Theo nhận định của HSBC, vấn đề nợ của Việt Nam ngày càng trầm trọng hơn do lạm phát chậm lại (ảnh hưởng đến GDP danh nghĩa) và đồng tiền Việt Nam mất giá (làm tăng giá trị nợ nước ngoài). Dự báo tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam sẽ tăng lên 64,5% GDP trong năm 2016, đạt ngưỡng giới hạn của Quốc hội đề ra 65% trong 2017.
Tại báo cáo triển vọng thị trường Việt Nam do Ngân hàng HSBC mới phát hành, khối phân tích của ngân hàng này đánh giá, biên độ dao động cho chính sách tài chính của Việt Nam đang bị giới hạn.
Theo HSBC, thâm hụt ngân sách tăng là vấn đề do tỷ lệ nợ công của Việt Nam đã thực sự cao. Báo cáo ước tính nợ công Việt Nam (bao gồm nợ nước ngoài và trong nước - đáng chú ý là của chính quyền trung ương và địa phương, cộng với bảo lãnh chính phủ) đã tăng từ 59,6% năm 2014 lên 63,3% GDP vào cuối năm 2015.
Vấn đề nợ ngày càng trầm trọng hơn do lạm phát chậm lại (ảnh hưởng đến GDP danh nghĩa) và đồng tiền Việt Nam mất giá (làm tăng giá trị nợ nước ngoài). HSBC dự báo tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam sẽ tăng lên 64,5% GDP trong năm 2016, đạt ngưỡng giới hạn của Quốc hội đề ra 65%.
[caption id="attachment_141875" align="aligncenter" width="410"]
Diễn biến tỷ lệ nợ công của Việt Nam (nguồn: HSBC)[/caption]
Các nhà đầu tư đang lo ngại về khả năng Nhà nước có thể tăng mục tiêu nợ công trên GDP lên 65%. Tuy nhiên, các nhà quản lý đã nhấn mạnh các kế hoạch nhằm tránh vi phạm mục tiêu đề ra bằng cách giảm chi tiêu trong kỳ và hạn chế sử dụng bảo lãnh Chính phủ. Báo cáo mới nhất của Fitch cũng nhấn mạnh, Chính phủ vẫn giữ nguyên mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, việc gia tăng chi tiêu công sẽ giúp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ, nhưng song hành với đó thì chi phí này sẽ làm tăng nguy cơ tài chính trong tương lai. Trong khi đó, tình trạng tài chính công của Việt Nam đã khá căng thẳng, đặc biệt khi so sánh với những đối thủ khác trong nhóm các thị trường mới nổi tại châu Á
Đưa ra khuyến nghị cho Chính phủ, HSBC cho rằng, trong thời kỳ trung hạn, cải cách tài chính cần tập trung vào các biện pháp hành chính nhằm hạn chế trốn thuế, công bố các trường hợp gian lận thuế, và đơn giản hóa quá trình hoàn thuế VAT có thể giúp thu hẹp khoảng cách do cắt giảm thuế trên nhiều lĩnh vực và giảm thuế quan gây ra.
Để chi tiêu công hiệu quả hơn, theo HSBC, lương cơ bản cần được điều chỉnh để tạo cơ hội cho đầu tư công và các biện pháp chi tiêu xã hội chính như là giáo dục. Việc điều chỉnh này cần được tiến hành sâu rộng hơn và các chính sách dịch vụ dân sự hiệu quả và toàn diện phải thay thế việc hạn chế tuyển dụng.
HSBC cũng cho rằng, Việt Nam cần điều chỉnh phương pháp kế toán phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Điều này sẽ tạo điều kiện dễ dàng so sánh xuyên quốc gia. Truyền thông tài chính được cải thiện có thể giúp nâng cao nhận thức thị trường về nguy cơ và gia tăng trách nhiệm cùng khả năng quản lý.
Tin vui là những cải cách này đang trong quá trình thực hiện. Vào năm 2017, Việt Nam sẽ áp dụng chuẩn báo cáo tài chính mà theo đó chi phí đầu tư ngoài ngân sách sẽ được bổ sung vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, những cải cách này không thể thực hiện một sớm một chiều. "Hiện tại, chúng tôi nghĩ tăng trưởng tuy chậm nhưng bền vững là điều cần hướng đến" - báo cáo HSBC nhận định.
Trong báo cáo này, HSBC cũng đưa ra dự báo, với triển vọng sản lượng nhóm ngành sản xuất và dịch vụ phát triển mạnh sẽ giúp GDP quý II/2016 tăng từ 5,6% trong quý I lên 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, giữ nguyên dự báo GDP cả năm 2016 ở mức 6,3%.
Theo Dantri
Link nội dung: https://phaply.net.vn/hsbc-no-cong-viet-nam-sap-den-nguong-gioi-han-cho-phep-a141874.html