(Pháp lý) - “Tùy ngộ nhi an” là gặp hoàn cảnh nào cũng bình an, bình an bề ngoài và bình an trong tâm hồn. Trong bối cảnh xã hội và đời sống báo chí hiện nay, làm thế nào để nhà báo khi tác nghiệp thật sự bình an nhỉ?!
Mới đây dư luận làng báo dậy sóng vì một nữ nhà báo xông pha lĩnh vực chống tham nhũng, tiêu cực bị đe dọa lấy đi sinh mạng của cô và người thân. Cuối cùng cái ác phải lùi và kẻ đe dọa cúi đầu nhận tội. Có nhiều nguyên nhân để vụ đe dọa nhà báo đó kết thúc có hậu, nhưng có lẽ nguyên nhân cơ bản nhất đó là nữ nhà báo điều tra chống tiêu cực với tấm lòng ngay thẳng và trong sáng. Sự lương thiện đó khiến cả xã hội ủng hộ, khiến kẻ gian phải run sợ và buông dao. Sự lương thiện đã cứu nữ nhà báo.
[caption id="attachment_142968" align="aligncenter" width="410"] Phóng viên các Báo, Đài tham dự ngày hội trưng bày các ấn phẩm báo xuân 2016 và các số báo đặc biệt tuyên truyền về Đại hội XII của Đảng, về 30 năm đất nước đổi mới.[/caption]
Tuy thế, cùng với vô số vụ hành hung, cản trở nhà báo khác, cái thiện không phải bao giờ cũng thắng cái ác, nhà báo với tính chất nghề nghiệp của mình vẫn hàng ngày hàng giờ đối diện với hiểm nguy, sự bình an của nhà báo và gia đình vẫn tiềm ẩn những nguy cơ xâm phạm.
Đó là sự bình an về thân thể, về cuộc sống của nhà báo, nhưng còn một khía cạnh khác, dạng bình an “phi vật thể” mà mỗi nhà báo phải đối diện hàng ngày, đó là nỗi lo chất lượng sản phẩm báo chí mình đưa ra thị trường. Đó có phải là tác phẩm báo chí đúng đắn không, có cung cấp cho bạn đọc thông tin bổ ích không, có khách quan không, có vô tình gây nguy hại cho một bên thứ ba hay không… Thời buổi kỹ thuật số, không có chuyện “lời nói gió bay” – một sản phẩm báo chí dù lớn hay nhỏ, khi đã xuất bản thì khó ai có thể hủy hoại hay thủ tiêu được nó, chưa kể nó có thể được nhân bản với tốc độ chóng mặt và bạn đọc toàn cầu có thể truy cập. Lo lắng lắm, sao có thể an lòng.
Hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đây, các nhà báo đang phải cạnh tranh với nhau một cách gay gắt, thậm chí khốc liệt vì có rất nhiều báo và áp lực đòi hỏi có thông tin nhanh nhất. Thách thức đó dễ đẩy nhà báo đến chỗ phải lấy tin bằng mọi giá. Nhanh thì đi liền với dễ ẩu. Câu chuyện Tổng thống Mỹ Obama đến thăm chùa Ngọc Hoàng tại TP. Hồ Chí Minh mới đây chẳng hạn, nhiều báo đưa tin vị sư trụ trì gợi ý ông Obama cầu con trai nhưng Tổng thống Mỹ nói: “Tôi thích con gái”. Thông tin này tạo ra làn sóng bình phẩm trên báo chí và trên mạng xã hội chê trách vị sư trụ trì rất phũ phàng. Cuối cùng, sự thật được làm sáng tỏ, không ai gợi ý ông Obama cầu con trai cả, suốt cuộc viếng thăm này vị sư trụ trì không nói gì hết, mà chỉ có một vị tiến sĩ tôn giáo được chọn để giới thiệu ngôi chùa với khách nói mà thôi.
Một áp lực khác là yếu tố kinh tế của thông tin, buộc nhà báo phải câu view, phải viết cường điệu so với sự thật, thậm chí moi móc những thông tin đời tư, có khi chà đạp lên cả danh dự nhân phẩm của người khác để chiều theo thị hiếu một bộ phận bạn đọc. Cách làm báo như thế khiến bức tranh xã hội trên báo chí nham nhở, nhiều mảng tối, gây tâm trạng lo âu, u ám đối với bạn đọc.
