(Pháp lý) - Bị bắt tạm giam, truy tố và xét xử trái pháp luật, sau hơn 16 năm năm đội đơn thưa kiện, được sự hỗ trợ của các cơ quan báo chí, cơ quan chức năng ở Trung ương, chị Phan Thị Tuyết Loan và Phan Thị Kim Phụng (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) được giải oan.
Tuy nhiên đến nay đã hơn 16 năm kể từ ngày bị bắt giam và xét xử oan sai, hơn 3 năm được giải oan, gần 5 tháng có văn bản xác nhận về việc bồi thường oan sai, nhưng TAND huyện Tháp Mười vẫn trì hoãn thực hiện việc bồi thường oan sai một cách khó hiểu..?
Nỗi ám ảnh bị thu hồi đất trái pháp luật
Làm việc với Phóng viên Pháp lý điện tử, chị Loan, Phụng bùi ngùi kể lại: Bố tôi là ông Phan Văn Bình, là người có công với Đảng và Nhà nước, đã được tặng thưởng huy chương, bằng khen trong chiến tranh, nay đã mất. Lúc còn sống ông nhận chuyển nhượng hợp pháp, 11.200m2 đất, thuộc thửa số 18, tờ bản đồ số 11 tại xã Thạch Lợi (nay là xã Trường Xuân), huyện Tháp mười, tỉnh Đồng Tháp. Mảnh đất này đã được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận ông Bình là chủ sở hữu hợp pháp (có đầy đủ giấy tờ chứng minh), sử dụng ổn định liên tục từ trước năm 1990 đến khi bị UBND huyện Tháp Mười cưỡng chế thu hồi trái pháp luật.
[caption id="attachment_142655" align="aligncenter" width="410"] Chị Phan Thị Tuyết Loan sau khi bị bắt giam, truy tố và xét xử oan sai đã vào chùa xuống tóc đi tu.[/caption]
Theo điều tra của Phóng viên Pháp lý, việc giao đất để xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư và chợ mới, thị tứ Trường Xuân (xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) với diện tích thu hồi là 98.536m2, căn cứ vào hồ sơ kỹ thuật (Quyết định số 478/QĐ-UB-HC phê duyệt quy hoạch chi tiết khu trung tâm thương mại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp). Toàn bộ diện tích đất thuộc sở hữu của gia đình chị Phụng không nằm trong quy hoạch của dự án trên (cách ranh giới quy hoạch của dự án trên là 55 m).
Tuy nhiên, UBND huyện Tháp Mười, Ban đền bù giải phòng mặt bằng, Phòng Địa chính huyện Tháp Mười và các cá nhân có liên quan đã làm sai lệch hồ sơ để mở rộng dự án trùm lên phần diện tích đất của gia đình chị Phụng, theo quy hoạch không nằm trong dự án.
Việc thu hồi đất đã vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể: Không công bố quy hoạch và lấy ý kiến người dân cũng như các cơ quan, tổ chức xã hội. Không có quyết định thu hồi đất, phương án bồi thường, tái định cư đối với người bị thu hồi mà chỉ có thông báo thu hồi đất. Làm sai lệch, giả mạo hồ sơ địa chính: diện tích đất của gia chị Phụng giấy tờ đầy dủ xác nhận là 11.200m2 nhưng UBND huyện Tháp Mười chỉ xác nhận là 5.800m2, trong đó phần nằm trong quy hoạch là 5000m2, còn Phòng Tài nguyên Môi trường, Phòng Tài chính-Vật giá, UBND xã Trường Xuân lại xác định là 7.755m2? Như vậy là hoàn toàn mâu thuẫn, sai thực tế.
16 năm đằng đẵng kêu oan
Chị Phùng ngậm ngùi nhớ lại: Khi chị em tôi đấu tranh bảo vệ lẽ phải thì bị đánh đập, bắt giam và truy tố, xét xử trái pháp luật. Chị Loan lúc ấy mới 24 tuổi, chưa chồng bị tạm giam từ ngày 14/6/2000 đến ngày 11/8/2000 và bị xử với mức án 9 tháng tù cho hưởng án treo. Chị Phụng, hồi đó mới 20 tuổi, đã có chồng và một con nhỏ, bị bắt tạm giam từ 14/6/2000 đến 22/3/2001, bị xử 12 tháng tù giam. Vì quá uất ức, chị Loan vào chùa, xuống tóc đi tu. Chị Phụng bị chồng bỏ, gửi con cho người nhà, tiếp tục rầm nắng, rãi mưa đội đơn đi kêu cứu khắp nơi, bỏ cả tuổi thanh xuân để đòi lại công bằng cho gia đình và bản thân.
[caption id="attachment_142653" align="aligncenter" width="353"] Chị Phan Thị Kim Phụng, sau khi bị án oan sai 12 tháng tù giam đã bị chồng bỏ, hơn 16 đội đơn kêu cứu khắp nơi.[/caption]
Chị Phụng cho biết: vụ việc của hai chị em được TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên hủy án, trả lại hồ sơ điều tra lại. Lúc này Công an, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tháp Mười trốn tránh trách nhiệm, hợp thức hóa hành vi bắt giam giữ, truy tố đưa ra xét xử người trái pháp luật, nhằm để không phải bồi thường, bằng việc ra quyết định đình chỉ vụ án với lý do: “hành vi của bị cáo không còn nguy hiểm cho xã hội”?
