Lãng phí: Vì sao hiếm có cá nhân nào bị truy trách nhiệm hình sự?

(Pháp lý) - LTS: Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII ban hành đã có hiệu lực hơn 2 năm. Tuy nhiên trong nhiều năm triển khai Luật này, ta phải chua xót nhìn nhận một thực tế là lãng phí vẫn đang hoành hành. Thực tế cho thấy hiếm truy cứu trách nhiệm hình sự được cá nhân nào, trong khi thất thoát, lãng phí, tham nhũng được xác định là “giặc nội xâm”, lãng phí đôi khi còn nguy hiểm hơn cả tham nhũng. Tại sao vậy? Phải chăng Luật chưa đi vào cuộc sống hay lãng phí, thất thoát vẫn đang thách thức pháp luật?

Bài 1: Lãng phí hoành hành ở nhiều lĩnh vực

Lãng phí vẫn diễn ra ở nhiều lĩnh vực khiến người dân chỉ biết xót xa…

Những siêu dự án dang dở và lãng phí về đất đai

Đầu tiên phải kể đến là lĩnh vực đất đai, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoặc liên doanh ôm hàng ngàn ha đất nông nghiệp sau đó “bỏ của chạy lấy người” khiến nông nghiệp nước ta lãng phí một diện tích đất “khủng”, còn người nông dân “sống dở, chết dở” bởi những dự án siêu lãng phí này. Tây Ninh là địa bàn điển hình. 6 dự án nông nghiệp FDI loại “khủng” đã ôm hàng ngàn ha đất nhưng hoạt động không hiệu quả khiến vạn dân khốn khổ.

[caption id="attachment_144478" align="aligncenter" width="410"]Sự hoành tráng bỏ dở của nhà máy đạm Ninh Bình Sự hoành tráng bỏ dở của nhà máy đạm Ninh Bình[/caption]

Chúng tôi chỉ xin dẫn về 2 dự án cụ thể; Đầu tiên là Dự án của Công ty TNHH Taichi Biotech (gọi tắt là Công ty Biotech), ở xã Long Khánh (Bến Cầu, Tây Ninh). UBND tỉnh Tây Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư Noble Base Biotech Corporation mà người đại diện pháp luật là ông Yeh Kou- I (Đài Loan) - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Biotech. Công ty được nhận 685ha đất “sạch” để thực hiện Dự án “Tạo giống, trồng các loại hoa và các loại thảo dược, trừ các loại thảo dược để sản xuất thuốc gây nghiện; ươm nuôi, trồng cỏ voi”, với tổng vốn đầu tư 720 tỷ đồng, hoạt động trong 50 năm.

Theo dự án, công ty sẽ trồng 185 ha hoa lan chậu các loại (mỗi năm sản xuất 1 triệu chậu), 500 ha còn lại trồng cỏ voi trong thời hạn 1 năm (từ tháng 6.2008), năng suất 66 tấn/ha. Công ty Biotech được ưu đãi nhiều khoản như được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế; giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Công ty còn được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu… Tuy nhiên đến nay dự án không thực hiện được, diện tích đất mà tỉnh Tây Ninh dành cho công ty này đang mọc cỏ ngút ngàn.

Tiếp đến là dự án rất được ưu ái khác của Công ty Nông công nghiệp TNHH Tam Hiệp (gọi tắt là Công ty Tam Hiệp) có vốn đầu tư 100% của Hàn Quốc. Theo đó, tháng 12/1996, Công ty Tam Hiệp được Bộ Kế hoạch - Đầu tư cấp giấy phép đầu tư với vốn đăng ký là 4 triệu USD để “trồng, chế biến rau sạch và các loại cây nông sản khác” với diện tích 1.000 ha đất, thời hạn hoạt động 20 năm. Doanh nghiệp này được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm kể từ năm kinh doanh có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 3 năm tiếp theo. Tuy nhiên dự án không hoạt động hiệu quả, đất đai bỏ hoang.

Trước khi thực hiện, các dự án trên thu phần lớn diện tích đất nông nghiệp của người dân đang sản xuất, tuy nhiên khi được giao để đầu tư thì các doanh nghiệp FDI cầm chừng, bỏ dở… Điều đó khiến hàng nghìn ha đất đai bị bỏ hoang hóa, bị chiếm dụng và sử dụng sai mục đích. Các dự án trên có thể là “tiêu biểu” cho lãng phí về đất đai.

Lãng phí xe công

Một tình trạng lãng phí đáng báo động gần đây là lãng phí về xe công. Theo báo cáo của Bộ Tài Chính thì hiện Bộ NN-PTNT mua thừa 176 xe công, Bộ Công Thương mua thừa 57 xe. Theo một số liệu gần nhất mà báo chí phát hiện thì hiện tổng số các bộ ngành đang thừa 7000 xe công nhưng các cơ quan công quyền vẫn đề xuất kế hoạch sắm mới.

