Nhà báo Nguyễn Thu Trang: Niềm tự hào của những người làm báo chân chính

(Pháp lý) - Nguyễn Thu Trang được biết đến là nhà báo điều tra với nhiều phóng sự điều tra gây tiếng vang. Với chị, “mỗi bài điều tra được thành hình giống như chinh phục được một đỉnh núi”. Đọc những phóng sự điều tra của chị, người ta thấy chân thực và sắc sảo. Và quan trọng hơn cả là sức nặng - nó phơi bầy tiêu cực xã hội và khiến tiêu cực kiêng nể. Ít ai biết rằng, để có được những con chữ ấy, chị phải đánh đổi nhiều thứ, kể cả là hiểm nguy rình rập tính mạng.

Nhà báo điều tra uy tín

Được Ban Biên tập giao đề tài viết về chị nhân dịp Tòa soạn phát hành số Tạp chí đặc biệt tháng 6, tôi nhấc máy gọi chị. Chị đồng ý. Nhưng ngay sau đó, chị lại từ chối vì đang thực hiện một đề tài điều tra, những căng thẳng tột độ làm chị mất hứng…Làm báo, đồng cảm với chị, tôi hiểu khoảnh khắc ấy trong chị. Tôi kiên nhẫn chờ đợi và cuối cùng cũng được trò chuyện với chị vào một ngày đầu tháng 6.

Được biết, Nguyễn Thu Trang xuất thân là cô giáo mầm non, nhưng chị không tìm thấy niềm vui trong công việc ấy. Chị tập tành viết lách. Khi được nhận vào báo Gia đình xã hội tập sự, mới biết, đây là công việc mình muốn. Chị vẫn đeo đuổi nghề báo đến giờ và hiện làm tại báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh. Lao động nhà báo, chị đạt được những đỉnh cao vinh quang nhờ những tác phẩm điều tra đi đến cùng sự thật và gây hiệu ứng tốt đối với xã hội. Các tác phẩm có thể kể đến như: Sự thật nhận nuôi trẻ mồ côi ở chùa Bồ Đề; Thâm nhập đường dây cán bộ hải quan câu kết “trộm” hàng vi phạm; “Cò” viên chức giáo dục lộng hành ở Hà Nội; “Đột nhập sòng bạc năm sao cho người Việt”; Thâm nhập lò gạch thổ phỉ...vv...

[caption id="attachment_143154" align="aligncenter" width="410"]Nhà báo Thu Trang Nhà báo Thu Trang[/caption]

Trong đó tiêu biểu phải kể đến loạt phóng sự nuôi trẻ mồ côi ở chùa Bồ Đề. Loạt phóng sự chỉ ra những bất thường trong việc nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi ở chùa Bồ Đề từ những năm 2007-2012. Trong đó có nhiều trẻ bị mất tích và có những trường hợp bị bán rồi bị chết khi chưa đầy một năm tuổi. Phóng sự vạch trần một đường dây mua bán trẻ em, sau đó báo chí vào cuộc phối hợp với cơ quan công an điều tra làm sáng tỏ đường dây đó. Hay loạt bài gần nhất của chị gây tiếng vang - “Thâm nhập lò gạch thổ phỉ” đã vạch trần đường dây bảo kê do chính cán bộ tại Sở xây dựng Hà Nội bảo kê, cho tồn tại nhiều lò gạch ô nhiễm môi trường, thủ công… Loạt phóng sự của Thu Trang đã chỉ đích danh kẻ bảo kê ấy làm dư luận bất bình, nhưng đến nay tất cả đều né tránh, không ai chịu trách nhiệm. Chị chia sẻ, có những loạt bài điều tra đi đến cùng khiến chị mãn nguyện về nghề nhưng cũng có những loạt bài điều tra còn dang dở khiến chị luôn day dứt, có cảm giác bất lực.

“Mỗi bài điều tra được thành hình giống như chinh phục được một đỉnh núi”

Làm nhà báo điều tra, chị bị nhiều lần đe dọa đến tính mạng. Chị kể, hồi mới vào nghề, nghe tin có tai nạn chết người ở một công trình xây dựng lớn tại Hà Nội, chị lao đến. Nhưng máy ảnh vừa giơ lên thì chị bị hành hung. Cánh tay phải của chị, cho đến giờ vẫn bị liệt cơ, không còn khả năng mang, kéo những vật nặng. Trong thời gian điều tra vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, nhà báo Thu Trang cũng bị nhắn tin đe dọa “đày xuống mười tám tầng địa ngục”. Nhìn chung, sau mỗi loạt bài điều tra, chị đều phải đối mặt với một “phiên bản” khủng bố tinh thần khác nhau. Chị bảo, bản thân bị đe dọa lấy mạng, chị không căng thẳng bằng khi người thân và nhân chứng của chị bị đe dọa.

