Mười năm, dịch 2.400 trang 'Tam quốc chí'

Dù "Tam Quốc diễn nghĩa" đã quá nổi tiếng song vẫn là tác phẩm hư cấu. Một nhóm dịch giả cùng yêu thích thời đại Tam Quốc đã cùng chuyển ngữ "Tam Quốc chí" của Trần Thọ.

Tam Quốc chí là một sử liệu chính thức và có căn cứ về thời đại Tam Quốc của Trung Quốc. Bộ sách do Trần Thọ biên soạn vào thế kỷ thứ 3. Đây là căn cứ sử liệu để La Quán Trung sáng tạo nên Tam Quốc diễn nghĩa, là căn cứ cho nhiều nghiên cứu, tác phẩm sau này.

Bộ sách đồ sộ này lần đầu tiên được phát hành tại Việt Nam. Zing.vn có cuộc trò chuyện với một trong ba người thực hiện bộ sách - anh Võ Hoàng Giang (một người đang làm báo tại Hà Nội).

- Vì sao nhóm anh thực hiện bản tiếng Việt bộ “Tam Quốc chí”?

- Việc thực hiện bản tiếng Việt bộ sách Tam Quốc chí này nằm ngoài dự tính, mà chỉ là từ một thú vui nho nhỏ của mấy người yêu thích thời đại Tam quốc, quen biết nhau trên các diễn đàn mạng.

Vì quá quen với những gì biết đến thời đại Tam Quốc qua sách của La Quán Trung, biết rằng đó là “bảy thực ba hư”, biết rõ là hư cấu, từ đó chúng tôi mới tò mò tìm hiểu cái thật hơn về thời đại ấy, chân diện mục của thời đại ấy.

Lúc đầu nhóm chỉ dịch chơi dăm ba đoạn để phụ họa cho lời bàn với tiêu chí “Lấy chính sử làm xương cốt, lấy bàn luận làm da thịt, mà lấy cái lòng yêu Tam Quốc diễn nghĩa làm hồn phách”. Và sau đó, khi đã dịch được khá nhiều tiểu truyện, nhóm mới bắt đầu nghĩ đến việc tập hợp những bản dịch của mình lại làm thành sách.

- Anh có thể giới thiệu từng thành viên, vai trò của họ trong nhóm thực hiện?

- Trong nhóm tham gia dịch bộ sách này có ba người chính. Người phụ trách dịch thuật cơ bản là Bùi Thông – một viên chức bình thường, vốn con nhà đọc sách. Phạm Thành Long – một người Việt tại Cộng hòa Czech – dịch một số đoạn, chịu trách nhiệm hiệu đính, sắp xếp bố cục cho bản dịch. Và tôi hỗ trợ trong việc tìm kiếm tư liệu dịch, sách học tiếng Hán cổ, sưu tầm các bản đồ quân sự miêu tả các chiến dịch quan trọng thời Tam Quốc, góp ý hành văn.

Dĩ nhiên, trong suốt quãng đường gần 10 năm, còn rất nhiều gương mặt bằng hữu đã góp tay, góp lời, góp ý…, để từng câu từng chữ được trau chuốt cẩn thận nhất có thể. Nhân đây, chúng tôi xin tri ân thành viên Luulang và một vài thành viên khác của Diễn đàn Tàng thư viện. Nhờ được sự chỉ bảo về ngữ pháp từ những “bậc thầy ẩn dật” ấy, trong những ngày đầu bỡ ngỡ, cuối cùng mới có thành quả này.

[caption id="attachment_141578" align="aligncenter" width="410"] Những bộ Tam Quốc chí đầu tiên cho độc giả đặt mua sách trước. Ảnh: Võ Hoàng.
Những bộ Tam Quốc chí đầu tiên cho độc giả đặt mua sách trước. Ảnh: Võ Hoàng.[/caption]

- Những khó khăn, thuận lợi mà nhóm gặp phải khi xuất bản bản tiếng Việt bộ sách?

- Việc xuất bản bộ sách này với nhóm dịch, thực sự rất khó khăn. Vốn dĩ với chuyện sách vở, đa phần nhóm dịch là người ngoại đạo. Chúng tôi đều là những tay ngang, không có nhiều mối quan hệ với giới chuyên môn, các nhà sách còn không biết đến chứ chưa nói đến chuyện họ tin tưởng để hợp tác. Phải nói lại, đó thực sự là việc gian nan.

