Để Luật Phòng, chống tham nhũng không “lạc hậu” với tội phạm tham nhũng...

(Pháp lý) - LTS: Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã có vài lần sửa đổi, bổ sung nhưng dường như thực thi một thời gian lại “lạc hậu” so với tội phạm tham nhũng, khiến công cuộc PCTN vẫn chưa được như dân kỳ vọng. Trong chương trình làm việc của Quốc hội khóa XIV, nhiệm vụ “vá những lỗ hổng” của Luật này sẽ được đặt ra. Từ số Tạp chí này, Pháp lý sẽ lần lượt đăng tải những bài viết phân tích của các chuyên gia pháp luật, các ĐBQH góp ý tiếp tục hoàn thiện Luật PCTN.

Bài 1: Vì sao tham nhũng vẫn chưa giảm?

Tham nhũng nhiều phát hiện ít. Tham nhũng gây thiệt hại nghìn tỉ nhưng chỉ thu về được vài chục tỉ. Tội phạm tham nhũng không sợ luật và không có chiều hướng giảm...Tại sao vậy?

Kê khai tài sản hình thức

Kê khai tài sản được coi là một biện pháp quan trọng trong phòng và chống tham nhũng. Kê khai tài sản để kiểm soát tài sản tăng bất thường của người có chức sự và giúp cơ quan chống tham nhũng thu hồi tài sản khi tham nhũng xảy ra. Hiện nay, Việt Nam có gần 1 triệu người trong diện kê khai tài sản nhưng biện pháp phòng chống tham nhũng này vẫn chỉ mang tính hình thức.

[caption id="attachment_145035" align="aligncenter" width="410"]Tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, nhức nhối (từ tham nhũng vặt đến tham nhũng có tổ chức), nhưng phát hiện tham nhũng còn ít (ảnh minh họa) Tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, nhức nhối (từ tham nhũng vặt đến tham nhũng có tổ chức), nhưng phát hiện tham nhũng còn ít (ảnh minh họa)[/caption]

 

Hiện chúng ta kê khai nhưng công khai ít và chỉ một tỷ lệ nhỏ được xác minh. Nguyên do là một số cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm việc kê khai chưa quyết liệt và thiếu tính chủ động. Lực lượng thực hiện quản lý kê khai cũng chưa chuyên nghiệp và còn kiêm nhiệm nhiều việc khác.

Ngoài ra một thực tế khách quan khiến việc kê khai tài sản gắn với PCTN còn kém hiệu quả đó là chúng ta còn sử dụng tiền mặt và không quản lý được vấn đề này. Bởi vậy ta không quản lý được nguồn thu nhập ở bên ngoài vào nên khó chống được tội hối lộ và vấn nạn phong bì.

Chưa có biện pháp đặc biệt thu hồi tài sản tham nhũng

3 tháng đầu năm 2016 phát hiện được 4 vụ tham nhũng với số tiền 3,1 tỷ đồng nhưng TTCP chỉ kiến nghị thu hồi 196 triệu đồng. Trước đó, hoạt động này cũng kém hiệu quả. Cụ thể, năm 2013 tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam là dưới 10%, năm 2014 là khoảng 22%.

Đặc biệt, ở các vụ đại án tham nhũng, số tiền thi hành xong rất nhỏ, “thua xa” so với tổng số tiền còn phải thi hành. Vụ Huỳnh Thị Huyền Như mới thi hành được khoảng hơn 180 tỷ đồng. Còn hơn 13 nghìn tỷ đồng phải thi hành, nhưng trong đó có hơn 9 nghìn tỷ đồng phải đưa vào hồ sơ diện chưa có khả năng THA. Còn 22 tài sản, nhà đất tạm tính khoảng 500 tỷ đồng đã kê biên cũng chưa thi hành được. Đây là một tỷ lệ quá thấp so với mục tiêu của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng là thu hồi tài sản bị thiệt hại.

Nguyên nhân là do pháp luật Việt Nam quy định việc thu hồi tài sản tham nhũng chủ yếu thông qua việc thi hành bản án hình sự bởi vậy cơ quan thi hành án chỉ thi hành khi có đơn yêu cầu. Vì vậy có kiến nghị cần xem xét đến việc sửa Luật Thi hành án, và cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý, sử dụng khối tài sản của Nhà nước cũng như tăng trách nhiệm đối với cơ quan thi hành án trong việc thu hồi tài sản công.

