Chuyện về những ứng viên Đại biểu Quốc Hội, Đại biểu HĐND luôn trăn trở tìm cách bảo vệ công lý

(Phap ly) - Luôn trăn trở tìm cách bảo vệ lẽ phải , bảo vệ công lý  và không ngừng tranh đấu để giải oan cho những số phận bị oan trái…Không “ lobby”, không “ đánh bóng”, không “ làm màu”, không “ diễn”,  nói là làm, họ đã và đang đi trên những con đường sự nghiệp cống hiến khác nhau cho ngành tư pháp, để hôm nay cùng tiến tới một con đường chung - Đường vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân - con đường trải nhiều vinh dự nhưng cũng thật nhiều  trọng trách đối với những Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) thực sự vì dân.

Trong số TCPL kì này, Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc về 3 trong số những ứng viên ĐBQH, Đại biểu HĐND như thế.

Ông Nguyễn Đức Sáu: Thẩm phán đầu tiên “dám” tuyên bố bị cáo không phạm tội

Từng là lính đặc công, chuyển ngành làm thẩm phán, ông Nguyễn Đức Sáu nổi danh là thẩm phán kiên quyết trừng trị tội phạm. Những năm đầu thập niên 1990, cái tên "Nguyễn Đức Sáu" thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng là thẩm phán "chuyên" xét xử những vụ án lớn về kinh tế và trật tự trị an như "Nước hoa Thanh Hương", "Lâm Cẩu", "Trần Xuân Hoa"... Nhưng đỉnh cao phải kể là tài điều khiển của ông trong phiên tòa xét xử vụ án Minh Phụng – EpCo, hay phiên tòa xét xử vụ án mua bán trái phép chất ma túy do Nguyễn Văn Hải (Hải Luận) cầm đầu cùng đồng bọn là những ông trùm khét tiếng trong giới mua bán ma túy: Hải Luận, Hạnh Cầm, Lệ Mập, Dũng Lừng, Nguyễn Đình…. Đối diện với chúng, ông điều khiển rất bình tĩnh, tự tin và điềm đạm. Bằng một phong thái đĩnh đạc, ông đã "buộc" các ông trùm phải cúi đầu nhận hết mọi tội lỗi, tâm phục khẩu phục.

[caption id="attachment_140972" align="aligncenter" width="270"] Ông Nguyễn Đức Sáu – Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM (ứng viên ĐBQH khóa XIV) Ông Nguyễn Đức Sáu – Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM (ứng viên ĐBQH khóa XIV)[/caption]

Không chỉ có trừng trị tội phạm, ông còn là một trong những thẩm phán đầu tiên "dám" tuyên bố một bị cáo không phạm tội vào năm 1993-1994. Đó là trường hợp của Phạm Việt Nam Hòa Bình. Và công lý chứng minh ông đã thắng tuy không phải là dễ dàng. Vụ Phạm Việt Nam Hòa Bình - người được giải oan sau 17 tháng tù giam vì cứu người bị tai nạn giao thông. Theo đó, Bình lái xe lam tải, chuyên chở rau từ ngoại thành vào các chợ trung tâm bỏ mối thấy người bị tai nạn giao thông nằm trên đường, anh quay xe lại đưa vào bệnh viện, hoàn tất các thủ tục rồi đi giao rau tiếp.

Mấy ngày sau, Bình bị bắt vì lời khai của hai người nói là trông thấy anh là người gây án.. Được phân công giải quyết vụ án, ông Nguyễn Đức Sáu với cương vị thẩm phán chủ tọa đã trực tiếp khảo sát và nhận thấy rằng vụ tai nạn có những điểm bất thường. Phương tiện của anh Bình không thể là phương tiện gây tai nạn… Thấy anh Bình giúp người lại bị oan sai, ông Sáu đã thay mặt hội đồng xét xử, đưa ra phán quyết của công lý: Phạm Việt Nam Hòa Bình không phạm tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông. Nhờ người thẩm phán công tâm, trách nhiệm mà Bình được tự do, về nhà mần mướn mưu sinh, tiếp tục làm người tử tế và sẵn sàng cứu giúp người bị tai nạn khác khi họ cần đến mình.

