Bổ nhiệm người đứng đầu DNNN và những thách thức

(Pháp lý) - Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một nguồn lực lớn của nền kinh tế, nên người đứng đầu hết sức quan trọng. Tuy nhiên, thực tế đang bộc lộ những bất cập nghiêm trọng, dẫn đến nhiều trường hợp bổ nhiệm không thỏa đáng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

>>Những đại dự án nghìn tỷ chết yểu, trách nhiệm thuộc về ai?

Gây thua lỗ nhưng vô can và thăng tiến

Ngày11/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông báo về kỳ họp thứ IV và thứ V của Ủy ban. Tại hai kỳ họp này, Ủy ban đã xem xét, kết luận việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016. Trong đó, một nội dung cơ bản Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận là ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm về khoản lỗ 3.200 tỷ tại PVC.

Thời gian từ năm 2007 - 2013, trên các cương vị là Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh và lãnh đạo Tổng Công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế; đã để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng, nhiều tổ chức, cá nhân trong Tổng Công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự.

[caption id="attachment_145230" align="aligncenter" width="410"]Mặc dù gây thua lỗ trăm tỷ tại PVFI nhưng Vũ Quang Hải – con trai nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lại được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT Sabeco Mặc dù gây thua lỗ trăm tỷ tại PVFI nhưng Vũ Quang Hải – con trai nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lại được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT Sabeco[/caption]

"Những vi phạm, thua lỗ nêu trên là nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Với cương vị là người đứng đầu, ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên. Tuy nhiên, ông Trịnh Xuân Thanh chưa nghiêm túc, thành khẩn tự giác nhận trách nhiệm, khuyết điểm, vi phạm của bản thân", báo cáo có đoạn viết.

Một người để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng nhưng không bị xử lý kỷ luật, lại tiếp tục được đề bạt lên chức vụ cao hơn là một thách thức trong công tác cán bộ hiện nay. Trở lại vấn đề bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, tại Bộ Công Thương còn có những vụ bổ nhiệm tai tiếng tương tự mà kỳ này mới lộ sáng. Đó là trường hợp ông Vũ Quang Hải – con của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, dù gây thua lỗ trăm tỷ tại PVFI nhưng lại được bổ nhiệm làm sếp Sabeco.

Ở tuổi 25, Vũ Quang Hải đã là Tổng giám đốc CTCP Đầu tư tài chính công đoàn Dầu khí (PVFI) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Tại vị trí này 2 năm PVFI lỗ trên 220 tỷ đồng (năm 2011 lỗ 155 tỷ đồng, năm 2012 lỗ 67 tỷ đồng), ông Hải được luân chuyển về Bộ Công Thương làm Phó Giám đốc trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại. Trong khi trước thời điểm ông Hải về PVFI, doanh nghiệp được thành lập từ năm 2007 và cả 3 năm sau đó (2008-2010) PVFI đều có lãi.

Sau khoảng hơn 1 năm công tác tại Bộ Công Thương, tại tờ trình về việc đề cử nhân sự để bầu bổ sung thành viên HĐQT do Chủ tịch Sabeco, ông Phan Đăng Tuất (khi ấy) ký cho biết, nhằm tăng cường nhân sự trẻ, có năng lực và kinh nghiệm quản lý, điều hành doanh nghiệp làm tiền đề cho việc trẻ hoá nguồn cán bộ lãnh đạo của Tổng Công ty, HĐQT kính trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc bầu bổ sung ông Vũ Quang Hải (sinh năm 1986), hiện là cán bộ đang công tác tại Bộ Công Thương hàm Phó Vụ trưởng làm thành viên HĐQT Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Trong văn bản gửi đích thân nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng ngày 13/6, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã đặt hàng loạt câu hỏi: “Việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải khi mới 25 tuổi làm Tổng Giám đốc PVFI là đúng hay sai, ai chịu trách nhiệm gánh hậu quả làm mất vốn nhà nước và vốn của 4.700 cổ đông?”.

Cũng tại Sabeco, VAFI chỉ ra một trường hợp khác là ông Võ Thanh Hà, tháng 9/2015, Bộ Công Thương đã trao quyết định uỷ quyền đại diện đối với phần vốn Nhà nước tại Sabeco cho ông Võ Thanh Hà thay cho ông Phan Đăng Tuất, người đã có quyết định thôi quản lý phần vốn Nhà nước Sabeco vào giữa tháng 8.

Ông Võ Thanh Hà sinh năm 1974. Trước khi về Sabeco, ông Võ Thanh Hà giữ vị trí Chánh văn phòng Bộ Công Thương từ tháng 2/2015. Trước đó, ông đảm nhiệm vị trí Phó Chánh văn phòng kiêm Thư ký nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

“Bài thuốc” nào cho công tác bổ nhiệm cán bộ

VAFI cũng đặt câu hỏi: “Cơ sở pháp lý nào để bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải lên chức danh Phó Vụ trưởng, người mới chỉ làm công chức được 1 năm, không biết hoạch định chính sách lại đang chịu án kỷ luật tại PVFI vì theo quy định Tổng Giám đốc làm thua lỗ 2 năm sẽ bị cách chức?”.

Ngoài ra, VAFI cũng đặt câu hỏi, cơ sở pháp lý nào để bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm thành viên HĐTQ và Phó Tổng Giám đốc của Sabeco. Thậm chí, đặt giả thiết, nếu ông Vũ Huy Hoàng chuyển giao Sabeco về SCIC thì sẽ không có chuyện bổ nhiệm con ruột của mình vào vị trí quyền lực nhất tại Sabeco.

