Cổ phần hóa DNNN(Bài 2): Thông tin về giá trị QSD đất phải được công khai minh bạch và định giá theo thị trường

(Pháp lý) - Việc định giá tài sản không đúng, không đủ khi cổ phần hóa DNNN… sẽ gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước. Thực tế này lại khiến dư luận bức xúc khi vừa qua sự kiện Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) tiến hành cổ phần hóa sau hơn 20 năm thua lỗ liên tục. Vấn đề không có gì đáng bàn nếu không phải lô đất vàng cả nghìn m2 ở số 4 Thụy Khuê trước đây Hãng phim truyện Việt Nam quản lý sử dụng, nay chuyển cho một doanh nghiệp mua lại VFS quản lý, sử dụng. Không chỉ có VFS khi cổ phần hóa không đưa tài sản đất đai vào định giá mà một số DNNN khác trước đây cũng vậy.

>> Bài 1: Trăm chiêu “hô biến” tài sản Nhà nước khi định giá tài sản CPH

Để làm rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên Pháp lý đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ, Luật sư Lê Văn Trung, Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á.

Phóng viên: Câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) vừa qua đang được dư luận rất quan tâm bởi giá trị “khu đất vàng” 5.450m2 của VFS ở số 4 Thụy Khuê, trụ sở VFS không được đưa vào định giá giá trị DN. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu có lợi ích nhóm, thất thoát? Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

[caption id="attachment_141511" align="alignleft" width="410"]Thạc sỹ, Luật sư Lê Văn Trung, Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á. Thạc sỹ, Luật sư Lê Văn Trung, Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á.[/caption]

Luật sư Lê Văn Trung: Đây là một vấn đề mà vừa qua đã tốn rất nhiều giấy mực của nhiều cơ quan báo đài. Giá trị thực tế thửa đất số 4 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội ở thời điểm hiện tại thực sự không biết cao đến mức nào nhưng nếu gọi đây là “khu đất vàng” quả là không sai một chút nào bởi vị trí của nó. Do giá trị của thửa đất như vậy, trong khi giá trị những tài sản khác của VFS chẳng đáng là bao nhiêu sau gần 60 năm hoạt động và có đến 20 năm thua lỗ. Chính vì điều này nên khi cổ phần hóa VFS, giá trị thửa đất không được định giá đã khiến nhiều người nghi vấn và đặt câu hỏi về sự thất thoát tài sản của nhà nước. Để trả lời cho câu hỏi thửa đất trên không được định giá liệu có sự thất thoát tài sản khi cổ phần hóa VFS hay không thì cần làm rõ quyền sử dụng đất tại số 4 Thụy Khuê hiện nay thuộc về ai, hay nói cách khác, thửa đất tại số 4 Thụy Khuê được cơ quan có thẩm quyền bàn giao cho VFS hay chỉ cho thuê có trả tiền thuê đất hàng năm? Nếu thửa đất này là thửa đất được giao thì giá trị quyền sử dụng đất là một phần tài sản của VFS, khi cổ phần hóa thì bắt buộc phải định giá đối với tài sản này. Còn nếu tài sản này do VFS thuê thì tài sản này không phải là tài sản của VFS, do đó khi cổ phần hóa không cần phải định giá đối với tài sản này, hết thời hạn thuê thì phải trả lại hoặc thỏa thuận tiếp tục thuê do các bên quyết định. Trong trường hợp thuê đất nhưng đã trả tiền thuê đất một lần cho suốt cả thời gian thuê thì cũng cần phải định giá phần giá trị đối với thời gian còn lại chưa sử dụng. Nếu thuê đất mà trả tiền thuê đất hàng năm thì vấn đề xem xét xét giá trị đối với thời gian còn lại chưa sử dụng không đặt ra. Tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ VFS cũng sẽ kế thừa đối với hợp đồng thuê đất có trả tiền thuê đất hàng năm này.

