Đây là lời phát biểu của TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, tại hội thảo về di sản của cố Thủ tướng Olof Palme và mối quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Điển sáng nay (2/6) tại Hà Nội.
[caption id="attachment_141714" align="aligncenter" width="410"]
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh (trái) và Phạm Chi Lan.[/caption]
Phát biểu về mối quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Điển, đất nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (năm 1969) trong những năm chiến tranh chống Mỹ, TS. Doanh cho rằng bên cạnh sự hỗ trợ về vật chất, sự đóng góp lớn nhất của Thụy Điển đối với công cuộc đổi mới của Việt Nam là mô hình nhà nước và kinh nghiệm kinh tế.
TS. Doanh chia sẻ rằng, khi Liên Xô sụp đổ, Việt Nam mất đi nguồn viện trợ tương đương 100% GDP lúc bấy giờ. Trong hoàn cảnh đó, Thụy Điển vẫn cung cấp những hỗ trợ quý báu cho Việt Nam, mà nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nói rằng mang cả “giá trị cứng” và “giá trị mềm”.
Khi “chập chững” tiến hành đổi mới cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Việt Nam chỉ nhận được sự trợ giúp của hai tổ chức quốc tế, bao gồm Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Thụy Điển. Khi đó, Đại sứ quán Thụy Điển đã cử người tới Viện Quản lý kinh tế Trung ương để trình bày những kinh nghiệm của nước này về kinh tế thị trường và kinh tế tư nhân.
TS. Doanh nhấn mạnh rằng, trong quá trình cải cách kinh tế-xã hội, Việt Nam cần học hỏi thêm những kinh nghiệm từ Thụy Điển, đặc biệt là mô hình tổ chức bộ máy nhà nước tinh giản và minh bạch.
Quốc vương Thụy Điển từng đến Việt Nam và Thái Lan bằng máy bay dân dụng mà không sử dụng chế độ chuyên cơ. Những chi tiêu của bộ máy hành chính được công khai trên website của chính phủ nước này, ông Doanh nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng những đóng góp về phát triển kinh tế thị trường và tư duy kinh doanh trong nền kinh tế thị trường của Thụy Điển đã giúp Việt Nam thành công trong những năm đầu của cải cách. Kết quả của công cuộc đổi mới mở đường cho Việt Nam nối lại quan hệ với các tổ chức quốc tế trong những năm đầu của thập kỷ 90.
Giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới mới là giai đoạn Việt Nam cần sự giúp đỡ nhiều nhất. Chính vì thế, “Thụy Điển là người bạn tốt nhất của Việt Nam, vì sự vô tư, bền bỉ, dũng cảm trong lúc Việt Nam gặp khó khăn”, chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Trong lĩnh vực tái cấu trúc nền kinh tế, Thụy Điển đã hỗ trợ Việt Nam đáng kể trong việc chuyển đổi mô hình kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường, và xóa đói giảm nghèo.
“Đổi mới và tái cấu trúc nền kinh tế vẫn còn gian nan. Trong quá trình mở cửa, Việt Nam có thêm nhiều bạn, và tôi lo rằng chúng ta sẽ quên mất Thụy Điển. Nếu tiếp thu tốt hơn các bài học của Thụy Điển, chúng ta có thể đã tránh được các vấp váp”, bà Phạm Chi Lan nói.
Nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn nhiều thử thách, và các hiệp định thương mại tự do càng thúc đẩy Việt Nam cải cách mạnh hơn. Do đó, Việt Nam cần học tập những kinh nghiệm phát triển của Thụy Điển và thu hút thêm đầu tư từ các doanh nghiệp lớn của nước này, ông Doanh nhấn mạnh.
Thụy Điển đã cung cấp cho Việt Nam nhiều khoản viện trợ ODA tổng trị giá 3,4 tỷ USD từ những năm kháng chiến chống Mỹ đến năm 2003.
Ngoài ra, Thụy Điển đã giúp Việt Nam xây dựng nhiều công trình như Nhà máy giấy Bãi Bằng ở Phú Thọ, Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Đa khoa Uông Bí.
Theo Bizlive
Link nội dung: https://phaply.net.vn/bo-may-nha-nuoc-gon-nhe-cua-thuy-dien-la-tam-guong-ma-viet-nam-can-hoc-tap-a141713.html