Cụ thể, kết quả rà soát tại Bộ NN - PTNN cho thấy, số xe phục vụ công tác chung theo tiêu chuẩn, định mức quy định của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc Bộ này là 276 xe. Đối chiếu với định mức này so với số xe hiện có thì Bộ NN-PTNT thừa 176 xe (còn so với báo cáo của Bộ là 452 xe) và thừa 265 xe (khi so với số liệu tại cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước là 541 xe). Lý do thừa là Bộ này đã trang bị không đúng quy định cho hàng loạt đơn vị thuộc Bộ.

[caption id="attachment_144477" align="aligncenter" width="410"]Sử dụng xe công đi ăn tiệc - điển hình cho lãng phí tài sản công Sử dụng xe công đi ăn tiệc - điển hình cho lãng phí tài sản công[/caption]

Việc mua thừa xe ô tô phục vụ công tác chung cũng xảy ra ở Bộ Công Thương. So với định mức xe ô tô phục vụ công tác chung được duyệt là 135 xe thì số xe hiện có của Bộ Công Thương thừa 57 xe. Bộ Tài chính chỉ ra rằng, Bộ Công Thương xác định sai định mức là do trang bị vượt chỉ tiêu từ 1 xe lên 2 xe cho 25 trường cao đẳng thuộc Bộ và trang bị không đúng quy định 5 xe cho 5 trung tâm thuộc các Cục, Viện đáng lẽ ra không thuộc đối tượng được dùng xe công. Điều đáng nói là đã mua thừa xe so với quy định, nhưng Bộ Công Thương vẫn tiếp tục đề nghị trang bị thêm cho đơn vị thiếu xe ô tô so với định mức. Trả lời đề nghị này, Bộ Tài chính cho rằng không phù hợp vì Bộ Công Thương đang thừa 57 xe phục vụ công tác chung.

Một biểu hiện cụ thể của lãng phí xe công, tài sản công đó là xe công được sử dụng không đúng mục đích. Người dân thường lên án và chộp được những hình ảnh xe công của ta đi chùa, đi ăn tiệc, đưa vợ con quan chức đi chơi… Vụ việc xe công ở Thành Phố Hồ Chí Minh đi ăn tiệc ở nhà Giám đốc Sở là ví dụ mới nhất.

Nước ta là nước nông nghiệp, nợ công đang ở mức báo động, thiếu tiền đầu tư cho phát triển ấy thế nhưng nhiều cơ quan nhà nước lại chơi sang. Có nhiều ý kiến cho rằng, điều đó vừa có nguyên do quản lý yếu kém, vừa có nguyên do là lợi ích nhóm bởi có đầu tư, có mua sắm thì mới có hoa hồng cho nhóm đó.

Lãng phí trong lĩnh vực đầu tư

Hiện nay việc lãng phí trong lĩnh vực đầu tư là nhức nhối nhất. Có tình trạng càng đầu tư càng lỗ nhưng vẫn chủ trương đầu tư. Cụ thể là ở các dự án sản xuất phân bón, đường, thép. Có thể lấy ví dụ cụ thể về dự án của nhà máy đạm Ninh Bình. Hơn 10 năm trước (năm 2005), Tổng công ty Hóa chất, nay là Tập đoàn Hóa chất VN (Vinachem), đã kiến nghị và được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy sản xuất phân đạm urê từ than cám, công suất 560.000 tấn/năm. Với tổng vốn đầu tư tới 667 triệu USD (thời giá lúc đó khoảng 10.673 tỉ đồng), nhưng vốn tự có của Vinachem cho dự án này 100 triệu USD.

[caption id="attachment_144479" align="aligncenter" width="410"]Dự án phát triển nhà máy gang thép Thái Nguyên dở dang và kém hiệu quả. Dự án phát triển nhà máy gang thép Thái Nguyên dở dang và kém hiệu quả.[/caption]

 

Sau hơn 4 năm hoạt động, chưa năm nào nhà máy làm ăn có lãi. Hiện nhà máy đang lỗ tổng số tiền trên 2.000 tỷ đồng. Năm đầu tiên hoạt động lỗ 75 tỷ, năm thứ 2 lỗ nhiều nhất trên 759 tỷ đồng (2013), năm thứ 3 lỗ trên 500 tỷ đồng, năm thứ 4 lỗ 370 tỷ đồng. Hơn 1 tháng qua nhà máy phải đóng cửa do không bán được sản phẩm, dây chuyền sản xuất hỏng hóc... Hiện 400/1.000 công nhân của nhà máy phải tạm nghỉ việc chưa biết khi nào mới đi làm trở lại.

