Chuyện về những nhà báo bền bỉ giải oan cho không ít các số phận

(Pháp lý) - Chỉ trong vài năm gần đây, lịch sử tư pháp nước nhà đã ghi nhận không ít án oan. Trước số phận của những người bị oan khiên khốn khổ có nhiều nhà báo đã miệt mài, bền bỉ dùng ngòi bút của mình để giải oan cho họ. Điều gì thôi thúc họ làm vậy? Phải chăng là lương tri của mỗi nhà báo? Điều này sẽ được hé mở trong một vài câu chuyện dưới đây.

Nhà báo Hàn Ni và “cơn địa chấn” Xin Chào

Ông Tấn chủ quán cà phê Xin Chào đã không bị khởi tố về hành vi “kinh doanh trái phép”, ông đã được phục hồi các quyền lợi ích hợp pháp liên quan. Các cá nhân ra quyết định không đúng cũng đã bị tạm đình chỉ công tác, chờ xử lý tiếp. Góp phần đầu tiên và kiên quyết nhất trong quá trình giải oan cho ông Tấn là nhà báo Đặng Thị Hàn Ni (SN 1977), Phóng viên Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng.

Nói về cái duyên gắn chặt và khiến chị đấu tranh trong vụ Xin chào, chị kể: “Trước đó, tôi tình cờ nghe một anh bạn bác sỹ Chợ Rẫy, người chữa bệnh cho mẹ ông Tấn, kể chuyện của ông Tấn, nạn nhân mang hồ sơ, đơn đi gõ cửa khắp nơi nhưng không ai dám tiếp nhận; và lúc đó tôi cũng nghĩ làm gì công an, Viện kiểm sát mà làm sai được, tòa cũng tiếp nhận án rồi còn gì. Nhưng do tính tò mò tôi buột miệng nhờ người bạn xin hồ sơ, nhưng dặn là hồ sơ phải đủ bút lục, vì sợ hồ sơ thiếu, còn “ém” gì nữa, mình viết sai mình chết”.

[caption id="attachment_142674" align="aligncenter" width="354"]Bằng khen của UBND TP.HCM đối với nhà báo Hàn Ni (bên phải) vì sự dũng cảm,  trách nhiệm và mong mỏi bảo vệ những điều tốt đẹp. Bằng khen của UBND TP.HCM đối với nhà báo Hàn Ni (bên phải) vì sự dũng cảm, trách nhiệm và mong mỏi bảo vệ những điều tốt đẹp.[/caption]

Chị mất 4 ngày, 3 đêm để tìm hiểu về hồ sơ và viết bài báo. Trong đó 3 ngày dành thời gian để đọc từng bút lục trong hồ sơ của tòa. Rồi lại thức cả đêm để hệ thống làm sao ra được bài viết đầy đủ, thuyết phục. Chị phải theo dòng thời sự, mất ngủ, ăn uống qua bữa, không có thời gian tắm, sức khỏe giảm nhiều. Hàn Ni không làm việc một mình, đồng hành với chị là những người bạn có chuyên môn. Chị ngồi cùng một Phó chánh án và một điều tra viên chuyên về hình sự để trao đổi. Chị đặt những câu hỏi, hỏi đến đâu, chị lấy bút lục đến đó để kiểm tra, đối chứng. Chị nghiên cứu kĩ đến mức thuộc tất cả các tình tiết vụ việc và tìm ra bất thường trong ấy. Chị hệ thống lại và viết.

Giữa tháng 4/2016, Báo Sài Gòn giải phóng đăng tuyến bài “Bán phở, chậm đăng ký kinh doanh: Bị xử lý hình sự” (đăng từ ngày 19/4 đến 21/4/2016). Khi bài đăng, chị hồi hộp không biết phản ứng của dư luận ra sao. Chẳng ngờ, bài báo rúng động dư luận cả nước. Chị được cộng đồng mạng xã hội, dư luận và bạn bè đồng nghiệp ủng hộ tạo nên một cơn "địa chấn".

Khi được báo chí hỏi tại sao lại làm một việc mà tổn hao tâm sức và khiến mình phải lo nghĩ nhiều đến vậy? Chị Hàn Ni đã cho biết: Chị làm điều đó vì trách nhiệm với nghề nghiệp. Cũng vì trách nhiệm ấy mà chị can đảm gạt bỏ hết những băn khoăn, lo lắng và kể cả những lo sợ nếu bị trả thù.

