của mình bị 5 người lính cũ hay đánh mình đuổi đánh. Vì đang đứng gác, có súng trên tay, cậu bóp cò bắn chết 3 người, làm bị thương 2 người. Toà án cấp sơ thẩm xử cậu tử hình. Phúc thẩm, tôi được giao xét xử vụ án. Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án tôi nhận thấy, cậu lính gây thảm án là một phần do lỗi rất nghiêm trọng của các bị hại (Cậu từng bị đánh dã man 7 lần trước đó) và do lỗi quản lý quân nhân của đơn vị; xét thấy bị cáo còn có thể cải tạo, giáo dục trở thành người lương thiện, tôi đã thuyết phục các thành viên Hội đồng xét xử quyết định sửa án sơ thẩm, tuyên cậu mức án chung thân. Lời nói cuối cùng trong phiên tòa, cậu lính chỉ nói được câu: Con lạy quan tòa rồi ngất lịm ngay sau đó vì sung sướng. Tôi được biết, sau 15 năm chấp hành án, cấu ấy được tha tù trước thời hạn, về đời thường và đã trở thành một doanh nhân thành đạt.

Công tác bảo vệ pháp luật trong giai đoạn hiện nay, tôi thấy hiếm có người trăn trở về tính nhân đạo của pháp luật nhiều như ông Độ. Ông không ủng hộ án tử hình. Ông bảo: Số đông vẫn chăm chăm thích áp dụng hình phạt tử hình nhưng theo tôi hình phạt tử hình chỉ thoả mãn nỗi bực tức của con người mà ít có giá trị phòng ngừa. Hơn nữa, việc áp dụng hình phạt tử hình có thể gây hệ luỵ không nhỏ cho xã hội. Những gia đình, dòng họ có người bị kết án tử hình sẽ rất khổ sở, chịu không ít sự kỳ thị của xã hội; họ ra đường chẳng dám ngẩng mặt lên; con cháu của họ khó có thể học tập, làm ăn, lập nghiệp bình thường như những người khác… Và không khéo, đó sẽ là mầm mống phát sinh tội phạm trong tương lai…

Quan điểm khác số đông…

Theo dõi dư luận và diễn đàn Quốc Hội, người ta thấy Đại biểu Quốc hội Trần Văn Độ thường là người đưa ra những quan điểm có phần trái chiều với số đông. Còn nhớ, ông là người công khai lên tiếng ủng hộ việc bỏ tử hình đối với tội tham nhũng và giảm án tử hình với tội phạm tham nhũng nếu nộp lại phần lớn tài sản tham nhũng. Trước đó ông cũng là người khởi xướng đề xuất “cần truy trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân”. Kiên trì đưa ra quan điểm, lập luận vững chắc, sau này những ý kiến của ông đã dần được thể chế trong các quy định pháp luật.

[caption id="attachment_145452" align="aligncenter" width="410"]Trung tướng Trần Văn Độ tại hội thảo góp ý dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Ủy ban Tư pháp Quốc hội tổ chức Trung tướng Trần Văn Độ tại hội thảo góp ý dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Ủy ban Tư pháp Quốc hội tổ chức[/caption]

Trước đó, từ những năm 1990, tại một Đại hội trong Quân đội, với tầm nhìn của người am hiểu chính trị, pháp lý, khi góp ý cho Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ, ông Độ cũng là người đưa ra quan điểm tương đối lạ ở thời đó là ta cần nghiên cứu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo hướng phân biệt rõ các cơ quan thực hiện chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp và các cơ quan đó kiểm soát quyền lực lẫn nhau. Nhiều người cho rằng đó là những quan điểm của nhà nước tư sản, thậm chí chụp mũ cho rằng đó là quan điểm phản động nên phản đối gay gắt… Tuy nhiên sau này, những quan điểm đó được xác định là tiến bộ, dần dần được đưa vào các Nghị quyết của Đảng và cụ thể trong các Hiến pháp nước ta, đặc biệt là Hiến pháp năm 2013.