Có thể kể đến một số bất cập trong quyết định dự án đầu tư này như: Vay quá nhiều tiền để thực hiện dự án (đi vay hơn 500 triệu đô); vay tiền đầu tư không đúng chỗ (vay tiền của Trung Quốc và nhập những thiết bị của nước này dẫn đến việc xảy ra sự cố thường xuyên); không tính toán được những thay đổi của thị trường đối với sản phẩm của nhà máy làm ra (sản phẩm xuống giá thấp so với dự tính), chọn địa điểm đặt nhà máy không hợp lý (Do mặt bằng thấp nên nhà máy Đạm Ninh Bình luôn trong tình trạng ngập úng. Có tháng nhà máy phải trả số tiền gần 2 tỷ đồng cho việc xử lý nước úng và nước thải), làm ra sản phẩm không có sức cạnh tranh với thị trường…. Nhà máy hoạt động cầm chừng, dở dang khiến số tiền hàng nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng giờ có nguy cơ mất trắng.

Theo nhiều chuyên gia, giải quyết bài toán thua lỗ của dự án “ngàn tỉ” như nhà máy này cần có đánh giá toàn diện lại dự án, tính hiệu quả, có thể cấp ưu đãi (có thời hạn) khi đảm bảo nhà máy sẽ phục hồi và tăng hiệu quả được. Thậm chí, có thể tính bán nhà máy để các thành phần kinh tế khác vào quản trị, tìm cách tăng hiệu quả đầu tư... Thế nhưng đứng trước tình cảnh đó, Tập đoàn hóa chất Việt Nam vẫn có văn bản gửi Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số giải pháp điều hành theo hướng tháo gỡ khó khăn?!

Một số dự án lỗ nghìn tỉ tiêu biểu khác phải kể đến là Dự án mở rộng Nhà máy luyện cán thép Thái Nguyên, đã đầu tư đến hơn 5.800 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn dở dang sau 10 năm xây dựng, muốn đầu tư tiếp phải có trên dưới 4.000 tỷ nữa mà hiệu quả đã thấy trước là thua lỗ. Nhà máy xơ sợi Đình Vũ Hải Phòng (thuộc Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam) đã đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, chỉ giữa năm 2015 đã lỗ đến 1.732 tỷ đồng và từ tháng 9/2015 đến nay, nhà máy đã dừng sản xuất mà theo Tổng giám đốc nhà máy thì đó là cách tiết kiệm nhất để chống thua lỗ kéo dài!

Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi Hà Tĩnh, đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng vốn của các Ngân hàng quốc doanh (chiếm hơn 85%) chưa ra một sản phẩm nào thì đến nay UBND tỉnh Hà Tĩnh chính thức chấm dứt, xoá bỏ thu hồi đất của dự án. Nhưng có dự án gây phản ứng dư luận ngay từ ban đầu nghiên cứu là các dự án Bauxite ở Tây Nguyên. Dự án Tân Rai, vốn ban đầu dự kiến trên dưới 8.000 tỷ thì khi hoàn thành lên đến 687 triệu USD (hơn 14000 tỷ đồng) và đã được dự kiến lỗ trong 3 năm là 460 tỷ đồng; còn Nhân Cơ sẽ lỗ hơn 3.000 tỷ trong 5 năm

Kết ngỏ

Hiện tượng thua lỗ, thất thoát lãng phí thường xuyên được dư luận đề cập. Người dân dù không muốn nhưng đã phải quá quen với các con số ngàn tỷ đồng thất thoát, thua lỗ, hoặc các dự án đắp chiếu, hiệu quả không có hay không sản xuất ra được sản phẩm. Ai cũng biết những thất thoát, thua lỗ như trên là khó có khả năng thu hồi.

Là người dân, chúng tôi đồng tình với phát biểu của bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm ủy ban tư pháp của Quốc hội. Phải làm rõ lãnh đạo của các dự án trên đã được đề bạt bổ nhiệm thế nào? Liệu có được thuyên chuyển đi đâu, trách nhiệm của họ với lãng phí, thất thoát như thế?

Người dân đòi hỏi cần làm rõ trách nhiệm của từng người đã xây dựng, tham gia, phê duyệt các dự án đầu tư thất bại. Thực tế đến nay, gần như chưa hề quy tội được cho những người khởi xướng, đứng đầu dự án khi đổ vỡ. Chính sự nhập nhèm, bao che, không quy được trách nhiệm cá nhân để xảy ra thất thoát, lãng phí đã dẫn đến nền kinh tế bị suy yếu.

Mai Minh (tổng hợp)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/lang-phi-vi-sao-hiem-co-ca-nhan-nao-bi-truy-trach-nhiem-hinh-su-a144476.html