Phanh phui hồ sơ “Panama”: Sức mạnh lạ kì của những Nhà báo điều tra chân chính

(Pháp lý) - Nữ nhà báo người Mỹ gốc Argentina - Marina Walker đã từng sử dụng hình ảnh đầy ám ảnh “con sói cô độc khóc trong cô đơn” để chỉ những nhà báo điều tra độc lập - những người dấn thân vào một trong những mảng đề tài báo chí gai góc hiểm nguy nhất. Thế nhưng, sau sự kiện báo chí liên quan đến hồ sơ Panama, dường như hình ảnh đó đã thay đổi. Chưa bao giờ trong lịch sử báo chí lại có sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả đến vậy giữa những nhà báo điều tra trên khắp thế giới… Nó truyền đi thông điệp, không có gì có thể che đậy dưới bầu trời này và báo chí sẵn sàng dấn thân cho sự minh bạch để làm cuộc sống tươi đẹp hơn…

Từ hai nhà báo được cung cấp tin

Hai nhà báo đầu tiên giải mã và điều tra “hồ sơ Panama” là Frederik Obermaier và Bastian Obermayer. Hai phóng viên này đã được người đưa tin vô danh tự nhận là “John Doe” cung cấp 2,6 terabyte dữ liệu chứa 11,5 triệu tài liệu của Công ty Luật Mossack Fonseca tại Panama, trong đó hé lộ về một mạng lưới công ty "ma" khổng lồ trên toàn thế giới, dường như lập ra để giúp giới nhà giàu trốn thuế, rửa tiền.

Frederik Obermaier từng học chuyên ngành khoa học chính trị, địa văn hóa và báo chí tại Eichstatt (Đức), Bogota (Colombia) và Sanaa (Yemen). Trước khi gia nhập tờ Suddeutsche Zeitung, Frederik Obermaier đã làm việc cho hãng DPA, tờ Franfurter Rundschau và 2 tạp chí Zeit Campus, Neonand Polityka của Phần Lan. Tại Suddeutsche Zeitung, Frederik Obermaier được phân công phụ trách mảng chính trị ở Trung Đông và các vấn đề về tình báo, chống khủng bố.

[caption id="attachment_142662" align="aligncenter" width="410"]“Hồ sơ Panama” bị phanh phui bởi những nhà báo chân chính “Hồ sơ Panama” bị phanh phui bởi những nhà báo chân chính[/caption]

Năm 2010, anh từng xuất bản cuốn sách mang tên: “Quốc gia trên bờ vực: Thất bại của chính phủ và mối đe dọa chiến tranh ở Yemen”. Chưa hết, Frederik Obermaier còn là một thành viên của ICIJ và từng tham gia điều tra một số thông tin quốc tế. Anh cũng là nhân vật chính tiết lộ những công ty bí mật của tỷ phú Gunter Sachs trong vụ trốn thuế ở quần đảo Cook và là người phanh phui bê bối của Công ty Herbert Stepic của Đức khi CEO Reiffeisen phải từ chức tháng 5 năm 2013. Năm 2011, Frederik Obermaier từng đoạt giải thưởng của hãng CNN khi thực hiện loạt phóng sự về tổ chức FARC ở Colombia và được tạp chí Medium Magazin bình chọn là một trong 30 nhà báo tiêu biểu nhất trong 30 năm qua. Năm 2013, Frederik Obermaier tiếp tục nhận được giải thưởng Wachterpreis…

Còn Bastian Obermayer là phóng viên từng giành nhiều giải thưởng với các bài phóng sự về tội phạm chiến tranh thế giới thứ 2, những kẻ giết người hàng loạt, bê bối sex trong các trường học của nhà thờ. Anh cũng là tác giả của nhiều cuốn sách từng làm mưa làm gió trên thị trường như “Chúa là màu vàng” nói về mối quan hệ làm ăn sai trái của 19 triệu thành viên của một CLB tên là ADAC; “Anh trai, anh đã làm gì” kể về bê bối lạm dụng tình dục bé trai ở nhà thờ và “Những bức thư gửi từ tiền tuyến – lính Đức kể về chiến tranh ở Afghanistan”… Với những đóng góp của mình, Bastian Obermayer đã được vinh danh trong giải thưởng Theodor-Wolf-Preis năm 2009, giải Henri-Nannen-Preis năm 2010 và Helmut-Schmidt-Preis năm 2013.