[caption id="attachment_142969" align="aligncenter" width="410"] Phóng viên các báo tham dự cuộc họp báo về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Brack Obama hồi cuối tháng 5 vừa qua[/caption]
Nói đến khía cạnh kinh tế, khía cạnh lợi ích thì không thể không nhớ đến cơn bão thông tin trên một trang Facebook cá nhân phản ánh một số báo nhận tiền hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng của hãng nước giải khát URC có sản phẩm nước uống C2 và nước tăng lực Rồng đỏ bị kiểm nghiệm kết luật có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép. Các tờ báo có liên quan đang cho thanh kiểm tra và bước đầu kết luận thông tin trên đây không có căn cứ nhưng đây cũng là tiếng chuông cảnh báo đối với báo chí trong cuộc chiến cạnh tranh thị phần nước giải khát ở nước ta hiện nay. Làm thế nào để khách quan, không vô tình trở thành sát thủ triệt hạ doanh nghiệp bị cạnh tranh không lành mạnh là câu hỏi rất không dễ có đáp án.
Không gian báo chí hiện nay thay đổi từng ngày, giờ đây báo chí phải hướng đến đa nền tảng. Chỉ báo in, truyền hình hay website thì chưa đủ mà phải đồng thời có các phiên bản cho máy tính bảng và điện thoại di động theo thiết kế chuyển đổi linh hoạt. Thậm chí các ứng dụng cho mobile cũng biến chuyển liên tục. Thời đại mobile media đang tới gần, và đương nhiên báo chí cũng phải chuyển sang tập trung hơn vào báo chí di động. Không ít tờ báo trên thế giới cho biết số lượng đọc báo qua điện thoại di động của họ đã vượt cả website. Đó là một thách thức đối với mỗi cơ quan báo chí, cũng như cá nhân mỗi nhà báo. Làm thế nào để đáp ứng được yêu cầu của tòa soạn, mà cao hơn, rộng hơn là nhu cầu của bạn đọc trong không gian báo chí mỗi ngày một mới này quả là không dễ.
Điểm qua một vài khía cạnh, một vài tình huống nhà báo thường gặp, đang gặp như vậy và trở lại câu hỏi làm thế nào để bình an cả về mặt cuộc sống, thể chất và bình an trong tâm hồn nhà báo là một nan đề mà mỗi nhà báo phải tự rút ra cho mình từ những trải nghiệm cá nhân và suy ngẫm, qua kinh nghiệm của các đồng nghiệp đi trước.
Có người cho rằng, nhà báo ở thời nào cũng vậy phải luôn dũng cảm, trung thực và vươn lên; nhất là trước những cạm bẫy vật chất và tiêu cực xã hội hiện nay, phải dũng cảm vượt qua. Có ý kiến tự nhủ, người làm báo phải vững vàng về chính trị, sắc sảo về nghiệp vụ và phải dựa trên nền tảng đạo đức. Có như vậy, thông tin mới được khai thác, xử lý nhanh nhạy, chính xác với động cơ trong sáng. Đó cũng là sự kiên định, vững vàng trước cám dỗ của đồng tiền, của quyền lực, của những bè phái; là tư tưởng cầu tiến, đấu tranh quyết liệt với sự lạc hậu, cẩu thả, vô trách nhiệm của chính bản thân mình.
Có người đúc kết một cách hệ thống mang tính giáo khoa thư về các phẩm chất nhà báo cần có, đó là: Thứ nhất phải có bản lĩnh chính trị vững vàng. Thứ hai, nhận thức đầy đủ, sâu sắc và tuân thủ nghiêm túc các chuẩn mực về đạo đức nói chung, đạo đức nghề báo nói riêng. Thứ ba, có phông kiến thức văn hoá-xã hội sâu rộng và không ngừng được bổ sung, cập nhật. Thứ tư, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao. Thứ năm, có khả năng giao tiếp tốt. Thứ sáu, phải có khả năng ứng dụng tốt các thành quả của khoa học-công nghệ trong tác nghiệp và giỏi ít nhất một ngoại ngữ thông dụng. Thứ bảy, có kiến thức nhất định về kinh tế báo chí.
Đúc kết từ thực tiễn và những trải nghiệm hoạt động báo chí khá cô đọng như vậy nhưng áp dụng nó trong quá trình tác nghiệp thế nào lại phụ thuộc vào mỗi nhà báo. Nhân Ngày Báo chí Việt Nam 21-6, chúc mỗi nhà báo tìm được cho mình điểm tựa để “tùy ngộ nhi an”.
Lưu Thái Bảo
Link nội dung: https://phaply.net.vn/tuy-ngo-nhi-an-a142967.html