[caption id="attachment_142675" align="aligncenter" width="410"]Ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán cà phê Xin Chào (người được báo chí góp phần giải oan) Ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán cà phê Xin Chào (người được báo chí góp phần giải oan)[/caption]

 

Có lẽ chưa người bị oan nào được giải oan nhanh như ông Tấn. Việc đó là nhờ nỗ lực không ngừng của Hàn Ni và các đồng nghiệp ở nhiều báo khác. Sau vụ việc, Hàn Ni được đồng nghiệp, bạn đọc tặng nhiều “danh hiệu” như Bông hồng thép, Người truyền lừa truyền thông, Người dũng cảm đi tìm công lí, Người hùng trong làng báo, Hiệp sỹ công luận… Chiều 25/4, ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM đã đến Báo Sài Gòn Giải Phóng, đích thân trao tặng bằng khen và thưởng nóng cho phóng viên Đặng Thị Hàn Ni.

Như những nhà điều tra độc lập góp phần minh oan cho nhiều người

[caption id="attachment_142676" align="aligncenter" width="410"]Nhà báo Vũ Đức Sao Biển - người đã miệt mài đồng hành cùng nhiều đồng nghiệp khác góp phần giải oan cho ông Huỳnh Văn Nén  Nhà báo Vũ Đức Sao Biển - người đã miệt mài đồng hành cùng nhiều đồng nghiệp khác góp phần giải oan cho ông Huỳnh Văn Nén[/caption]

Ông Nén bị truy tố oan đến 2 lần. Sau nhiều năm các luật sư vào cuộc và báo chí lên tiếng, tháng 9/2014, VKSND Tối cao kháng nghị tái thẩm vụ án rồi TAND Tối cao hủy án để điều tra lại, ông Nén bị chuyển sang tạm giam. Chiều 22/10/2015, ông Huỳnh Văn Nén được tại ngoại điều tra sau gần 18 năm ngồi tù.

Trong câu chuyện về những ngày đi kêu oan cho ông Nén, có ông Nguyễn Thận, người láng giềng tốt bụng, nguyên trưởng công an, chủ tịch xã rồi phó chủ tịch Mặt trận huyện Hàm Tân, đồng hành cùng. Từ gần 20 năm trước, cũng chính ông Thận nói với ông Huỳnh Văn Truyện, cha của ông Nén: “Bác tiền mô mà thuê luật sư, để tui viết giúp đơn rồi dẫn đi gặp nhà báo!”. Sự tin tưởng ấy đã dẫn đường cho một mối lương duyên dài.

Người đầu tiên mà họ gặp ở Tòa soạn báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh là Phóng viên Bảo Trâm, chị nói: “Bác nghèo, tiền đâu mướn luật sư?”. Thế rồi phóng viên Bảo Trâm hỏi rồi dắt thân nhân ông Nén tới gặp luật sư Phạm Kim Anh.

Tổng Biên tập Nam Đồng của tờ báo này đã cử Phóng viên Sao Biển tham gia vụ này. Trong cơ quan lúc đó có ý kiến: “Sao không cử một cây bút điều tra hoặc một cây bút tố tụng cứng cựa?”. Ông Nam Đồng nói: “Báo mình nhiều người giỏi luật nhưng anh Vũ Đức Sao Biển có sự nhạy cảm của một nhà văn, một nhạc sĩ. Còn những điểm tựa pháp luật ấy sẽ đứng sau hỗ trợ Sao Biển!”.

Giải oan cho người bị oan, công việc của người làm báo chẳng khác gì một điều tra viên nhưng phải là một điều tra viên độc lập, bởi nếu không thật khó giải oan cho người bị oan thật sự. Cái ngày ông Nén nói tại tòa: “Hôm đó tôi đang đi làm thuê cho nhà ông Chín Chè thì sao có thể cùng lúc ra tay giết bà Bông được?”, phiên tòa hoãn. Ông Sao Biển đã chạy về tận nhà ông Chín Chè xác minh. Xong việc thì các điều tra viên cũng vừa đến. Và nhiều lần khác trên tờ báo này đưa những thông tin độc quyền, từ những điều tra độc quyền để lật lại cốt lõi của vụ án. Cũng nhờ đó, các cơ quan chức năng mới nhanh chóng bị thuyết phục và giải oan cho ông Nén.

Đồng hành với gia đình ông Nén còn có sự tham gia của nhiều nhà báo, nhiều tờ báo khác. Năm 2004, một lá đơn tập thể của bảy nhà báo được gửi đến Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư và Chủ tịch nước kêu oan cho ông Nén. Đó là các nhà báo: Vũ Đức Sao Biển (Pháp Luật TP.HCM), Mạc Hồng Kỳ (Thanh Niên), Trần Mỹ (Người Cao Tuổi), Nguyễn Đình Quân (Tiền Phong), Lê Thanh Phong (Lao Động) và Cao Thuyên (Nông Thôn Ngày Nay).... Vụ án cứ sau ít tháng bị chìm lại được báo chí xới lên.