[caption id="attachment_142663" align="aligncenter" width="410"]Frederik Obermaier và Bastian Obermayer - Hai nhà báo đầu tiên được tiếp cận với hồ sơ Panama Frederik Obermaier và Bastian Obermayer - Hai nhà báo đầu tiên được tiếp cận với hồ sơ Panama[/caption]

Nói về “duyên” tiếp cận với hồ sơ Panama, trả lời phỏng vấn hãng Politic hôm 5/4, Frederik Obermaier kể rằng, cuối năm 2014, trong một lần đang “lang thang” trên mạng Internet thì anh nhận được một tin nhắn của một người lạ. Người này tự xưng với anh là John Doe và hỏi anh có thích thú với những tài liệu mà anh ta đang nắm giữ hay không. Khi đó, sự nhạy cảm của một phóng viên điều tra khiến Frederik Obermaier khá thận trọng khi trả lời. Sau đó vài ngày, người này lại chủ động tiếp cận với anh qua các phòng chat hoặc gửi email.

Anh giới thiệu với John Doe về Bastian Obermayer và từ đó cả ba thường trao đổi thông qua các chương trình trò chuyện được mã hóa trên Signal, Threema rồi đến PGP, S/MIME. Khi bắt đầu tiếp nhận các nguồn tài liệu của “Hồ sơ Panama”, để bảo đảm an toàn nguồn tin của mình; Frederik Obermaier và Bastian Obermayer thường xóa ngay các đoạn hội thoại chat. Sau này, hai nhà báo đã được ICIJ hỗ trợ thêm phần công nghệ là phần mềm của Công ty Nuix Pty của Australia. Nhờ có phần mềm này mà các nhà báo có thể sàng lọc một cách dễ dàng các dữ liệu có được và sắp xếp chúng theo trình tự từng chủ đề cần khai thác.

Đến thủ lĩnh của báo chí điều tra: Marina Walker

Mặc dù Suddeutsche Zeitung là tờ báo đầu tiên nhận được tập tài liệu, nhưng tờ báo này không thể một mình phân tích chúng. Họ cần một đội phóng viên điều tra sắc sảo để cùng hành động. Süddeutsche Zeitung đã bắt tay với ICIJ và sau đó cùng làm việc với gần 100 cơ quan báo chí khác trên 70 quốc gia khác nhau. Và người có vai trò quan trọng để kết nối mọi người cùng hành động Marina Walker. Một người có tâm niệm “dùng sức mạnh của báo chí để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn”.

Sinh ra và lớn lên ở Argentina, Marina Walker Guevara chứng kiến không ít vấn đề nổi cộm trong đời sống kinh tế - xã hội của quốc gia Mỹ Latinh này. Chính điều đó đã thôi thúc bà trở thành một nhà báo, từ khi ngồi trên giảng đường đại học, với mong muốn dùng ngòi bút “đánh” trực diện vào những thói hư tật xấu của xã hội… Suốt 20 năm sự nghiệp, bà luôn chứng tỏ mình là một cây bút điều tra xuất sắc, với không ít giải thưởng báo chí danh giá. Những góc khuất từ các thiên đường thuế, vấn đề tham nhũng hay hậu quả ô nhiễm môi trường từ các hoạt động công nghiệp… đều được phơi bày trước ánh sáng qua những thông tin chính xác cùng nhận định sắc sảo. Tuy nhiên, một nhà báo điều tra như bà thường xuyên rơi vào trạng thái bị cô lập. Những nguy hiểm rình rập khi tác nghiệp, ánh mắt không mấy thiện cảm của người trong và ngoài cuộc và việc thiếu vắng những hỗ trợ cần thiết khi tác nghiệp là rào cản không hề nhỏ, từng khiến nhiều đồng nghiệp nam giới phải chùn bước… Nhưng, niềm đam mê cháy bỏng với thể loại điều tra đã giúp bà từng bước vượt qua khó khăn và thậm chí còn trở thành điểm tựa cho những người cùng chí hướng.

