Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây Dựng (VNCB) đã thông qua Trang “phố núi” huy động số tiền rất lớn từ gia đình ông Trần Quý Thanh. Sau đó số tiền này được chuyển về tài khoản của Danh và một số cá nhân khác rồi được mang đi trả nợ mà chưa hề có chữ ký của các chủ tài khoản.
[caption id="attachment_144876" align="aligncenter" width="410"] Bà Trần Ngọc Bích. Ảnh: Tuổi Trẻ[/caption]
Ngày 22/7, Hội đồng xét xử tiếp (HĐXX) tục phiên xử bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm trong vụ án làm thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng.
Tại phiên làm việc này, HĐXX đã xét hỏi đối với Hoàng Đình Quyết (33 tuổi) ngụ tại quận Tân Phú, TP.HCM - nguyên phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Xây dựng (VNCB) chi nhánh Sài Gòn, giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang về trách nhiệm của bị cáo này đối với số tiền 5.190 tỷ đồng của bà Trần Ngọc Bích.
Khách hàng “VIP” của VNCB
Theo cáo trạng do Viện kiểm sát nhân dân tối cao công bố, Phạm Công Danh khi nắm quyền chi phối ngân hàng Xây Dựng (VNCB) đã thông qua Phạm Thị Trang (Trang “phố núi”) đặt vấn đề với ông Trần Quý Thanh (chủ nhãn hiệu Dr Thanh), con gái ông Thanh là Trần Ngọc Bích và một số người thân của gia đình bà Bích (gọi chung là nhóm Trần Ngọc Bích) gửi tiền vào VNCB để Danh làm các thủ tục vay - rút tiền.
Các thành viên của trong nhóm của Trần Ngọc Bích đã gửi tiền vào VNCB, nhận sổ tiết kiệm.
[caption id="attachment_144877" align="aligncenter" width="410"] Bị cáo Phạm Công Danh[/caption]
Sau đó, Danh chỉ đạo Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc VNCB, Mai Hữu Khương nguyên thành viên HĐQT, Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn và Hoàng Đình Quyết, nguyên Phó Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn cho nhóm Trần Ngọc Bích vay tiền cầm cố bằng chính những sổ tiết kiệm đó.
Tiền được chuyển về tài khoản của Phạm Công Danh và một số cá nhân khác rồi được mang đi trả nợ mà chưa hề có chữ ký của các chủ tài khoản.
Trả lời Hội đồng xét xử chiều 22/7, bị cáo Hoàng Đình Quyết – nguyên Phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn cho biết: Từ khoảng tháng 8/2012 nhóm Trần Ngọc Bích gửi hơn 5.000 tỷ đồng tại VNCB bằng cách thế chấp khoảng 100 sổ tiết kiệm.
Bị cáo cho biết đã được Phạm Công Danh là người chỉ đạo làm việc với nhóm Trần Ngọc Bích, bao gồm việc mở tài khoản và quản lý các hợp đồng tiền gửi, thậm chí nhóm của Bích có thể được bổ sung hồ sơ sau.
Theo Quyết, khi đó ngân hàng rất ít tiền, áp lực thanh khoản rất lớn trong khi nhóm của Bích là khách hàng VIP và có quen biết nên bị cáo đã cho nợ chứng từ. Bị cáo biết việc này sai nhưng vì áp lực giữ khách theo chủ trương của ngân hàng nên đồng ý.
Quyết cho biết, để thu hút khách hàng gửi tiền vào, ưu đãi trả tiền ngoài lãi suất của ngân hàng quy định lên tới 4%/năm. Không chỉ riêng đối với nhóm bà Ngọc, ai gửi số lượng tiền lớn như vậy cũng sẽ được nhận ưu đãi như thế.
Bị rút tiền, chủ tài khoản không hay biết?
Theo cáo trạng, Trần Ngọc Bích đang yêu cầu VNCB trả lại 124 sổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 5.000 tỷ đồng đã gửi tại VNCB.
Số tiền này đã được chuyển vào tài khoản của Trần Ngọc Bích tại VNCB nhưng đã bị Phạm Công Danh tự ý chỉ đạo cấp dưới chuyển sang tài khoản của Phạm Công Danh để tất toán các khoản mà Phạm Công Danh đã vay trước đó của nhóm này, nhưng không có hồ sơ, chứng từ vay đã bị Phạm Công Danh chỉ đạo rút ra chi tiêu.
Trần Ngọc Bích khai không có quan hệ gì với Phạm Công Danh, việc thực hiện gửi - vay tại VNCB thông qua Trần Thị Trang.
Về việc chuyển 5.190 tỷ từ tài khoản của Trần Ngọc Bích sang tài khoản của Phạm Công Danh, bị cáo Hoàng Đình Quyết trả lời tại phiên xét xử chiều 22/7 cho biết: Dù không có chữ ký nhưng bà Bích biết và đồng ý việc này, còn tại sao lại chuyển sang tài khoản đó là do thỏa thuận giữa hai người.
Khi HĐXX hỏi rằng lý do gì để khẳng định chủ tài khoản đồng ý chuyển trong khi thực tế không có chữ ký, bị cáo Quyết nói: Mỗi lần tài khoản biến động thì đều gửi tin nhắn đến số điện thoại của bà Bích và tiền được chuyển làm nhiều lần, nhưng các chủ tài khoản đều không có ý kiến gì về việc này vì có thể đã biết.
[caption id="attachment_144878" align="aligncenter" width="410"] Bị cáo Hoàng Đình Quyết[/caption]
Về việc này, HĐXX cho biết không có luật nào quy định chủ tài khoản phải đọc tin nhắn cả.
Tại phiên xét xử ngày 22/7, bà Trần Ngọc Bích vắng mặt. Đại diện được ủy quyền của nhóm Trần Ngọc Bích là Nguyễn Thị Thanh Thảo (những người liên quan khác cũng vắng mặt). Tòa đã yêu cầu những người liên quan đến nhóm Trần Ngọc Bích phải có mặt tại tòa vào sáng thứ hai (25/7) để tòa xét hỏi.
Theo Bizlive
Link nội dung: https://phaply.net.vn/bi-cuu-chu-tich-vncb-rut-nghin-ty-trong-tai-khoan-con-gai-ong-chu-tan-hiep-phat-khong-hay-biet-a144875.html