Thẩm phán Nguyễn Đức Sáu đã thể hiện sự trăn trở, băn khoăn trước từng số phận.  Đã không ít lần, trước những chứng cứ tài liệu tưởng chừng như "vô dụng" nhưng bằng lương tâm và trách nhiệm của người thẩm phán và cả bằng kinh nghiệm của người lính đặc công, anh nghiền ngẫm, nghiên cứu rất sâu đã giúp anh giải quyết thành công nhiều vụ án, góp phần đưa sự việc về  với bản chất thật của nó. Có không ít  lần, trước một tài liệu còn mơ hồ hay  có điều nghi vấn, anh đều đích thân đến nơi xảy ra hiện trường, gặp gỡ nhân chứng, thậm chí tự mình "thực nghiệm điều tra" chỉ với mong muốn duy nhất: giải quyết chính xác vụ án.

Thẩm phán Nguyễn Đức Sáu hiện là Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ông là một trong những ứng viên ĐBQH khóa XIV. Nói về chương trình hành động của mình, khi trúng cử ĐBQH ông nói: “Nếu được tín nhiệm, tôi cam kết sẽ đề đạt xây dựng luật phù hợp thực tiễn cuộc sống, đưa pháp luật gần dân để mọi người có thể tự bảo vệ mình bằng pháp luật, sống an toàn trong môi trường pháp luật minh bạch”.

Bà Lê Thị Nga: Hành động thiết thực, cương quyết để bảo vệ người dân bị oan trái

[caption id="attachment_140973" align="aligncenter" width="410"]Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH (ứng viên ĐBQH khóa XIV) Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH (ứng viên ĐBQH khóa XIV)[/caption]

Bà Lê Thị Nga là đại biểu Quốc hội Việt Nam từ khóa X, thuộc đoàn đại biểu Thanh Hoá và khóa XIII, đoàn đại biểu Thái Nguyên. Bà hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngày 5/4/2016, bà được QH bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Khi bà vừa nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp QH thì dư luận bùng nổ chuyện về ông Nguyễn Văn Tấn bị công an huyện Bình Chánh khởi tố về tội kinh doanh trái phép do việc mở quán cà phê Xin Chào nằm đối diện trụ sở mới của Công an H.Bình Chánh, thị trấn Tân Túc, H.Bình Chánh để bán cà phê, ăn sáng, ăn trưa. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga đã ngay lập tức hành động. Bà đã yêu cầu Viện trưởng Viện KSND TC Hà Minh Trí và Chánh án TAND TC Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan tại TPHCM báo cáo đầy đủ vụ việc khởi tố ông Nguyễn Văn Tấn xem có đúng pháp luật, hợp tình, hợp lý hay chưa. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng nhấn mạnh, Ủy ban sẽ cùng giám sát kết quả giải quyết vụ việc của các cơ quan chức năng.

Là một ĐBQH nữ nhưng bà cũng không ngại tuyên chiến với nhiều vấn đề nóng bỏng của đất nước. Người ta luôn thấy bà giám sát sâu sát hoạt động phòng chống tham nhũng (PCTN), lấy phiếu tín nhiệm, quản lý tập đoàn nhà nước, thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông và sâu sát nhất là các vấn đề của ngành tư pháp. Một đặc điểm dễ nhận thấy là các phát biểu của bà Nga trên diễn đàn Quốc hội (trong khuôn khổ thời gian 7 phút) thường chỉ tập trung vào một vấn đề thay vì trải ra nhiều vấn đề như các đại biểu khác.

Bà là ĐBQH được biết đến là người thường xuyên trăn trở với những số phận oan sai. Bà nói về trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn: Mười năm là quãng thời gian dài khủng khiếp đối với một án oan như vậy, cần phục hồi nhanh chóng những gì có thể một cách tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của ông Nguyễn Thanh Chấn và gia đình. Cần làm rõ và xử lý nghiêm khắc những người có trách nhiệm trong các giai đoạn tố tụng. Cũng từ những vụ án thế này cần phải lưu ý trong tố tụng hình sự khi bị can, bị cáo đã kêu oan, đặc biệt kêu oan liên tục, trong thời gian dài, đồng thời có cung cấp cả chứng cứ minh oan thì phải xem xét kỹ trong tất cả các giai đoạn tố tụng.