Trước những quan điểm có phần không giống số đông, hỏi ông, có sợ những dư luận không hay hoặc quy chụp về mình? Ông nở nụ cười thanh thản: Tôi làm việc vì nghĩ việc đó tốt cho dân, tốt cho đất nước. Tôi cũng quan niệm và thường xuyên nhắc nhở mình “Trong tranh luận, ý kiến thiểu số nếu được xem xét kỹ càng, thoả đáng có khi là động lực cho sự phát triển của xã hội. Đừng chú ý quá mức đến số đông mà xem nhẹ ý kiến cá nhân”.

Sống sẻ chia và…

Không những là nhà chuyên môn, nhà quản lý, vị tướng trong quân đội, ông Trần Văn Độ còn là một nhà khoa học, nhà Giáo thực thụ. Ông bảo vệ Luận án tiến sĩ luật tại ngôi trường danh giá lúc mới chỉ 31 tuổi; là Phó Giáo sư luật lâu năm. Ông không nói, nhưng tôi biết ông là một trong những người có đóng góp lớn cho khoa học pháp lý nước nhà; ông đã tham gia giảng dạy, trực tiếp hướng dẫn thành công hàng chục tiến sỹ, hàng trăm thạc sỹ chuyên ngành luật. Học trò của ông, ai cũng nhắc đến ông với lòng kính trọng, cảm phục và tin tưởng.

Không những là nhà chuyên môn, nhà quản lý, vị tướng trong quân đội, ông Trần Văn Độ còn là một nhà khoa học, nhà Giáo thực thụ. Ông bảo vệ Luận án tiến sĩ luật tại ngôi trường danh giá lúc mới chỉ 31 tuổi; là Phó Giáo sư luật lâu năm. Ông không nói, nhưng tôi biết ông là một trong những người có đóng góp lớn cho khoa học pháp lý nước nhà; ông đã tham gia giảng dạy, trực tiếp hướng dẫn thành công hàng chục tiến sỹ, hàng trăm thạc sỹ chuyên ngành luật. Học trò của ông, ai cũng nhắc đến ông với lòng kính trọng, cảm phục và tin tưởng.

Ngoài 60 tuổi và chuẩn bị nghỉ hưu. Sự thanh thản hiện lên trên khuôn mặt của vị tướng già. Ông không ngồi bàn thế sự với vẻ chua chát, buồn phiền như bao người thời nay khi nhắc đến thời cuộc. Mỗi khi thấy những vấn đề còn tồn tại, ông thẳng thắn góp ý kiến để khắc phục.

Không chỉ thành công trong sự nghiệp, Trung tướng Trần Văn Độ còn có cuộc sống riêng hạnh phúc vì được yêu thương, sẻ chia. Bà Trần Thị Lan là vợ của Trung tướng là một giảng viên đại học ngoại ngữ đã về hưu. Trong nhiều sự kiện pháp luật và xã hội, ông có quan điểm riêng và thường chọn người bạn đời của mình để trò chuyện. Bà vẫn luôn động viên: Ý kiến của anh tốt. Em tin nó có ý nghĩa cho xã hội, anh hãy cố gắng giải thích và chia sẻ với mọi người. Chính sự động viên của bà đã nhiều lần cổ vũ cho ông Độ.

Khi còn là thanh niên tuổi đôi mươi, ông đã trực tiếp chiến đấu cho đất nước. Cả quãng đời sau đó, dù làm thư kí tòa, thẩm phán, Tướng lĩnh trong quân đội và Đại biểu Quốc hội, ông vẫn ý niệm làm vì dân, vì đất nước. Đến thời nghỉ hưu, hỏi ông trăn trở, ông chia sẻ cũng là những ý nghĩ liên quan đến dân: Mong mỏi nhà nước kiến tạo được những chính sách tốt cho dân. Mong cải cách kinh tế, xã hội chống tham nhũng hiệu quả, cải cách hành chính để dân đỡ khốn khổ. Đặc biệt là xây dựng cho được hệ thống pháp luật nhân đạo, hướng thiện, vì con người. Những ý nghĩ đó trong Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Độ làm ông trở nên lớn lao…

Anh Tâm

Link nội dung: https://phaply.net.vn/trung-tuong-tran-van-do-vi-tuong-luon-tran-tro-vi-mot-he-thong-phap-luat-huong-thien-a145450.html