Phải rung tiếng chuông cảnh báo đối với người đứng đầu để xảy ra thất thoát, lãng phí

(Pháp lý) - Đã hơn 2 năm Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí mới nhất được Quốc hội thông qua và có hiệu lực. Vậy nhưng trách nhiệm cá nhân của người gây lãng phí vẫn còn bỏ lửng.

>> Bài 1: Lãng phí hoành hành ở nhiều lĩnh vực

Đây là vấn đề gây nhức nhối dư luận hiện nay.

Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Pháp lý có cuộc trao đổi với ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội, một đại biểu tâm huyết và thường xuyên tuyên chiến với vấn nạn lãng phí, tham nhũng.

Phóng viên: Thưa ông, trên diễn đàn Quốc hội, ông là đại biểu bức xúc nhiều với tình trạng lãng phí, tham nhũng. Ông có thể nhận xét khái quát về thực trạng lãng phí hiện nay?

[caption id="attachment_144640" align="alignleft" width="410"]Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội trao đổi với Phóng viên Pháp lý Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội trao đổi với Phóng viên Pháp lý[/caption]

ĐBQH Lê Như Tiến: Trước diễn đàn Quốc hội, tôi từng phát biểu về rất nhiều vấn đề cử tri quan tâm. Đặc biệt là vấn đề tham nhũng và lãng phí. Tôi cho rằng, tham nhũng lãng phí là anh em sinh đôi, hai kẻ đồng hành đồng lõa cùng hội cùng thuyền, hòn đá tảng cản đường phát triển của đất nước. Tham nhũng rất nghiêm trọng, lãng phí cũng nghiêm trọng không kém. Tham nhũng là ma thuật biến tài sản công thành tài sản tư, biến đất công thành đất tư, tiền công thành tiền tư, nhà công vụ thành nhà tư vụ, nó là nguyên nhân gây thất thoát lãng phí cả trăm nghìn tỷ đồng ngân sách nhà nước. Tôi cũng từng nói nếu tiết kiệm là quốc sách thì lãng phí là quốc nạn.

Ta thường lên án gay gắt mạnh mẽ hành vi tham nhũng nhưng thất thoát do lãng phí lên tới rất nhiều thì ta lại nương tay, xem nhẹ. Hầu như chưa có ai bị đưa ra xét xử vì hành vi lãng phí. Tham nhũng bị coi là tội phạm trong khi lãng phí thời gian qua chỉ được xem là khuyết điểm. Đầu tư lãng phí cả trăm triệu đôla vào khu công nghiệp, sân bay, khu chế xuất không hiệu quả thì chỉ bị nhắc nhở hoặc rút kinh nghiệm.

Tôi còn nhớ Hồ Chủ tịch có bài phát biểu quan trọng với đội ngũ cán bộ cao cấp về thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí. Người nói, tham ô lãng phí là kẻ thù của nhân dân và Chính phủ. Nó không mang gươm mang súng mà nó nằm ngay trong tổ chức ta. Vì vậy chống tham ô, lãng phí cũng cần thiết như đánh giặc.

Nói về thực trạng lãng phí, có thể bắt đầu bằng Hệ số ICOR (chỉ số đầu tư và tăng trưởng), ta đầu tư nhiều nhưng tăng trưởng ít. Ta 8 đầu tư mà chỉ có 1 tăng trưởng. Điều đó có nghĩa là càng đầu tư càng thất thoát, lãng phí. Một câu hỏi là thất thoát, lãng phí vào đâu? Tôi cho rằng nó ở các khoản như chi phí ngoại giao, chi phí lót tay bôi trơn, động thổ, khai trương, khánh thành…

Chúng ta đang lãng phí quá nhiều thứ, theo ông, có hay không lợi ích nhóm trong vấn đề này? Lãng phí muôn hình vạn trạng và ở khắp nơi. Lãng phí trong sử dụng ngân sách, trong quản lý đất đai, mua sắm tài sản, trong sử dụng đất đai, mua sắm tài nguyên.

Lãng phí nhất là ở trong đầu tư xây dựng cơ bản. Từ chủ trương đầu tư, thực hiện, nghiệm thu sản phẩm đầu tư… Ở tất cả các khâu đầu tư, tôi cho rằng có lợi ích nhóm làm việc với nhau. Gần đây có những công trình đầu tư nghìn tỉ như các dự án phân bón, mía đường, công trình văn hóa, bảo tảng, trung tâm thể thao, các tượng đài… hàng nghìn tỉ nhưng để không, đắp chiếu để đó. Nó không sinh lời mà tổn hại cho đất nước.

Rồi lãng phí vô hình trong khai thác nguồn nhân lực, lãng phí chất xám. Như hàng trăm nghìn luận án tiến sĩ, đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, cấp nhà nước đóng bìa cứng hoành tráng, xếp ngăn nắp như vật trang trí trong các viện nghiên cứu. Chưa đầy 1/3 kết quả được áp dụng vào thực tế.

Rồi lãng phí trong quy hoạch do thiếu tầm nhìn xa, thiếu tính dự báo không nắm bắt được nhu cầu thị trường. Bao nhiêu xi măng sắt thép đang nằm ế ẩm dãi dầu trong các kho bãi chờ lưu thông. Rồi đất sản xuất bị hoang hóa nhiều năm nay. Hàng trăm ngàn tỷ lẽ ra được sinh sôi từ đất thì lại lãng phí chôn vùi ở trong đất.

Nguyên nhân chính của lãng phí mà tôi đề cập là do buông lỏng quản lý, bất cập trong chính sách.

