Giải Pulitzer: Nhà báo và day dứt trước những quyết định “vị nhân sinh”

(Pháp lý) - Câu chuyện mà những nhà báo được giải thưởng Pulitzer kể khi tác nghiệp là chuyện của những dấn thân nhọc nhằn, hiểm nguy và nước mắt. Những con chữ được viết ra không chỉ là lao động chân tay và trí óc thông thường, nó còn là lao động của lương tri vì họ phải đặt mình trước những quyết định “vị nhân sinh”

Câu chuyện khi tác nghiệp và những day dứt tâm can của những nhà báo, những cơ quan báo chí trước mỗi sự kiện nóng bỏng của xã hội đã đạt giải thưởng Pulitzer đã cho thấy nghề báo là nghề chẳng dễ dàng gì… ngay cả khi nó chạm đến đỉnh vinh quang.

Pulizer 2016: Giải thoát nô lệ trước khi viết báo

Năm 2016, loạt tài liệu báo chí của Hãng tin AP mô tả tình trạng sử dụng lao động nô lệ trong nghề đánh bắt hải sản ở khu vực Đông Nam Á để cung cấp cho các thị trường Âu Mỹ đoạt giải Pulitzer - giải báo chí danh giá của nước Mỹ. Loạt phóng sự đó do 4 nữ nhà báo thực hiện. Sau này, tâm sự về quá trình tác nghiệp, những nhà báo nữ này thường kể về một nỗi day dứt thường trực khi đưa đến các quyết định đăng tải loạt bài này.

[caption id="attachment_142927" align="aligncenter" width="410"]Khi tác nghiệp những phóng viên của hãng AP luôn băn khoăn để bảo vệ và giải thoát an toàn cho những người nô lệ ở các ngư trường của khu vực Đông Nam Á (Ảnh chụp giấu mặt các nô lệ). Khi tác nghiệp những phóng viên của hãng AP luôn băn khoăn để bảo vệ và giải thoát an toàn cho những người nô lệ ở các ngư trường của khu vực Đông Nam Á (Ảnh chụp giấu mặt các nô lệ).[/caption]

Để thực hiện phóng sự đó, họ phải tìm được những nô lệ thời mới và theo dấu những hải sản do nô lệ đánh bắt đến tận bàn ăn của các thực khách Mỹ. “Các cô có biết mình đang đuổi theo chén thánh không?” – một nguồn tin từng nói với họ. Nhưng các nữ nhà báo vẫn không dừng lại. Tháng 3/2015, họ gây chấn động với bài đầu tiên “Slaves may have caught the fish you bought” (Cá bạn mua có thể là do nô lệ đánh bắt). Tiếp sau đó là hàng loạt bài, họ kể các câu chuyện về số phận con người. Tiêu biểu như câu chuyện của Senasook - đời ông cứ lênh đênh trên tàu, ra ngoài lãnh hải Thái Lan để tìm kiếm nguồn cá ngày một khan hiếm. Cuộc sống trên tàu như một cơn ác mộng, thuyền trưởng thường xuyên hăm dọa, đánh đập và không cho ông ngủ. Hắn giữ tất cả giấy tờ tùy thân của thuyền viên để cầm tù họ. "Ông ta đá rồi đấm tôi. Mũi miệng tôi đầy máu. Tôi vẫn còn máu vón cục ở răng. Quai hàm thì đau nhói mỗi lần nhai” Senasook nhớ lại.

Hay câu chuyện tại làng Benjina nằm trên hòn đảo hẻo lánh của Indonesia, căn cứ của một công ty hải sản lớn. Những thủy thủ tàu cá, bị giam cầm và một nghĩa địa với hàng chục nấm mồ kế ngay bên công ty. Những thủy thủ đuổi theo họ trong đêm để dúi vào tay họ những mẩu giấy ghi tên và địa chỉ gia đình. “Làm ơn. Hãy báo với họ chúng tôi còn sống” – những con người tội nghiệp ấy van xin. Từ đó, họ lao vào tìm hiểu hướng đi của hải sản, làm sao để kể câu chuyện với các chi tiết chính xác, bảo vệ những người đàn ông này khỏi nguy cơ bị bóc lột và bị hại. “Đó là khoảng thời gian rất căng. Chúng tôi tự hỏi liệu sẽ có ai quan tâm nhưng chúng tôi cứ lao theo sứ mệnh” – Mendoza nhớ lại.