[caption id="attachment_143155" align="aligncenter" width="273"]Nhà báo Thu Trang với em bé mà chị đã  từng giúp đỡ, giải cứu. Nhà báo Thu Trang với em bé mà chị đã từng giúp đỡ, giải cứu.[/caption]

Ngay từ khi dấn thân vào lĩnh vực viết điều tra, trước mỗi một chuyến đi, Thu Trang đều xác định, có thể ngay sau đó mình sẽ biến mất hoặc bị thủ tiêu. Nhưng vì đam mê nghề, vì không sợ cái ác, nên chị vẫn quyết đeo bám điều tra đến cùng. Lần thâm nhập sòng bạc Royal ở Quảng Ninh chẳng hạn. Ban đầu, chị tìm đến nó vì tò mò. Muốn biết cái nơi mỗi ngày lưu chuyển 50 tỷ đồng nó như thế nào? Cái nơi một đối tượng bảo kê được 2% của mỗi đồng phỉnh nó như thế nào? Cái nơi làm cho biết bao gia đình ly tán nó thế nào? Cái nơi mà một người đi vào là tỷ phú đi ra là ăn mày nó thế nào?

Biết trước là nguy hiểm, nhưng bị một đề tài hay dẫn dắt, Thu Trang vẫn quyết định thử. Vào vai một “gái hư” thừa tiền, Trang trót lọt qua những cửa ải thót tim, khi đi ra vẫn còn bàng hoàng vì những cú đặt bạc hai tỷ đồng (thời điểm năm 2011) mà mặt lạnh như tiền. Sau lần “đột nhập sòng bạc năm sao cho người Việt”, hành động của chị gây nên một cơn sóng dư luận nho nhỏ, các báo mạng khi đó đăng đi đăng lại. Lại có lần đi “lật bài ngửa” với một “cò” chạy công chức, một mình một xe trên con đường đất ngoằn ngoèo vắng tanh vắng ngắt, Trang đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Mọi công tác giảm thiểu rủi ro đều được áp dụng. Chị bật điện thoại báo tin cho chồng. Bật sẵn máy quay, máy ghi âm, để nếu có lỡ xảy ra chuyện thì vẫn còn bằng chứng lưu lại. Có người xót chị bảo: đẩy mình vào những tình huống nguy hiểm như vậy, đổi lại được gì? Trang thường cười: Được làm nghề, được làm một việc tử tế. Nhưng cũng có khi là vì “không đi tiếp sẽ chết”. Mỗi một lần vượt qua khó khăn để đeo đuổi đề tài, mỗi một bài điều tra thành hình, Trang bảo, chị có niềm vui giống như chinh phục được một đỉnh núi.

Trang thường làm điều tra độc lập. Ngay cả những đề tài “xương” nhất cũng thế. Nhà báo Thu Trang cho rằng, một phần vì điều tra càng bí mật càng tốt. Nhưng lý do quan trọng hơn vì Trang khó tìm được người cùng chí hướng. Không những thế, đôi khi, chính đồng nghiệp còn cản trở chị trên hành trình “vạch mặt” tiêu cực. Không ít lần, đồng nghiệp lại là trung gian giúp đối tượng bị điều tra dàn xếp để chị dừng bài. Trong vụ hải quan Hải Phòng rút ruột container, Trang bảo chị có hai điều cay đắng. Thứ nhất là không ai tin một người dưng lại đi giúp một người dưng vô tư. Thứ hai là phải ngậm ngùi đánh mất mối quan hệ tốt đẹp với một người bạn để không thỏa hiệp.

Đó cũng là lý do, sau mỗi loạt bài điều tra, Trang đều có cảm giác trống rỗng, uể oải. Đôi khi rất buồn vì đề tài bị lấp liếm, bị thay đổi bản chất. Suy cho cùng nhà báo chỉ có nhiệm vụ thông tin, không có quyền hành pháp hay giải quyết vụ việc. Đôi khi, là “dọn cỗ cho người khác xơi”. Nhưng mà cho đến hiện tại, may mắn, lòng say nghề của chị vẫn còn. Có thể là vì sau lưng chị có một người chồng cộng với một Tòa soạn luôn ủng hộ, chia sẻ và tin tưởng chị.