Một nguyên nhân khác khiến thu hồi tài sản tham nhũng không hiệu quả là do trong quá trình giải quyết các vụ án tham nhũng, các cơ quan tố tụng chưa thực sự quan tâm đến việc kê bên tài sản của đương sự để bảo đảm THA nên đến giai đoạn THA, đương sự không còn tài sản để THA. Nhiều tài sản đã bị tẩu tán, chuyển dịch hết trước thời điểm bản án quyết định của TA có hiệu lực pháp luật. Chỉ còn những tài sản có giá trị nhỏ, không đáng kể, không đủ bảo đảm THA.

Chưa siết được trách nhiệm người đứng đầu

Chính phủ đã có quy định về việc xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng. Tuy nhiên, thực tế xử lý tham nhũng cho thấy chưa phản ánh đúng trách nhiệm của người đứng đầu.

Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2014 của Thanh tra Chính phủ cho thấy: Trong năm 2014 lực lượng cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý 415 vụ án, 1.031 bị can phạm tội về tham nhũng; viện KSND các cấp đã truy tố 329 vụ, 751 bị can về tội tham nhũng; TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm 287 vụ, 675 bị cáo về các tội danh tham nhũng. Cũng theo báo cáo này, năm 2014 có 48 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng ở đơn vị mình. Trong đó ba người bị xử lý hình sự, năm người bị cách chức, 40 người bị xử lý kỷ luật các hình thức cảnh cáo, khiển trách.

[caption id="attachment_145036" align="aligncenter" width="400"]Thu hồi tài sản tham nhũng ở các vụ án lớn còn kém hiệu quả [ảnh: Phạm Thanh Bình và đồng bọn (3 bị cáo đứng hàng trên cùng) trước vành móng ngựa] Thu hồi tài sản tham nhũng ở các vụ án lớn còn kém hiệu quả [ảnh: Phạm Thanh Bình và đồng bọn (3 bị cáo đứng hàng trên cùng) trước vành móng ngựa][/caption] 

Những con số trên cho thấy người đứng đầu bị xử lý vì hành vi tham nhũng thấp hơn rất nhiều so với số cấp dưới bị xử lý và số vụ tham nhũng được đưa ra xét xử. Điều này dường như không phù hợp khi mà từ năm 2006, Chính phủ đã ban hành nghị định “Quy định việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng” (sửa đổi bổ sung vào tháng 12/2013). Trong nghị định này đã quy định rõ người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, nếu để xảy ra vụ, việc tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thì tùy theo tính chất, mức độ của vụ việc sẽ xử lý kỷ luật bằng một trong những hình thức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức.

Bên cạnh đó, thực tế còn cho thấy “mặt trái” khác từ quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Có không ít cơ quan, đơn vị, địa phương rơi vào tình trạng người đứng đầu vì sợ trách nhiệm, sợ ảnh hưởng tới thành tích tập thể, ảnh hưởng tới lợi ích cá nhân nên khi có vụ việc liên quan đến tham nhũng ở đơn vị mình đã bằng mọi giá bưng bít, ém nhẹm, thậm chí còn tìm cách bịt miệng các đối tượng bị cho là nguy cơ rò rỉ thông tin... Tinh vi hơn có người đứng đầu chọn cách đứng ngoài cuộc, “giữ bàn tay sạch” bằng cách để cho tay chân thân tín của mình thực hiện hành vi tham nhũng để khi có động tĩnh gì thì đứng ra tiếp xúc với cấp trên, với thanh tra hoặc cơ quan bảo vệ pháp luật. Lúc đấy “bàn tay sạch” sẽ dễ bề thuyết phục, đề xuất theo chiều hướng có lợi để gỡ tội, chạy tội cho đàn em. Chính sự bưng bít hoặc “giữ bàn tay sạch” để can thiệp mà đã có hàng ngàn cuộc thanh tra, kiểm tra mỗi năm nhưng kết quả chủ yếu là xử lý hành chính, xử lý nội bộ, hãn hữu lắm mới chuyển một số ít vụ sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự với hành vi tham nhũng.