Đến khi có đủ tư liệu, họ đứng trước câu hỏi đầy nhân văn: Đăng hay không câu chuyện mà các nô lệ đã liều mạng để kể với họ? Đăng bài viết với ảnh và tên đầy đủ sẽ vô cùng nguy hiểm cho các nô lệ. Nhưng làm mờ ảnh hay giấu tên sẽ làm mất đi sức mạnh của bài báo. Cuối cùng, họ thực hiện một chiến dịch giải cứu, nhờ đến Tổ chức Quốc tế về di cư phối hợp với cảnh sát Indonesia cứu thoát các nô lệ được nhắc đến trước khi đăng bài.

Cũng bởi những quyết định vị nhân sinh, Mendoza cho biết một phần thưởng giá trị mà họ nhận được là giúp các nô lệ được đoàn tụ với gia đình. “Đó là những cuộc đoàn tụ đẹp đẽ dù nhiều người thấy tủi hổ vì trở về trắng tay. Một số hứa sẽ không rời gia đình nữa nhưng một vài người không thoát được cái nghèo đã trở lại Thái Lan” – Mendoza thừa nhận.

Sau khi câu chuyện thấm đẫm cực nhọc và nước mắt được kể, hơn 2.000 công dân Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar đã được giải thoát khỏi cảnh nô lệ trên những tàu thuyền đánh bắt cá. Hàng loạt kẻ buôn người bị bắt và số tàu, hải sản bị tịch thu trị giá hàng triệu USD. Tại Mỹ, nhiều công ty tuyên bố tẩy chay hàng loạt nhà cung cấp hải sản từ khu vực Đông Nam Á, trong đó có không ít doanh nghiệp đăng ký tại Thái Lan. Tổng thống Barack Obama hồi đầu năm cũng ký luật cấm nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến nạn nô lệ. Và vô số những chính sách tích cực khác từ những nước Đông Nam Á.

Vì cộng đồng, dấn thân không ngại những “tổ chức khổng lồ”

Năm 2014, hai tờ báo Guardian US và Washington Post nhận giải thưởng Pulitzer, hạng mục phục vụ công chúng, cho quá trình điều tra, tiết lộ những tài liệu chi tiết về chương trình theo dõi điện tử toàn cầu của chính phủ Mỹ, do cựu nhân viên CIA Edward Snowden tiết lộ vào tháng 6/2013.

Theo đó, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) và Cục điều tra Liên bang (FBI) truy cập trực tiếp vào hệ thống máy chủ của các công ty Internet Mỹ, thu thập thư điện tử, những cuộc trò chuyện qua video, tin nhắn trên mạng Internet.... NSA lấy cả các dữ liệu cuộc gọi của hàng triệu công dân Mỹ. Không dừng lại ở đó, NSA còn do thám nguyên Tổng thống Nga Andrei Medvedev, nguyên thủ của nước Đức... Các thông tin phanh phui có sức ảnh hưởng lớn đến chính nước Mỹ và cả thế giới. Sức ảnh hưởng của thông tin chấn động đó khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama phải có biện pháp giới hạn quyền lực theo dõi của NSA và dấy lên những tranh luận về tình báo, ngoại giao và vấn đề nhân quyền.

[caption id="attachment_142929" align="aligncenter" width="410"]Tấm ảnh trong loạt ảnh đạt giải Pulitzer năm 2016. Ghi lại sự khổ sở, khó khăn của những người di cư đã truyền đi thông điệp thay đổi chính sách di cư của nhiều nước Châu Âu trong năm 2015. Tấm ảnh trong loạt ảnh đạt giải Pulitzer năm 2016. Ghi lại sự khổ sở, khó khăn của những người di cư đã truyền đi thông điệp thay đổi chính sách di cư của nhiều nước Châu Âu trong năm 2015.[/caption]

Từ vụ việc giải Pulitzer được trao cho nguồn tin và tờ báo đã dũng cảm phanh phui vụ “NSA nghe lén” người viết liên tưởng vụ "hồ sơ Lầu Năm Góc" gây chấn động liên quan đến Việt Nam. Lần lại lịch sử sẽ thấy ngày 17/6/1967, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ lúc đó là McNamara âm thầm giao cho một nhóm gồm 36 chuyên gia nhiệm vụ thu thập tài liệu mật liên quan đến quá trình dẫn đến chiến tranh Việt Nam để làm một quyển "lịch sử toàn thư về chiến tranh Việt Nam" (chính xác là về quan hệ Mỹ - Việt Nam từ năm 1945 đến 1967) một cách gian trá, bóp méo sự thật.

