'Bảo Ninh trượt giải Nhà nước là điều có thể lường trước'

Các nhà văn, nhà phê bình cho rằng lý do chính khiến Bảo Ninh trượt giải là nhiều người vẫn còn định kiến về cuốn tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh".

Việc nhà văn Bảo Ninh cùng tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh trượt Giải thưởng Nhà nước 2016 khiến giới văn chương xôn xao. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội - tiếc vì niềm trông đợi, kỳ vọng của ông về một giải thưởng Nhà nước xứng đáng cho Bảo Ninh không thành.

Nhà phê bình chia sẻ khi Hội Nhà văn Việt Nam họp về giải thưởng và đưa Bảo Ninh vào danh sách với 100% số phiếu, ông cảm thấy rất mừng. "Tôi mừng vì đã đến lúc giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước phải tính đến các nhà văn sau 1975 mà trong thế hệ đó, Bảo Ninh hết sức xứng đáng. Biết rằng tác phẩm phải qua nhiều cấp duyệt nhưng tôi vẫn phấp phỏng, chờ đợi. Nếu Bảo Ninh được trao giải Nhà nước lần này thì là một tin vui, một dấu hiệu tốt", nhà phê bình nói.

[caption id="attachment_144676" align="aligncenter" width="410"] Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên.[/caption]

Dù vậy, với nhà phê bình văn học và các bạn văn, kết quả Bảo Ninh trượt giải không phải điều khó đoán.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - trước đó chia sẻ trên Tiền Phong lý do Bảo Ninh trượt giải là tỷ lệ bầu chọn không đủ. Ông chỉ nhận được 76% bầu chọn trong khi tỷ lệ yêu cầu là 90% phiếu bầu của 28 thành viên Hội đồng.

Thế nhưng, đây không phải là lý do chính trong việc Bảo Ninh trượt giải. Phạm Xuân Nguyên cho rằng lý do chính vẫn là một số người bị định kiến về cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh và chưa thoát ra được. "Họ vẫn mang một sự bảo thủ, xơ cứng trong đánh giá văn chương. Nó cho thấy tư duy quản lý, đánh giá văn học của ta vẫn đang có vấn đề. Một bộ phận vẫn cho rằng tác phẩm nói xấu, phản ánh sai trái cuộc chiến tranh của chúng ta. Họ không nhìn thấy giá trị văn chương đích thực và vẫn đánh giá bằng chính trị, tư tưởng", nhà phê bình nói.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhận định độc giả có thể cảm thấy buồn khi Nỗi buồn chiến tranh bị loại khỏi Giải thưởng Nhà nước, còn những người trong nghề không có gì bất ngờ.

"Bởi vẫn có nhiều người không muốn thừa nhận những điều Bảo Ninh viết, nhất là khi ông đề cập đến chủ đề chiến tranh với khía cạnh tang thương và phi nghĩa. Và nếu chỉ lấy tiêu chí sáng tạo văn học, nghệ thuật làm thước đo cho giải thì chắc chắn đã không có tên nhiều nhân vật làng nhàng lại được vinh danh ở các loại giải thưởng tầm quốc gia như hiện nay", Lê Thiếu Nhơn nói.

Nhà văn Dạ Ngân khẳng định, khi nói về văn xuôi Việt Nam sau năm 1975, cuốn Nỗi buồn chiến tranh đích thực là cuốn tiểu thuyết thành công và luôn được nhắc đến.

[caption id="attachment_144675" align="aligncenter" width="410"] "Nỗi buồn chiến tranh" đã là tác phẩm có chỗ đứng vững chắc trong nền văn học Việt Nam đương đại và với bạn đọc trong, ngoài nước.
"Nỗi buồn chiến tranh" đã là tác phẩm có chỗ đứng vững chắc trong nền văn học Việt Nam đương đại và với bạn đọc trong, ngoài nước.[/caption]

Trước khi được Hội nhà văn Việt Nam đề xuất giải thưởng Nhà nước, tác phẩm này được xem là một "phép thử" của nền văn chương đương đại.

Năm 1991, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường và Bến không chồng của Dương Hướng cùng được trao giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam. "Đây được coi là điểm sáng lớn nhất, giải thưởng danh giá nhất của Hội Nhà văn trong nửa thế kỷ tồn tại của nó", nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói. Tuy nhiên, trong khi hai cuốn Mảnh đất lắm người nhiều ma và Bến không chồng vẫn được in lại sau đó, Nỗi buồn chiến tranh bị dừng in trong hơn 10 năm và chịu nhiều sự phê phán.

Mặc dù có số phận long đong trong nước, cuốn sách của Bảo Ninh được đánh giá cao ở nước ngoài, cả về nội dung lẫn tư tưởng, nghệ thuật.

"Sách được dịch nhiều thứ tiếng và độc giả nước ngoài không chỉ văn giới mà người bình thường, không chỉ cựu binh mà cả lớp trẻ qua đó hiểu về Việt Nam, khi đến Việt Nam đều muốn gặp Bảo Ninh. Cuốn sách được liệt vào những tác phẩm xuất sắc viết về chiến tranh của văn học thế giới vì tính nhân văn cao cả", Phạm Xuân Nguyên nói.

Chính vì thế, việc Bảo Ninh bị đánh trượt giải thưởng Nhà nước chỉ đáng buồn cho những người không bầu chọn ông.

Nhiều ý kiến nhận định giải thưởng Nhà nước hay giải thưởng Hồ Chí Minh giống như huân chương trao cho toàn bộ cuộc đời của những người với ngành nghề họ đã cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng. Đây chưa phải giải thưởng văn chương đích thực trao cho tác giả, tác phẩm nên không có tác dụng tới sự phát triển của văn chương. Điều đó có nghĩa một nhà văn không nhất thiết phải được trao giải thưởng này.

"Tôi không thích xếp Bảo Ninh vào một diện bình xét nào hết. Giải thưởng Nhà nước hãy quên các tên tuổi như: Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái... đi. Bởi họ đã được độc giả, những người yêu văn học thật sự trong và ngoài nước phong tặng danh hiệu rồi", Dạ Ngân bày tỏ.

Phạm Xuân Nguyên chơi với Bảo Ninh và hiểu Bảo Ninh là người làm văn chương nghiêm túc, kỹ lưỡng, không thích giải thưởng này nọ. Việc đưa tác phẩm của ông vào danh sách chẳng qua là do được Hội Nhà văn đề xuất. Trong những cuộc trò chuyện với Bảo Ninh, khi Phạm Xuân Nguyên trêu đùa bằng cách chúc mừng nhà văn được nằm trong danh sách xét tặng, Bảo Ninh thậm chí còn cáu và gạt đi. Bởi vậy, nhà phê bình văn học này cho rằng Bảo Ninh "trượt giải có khi là cái hay".

"Bằng trường hợp của mình, Bảo Ninh đã cho thấy làm văn chương đích thực ở nước mình khó đến thế nào, khổ đến thế nào. Nhưng văn chương đích thực đứng ngoài sự hủy hoại của thời gian và những toan tính dập vùi của những ai đo văn chương bằng những cái ngoài văn chương", Phạm Xuân Nguyên nói.

Theo Vnexpress

Link nội dung: https://phaply.net.vn/bao-ninh-truot-giai-nha-nuoc-la-dieu-co-the-luong-truoc-a144662.html