Hay việc bổ nhiệm ông Võ Thanh Hà – một người chưa một ngày làm doanh nghiệp làm Chủ tịch Sabeco là điều rất bất thường. VAFI trong một văn bản gửi Bộ Công Thương mới đây cũng cho biết, Chủ tịch Sabeco về năng lực ít nhất phải bằng 20% năng lực của những người như ông Trương Gia Bình (FPT), bà Mai Kiều Liên (Vinamilk)… chứ không thể chọn một người lơ mơ về quản trị doanh nghiệp như ông Võ Thanh Hà.

[caption id="attachment_145231" align="aligncenter" width="410"]Ông Võ Thanh Hà, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Công thương chưa một ngày làm DN, nhưng được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Sabeco - một Quyết định bất thường của Bộ Công thương Ông Võ Thanh Hà, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Công thương chưa một ngày làm DN, nhưng được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Sabeco - một Quyết định bất thường của Bộ Công thương[/caption]

 

Những câu hỏi đó có thể trả lời “đúng qui trình” nhưng vấn đề bổ nhiệm lãnh đạo DNNN nói riêng và cán bộ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước, cả hệ thống chính trị nói chung sao cho đúng người đúng việc, xứng đáng và phù hợp là một thách thức lớn hiện nay.

Để giải bài toán này có lẽ phải bắt đầu từ sự dân chủ trong các cơ quan quản lý, cơ quan có quyền bổ nhiệm, dân chủ từ chính doanh nghiệp, để người có đủ năng lực, điều kiện có cơ hội được giới thiệu, để hoạt động đề cử, ứng cử thật sự bình đẳng. Nếu có dân chủ thực sự thì những trường hợp không đủ tiêu chuẩn khó có thể lọt lưới.

Thứ hai là sự minh bạch, phải minh bạch ngay từ tiêu chuẩn, tiêu chí đặt ra cho vị trí cần lựa chọn cán bộ. Sau đó là minh bạch trong đánh giá, tuyển chọn cán bộ. Đánh giá cán bộ là khâu quan trọng có ý nghĩa rất lớn trong công tác cán bộ. Đánh giá đúng, chính xác là căn cứ để lựa chọn, sắp xếp, bố trí, đề bạt, sử dụng cán bộ đúng với năng lực, sở trường, là căn cứ để công tác cán bộ chủ động trong việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và bổ nhiệm.

Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng phải đổi mới dứt khoát, mạnh mẽ hơn nữa công tác tổ chức cán bộ theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch.

Đảng lãnh đạo để chuyển mạnh sang cơ chế tranh cử thực chất, bầu cử có số dư, nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình. Nếu trước khi ông Trịnh Xuân Thanh được cân nhắc một vị trí mới nào đó, thực hiện công khai hồ sơ bổ nhiệm để người dân, cán bộ, đảng viên đánh giá xem việc bổ nhiệm đó là đúng hay sai, thì chắc không đến nỗi kết cục như hôm nay.

Thứ ba, kiên quyết chống tham nhũng. Đó là vấn đề tưởng như xa với công tác cán bộ nhưng đây lại là yếu tố có tính mấu chốt. Bởi lẽ tham nhũng như loại vitrùng gây bệnh có thể tác động làm sai lệch tất cả hoạt động bình thường của cả hệ thống. Triệt tiêu tham nhũng, triệt tiêu chạy chọt trong công tác cán bộ thì mới có thể chọn ra người xứng đáng để trao trọng trách gánh vác doanh nghiệp nói riêng hay cơ quan quyền lực nói chung.

Trong vụ việc này, dư luận cũng quan tâm vì sao một người có vấn đề như ông Trịnh Xuân Thanh lại “đi” qua tất cả khâu trong công tác cán bộ. Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương, cho rằng nhiều khi “đúng quy trình” rồi thì tiêu cực vẫn xảy ra. Chính vì vậy, gốc rễ của vấn đề là các cơ quan chức năng cần sớm trả lời câu hỏi mà Tổng bí thư đã nêu trong một số hội nghị về công tác tổ chức xây dựng Đảng gần đây, đó là: “Phải làm sáng tỏ những vấn đề dư luận quan tâm rằng có hay không việc chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển?”

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước thì cho rằng: Chạy chức chạy quyền nó cũng phải có đường dây, một anh xin, một anh cho mới hình thành một đường dây. Nhóm lợi ích theo tôi manh nha bắt nguồn chính từ cơ chế xin – cho, cấp dưới xin cấp trên, lợi ích của họ gắn với nhau tạo nên các mắt xích. Khi các mắt xích khép kín thành đường dây thì việc phát hiện sẽ vô cùng khó khăn vì họ sẵn sàng bao che cho nhau. Bao che cho đồng bọn cũng chính là bao che cho mình. Do đó, tôi nhắc lại, muốn giải quyết triệt để thì phải giải quyết cả đường dây, cả nhóm lợi ích chứ không thể xử một mắt xích riêng lẻ.

Xem ra làm trong sạch bộ máy cán bộ, từ khâu đào tạo, giáo dục, tuyển chọn đến bổ nhiệm, thuyên chuyển… là  một thách thức đòi hỏi nhiều quyết tâm và sự nỗ lực thực sự.

Thái Vũ

 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/bo-nhiem-nguoi-dung-dau-dnnn-va-nhung-thach-thuc-a145229.html