Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai: Lý luận và thực tiễn giải quyết

(Pháp lý) - Chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước giao quyền sử dụng đất các cho hộ gia đình, cá nhân (HGĐ, CN) chính là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời làm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trong việc sử dụng đất đai.

[caption id="attachment_141253" align="aligncenter" width="360"]Thủ tục và thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất dai còn nhiều bất cập gây phiền hà cho dân (ảnh minh họa) Thủ tục và thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất dai còn nhiều bất cập gây phiền hà cho dân (ảnh minh họa)[/caption]

Chính vì lợi ích to lớn của quyền sử dụng đất, nên “tấc đất đã trở thành tấc vàng” vấn đề tranh chấp quyền sử dụng đất hiện nay đã xảy ra ở nhiều nơi, có chiều hướng gia tăng và diễn biến rất phức tạp.

Vấn đề về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai hiện nay có lúc có nơi còn chồng chéo chưa được rõ ràng, chưa được dứt điểm dẫn đến nhiều vụ việc để kéo dài. Trong bài viết này tác giả muốn đề cập đến vấn đề về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án nhân dân và tại UBND cấp huyện đối với việc tranh chấp đất đai giữa các HGĐ, CN do cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai dẫn đến tranh chấp, nhằm góp phần giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện tranh chấp đất đai kéo dài.

Theo Điều 203 Luật đất đai năm 2013 quy định về Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

“Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

[caption id="attachment_141254" align="aligncenter" width="410"] Một khu dân cư hỗn loan vì vụ tranh chấp đất đai (ảnh minh họa) Một khu dân cư hỗn loan vì vụ tranh chấp đất đai (ảnh minh họa)[/caption]

4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành”

Như vậy về mặt lý luận thì tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân. Vấn đề tranh chấp đất đai còn lại theo khoản 2 Điều 203 Luật đất đai năm 2013 thì đương sự có quyền Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này; hoặc Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Điều 4 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này”. Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 xác định người sử dụng đất có Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất. Vì vậy khi được nhận quyền sử dụng đất, các HGĐ, CN đã yên tâm quản lý sử dụng, đầu tư, cải tạo khai thác tiềm năng, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng đất có hiệu quả kinh tế cao. Nhiều gia đình nghèo đã biết thế chấp vay vốn để tái đầu tư có hiệu quả, tạo động lực tốt cho việc phát triển kinh tế xã hội.

Trên thực tế giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án nhân dân, quá trình điều tra xác minh, đo đạc xem xét thẩm định tại chỗ thì phát hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND cấp huyện cho các HGĐ, CN đang tranh chấp không đúng trình tự thủ tục luật định, các HGĐ, CN không được ký xác định ranh giới giáp danh, đôi khi còn bị cấp chồng lên công trình xây dựng của HGĐ, CN liền kề đã xây dựng trước đó từ lâu. Chính vì vậy sau khi nhận được “Bìa đỏ” các HGĐ, CN đã khởi kiện tranh chấp đòi đất của nhau theo số liệu cũng như hình dạng kích thước được ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vấn đề này Tòa án nhân dân thường có văn bản yêu cầu UBND huyện làm rõ và ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp sai, để cấp lại theo quy định tại Điều 106 Luật đất đai năm 2013 và Điều 87 nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Có nhiều vụ án được xử lý như sau:

Trường hợp thứ nhất: Đương sự thấy vậy nên có đơn xin tạm dừng giải quyết vụ án, để UBND huyện cho thanh tra xem xét cụ thể và ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp sai, sau đó đương sự xin rút đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân, UBND huyện cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ theo đúng quy định của pháp luật, việc tranh chấp đã được giải quyết dứt điểm.

Trường hợp thứ hai: UBND huyện cho rằng vụ án đang thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân, nên Tòa án nhân dân có quyền hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp sai đó, xác định rõ lý do sai phạm dẫn đến tranh chấp quyền sử dụng đất, sau đó UBND huyện sẽ cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các HGĐ, CN theo đúng bản án của Tòa án nhân dân đã tuyên. Như vậy trong trường hợp thứ hai này, theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2014 thì Tòa án nhân dân sẽ hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp sai đó, tuy nhiên hậu quả của việc tranh chấp thì vẫn chưa giải quyết được. Vì việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó của UBND huyện đã sai, không rõ ranh giới, cấp chồng lên nhau, thì trong trường hợp này Tòa án nhân dân không có chức năng, nhiệm vụ và điều kiện để xác định ranh giới tìm ra diện tích đất tranh chấp được, là do không còn căn cứ pháp lý để xác định bên nào lấn sang bên nào, vì căn cứ pháp lý cần phải dựa vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng do giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp sai, cấp chồng lấn phải bị hủy, nên không còn căn cứ để xác định.

Tòa án chỉ xác định ranh giới, diện tích đất tranh chấp giữa các HGĐ, CN mà giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của họ đã được cấp đúng trình tự thủ tục luật định, không sai vị trí, không chồng lấn, nhưng vẫn xảy ra tranh chấp. Vì trên cơ sở các số liệu đúng trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp đó, Tòa án nhân dân sẽ điều tra tìm ra diện tích đất tranh chấp, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Do vậy, chúng ta cần xác định đối với các tranh chấp đất đai giữa các HGĐ, CN , mặc dù các bên đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ là không đúng trình tự thủ tục luật định, cấp chồng lấn; thì sau khi điều tra, thanh tra làm rõ thì UBND huyện phải ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp sai đó để cấp lại theo quy định tại

Điều 106 Luật đất đai năm 2013 và Điều 87 nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Có như vậy thì việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa các HGĐ, CN tại các địa phương mới đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự.

Th.s Hoàng Văn Hữu
Trưởng VP Công chứng Gia Khánh – TP. Hà Nội

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tham-quyen-giai-quyet-tranh-chap-dat-dai-ly-luan-va-thuc-tien-giai-quyet-a141252.html