Theo thông tin tôi được biết thì thửa đất tại số 4 Thụy Khuê trên là đất mà VFS đã thuê có trả tiền thuê đất hàng năm và hiện nay cũng đang nợ tiền thuê đất nhiều năm. Nếu thửa đất trên là đất thuê và trả tiền thuê đất hàng năm thì việc không định giá đối với tài sản này là hoàn toàn có căn cứ và hợp pháp.

Không chỉ có VFS khi cổ phần hóa không đưa tài sản đất đai vào định giá mà hàng loạt những DNNN khác trước đây cũng vậy. Phải chăng, cơ quan quản lý nhà nước không biết hay cố tình “bỏ quên”?

Không chỉ VFS mà bất kỳ doanh nghiệp nào, khi cổ phần hóa thì đều buộc phải định giá tài sản của doanh nghiệp, bao gồm tài sản hiện tại, tài sản hình thành trong tương lai và các khoản nợ. Giá trị quyền sử dụng đất chỉ là một phần trong số những tài sản của doanh nghiệp cần phải định giá khi cổ phần hóa. Cho nên, khi các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa thì cần xem thửa đất doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng là đất được bàn giao hay đất được cho thuê, nếu đất thuê thì đất thuê đã trả tiền thuê đất một lần hay trả tiền thuê đất hàng năm. Trong trường hợp đất do doanh nghiệp thuê và trả tiền thuê đất hàng năm thì không cần định giá, còn nếu đất của doanh nghiệp đã được bàn giao hoặc đã trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê thì khi cổ phần hóa buộc phải định giá đối với tài sản hoặc phần giá trị còn lại của thời gian thuê đất. Trong trường hợp doanh nghiệp đã được bàn giao đất hoặc đã trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê mà không được đưa ra định giá thì đúng là có sai sót. Việc cơ quan có thẩm quyền không biết hay cố tình bỏ quên cũng cần phải xem xét trách nhiệm tùy vào từng trường hợp cụ thể để xử lý.

Có ý kiến cho rằng, việc không định giá tài sản đất đai khi cổ phần hóa của các DNNN khiến nhà nước thiệt hại không hề nhỏ và nó cũng là nguyên nhân và là kẽ hở cho tham ô, tham nhũng và lợi ích nhóm. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Hiện nay các doanh nghiệp của nhà nước sau khi cổ phần hóa thì hầu hết nhà nước vẫn nắm giữ phần lớn vốn tại doanh nghiệp, cho nên không chỉ giá trị quyền sử dụng đất mà còn những tài sản khác của doanh nghiệp nếu không được định giá, định giá không đúng giá trị đều gây thiệt hại cho nhà nước. Đối với đất mà doanh nghiệp đang sử dụng khi cổ phần hóa, việc định giá hay không định giá phải tùy thuộc vào đất đó được bàn giao, thuê trả tiền thuê đất một lần hay đất đó được doanh nghiệp thuê trả tiền hàng năm. Hiện nay, do thông tin về đất đai chưa được công khai minh bạch rộng rãi nên khi doanh nghiệp cổ phần hóa đã có nhiều nghi vấn xung quanh vấn đề thửa đất của doanh nghiệp không được định giá, bởi không ai biết thửa đất đó rơi vào trường hợp nào trừ những người trong cuộc mới biết. Ngay cả trong trường hợp được định giá thì giá trị thực tế của thửa đất cũng chưa chắc đã được bảo đảm đúng. Đây mới chính là kẽ hở cho tham ô, tham nhũng và lợi ích nhóm xảy ra.

Với việc định giá tài sản khi cổ phần hóa mà không đúng, không đủ gây thiệt hại cho nhà nước thì cần xử lý như thế nào đối với cá nhân, tổ chức tham gia định giá, thưa ông?