[caption id="attachment_142664" align="aligncenter" width="410"]Nhà báo Marina Walker (ngồi) bên cạnh những đồng nghiệp Nhà báo Marina Walker (ngồi) bên cạnh những đồng nghiệp[/caption]

 

Bà cũng từng giành nhiều giải thưởng báo chí quốc tế ở 25 quốc gia trên thế giới, trong đó có giải thưởng George Polk của Đại học Long Island, giải phóng viên điều tra, biên tập viên điều tra, giải của CLB báo chí quốc tế, Hiệp hội các nhà báo chuyên nghiệp xã hội và giải thưởng của Ủy ban Châu Âu…

Với vụ hồ sơ Panama, Marina Walker vẫn nhớ lúc nghe tin một nguồn tuyên bố có trong tay lượng tài liệu mật lớn chưa từng có, bà tự hỏi có đúng như vậy không. Và sự thật đúng là thế. Bằng kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề báo, bà đã khéo léo dẫn dắt phóng viên điều tra và thông tin những vụ việc liên quan đến Panama có sức ảnh hưởng kinh khủng.

Và tập thể các nhà báo chân chính…

Tập hợp nhau tại ICIJ, tổng cộng 370 nhà báo từ hơn 100 tổ chức truyền thông thuộc gần 80 quốc gia trên khắp thế giới đã tiến hành phân tích hồ sơ. Bóc dỡ sự thật liên quan đến "Hồ sơ Panama" đã cho thấy khả năng phối hợp hành động đáng kinh ngạc giữa các nhà báo. Chưa bao giờ thấy một nỗ lực hợp tác báo chí nào lớn như vậy, xét về số lượng phóng viên, tổ chức thông tấn, báo chí cũng như số nước góp mặt. Họ đã cùng phân chia công việc, trao quyền tự chủ và tính độc lập cho các đơn vị, cá nhân để không những có thể khai thác hiệu quả nguồn tư liệu để tìm ra được những thông tin quan trọng, có ý nghĩa với độc giả, mà còn bảo mật thông tin đến tận sau cùng.

Cách tiếp cận của truyền thông với Hồ sơ Panama rất khác so với các bê bối đình đám mới đây. WikiLeaks - một tổ chức tận tâm với tính minh bạch và cởi mở - chọn cách tung các tài liệu mật lên mạng để bất kỳ ai cũng có thể đọc được. Đảm bảo bí mật đời tư. Với những thông tin có trong “Tài liệu Panama” có vô số thông tin về cá nhân có liên quan như địa chỉ nhà riêng, địa chỉ email, đến cả hóa đơn tiền điện, những địa điểm nghỉ mát hoặc cả thông tin về tình hình sức khỏe của cá nhân đó. Dĩ nhiên các thông tin này sẽ không bao giờ được công bố do vi phạm luật bảo vệ đời tư. Bởi vậy những nhà báo còn phải đối diện với những quyết định không hề dễ dàng và họ đã quyết định chính xác.

Không chỉ về mặt con người, để xử lý chỗ thông tin đó, các chuyên viên công nghệ thông tin của ICIJ đã xây dựng một công cụ tìm kiếm tùy chỉnh để nhóm điều tra có thể chia sẻ thông tin một cách bí mật trên khắp thế giới. Ngoài ra, một hệ thống chat (nói chuyện qua mạng) thời gian thực cũng ra đời, giúp các nhà báo trao đổi với nhau dễ dàng hơn. Nhiều thuật toán thông minh được tạo ra giúp tìm kiếm mối liên quan giữa những cái tên đã được đề cập trong tài liệu. Phần mềm chuyển dữ liệu bản cứng thành các dữ liệu định dạng kỹ thuật số cũng tỏ ra rất hiệu quả. Những nhà báo điều tra vụ Panama đã vận dụng thành thạo công nghệ vào xử lý các vấn đề thách thức hoạt động của báo chí thời hiện đại.

Và bê bối rò rỉ này "khủng" đến mức cần phải huy động nhiều người và đa dạng các hãng truyền thông tham gia khai thác. Có quá nhiều quốc gia, công ty và cá nhân liên quan nên Dự án cần đến các phóng viên có kiến thức tốt về địa phương. Thế nhưng điều đặc biệt là tính bí mật của dự án vẫn được duy trì. Điều đó cho thấy sự trung thực của những người làm báo điều tra chân chính.

Thông tin do các nhà báo cung cấp trong hồ sơ Panama đã làm rung chuyển thế giới, nền chính trị nhiều nước chao đảo, nhiều người siêu giàu với bộ mặt xấu xí bị vạch ra… Sức ảnh hưởng của những thông tin ấy là quả ngọt của những nhà báo điều tra chân chính.

Anh Tâm (tổng hợp)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/phanh-phui-ho-so-panama-suc-manh-la-ki-cua-nhung-nha-bao-dieu-tra-chan-chinh-a142661.html