Rất may, chúng tôi cũng được bù đắp bởi khá nhiều thuận lợi. Trước hết, phải nói đến sự cổ vũ nhiệt tình của các bạn bè say mê Tam Quốc và có nhu cầu nghiên cứu nghiêm túc về thời đại này. Chúng tôi nhận được tình cảm từ các bạn tại những diễn đàn Văn hóa Thể thao (Filux), Tàng thư viện, các page Tam Quốc Diễn Nghĩa, Nghiên cứu Tam Quốc, Hỏa Phụng Liêu Nguyên hay X-file of History trên Facebook. Những người trân trọng các bản dịch thô của chúng tôi từ khi còn chưa hoàn thiện chính là động lực lớn nhất để chúng tôi không bỏ cuộc.

Bên cạnh đó, sự nghiêm túc, chân thành và nỗ lực của Nhà sách Tri thức trẻ Books cũng góp phần không nhỏ vào việc đưa bộ sách ra đời. Trong cách các biên tập viên làm việc miệt mài, chúng tôi cảm nhận được một sự chia sẻ mạnh mẽ về mặt tinh thần, vượt trên những thách thức rất lớn về thương mại.

- “Tam Quốc chí” ra đời từ thế kỷ thứ 3. Ngôn ngữ Hán cổ thời ấy khác xa ngôn ngữ hiện đại. Vậy người dịch phải đối mặt với những khó khăn gì?

- Bộ Tam Quốc chí là một bộ sử, viết bằng ngôn ngữ Hán cổ, rất xa lạ với Hán văn hiện đại, ngay cả người Trung Quốc bây giờ đọc hiểu nó cũng là việc khó. Vì thế các dịch giả Trung Quốc biên dịch thành các bản bạch thoại để phổ cập rộng rãi trong cộng đồng. Khi dịch bộ sách này, ngoài bản gốc Hán văn cổ, nhóm dịch thuật đã sưu tầm nhiều tài liệu nói đến thời Tam Quốc, các bản dịch bạch thoại… để đối chiếu so sánh nhằm dịch sát nghĩa nhất có thể, truyền tải rõ nhất nội dung của cuốn sách. Thậm chí, còn phải xem các bản dịch của các tác phẩm khác như Sử ký, đối chiếu với văn bản gốc để bổ túc thêm về việc truyền tải ngôn ngữ.

Yêu cầu mà nhóm tự đặt ra, trong suốt chừng ấy năm, là việc truyền tải chính xác nội dung, biểu đạt ngữ nghĩa xác thực, mà vẫn cố giữ văn phong cổ kính, hình thức đăng đối biền ngẫu mang hơi thở của văn chương thời đại Tam Quốc. Đấy là cả một quá trình rất dài và khó khăn. Nếu không có những người bạn động viên và giúp đỡ thường xuyên, không có đủ lòng đam mê thúc đẩy, thực không dám nói là sẽ thành toàn được bộ sách này.

- Các chú thích, diễn giải trong sách được thực hiện như thế nào?

- Khi mới dịch chỉ để vui, để phụ họa cho việc bàn Tam Quốc, nên các chú thích ban đầu của chúng tôi khá “loạn xạ” vừa thiếu vừa trùng lắp.

Song khi nảy sinh ý tưởng gom bản dịch thành sách, nhóm đã có thảo luận sơ bộ về cách thức bố trí cuốn sách, đặt các chú thích, chỉ mục đến các chú thích liên quan sao cho thống nhất, dễ tra cứu, đầy đủ nhất có thể. Với các điển tích khó, phải thực hiện bằng cách tra từ điển tiếng Trung trên các trang web, thậm chí với những cụm từ khó, những câu sấm ký chẳng hạn… cần phải lý giải rõ nghĩa. Dẫu vậy vẫn có nhiều chỗ chưa thể hoàn chỉnh, mong được bạn đọc góp ý để bổ sung trong những lần tái bản (nếu có).

- Bộ sách lớn này được thực hiện trong bao lâu? Quá trình ấy, điều gì thách thức nhóm thực hiện?

- Nếu tính cả thời điểm dịch chơi và bàn luận về Tam Quốc cũng gần 10 năm. Từ 2011 chúng tôi có ý định xuất bản sách, cho tới 2014 thì dịch xong hoàn toàn. Sau đó là hiệu đính và đặt chú thích lại cho có hệ thống.

Việc dịch cả một bộ sách là quá trình dài, dễ nảy sinh chán nản khi vấp váp. Có khi chỉ là một câu cổ văn không thể hoàn tất thôi, cũng đủ để tạo cảm giác muốn buông xuôi. Phần vì kiến thức và trình độ còn hạn chế, phần cơ bản hơn là mỗi thành viên trong nhóm dịch đều có những công việc riêng, thời gian dành cho việc làm sách không nhiều, thiếu tính liên tục. Nhưng “chung tay chèo thuyền, ai lại không vươn tay đẩy mái chèo”, cũng may mà thành công và đi đến đích…

- Ngoài nội dung, hình thức bộ sách được nhóm chăm chút như thế nào?