Bà cũng là người góp tiếng nói mạnh mẽ để giải oan cho ông Huỳnh Văn Nén. Theo đó, Huỳnh Văn Nén từng bị tòa tuyên tù chung thân về tội Giết người, 3 năm tội Cướp tài sản và 2 năm về tội Cố ý hủy hoại tài sản. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân. Trong thời gian chấp hành án, phạm nhân Nguyễn Phúc Thành đang cải tạo tại trại giam Sông Cái (Ninh Thuận) đã làm đơn tố giác hai người bạn của mình (ngụ cùng địa phương, nghiện ma túy và thường xuyên trộm cắp tài sản) chính là hung thủ giết bà Bông. Từ đó, người cha già của ông Nén ròng rã hơn chục năm kêu oan cho con. 16 năm sau, tháng 11/2014, HĐXX Giám đốc thẩm TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao, tuyên hủy án sơ thẩm về phần tội danh và hình phạt với ông Nén để điều tra lại. Sau đó, VKSND tỉnh Bình Thuận đã bàn giao hồ sơ cho công an tỉnh này điều tra. Các luật sư và gia đình nhiều lần gửi đơn xin thay đổi biện pháp ngăn chặn, đề nghị cho ông Nén được tại ngoại để chữa bệnh.

Phát biểu tại buổi lễ do cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận tổ chức công khai để xin lỗi, ông Huỳnh Văn Nén đã dành riêng một câu để “cảm ơn bà Lê Thị Nga, đại biểu Quốc hội”. Bởi trong những người đã góp phần giải oan cho ông Nén, có sự vào cuộc tích cực của bà Nga với tư cách đại biểu dân cử.

Luật sư Hà Hải: Minh oan cho người Việt ở Quốc tế

[caption id="attachment_140974" align="aligncenter" width="410"] Luật sư Hà Hải (bên trái) - ứng viên Đại biểu HĐND TP.HCM Luật sư Hà Hải (bên trái) - ứng viên Đại biểu HĐND TP.HCM[/caption]

Câu chuyện của một ngày tháng 5/2011 u ám như vẫn còn trong tâm tưởng mỗi ngư dân Việt Nam. Ngày đó cả bảy tàu cá và 122 ngư dân vừa đến cảng Palawan thì bị hải quân Philippines bắt giữ vì cho rằng họ có hành vi xâm nhập và đánh cá trái phép tại vùng biển Philippines. Những ngư dân nghèo khổ và thiếu kiến thức pháp luật may mắn gặp được một người Việt Nam (VN) tại đây và nhờ người này liên hệ với LS Hà Hải để trợ giúp pháp lý cho họ. “Gặp tôi sau này, họ nói sở dĩ họ nhờ tôi là vì họ biết tôi qua báo chí trước đó” - LS Hải kể.

Nhận lời hỗ trợ pháp lý, lập tức LS Hà Hải và cộng sự bay ngay sang Palawan gặp các thân chủ. Nơi tạm giam 122 con người chỉ khoảng 70 m 2 , nóng hầm hập, mồ hôi nhễ nhại trên các khuôn mặt sạm đen. Những ngư dân ngồi lặng im, mắt thấm đẫm nỗi lo áo cơm. Một ngư dân thốt lên: “Bát cơm cay đắng vô cùng”. Có gia đình 2-3 thành viên cùng bị giam. Có gia đình hai anh em phải chắt chiu vay mượn đầu làng cuối ngõ để có tiền đi biển.

Về nước, LS Hải tìm kiếm, tiếp nhận chứng cứ xác định ngư dân là những người nghèo, ít hiểu biết. Các con tàu bị tạm giữ là tàu họ thuê. Ra Hà Nội, LS Hải đến Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Bộ TN&MT) để đề nghị cung cấp dữ liệu nhằm chứng minh biển động vào thời gian các ngư dân dạt vào bờ biển. Đó là sự kiện bất khả kháng, tàu bè có quyền dạt vào bờ biển gần nhất để lánh, tức họ không xâm phạm lãnh hải bất hợp pháp. Cơ quan này đã có văn bản gửi cơ quan thẩm quyền Philippines xác nhận sự kiện này. Luật sư Hà Hải đi gặp mặt đại sứ VN tại Philippines lúc bấy giờ, LS Hải chứng minh với ông đại sứ rằng những ngư dân của mình chỉ là nạn nhân. Những lý lẽ của LS Hải đã thuyết phục được ngài đại sứ, ông cử người theo chân LS Hải, xác định rõ ngư dân VN là nạn nhân.

Tại tòa, công tố viên cáo buộc các ngư dân ba tội: Xâm nhập lãnh hải trái phép, khai thác hải sản trái phép và đánh bắt động vật quý hiếm. LS Hà Hải đấu với công tố viện rằng ngư dân VN không đánh bắt tại Philippines, tàu vừa dạt vào thì đã bị bắt rồi. Chứng cứ gỡ tội là lời khai của các ngư dân về việc dạt vào vùng biển nước bạn. Chứng cứ buộc tội chỉ có những con rùa trên tàu nhưng muốn kết tội thì phải chứng minh rùa bị đánh bắt tại Philippines.

