“Phân phối vốn và đất chưa hiệu quả, còn dựa nhiều vào mối quan hệ thân hữu do đó tới đây Việt Nam cần đảm bảo thị trường vốn, đất đai phát triển công bằng nhất”, ông Sandeep Mahajan cho biết.
[caption id="attachment_141821" align="aligncenter" width="410"]
Ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam. Ảnh TL[/caption]
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam diễn ra ngày 3/6, trước hơn 500 doanh nghiệp tư nhân, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chỉ ra thực tế rằng, vốn của doanh nghiệp phần lớn đang dựa vào hệ thống ngân hàng.
Bài toán đặt ra, làm thế nào để có thể phát triển thị trường vốn, thị trường tiền tệ là vấn đề mà các doanh nghiệp đang rất quan tâm.
Bà Hồng cho biết, gần đây Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trong buổi làm việc với Ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo Ngân hàng nhà nước đánh giá lại thị trường tiền tệ và phối hợp với các bộ, ngành chức năng và các cơ quan liên quan để có thể đề xuất giải pháp, gia tăng được khả năng huy động vốn của doanh nghiệp.
Phó thống đốc nhấn mạnh rằng, Ngân hàng nhà nước với vai trò là Ngân hàng trung ương, là cơ quan quản lý tiền tệ, hoạt động của các ngân hàng trong thời gian quan đã có cải cách rất mạnh mẽ.
“Tỷ trọng cơ cấu tín dụng cho doanh nghiệp nhà nước hiện chỉ còn 15-17%, như vậy tín dụng cho khu vực doanh nghiệp tư nhân đã tăng lên rất nhiều trong thiời gian qua”, Phó thống đốc khẳng định.
Đặc biệt, theo Phó thống đốc Hồng, trong giai đoạn doanh nghiệp khó khăn, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt để Ngân hàng thực hiện các giải pháp về tín dụng, lãi suất, tháo gỡ khó khăn.
Cụ thể, đầu năm 2016, trước sự khó khăn của hoạt động sản xuất kinh doanh, trước tình trạng biến đổi khí hậu, sự cố môi trường ở miền trung... Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ ngành triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, kiên quyết giữ vững mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% và kiểm soát lạm phát dưới 5%.
Ngoài ra, Phó thống đốc cũng cho biết, Chính phủ vừa qua cũng triển khai một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn tuy nhiên trong quá trình điều hành, mặc dù linh hoạt nhưng Ngân hàng nhà nước cũng không chủ quan với lạm phát.
Cũng tại Diễn đàn, ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam đề cập đến vấn đề vốn, tín dụng cho doanh nghiệp và cho rằng, vốn là một trong những hạn chế được nhắc đến thông qua Báo cáo Việt Nam 2035.
“Phân phối vốn và đất đai chưa hiệu quả, dựa vào hiệu suất mà còn dựa nhiều vào mối quan hệ thân hữu, do đó tới đây Việt Nam cần đảm bảo thị trường vốn, đất đai phát triển công bằng nhất”, đại diện WB nêu.
Vị chuyên gia này cũng cho biết, doanh nghiệp nhà nước dù có nguồn lực lớn hơn nhưng sử dụng không hiệu quả nguồn lực đất đai, vốn, lao động trong khi đó khối doanh nghiệp tư nhân dùng vốn, lao động, đất đai “sáng sủa” hơn.
Nhìn nhận về vấn đề vốn, đại diện doanh nghiệp, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen trong bài trình bày của mình cho biết, điểm yếu của doanh nghiệp tư nhân hiện nay phần lớn còn non trẻ, yếu về vốn, quản trị, thương hiệu…
Về vấn đề vốn, ông Vũ kiến nghị, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân mong muốn tiếp cận nguồn vốn để thúc đẩy, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển một cách bền vững.
Theo Bizlive
Link nội dung: https://phaply.net.vn/chuyen-gia-wb-phan-phoi-tin-dung-dat-dai-dua-vao-quan-he-than-huu-a141820.html