- Đây là lần đầu tiên Tam Quốc chí của Trần Thọ được chuyển ngữ hoàn toàn sang tiếng Việt. Cũng là lần đầu tiên một pho sử được biên dịch trọn vẹn từ một nhóm không chuyên, với khởi nguồn chỉ là thú vui, là bàn luận, là đam mê, là sự đồng điệu trên cõi mạng…

Không ai bắt chúng tôi làm công việc này. Thậm chí, trong nhóm biên soạn, có những người chưa từng gặp gỡ nhau ngoài đời. Một mối dây liên kết tưởng như vô tình lỏng lẻo, nhưng khi được thắt lại bởi các yếu tố kể trên, thì lại trở nên vô cùng bền chặt.

Có lẽ chuyện xuất phát điểm là một thú chơi, không phải công việc chuyên nghiệp như đã nói lại là điều hay. Chúng tôi không hề cảm thấy bị thúc bách, mà chỉ tự đặt cho mình những đòi hỏi về chất lượng, mỗi lúc một cao hơn. Cho đến khi chuyển nhà sách để biên tập, chuẩn bị in ấn, những đòi hỏi ấy vẫn không dừng lại. Nhìn các bạn trẻ trên mạng sử dụng rộng rãi tư liệu thô của mình để bàn luận về Tam Quốc mà không chỉn chu cẩn thận khi có cơ hội chỉn chu cẩn thận, coi sao được? Chúng tôi làm điều này đầu tiên là cho chúng tôi, và sau đó là cho những truy cầu đồng điệu.

Đây không phải là một tham vọng, dù nó thực sự là một công việc đầy tham vọng. Đây là một thú chơi, và chúng tôi chăm chút bộ sách này như những “tay chơi”, trong một khía cạnh hẹp.

- Nhóm thực hiện bộ sách có lo ngại “Tam Quốc chí” sẽ gặp phản ứng của độc giả, vì có thể những chi tiết trong sách khác với “Tam Quốc diễn nghĩa” – một tác phẩm hư cấu về thời Tam Quốc nhưng đã rất quen thuộc với người Việt?

- Chúng tôi hoàn toàn không có lo ngại đó. Thứ nhất: Với tiêu chí, “có sao dịch vậy”, nhóm đã thực hiện bản dịch trên tinh thần đó để cố gắng truyền tải nội dung tác phẩm.

Thứ hai, Bất kể người nào yêu thích Tam Quốc diễn nghĩa đều thấy rõ những chi tiết vô lý, chỉ ra được những chỗ hư cấu trong sách, và có nhu cầu tìm hiểu cái thực hơn về thời đại này, mà tìm điều đó, rõ nét nhất chính là ở bộ sử liệu Tam Quốc chí. Trên một số diễn đàn có bàn chuyện thời Tam Quốc trong lịch sử và Tam quốc trong tiểu thuyết, số người quan tâm không ít. Tới nay, trên facebook, vấn đề này vẫn thu hút nhiều bạn đọc. Như đã nói ở trên, chúng tôi được “tiếp sức” từ những bạn tri âm trên cõi ảo như thế rất nhiều, nên hoàn toàn không lo ngại về những sự khác biệt giữa lịch sử và tiểu thuyết.

- Nhóm thực hiện bộ sách kỳ vọng gì khi sách đến tay người đọc?

- Kỳ vọng ư? Chúng tôi không kỳ vọng gì cao xa đâu. Chỉ hy vọng là các bạn yêu Tam Quốc có thêm một cơ sở dữ liệu để tham chiếu cho những tìm tòi của riêng mình. Còn sau đó, nếu bộ sách này có thể được xem là một sự khích lệ đối với nhiều bạn trẻ (mà chúng tôi biết là rất giỏi, rất giàu tiềm năng) đi theo con đường nghiên cứu các tác phẩm kinh điển một cách nghiêm túc, với tinh thần học thuật cao, thì đó là một món quà nữa đối với chúng tôi.

- Nhóm dịch có dự định làm cuốn sách nào khác sau Tam Quốc chí?

- Ôi, chúng tôi còn phải nghỉ ngơi và tận hưởng niềm vui này đã chứ! Thôi thì vạn sự tùy duyên…

Theo ZIng

Link nội dung: https://phaply.net.vn/muoi-nam-dich-2-400-trang-tam-quoc-chi-a141577.html