Sau hơn 13 năm liên tục khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền, sự vào cuộc lên tiếng bênh vực, bảo vệ của các cơ quan báo chí, các vị đại biểu quốc hội có lương tâm, tin vui đã đến với các chị. Theo đó, ngày 6/1/2013, ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã mời chị Phụng (đại diên cho gia đình) đến Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp làm việc. Ông Hoan thay mặt UBND tỉnh, thừa nhận việc cưỡng chế thu hồi đất của các cơ quan tỉnh Đồng Tháp, UBND huyện Tháp Mười là hoàn toàn sai. Ông Lê Minh Hoan cam kết sẽ tiến hành giải quyết rốt ráo, triệt để, để giải tỏa bức xúc, trả lại công bằng cho gia đình chị Phụng.
Ngày 20/05/2013, UBND huyện Tháp Mười, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, căn cứ trên kết quả làm việc với gia đình chị Phụng, đã ban hành Quyết định số 525 bồi thường tiền bị thiệt hại do thu hồi đất trái pháp luật cho gia đình chị Phụng. UBND huyện Tháp Mười ban hành 07 Quyết định từ số 2183 đến 2189 cấp lại 07 nền đất ở cho các hộ trong gia đình chị Phụng.
Ngày 19/01/2013 Công an huyện Tháp Mười ban hành quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với Loan và Phụng theo khoản 2, Điều 107, Bộ Luật tố tụng hình sự (hành vi không cấu thành tội phạm). Ngày 09/08/2013, VKSND huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp có văn bản số 116/VKS-VP gửi TAND huyện Tháp Mười khẳng định, Quyết định đình chỉ điều tra bị can số 01, 02 ngày 19/01/2013 của Công an huyện Tháp Mười là có căn cứ, đúng pháp luật.
Ngày 10/06/2013, TAND huyện Tháp Mười mời chị Loan và Phụng, tiến hành thương lượng việc bồi thường oan sai do hoạt động tố tụng gây ra đối với hai chị em Loan, Phụng theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Chị Phụng kể: chị em tôi có mặt tại TAND huyện Tháp Mười lúc 09h ngày 10/06/2013. Tuy nhiên, khi chuẩn bị thương lượng thì ông Nguyễn Văn Mỹ, Phó Chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp gọi điện trực tiếp cho bà Nguyễn Thị Thời, Thẩm phán, Phó Chánh án TAND huyện Tháp Mười, yêu cầu dừng ngay việc thương lượng để chờ TAND tỉnh Đồng Tháp xin ý kiến TAND Tối cao hướng dẫn rồi mới tiến hành thương lượng, giải quyết.
[caption id="attachment_142654" align="aligncenter" width="248"] Biên bản về việc xác định yêu cầu bồi thường thiệt hại[/caption]
Ngày 18/11/2015, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh có Quyết định tái thẩm số 11/2015/DS-TT về vụ án “bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra”. Bản án đã hủy toàn bộ vụ án dân sự số 01/2006/QĐST-DS ngày 08/09/2006 của TAND huyện Tháp Mười giữa nguyên đơn là Phan Thị Kim Phụng và Phan Thị Tuyết Loan, bị đơn là TAND huyện Tháp Mười tỉnh Đồng Tháp.
Ngày 21/01/2016, ông Trần Hiến Cương, Chánh án TAND huyện Tháp Mười có văn bản xác định về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với chị Loan và Phụng.
Tuy nhiên đến nay đã hơn 16 năm kể từ ngày bị bắt giam và xét xử oan sai, hơn 3 năm được giải oan, gần 5 tháng có văn bản xác nhận về việc bồi thường oan sai, nhưng TAND huyện Tháp Mười vẫn trì hoãn thực hiện việc bồi thường oan sai một cách khó hiểu..?
Việc bồi thường phải thực hiện theo nguyên tắc kịp thời, công khai, đúng pháp luật -Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn và các giấy tờ hợp lệ, nếu xác định yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì cơ quan đã nhận hồ sơ phải thụ lý và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý đơn cho người bị thiệt hại; trường hợp yêu cầu bồi thường không thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì cơ quan đã tiếp nhận hồ sơ phải trả lại hồ sơ và hướng dẫn người bị thiệt hại gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết bồi thường (khoản 2 Điều 17).-Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải hoàn thành việc xác minh thiệt hại để làm căn cứ xác định mức bồi thường; trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn xác minh thiệt hại có thể kéo dài nhưng không quá 40 ngày (Điều 18 khoản 1).
-Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc việc xác minh thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải tổ chức và chủ trì thương lượng với người bị thiệt hại về việc giải quyết bồi thường; trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn thương lượng có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày (Điều 19) -Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc việc thương lượng, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải ra quyết định giải quyết bồi thường. (Điều 20). ( Trích Điều 7 - Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước ) |
Tùng Lâm
Link nội dung: https://phaply.net.vn/thap-muoi-dong-thap-an-oan-duoc-giai-nhung-den-bu-thiet-hai-bi-tri-hoan-kho-hieu-a142651.html