Với khả năng tiếng Anh và tiếng Hoa thuần thục, LS Hải không gặp bất cứ rào cản nào trong nghiên cứu hồ sơ, thu thập chứng cứ và giao tiếp, trình bày trước tòa. Tòa tuyên một tội là xâm phạm lãnh hải trái phép, trả tài sản và trục xuất. Sau một ngày dài đấu lý, kết quả là tòa tuyên các ngư dân chỉ phạm một tội xâm phạm lãnh hải trái phép. Tuy nhiên, tòa xác định các ngư dân phạm tội trong trường hợp bất khả kháng nên tuyên trục xuất các ngư dân về nước… Với kết quả này xem như 122 ngư dân trắng án, họ chỉ phải làm thủ tục để về nước.

0 giờ 10 phút ngày 16-11-2011, trong màn đêm lạnh, bảy chiếc tàu cá cùng bảy thuyền trưởng và những ngư dân cuối cùng bị bắt ở Palawan (Philippines) đã về đến cảng Phú Quý (xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận) trong sự mừng tủi của người thân và gia đình. Cùng lúc này, điện thoại của luật sư (LS) Hà Hải (Đoàn LS TP.HCM) reo vang. Đầu dây bên kia, những thân chủ - ngư dân của ông rối rít nói lời cám ơn và bày tỏ quyết tâm làm lại từ đầu, nhất quyết không bỏ nghề, bỏ biển.

Ngoài vụ trên đây, LS Hải còn nhận hỗ trợ pháp lý miễn phí cho nhiều vụ án khác nữa. Điều lạ là rất nhiều vụ bảo vệ công dân VN tại nước ngoài, LS Hải đều làm miễn phí. “Chi phí từ đâu mà LS có thể làm nhiều vụ miễn phí tốn kém như vậy, đặc biệt là phải di chuyển nhiều lần ra nước ngoài?” – có phóng viên đã hỏi. “Chúng tôi lấy hoạt động tư vấn có doanh thu bù qua. Những chi phí của hoạt động tranh tụng khá tốn kém vì đi lại nhiều. Tuy vậy việc hỗ trợ pháp lý cho công dân, tổ chức VN ở nước ngoài tại tòa án và cơ quan có thẩm quyền nước ngoài mang lại niềm vui cho chúng tôi vì đã đóng góp cho xã hội, đúng với tâm nguyện khi hành nghề” - LS Hải nói.

Luật sư Hà Hải còn là người đồng hành cùng chị Hồng ve chai thật thà nhặt được 5 triệu yên Nhật. Trong khi nhiều người bàn ra tán vào, LS Hà Hải đã xắn tay áo hỗ trợ pháp lý cho chị Hồng. LS Hải đã tiếp cận, thuyết phục cơ quan chức năng phải bảo vệ quyền lợi cho người chấp hành đúng pháp luật là chị Hồng, dù thời điểm này còn nhiều quan điểm pháp lý trái chiều. Cuối cùng, Công an quận Tân Bình (TP.HCM) đã giao trả 5 triệu yên cho chị Hồng.

Luật sư Hà Hải hiện là thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM, ứng viên Đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM. Với tấm lòng và hành động vì Dân, vì công lý của ông, người dân có lẽ không có lý do gì mà ngần ngại khi cử ông làm đại diện cho mình.

***
Luôn trăn trở tìm cách bảo vệ lẽ phải , bảo vệ công lý  và không ngừng tranh đấu để giải oan cho những số phận bị oan trái…Không “ lobby”, không “ đánh bóng”, không “ làm màu”, không “ diễn”,  nói là làm, họ đã và đang đi trên những con đường sự nghiệp cống hiến khác nhau cho ngành tư pháp, để hôm nay cùng tiến tới một con đường chung - Đường vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân- con đường trải nhiều vinh dự nhưng cũng thật nhiều  trọng trách đối với những ĐBQH, Đại biểu HĐND thực sự vì dân. Người dân sẽ luôn ghi nhớ và ủng hộ con đường vào Quốc hội, HĐND của họ.

Vũ Anh Tâm (tổng hợp)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/chuyen-ve-nhung-ung-vien-dai-bieu-quoc-hoi-dai-bieu-hdnd-luon-tran-tro-tim-cach-bao-ve-cong-ly-a140971.html