Daniel Ellsberg, một thành viên nhóm công tác đặc biệt này trong giai đoạn đầu, cảm thấy bức xúc vì nội dung hồ sơ và đã tìm cách tiếp cận cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger cùng các quan chức cao cấp khác để bày tỏ những bức xúc về chiến tranh Việt Nam của mình, song không ai tiếp. Sau đó vào tháng 3/1971, Ellsberg tuồn hồ sơ này cho báo The New York Times. Và báo này khởi đăng vào hôm 13/6/1971, gây chấn động không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới. Nó gây tác động lớn đến xã hội vì đã chứng minh một cách hành xử vi hiến của một chuỗi lần lượt các Tổng thống, vi phạm lời tuyên thệ của họ. Daniel Ellsberg và tờ New York Times sau khi đăng thông tin “hồ sơ Lầu Năm Góc” cũng đạt giải Pulitzer vào năm 1971.

Phanh phui những vụ nghe lén của những cơ quan lớn của Mỹ, các nguồn tin và nhà báo đã dũng cảm, bất chấp những hiểm nguy của bản thân, vì lợi ích chung của cộng đồng.

Kể những câu chuyện đời thường với khao khát nhân văn

[caption id="attachment_142928" align="aligncenter" width="410"]Tấm ảnh trong loạt ảnh đạt giải Pulitzer năm 2016. Ghi lại tấm ảnh này, những nhà báo luôn day dứt cho số phận của những người tị nạn. Tấm ảnh trong loạt ảnh đạt giải Pulitzer năm 2016. Ghi lại tấm ảnh này, những nhà báo luôn day dứt cho số phận của những người tị nạn.[/caption]

Pulitzer là giải báo chí được trao hằng năm cho các thể loại báo chí khác nhau. Một số giải thưởng được trao cho những nhà báo, tờ báo đưa tin, điều tra về những sự việc lớn lao như nói ở trên nhưng cũng có những giải thưởng được trao cho những nhà báo, người làm báo kể những câu chuyện về bất công trong đời thường, với khát khao nhân văn.

Cũng liên quan đến những vấn đề nhân sinh, giải Pulitzer năm 2015 được trao cho John Maines và Sally Kestin của The Sun Sentinel, một tờ báo nhỏ ở Florida, cho loạt phóng sự "Những tay cớm yêng hùng xa lộ bất chấp luật pháp" tố giác thói quen phóng xe như điên coi thường sinh mạng dân chúng và luật pháp của một số cảnh sát khi hết giờ công tác. Năm 2014 là loạt bài "Nụ hôn thần chết của một loại thuốc chống đau" của Michael J. Berens và Ken Armstrong của The Seattle Times. Hai nhà báo này đã "bới" ra được tính bất nhân của giới chức y tế tiểu bang Washington khi thay thế các loại thuốc chống đau đắt tiền trong trị liệu ung thư bằng thuốc methadone, một loại thuốc có gốc ma túy đang được sử dụng như là một chất cai nghiện đại trà nhờ rẻ tiền. Hậu quả là bệnh nhân chưa chết vì ung thư đã chết vì quá liều methadone khi cứ ngỡ đây là một thuốc giảm đau vô hại!

Hay loạt bài đoạt giải có tựa đề “Till death do us part” (tạm dịch: Chỉ chết mới rời xa) về tình trạng chết vì bạo hành ở South Carolina, một bang miền nam nước Mỹ nổi tiếng vì bảo thủ. Các bài viết trong đó kể về khoảng 300 phụ nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình. Có những người đã bị đàn ông bắn, đâm, bóp cổ, thiêu cháy, đánh đập... trong suốt 10 năm qua trong khi chính quyền hầu như không làm gì để can thiệp (South Carolina vốn từ lâu được coi là bang không có luật nghiêm đối với tình trạng bạo hành gia đình - PV). Ngay sau khi loạt bài này được đăng tải, cơ quan lập pháp ở bang nhanh chóng thông qua luật để giải quyết một loạt vấn đề mà loạt bài này phanh phui. Đưa ra vấn đề lớn nhưng mong mỏi của những người làm báo chỉ đơn giản là: “Thông điệp của loạt bài là để phụ nữ ở South Carolina được an toàn hơn”.