[caption id="attachment_143156" align="aligncenter" width="410"]Sau  khi thâm nhập điều tra các lò gạch "thổ phỉ" ở Hà Nội, Nhà báo Thu Trang đã bị đe dọa “mua quan tài ngay” Sau khi thâm nhập điều tra các lò gạch "thổ phỉ" ở Hà Nội, Nhà báo Thu Trang đã bị đe dọa “mua quan tài ngay”[/caption]

Đầu tháng tư vừa qua, sau loạt bài báo về “cò” chạy công chức cho giáo viên ở Sóc Sơn (Hà Nội) nhà báo Nguyễn Thu Trang (báo Phụ Nữ thành phố Hồ Chí Minh) nhận được một cuộc điện thoại đe dọa “mua quan tài” ngay. Cả gia đình chị bị đặt vào tình huống báo động, “sống trong sợ hãi”. Cân nhắc chán chê, chị chọn khắc phục khủng hoảng bằng cách “la toáng” trên facebook và các phương tiện báo chí. Dư luận ầm lên. Không lâu sau đó, phía cảnh sát tìm ra đối tượng đe dọa nhà báo. Anh ta tiếp tục gọi cho chị, nhưng lần này là để xin tha thứ. Đây không phải là lần đầu tiên Thu Trang bị đe dọa tính mạng. Là một nhà báo viết điều tra, chuyên đụng đến những vấn đề nhức nhối của xã hội, làm ảnh hưởng quyền lợi của một nhóm người quen ngông nghênh bên trên đạo đức và pháp luật, Trang hay bị “ghi thù”.

Yêu thiên nhiên và rất đỗi nhân hậu

Nhiều người yêu mến

Cảm mến chị, không ít người đã dành những lời tốt đẹp để nói về chị. Anh Nguyễn Thanh Long - Bố nuôi của bé Cù Nguyên Công, em bé bị mất tích trong vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề nói về Thu Trang: “Tinh thần ấy, ý chí ấy, bản lĩnh, tấm lòng ấy, nhân cách ấy mấy ai trên đời này có được?”.

Những ngày đầu tháng 6, chị tạm gác công việc làm báo để sống cuộc đời “bình thường” của mình. Hỏi chị lý do “bỗng dưng ngưng nghỉ”, chị bảo: Nếu em đã và đang làm báo thì em hiểu, cái cảm giác mà một đề tài vắt kiệt sức lực của mình. Nó làm cho đầu óc mình như muốn bung ra… nếu không dừng lại thì đầu mình có thể nổ bung. Nhưng dừng lại để nạp thêm năng lượng rồi lại tiếp tục...

Làm báo điều tra, tôi nghĩ “cám dỗ” của đồng tiền cũng là một mối đe dọa, thế nhưng nhà báo Thu Trang không bị “mối đe dọa” này. Có nhiều người nói với chị rằng, phải có sẵn điều kiện, có hậu phương vững chắc chị mới không bị “ngã” trước đồng tiền mua chuộc. Tôi thì thấy khác, hằng ngày chị vẫn bán nước hoa, bán cây để lấy tiền xây trường đỡ đần tụi nhỏ vùng cao. Tôi thấy chị phải tiêu dùng rất kiệm vậy mà chị vẫn chê tiền... Hỏi ra mới biết, “tín ngưỡng” của Trang là: cầm tiền đút để lờ đi những việc sai trái, bất nghĩa, thế thì mình còn bất nghĩa hơn nhiều lần. Rằng: mình sống còn để cho con mình nhìn vào. Cũng như Trang đã nhìn vào bố mẹ mà sống. Chị muốn con lớn lên không thành một đứa trẻ đớn hèn, vô cảm. Muốn con thành người có ý nghĩa với những người thân của nó. Nói không thỏa hiệp, còn đem lại cho chị cảm giác dễ chịu khi chiến thắng lòng tham của mình. “Cũng là vì bản thân tôi thôi. Cầm tiền đó chắc gì đã sung sướng hơn”.