Khi xử lý trách nhiệm do việc định giá tài sản khi cổ phần hóa mà không đúng, không đủ gây thiệt hại cho nhà nước thì phải tùy vào trường hợp vi phạm cụ thể của cá nhân, tổ chức đó. Trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm thì cần phải chuyển sang cơ quan điều tra để làm rõ, các cơ quan chức năng có trách nhiệm xác minh hành vi có vi phạm pháp luật được quy định tại Bộ luật Hình sự hay không, nếu có thì sẽ khởi tố, điều tra, truy tố xét xử theo đúng quy định pháp luật. Còn cùng một hành vi thì có thể mức độ nặng nhẹ khác nhau, trong trường hợp cụ thể mới xác định được. Kể cả tổ chức, cá nhân cùng tham gia định giá tài sản nhưng tội của họ cũng có thể không giống nhau. Do đó, để xử lý như thế nào thì cần phải căn cứ vào hành vi vi phạm cụ thể của từng người.

Ông có nghĩ, những quy định của pháp luật về vấn đề cổ phần hóa và định giá tài sản trong quá trình cổ phần hóa đối với các DNNN hiện nay còn có kẽ hở?

Pháp luật nói chung luôn luôn có những kẽ hở nhất định, chính những kẽ hở này mà luật pháp luôn phải được sửa đổi, bổ sung để bịt những kẽ hỡ đó. Pháp luật về cổ phần hóa và định giá tài sản nói riêng cũng không phải là ngoại lệ. Vấn đề là kẽ hở đó to đến mức nào, chỉ đủ cho con kiến chui lọt hay để con voi đi vừa! Cổ phần hóa doanh nghiệp là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, chúng ta đã mất rất nhiều thời gian, công sức để cổ phần hóa được một số doanh nghiệp như hiện nay, đây là một thành quả không nhỏ. Song cái giá của nó cũng phải trả không hề nhỏ, nhiều tài sản đã rơi vào tay một số cá nhận, tổ chức do việc định giá tài sản không đúng, không đầy đủ gây ra. Đây chính là kẽ hở của pháp luật khi cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, vấn đề cha chung không ai khóc đã được nói đến nhiều năm nay.

[caption id="attachment_141512" align="aligncenter" width="410"]Khu đất vàng cả ngàn m2 của Hãng phim truyện Việt Nam quản lý, sử dụng khi cổ phần hóa không được vào định giá  được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua Khu đất vàng cả ngàn m2 của Hãng phim truyện Việt Nam quản lý, sử dụng khi cổ phần hóa không được vào định giá được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua[/caption]

 

Theo quan điểm của ông, để khắc phục tình trạng này thì cần những biện pháp nào?

Để khắc phục tình trạng này thì trước hết phải rà soát lại các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt là các văn bản liên quan về cổ phần hóa và định giá tài sản. Ngoài việc rà soát lại văn bản luật thì cũng xem xét vấn đề triển khai và áp dụng những văn bản này trong quá trình thực hiện công việc, tránh để văn bản quy định một kiểu nhưng hiểu và làm theo một cách. Tiếp theo là công khai và minh bạch thông tin trước khi cổ phần hóa doanh nghiệp, trong đó thông tin về quyền sử dụng đất phải được công khai thực sự minh bạch và được định giá theo giá thực tế. Nhiều doanh nghiệp nhà nước bây giờ đang được thừa hưởng những thửa đất quá thuận lợi về địa điểm, vị trí, không gian nên giá trị của nó phần lớn là nằm ở giá trị sử dụng thửa đất. Trong trường hợp VFS, giá trị các tài sản khác như nhà xưởng, trang thiết bị… thực tế không là gì so với việc sử dụng thửa đất tại số 4 Thụy Khuê mang lại hàng năm, vậy giá trị thực tế của doanh nghiệp này ở đâu thì đã rõ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Văn Don (thực hiện)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/co-phan-hoa-dnnnbai-2-thong-tin-ve-gia-tri-qsd-dat-phai-duoc-cong-khai-minh-bach-va-dinh-gia-theo-thi-truong-a141510.html