Pulitzer - Giải báo chí danh giá nhất

Giải thưởng thường niên Pulitzer được đặt theo tên của nhà xuất bản báo chí tiên phong Joseph Pulitzer, chủ bút của tờ New York World và được trao tại đại học Columbia từ năm 1917. Giải bao hàm nhiều lĩnh vực, trong đó quan trọng hơn cả là về báo chí và văn học. Đặc biệt về báo chí, Pulitzer được xem như một trong những giải danh giá nhất.

Năm 2015, tờ New York Times giành giải về đưa tin quốc tế cho “việc đưa tin dũng cảm và những câu chuyện nhân văn sâu sắc” với loạt bài về dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi - kết quả của những nỗ lực táo bạo và dũng cảm của các phóng viên. Tờ báo đã cử hàng loạt phóng viên quốc tế, các cây viết mảng khoa học và phóng viên video cùng tham gia chiến dịch lớn này. Phóng viên ảnh Daniel Berehulak giành chiến thắng với phóng sự ảnh gồm một loạt chân dung được chụp trong nhiều tháng để ghi lại nạn dịch Ebola chết chóc. Bất chấp hiểm nguy về dịch bệnh có thể lây lan, họ có những thước ảnh và đạt những giải thưởng báo chí danh giá nhưng tôi tin những ám ảnh sự nạn dịch sẽ mãi đeo đuổi họ.

Năm 2015, Pulitzer về ảnh nóng báo chí được trao cho các phóng viên của tờ St. Louis Post - Dispatch với loạt ảnh thể hiện “Đau đớn và giận dữ ở Ferguson” - nơi xảy ra bạo loạn sau vụ thanh niên da đen Michael Brown bị một cảnh sát da trắng bắn hạ hồi mùa hè năm ngoái. Các cuộc bạo loạn ở đây đã diễn ra trong nhiều tuần sau đó. David Carson, phóng viên ảnh của St. Louis Post-Dispatch, chỉ vài giờ sau khi giành giải Pulitzer, anh lại trên đường đi làm việc. Ở Tòa soạn, chiếc bánh ngọt và ly champagne vẫn nằm yên ở đó. Carson nói dù Tòa soạn rất tự hào về giải thưởng danh giá nhưng rất khó để ăn mừng khi câu chuyện bắt đầu từ cái chết oan khuất của Michael Brown. Phóng viên ảnh Robert Cohen của tờ báo nói: “Tôi thật sự thấy giằng xé. Rất buồn khi giành chiến thắng với câu chuyện đã gây ra quá nhiều tổn thất cho cộng đồng của tôi”.

Pulitzer 2016 ở hạng mục ảnh thời sự với chùm ảnh về hành trình của người tị nạn tới miền đất hứa châu Âu. Chùm ảnh chụp lại nhiều hình ảnh ám ảnh như cảnh chen chúc của người di cư trên một con thuyền cập bến gần làng Skala, đảo Lesbos của Hy Lạp ngày 16/11/2015. Họ muốn quay trở lại đất liền Thổ Nhĩ Kỳ nhưng bị bắt giữ tại vùng biển nước này; Một người tị nạn Syria ôm chặt hai con khi cố gắng rời khỏi chiếc xuồng tới quần đảo Lesbos, Hy Lạp. Họ đã vượt hành trình dài từ Thổ Nhĩ Kỳ qua biển Aegea; Một người đàn ông đầy máu cố gắng bảo vệ con mình khi cảnh sát trấn áp hàng trăm người di cư và phun hơi cay tại biên giới Horgos, Serbia, giáp Hungary… Khi nhìn những tấm ảnh này người xem có thể nhận thấy người làm báo đã đi cùng đoàn di cư, chụp ảnh của họ và day dứt trước số phận của họ. Họ luôn mong mỏi những người tị nạn, có thể có một tương lai tốt hơn khi hình ảnh thảm thương đó được truyền đi.

Câu chuyện khi tác nghiệp và những day dứt tâm can của những nhà báo, những cơ quan báo chí trước mỗi sự kiện nóng bỏng của xã hội đã đạt giải thưởng Pulitzer đã cho thấy nghề báo là nghề chẳng dễ dàng gì… ngay cả khi nó chạm đến đỉnh vinh quang.

Minh Hải (tổng hợp)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/giai-pulitzer-nha-bao-va-day-dut-truoc-nhung-quyet-dinh-vi-nhan-sinh-a142926.html