Các sai phạm phát hiện được qua thanh tra chủ yếu là thiếu sót về thủ tục, giá trị xử lý thấp. Các kết luận thanh tra vẫn nặng về các cụm từ: đầu tư dàn trải, không hiệu quả, do thiếu kiến thức dẫn đến sơ suất... Rà soát lại những vụ việc, vụ án trong thời gian qua, chúng ta không khó để chỉ ra những vụ việc, vụ án nghiêm trọng nhưng đối tượng chỉ cần khắc phục hậu quả là thoát được trách nhiệm hình sự bằng cách đổ lỗi cho cơ chế, biến trách nhiệm cá nhân thành trách nhiệm tập thể, nếu bị xử lý chỉ là xử lý hành vi cố ý làm trái hay thiếu trách nhiệm vì không rõ hành vi “vụ lợi”. Từ đó đã dẫn đến thực trạng đầu vào của quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng còn quá ít.

Thiếu một cơ quan độc lập chống tham nhũng

Đấu tranh chống tham nhũng tức là đấu tranh chống lại các hành vi trái pháp luật của những người có chức vụ, quyền hạn nằm trong bộ máy nhà nước, hay nói cách khác là đấu tranh với thói hư tật xấu của những kẻ cầm quyền. Cuộc chiến này không giống như hoạt động chống các tội phạm thông thường. Do đó, để đạt hiệu quả không nên chỉ chú trọng giao nhiệm vụ chống tham nhũng cho các cơ quan bảo vệ pháp luật mà phải thành lập tổ chức chống tham nhũng độc lập với các cơ quan nhà nước. Tổ chức này phải có những quyền hạn nhất định, được áp dụng các biện pháp trong sạch, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chức, trước hết phải có những quy định cụ thể về chức trách, nhiệm vụ, quy chế làm việc, trách nhiệm rõ ràng. Đề cao đạo đức nghề nghiệp, tinh thần tôn trọng và phục vụ nhân dân. Nhà nước phải quản lý công chức chặt chẽ, áp dụng các biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm minh, trường hợp phạm tội phải xử lý hình sự nặng hơn so với công dân bình thường.

Ông Huỳnh Phong Tranh thủ lĩnh ngành Thanh Tra từng chia sẻ: Ngành thanh tra hằng năm có quá nhiều đợt thanh tra trên 10.000 cuộc thanh tra ở các cấp, các ngành, kể cả thanh tra chuyên ngành. Bên cạnh nhiều cuộc thanh tra chất lượng tốt cũng có một số cuộc thanh tra chất lượng không cao, tính khả thi không cao. Cho nên khi kết luận thanh tra thực hiện không được, có vướng mắc. Thứ hai, quy định chế tài trong xử lý kết luận thanh tra vừa qua chưa mạnh, chưa đủ nên cũng chưa thực hiện có hiệu quả. Thứ ba, chưa có cơ quan chuyên trách theo dõi thực hiện kết luận thanh tra .

Ở ta đang có tỉ lệ 2000 thanh tra mới phát hiện được 1 vụ tham nhũng. Hay tình trạng Thanh tra của 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không phát hiện được tội phạm tham nhũng. Có những hạn chế như vậy là ta thiếu một cơ quan phòng chống tham nhũng đủ sức mạnh. Phải xây dựng những tổ chức chống tham nhũng đủ mạnh, độc lập trong điều tra và khách quan trong xử lý. Đồng thời, phát huy vai trò của các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan Thanh tra, Giám sát trong việc phát hiện và xử lý tham nhũng.

Lỏng lẻo trong hợp tác quốc tế

Tội phạm tham nhũng có bản chất xuyên quốc gia. Tham nhũng có thể có yếu tố nước ngoài và cấu kết với nước ngoài để “giấu tài sản”, Bởi vậy, trong quá trình điều tra tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ với các nhà nước và tổ chức Quốc tế.

Việt Nam là nước sớm tham gia Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Đây là một bước tiến bộ. Tuy nhiên những quy định hiện hành trong pháp luật Việt Nam lại có nhiều hạn chế, chưa tương thích để phù hợp với các quy định cụ thể. Cụ thể, quy định hiện hành của Việt Nam về tương trợ tư pháp không quy định rõ về việc cho phép lập lệnh thu hồi tài sản nước ngoài. Việc điều tra tham nhũng xuyên quốc gia còn nhiều khó khăn. Điều đó làm giảm hiệu quả của tham nhũng.

Minh Minh

Link nội dung: https://phaply.net.vn/de-luat-phong-chong-tham-nhung-khong-lac-hau-voi-toi-pham-tham-nhung-a145034.html