[caption id="attachment_142677" align="aligncenter" width="410"]Ông Nén (thứ hai từ phải qua) tặng hoa cho các nhà báo Ông Nén (thứ hai từ phải qua) tặng hoa cho các nhà báo[/caption]

Ngày ông Nén được ra tù, ông đã đến tận những tòa soạn báo để tặng hoa và cảm ơn. Đóa hoa đó có lẽ là món quà vô giá để dành cho tất cả những nhà báo luôn trăn trở, đồng hành với những phận người yếu thế , bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ.

Nói về công lao của báo chí khi đồng hành với người dân để giải oan cho họ thì còn phải nhắc đến những vụ việc khác như vụ anh thợ sửa xe Trần Hoàng Minh, vụ bà Trần Thị Búp…

Việc anh Trần Hoàng Minh được giải oan cũng nhờ công lớn của báo chí. Theo đó, cách đây hơn hai năm, người thợ sửa xe gắn máy Trần Hoàng Minh (huyện Cần Giờ, TP.HCM) bỗng nhiên bị cáo buộc trộm máy tính xách tay 6,8 triệu đồng. Dù anh kêu oan và đưa ra chứng cứ ngoại phạm là khi xảy ra vụ trộm anh đang sửa xe cho khách, nhưng vô ích. Tập hồ sơ buộc tội anh vẫn được người ta làm tròn trịa và chuyển đến tòa. Rất may tòa đã trả hồ sơ điều tra bổ sung, sau đó VKSND huyện này mới chịu đình chỉ. Những tưởng thần công lý đã mỉm cười, nhưng anh Minh lại choáng váng khi biết lý do đình chỉ là: Hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội. Thực chất đây là một cách để né bồi thường oan. Và sau khi Pháp Luật TP.HCM, Tuổi trẻ, Thanh Niên vào cuộc, VKSND Tối cao cùng VKSND TP.HCM đã chỉ đạo VKS huyện phải xem xét lại. Không thể làm khác, cuối năm 2015, VKSND huyện đã phải “đính chính” quyết định đình chỉ với lý do không chứng minh được anh Minh phạm tội. Anh Minh chính thức vô tội còn viện trưởng VKSND huyện thì phải thốt lên rằng: “Đây là bài học đau xót cho chúng tôi!”.

Cũng nhờ sự đồng hành của báo chí mà bà Trần Thị Búp (huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) đã được đình chỉ điều tra, do không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bi kịch ập đến với bà Búp vào chiều 24 tết Ất Mùi (2015) khi bà bị bắt vì lý do tự cấn tiền để trừ bớt nợ. Theo pháp luật đây là quan hệ dân sự, không phải hành vi cấu thành tội phạm. Nhưng sau khi hai bên không thống nhất được nợ nần thì bà Búp bị tố cáo ra công an. Bất thường hơn là trong quá trình bà Búp bị tạm giam, một cán bộ điều tra đã nhiều lần gợi ý để bà trả nợ. Xâu chuỗi lại các sự kiện ấy, báo chí đã liên tục có những bài phân tích, chỉ rõ bản chất sự việc là bà Búp bị truy tố oan, điều tra viên đã sốt sắng bất thường trong vai một người đòi nợ giùm... Sau đó, cơ quan tố tụng tỉnh Bình Phước phải rút hồ sơ lên để nghiên cứu và đã ra quyết định đình chỉ vụ án vào cuối 2015. Bộ Công an cũng có văn bản chỉ đạo giám đốc Công an tỉnh phải làm rõ, xử lý nghiêm các cán bộ liên quan đến việc làm oan bà Búp.

Kết ngỏ

Nhiệt tình, bền bỉ, trách nhiệm… là thái độ mà không ít các nhà báo chọn làm nguyên tắc làm báo hiện nay. Với nguyên tắc đó, họ đã đồng hành đưa ra ánh sáng nhiều vụ án oan. Sự đồng hành ấy không chỉ giúp minh oan cho nhiều người vô tội mà còn giúp các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan pháp luật kịp thời phát hiện những lỗ hổng, điểm yếu của mình để khắc phục tránh những sai lầm nối tiếp.

Tôi từng thấy đồng nghiệp của mình chia sẻ về những đóa hoa, lời cảm ơn của những người được báo chí minh oan trong những dịp đặc biệt. Điều đó lan tỏa, đã tiếp thêm sức mạnh cho những nhà báo có trách nhiệm và lương tri.

Vũ Anh Tuấn (tổng hợp)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/chuyen-ve-nhung-nguoi-lam-bao-ben-bi-giai-oan-cho-khong-it-cac-so-phan-a142667.html