Chị có một con nhỏ, những ngày tạm nhỉ, chị rủ con đi ăn, chị tâm tư hơn về con mình. Chị khuyến khích cháu đi làm thêm từ sớm để biết giá trị của đồng tiền. Chị dặn dò con bằng tâm tình của người mẹ từng trải : Cứ ở yên đó là một đứa bé biết phấn đấu trong học tập dù không giỏi cũng phải luôn cố gắng hết mình. Hãy biết chăm lo cho con chó, cái cây quanh nhà và dọn dẹp phòng riêng theo ý thích của con. Cứ sống mà đừng vô cảm với xung quanh, đừng vô cảm với khó khăn của mẹ. Mẹ đang ngày đêm cố gắng, vắt kiệt sức lao động của mẹ để con được bình yên như hiện tại. Nếu con có một tương lai tươi sáng hơn thì nó đã được xây dựng bằng mồ hôi và nước mắt của mẹ… sau này con sẽ hiểu tất cả, không sống ảo mà hạnh phúc đâu con.

Chồng Trang làm cảnh sát hình sự. Chị từng bảo, trước khi gặp anh không nghĩ mình sẽ lấy chồng, vì cuộc sống của một phóng viên điều tra luôn đầy bất ổn. Song, kể từ khi chứng kiến anh cảnh sát vét ví cho tiền gái bán dâm để cô ấy có thêm điều kiện hoàn lương, chị cảm thấy, có lẽ, sống cùng người này không tệ. Quả thật, cái người “không tệ” ấy đến giờ vẫn là bờ vai vững vàng, ấm áp nhất mà chị muốn dựa vào. Khi anh không phải trực, chị phải đi phỏng vấn, thể nào cũng kéo chồng theo. Anh không chỉ ủng hộ công việc của vợ, còn hỗ trợ và giúp đỡ rất nhiều. Chị bảo, hóa ra đồng đội của mình lại không phải đồng nghiệp của mình, mà là chồng. Anh chị sống với nhau rất đỗi tình cảm.

Sau những ngày đấu trí đối đầu với những tiêu cực cuộc sống, chị thường chọn cách thư giãn bên gia đình. Đặc biệt, chị rất yêu hoa. Thi thoảng, chị lên Đại Lải để trồng những đóa hoa hồng giúp bạn. Những bông hoa hồng cổ được bàn tay chị trồng vươn lên rực rỡ. Chị như chạm vào được cái đỉnh cao của nghề trồng hoa. Lại cũng có ngày, chị ở Hà Nội, trong Vườn Hồng Cổ Vân Trang ở chân cầu Mễ Trì. Chị ngồi trong căn chòi gỗ, áo thun, quần sóc đang mê mải tính toán, cộng trừ nhân chia sổ sách. Ngoài vườn, những nhánh hồng đang nở hoa...

Một cách cân bằng khác của Thu Trang là tự mình lái xe đi vùng sâu vùng xa làm từ thiện. Giúp đỡ những người yếu thế luôn là việc Trang thích làm. Chị bán nước hoa (do bạn bè gửi tặng), bán cây cối để lấy tiền xây trường học ở vùng cao. Chị cho đi những gì mình có và thường nhận lại được nhiều hơn thế. Có người bạn từ Pháp, gửi nước hoa về cho chị bán và gửi kèm món quà nhỏ nhỏ với lời nhắn: “…Mình chỉ có chút xíu quà rất nhỏ thôi để gửi tới bạn tình cảm quý mến của mình. Hy vọng đôi tay bạn sẽ bớt xước xát hơn, bớt đau đi nhé”.

Đồng nghiệp nể phục

Chị được nhiều đồng nghiệp kính nể. Nhà báo Nguyễn Phan Khiêm - Thư kí Tòa soạn báo Công lý, một người biết chị khoảng 10 năm nhận xét: Thu Trang ngoài đời là một người rụt rè, ít nói trái ngược hẳn với những tác phẩm báo chí sắc lẹm cô đã viết. Trong làng báo có nhiều vấn đề như hiện nay, không ít người muốn bỏ nghề vì những nhếch nhác, xấu xí. Thu Trang hiện lên như một niềm an ủi, một chỗ dựa tinh thần, một niềm tự hào của những người làm báo. Thu Trang là người làm báo trước sau như một, giữ ngòi bút trong sạch hiếm có trong thời buổi hiện nay.

 

Minh Minh

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nha-bao-nguyen-thu-trang-niem-tu-hao-cua-nhung-nguoi-lam-bao-chan-chinh-a143153.html