Một vấn đề còn vẹn nguyên tính thời sự đó là vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh - Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Ông Thanh là Tổng giám đốc của một công ty với khoản lỗ 3000 tỉ - mà dư luận hoài nghi về sự lãng phí, tham nhũng trong đó, nhưng “lạ đời” là ông Thanh lại được thuyên chuyển công tác về làm quan chức của tỉnh. Ông có bình luận gì về vụ việc này?

Vụ việc này nói lên nhiều điều, đầu tiên là cho thấy khâu tuyển chọn, đề bạt, trọng dụng, luân chuyển cán bộ của chúng ta đang có vấn đề. Một người quản lý cho một DN lớn của nhà nước là tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí VN làm ăn thua lỗ lại được đưa lên vị trí quản lý nhà nước cao như thế thì phải xem lại quy trình đề bạt, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ. Một lãnh đạo mà để công ty thua lỗ hơn 3.000 tỷ vẫn đề bạt vào vị trí quản lý nhà nước cao hơn thì theo tôi phải làm rõ có phải luân chuyển để “chạy lỗ”, để từ chối món nợ mà mình chính là tác giả không? Đó là vấn đề trách nhiệm của cán bộ, người đứng đầu.

[caption id="attachment_144641" align="aligncenter" width="410"]Ông Trịnh Xuân Thanh thời kỳ làm Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí VN để lại khoản lỗ 3000 tỷ, nhưng sau đó lại được thuyên chuyển công tác về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang  Ông Trịnh Xuân Thanh thời kỳ làm Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí VN để lại khoản lỗ 3000 tỷ, nhưng sau đó lại được thuyên chuyển công tác về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang[/caption]

 

Vấn đề đặt ra lúc này là cần xem xét tư cách ĐBQH của ông này. Nếu ông ấy đã được bầu vào Quốc hội thì cần phải xem lại tư cách đại biểu của ông ta. Ủy ban thẩm tra tư cách ĐB của QH cần tiến hành làm việc, đối chiếu với những quy định về phẩm chất, đạo đức, năng lực của một ĐB như thế nào để xem ông ấy đã đủ các phẩm chất, tiêu chuẩn ấy chưa.

Ta cần phải làm rõ và xử lý nghiêm! Câu chuyện này không còn là chuyện của cá nhân ông ấy mà là một tấm gương cho những cán bộ có chức có quyền khác.

Ngoài vấn đề trách nhiệm chính trị, tôi cũng đồng tình với việc xem xét và xử lý trách nhiệm cá nhân của ông Thanh. Phải làm rõ trách nhiệm của tác giả khoản lỗ 3000 tỉ này?!

Vừa qua, phát biểu tại Quốc hội, ĐBQH Lê Thị Nga nêu về một số dự án khác có dấu hiệu lãng phí như Nhà máy đạm Ninh Bình; nhà máy sợi Đình Vũ; nhà máy xăng sinh học ethanol… Bà Nga yêu cầu Chính phủ báo cáo về các dự án này, đồng thời báo cáo về những cán bộ liên quan. Họ được đề bạt, bổ nhiệm thế nào? Liệu đã luân chuyển đi đâu? Trách nhiệm của họ khi để thất thoát, lãng phí như thế?! Ông có quan điểm gì về vấn đề này?

Tôi đồng tình với ý kiến đó. Phải có những trường hợp cụ thể bị xử lý thì tác giả của lãng phí mới bị đưa ra ánh sáng. Phải có trách nhiệm cá nhân thì người dân mới tin hơn vào quyết tâm chống lãng phí, tham nhũng của Đảng và nhà nước.

Ở ta có hiện tượng thanh tra thường báo cáo về các khoản sai phạm, sai sót do lãng phí nhưng lại khẳng định không có tham nhũng. Ví dụ như trong một báo cáo thanh tra của tỉnh Thanh Hóa, đơn vị này có sai phạm liên quan đến hơn 200 tỉ nhưng không có tham nhũng. Ông nghĩ gì về hiện tượng này?

Đó là hạn chế của ta. Cứ thất thoát, lãng phí thì dường như nó nhòe mờ trong trách nhiệm chung chứ không có trách nhiệm cá nhân. Tôi đề nghị phân định trách nhiệm cá nhân đối với cấp trực tiếp để xảy ra lãng phí, tham nhũng và cấp trên của cấp để xảy ra lãng phí, tham nhũng. Cấp trực tiếp xảy ra lãng phí, tham nhũng cần chỉ ra cá nhân con người cụ thể. Cấp trên của cấp để xảy ra lãng phí, tham nhũng, là trách nhiệm đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, để tránh tình trạng rũ bỏ trách nhiệm.

Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Trong đó ngay tại điều 7 đã quy định Trách nhiệm của người đứng đầu. Tuy nhiên thực trạng lãng phí nhức nhối mà trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra lãng phí vẫn hầu như chưa có thưa ông?

Ta có quy định rồi nhưng trong thời gian vừa qua, chưa có chế tài cụ thể với hành vi vi phạm. Ta có luật nhưng chưa quyết tâm đưa ra ánh sáng những kẻ để xảy ra thất thoát lãng phí, khâu tổ chức thi hành pháp luật chưa thật sự nghiêm túc. Chính vì thế những kẻ để xảy ra thất thoát lãng phí vẫn nhởn nhơ, thách thức thậm chí họ dùng “phép” chuyển công tác để tiếp tục đục khoét.

Để khắc phục vấn đề này, với những vụ việc cụ thể, tôi kiến nghị phải đưa ra xử lý người đứng đầu để xảy ra lãng phí. Điều đó sẽ rung tiếng chuông cảnh báo đối với tất cả cán bộ khắp các tỉnh thành để họ có trách nhiệm với hành vi của mình.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này ./.

Phan Tĩnh (thực hiện)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/phai-rung-tieng-chuong-canh-bao-doi-voi-nguoi-dung-dau-de-xay-ra-that-thoat-lang-phi-a144639.html