Đồng lõa với cái ác?

Hóa chất độc hại dùng để tẩm thực phẩm bẩn ồ ạt tràn qua các cửa khẩu một lần nữa gây bất an cho cộng đồng. Những miếng ăn tẩm độc này luôn hiện diện trên bàn ăn của người dân, nhất là người nghèo.

Các cơ quan chức năng tuyên bố hùng hồn sẽ ngăn chặn thực phẩm bẩn, nhiều cán bộ lãnh đạo chuyên ngành hứa hẹn sẽ mạnh tay xử lý nhưng bao năm qua, vấn nạn này vẫn không hề thuyên giảm. Những cơ quan, những người có trách nhiệm trên sẽ có muôn vàn lý do biện hộ cho sự bất lực của mình nhưng thực tế đã chứng minh đó chính là sự kém cỏi, lảng tránh và vô trách nhiệm với chính người dân.

Tương tự, vụ công nhân tố cáo móng trụ điện cao thế ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định được đổ bằng đất đã được phanh phui và kết luận tố cáo có cơ sở. Thế nhưng, Công ty CP Sông Đà 11 chỉ ra quyết định cảnh cáo những người có liên quan. Thật là trêu ngươi với cách xử lý sai phạm như trên. Việc làm này hết sức nguy hiểm, liên quan đến sự an toàn của bao con người sống ở khu vực đường dây 220 KV này đi qua. Trụ điện không đủ chất lượng thì việc ngã đổ là chắc chắn, vấn đề là ở thời điểm nào mà thôi. Hãy tưởng tượng đường dây cao thế này rơi xuống cánh đồng người dân đang canh tác thì hậu quả sẽ như thế nào? Từ phương diện này, chúng ta có thể nói hành vi sai trái trên là tội ác, xử lý qua loa là bao che.

Nạn rải đinh trên quốc lộ cũng thế, các cơ quan pháp luật đã xử lý những người này như thế nào? Rất hời hợt và hình thức. Những người có trách nhiệm nhìn vụ việc ở góc độ hạn hẹp khi chỉ thấy thiệt hại về tài sản mà không bao quát được hậu quả vô cùng lớn đối với toàn xã hội. Cán một cây đinh, hư một ruột xe chỉ là chuyện nhỏ nhưng ngã xuống đường tử thương thì là bi kịch của cả một gia đình. Không đứng ở góc độ này để xử lý vụ việc đến nơi đến chốn chính là sự vô cảm của người có trách nhiệm.

Ở Mỹ, luật pháp nước này rất nghiêm khắc với những sai phạm như trên. Trong thực phẩm, nếu bị phát hiện có hóa chất độc hại thì người bán thực phẩm, người cung cấp hóa chất, cơ quan chức năng sở tại sẽ bị xử lý rất nặng, phải đối diện với việc bị truy tố ra tòa. Còn việc doanh nghiệp làm đường cẩu thả dẫn đến tai nạn thì đi tù là cái chắc. Những nước tiên tiến khác như Nhật, Singapore hoặc phần nhiều nước ở châu Âu đều mạnh tay với những hành vi có thể gây phương hại đến sức khỏe, tính mạng người khác. Đặc biệt, pháp luật của họ rất mạnh tay với người có trách nhiệm liên quan để ngăn chặn sự dễ dãi, bất tài trong việc thực thi chức phận của mình.

Sai phạm phải bị xử lý triệt để, cái ác cần bị trừng trị. Đây là cách để luật lệ được tôn trọng, các quy tắc sống được thực hiện nhằm bảo vệ số đông người dân dù ở đâu, làm gì, thân phận ra sao. Sự du di, xuề xòa trước điều sai trái sẽ làm hỏng trật tự xã hội.

Theo NLD

Link nội dung: https://phaply.net.vn/dong-loa-voi-cai-ac-a141806.html