Trung tướng Trần Văn Độ: Quốc hội cần tạo ra một thiết chế đặc biệt để phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn

(Pháp lý) - Còn nhớ, GS. Trần Ngọc Đường từng nhận định: Giám sát tối cao của Quốc hội (QH) có vai trò rất lớn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) cả trên bình diện vĩ mô rộng lớn (sửa đổi bổ sung chính sách, pháp luật, bịt kín các lỗ hổng pháp luật) đến bình diện truy cứu trách nhiệm chính trị đối với cá nhân có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước, góp phần phòng ngừa riêng có hiệu quả tích cực”.

>> Bài 1: Quốc hội khóa XIII và những dấu ấn trong lòng cử tri

>> Bài 2 : Hạn chế của Quốc hội khóa XIII nhìn từ chất lượng một số đại biểu dân cử

>> Kỳ 3: Hướng tới một Quốc hội chất lượng, đáp ứng mong mỏi của cử tri 

>> Chọn lựa Đại biểu QH và những góp ý tâm huyết của vị Tướng tham gia Quốc Hội 3 khóa

>> Quốc hội khóa XIII và những dấu ấn trong lòng cử tri

>> Tăng hay giảm ĐBQH chuyên trách không quan trọng…, quan trọng là…

[caption id="attachment_140696" align="aligncenter" width="410"]Trung tướng Trần Văn Độ Trung tướng Trần Văn Độ[/caption]

Trung tướng Trần Văn Độ nguyên là Chánh Tòa quân sự Trung ương, Phó Chánh án TAND Tối cao. Ông cũng là ĐBQH 2 khóa liên tiếp XII, XIII. Nhiều năm đi họp Quốc hội, ông không ngại trải lòng thẳng thắn về những vấn đề nóng trong xã hội mà cử tri bức xúc dù ý kiến của ông có khi khác ý kiến của số đông. Ông nén tiếng thở dài khi được Phóng viên Pháp lý hỏi về hoạt động PCTN tại Quốc hội…

Phóng viên: Thực tế thời gian qua cho thấy hiệu quả phòng, chống tham nhũng của ta còn thấp, có nhiều hạn chế nên chưa đáp ứng được mong mỏi của cử tri. Là ĐBQH tham gia 2 khóa QH, đồng thời lại là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác đấu tranh chống tội phạm, cá nhân ông có đánh giá thế nào về hoạt động PCTN của Quốc hội?

Trung tướng Trần Văn Độ: Phải nói rằng, Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội đã rất quan tâm đến phòng, chống tham nhũng những năm qua. Tại mỗi kì họp Quốc hội khi thảo luận về tình hình KTXH, báo cáo phòng chống tội phạm, báo cáo của Chính phủ, báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC (Các nội dung báo cáo đều có phần đề cập PCTN –PV) thì các đại biểu thường xuyên quan tâm đến tình hình và kết quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Khi tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp, tôi thấy vấn đề PCTN được cử tri quan tâm nhất. Tiếng nói, tâm tư của cử tri thường xuyên được nhiều Đại biểu quốc hội đưa ra tại Nghị trường Quốc hội. Ngoài thảo luận chung, có cả những thảo luận cụ thể khi có dấu hiệu tham nhũng ở các vụ việc lớn gần đây như xây dựng nhà 8B Lê Trực, xây biệt thự trên đất rừng ở Đà Nẵng, Ba Vì, vỡ đường ống sông Đà… Tức là cử tri phản ánh ở đâu có dấu hiệu của tham nhũng đều được đại biểu có dũng khí đã thẳng thắn nêu lên.

Trong những Nghị quyết của mình, vấn đề phòng chống tham nhũng luôn được Quốc hội quan tâm. Đặc biệt, trong nhiệm kì vừa qua, Quốc hội đã thực hiện một khối lượng công việc đồ sộ liên quan đến xây dựng, sửa đổi bổ sung pháp luật bao gồm Hiến pháp và các Bộ luật, Luật chuyên ngành, trong đó có quy định cụ thể về giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước để phòng ngừa việc lạm dụng quyền lực hướng đến mục đích chung là PCTN.

Tuy nhiên vai trò của Quốc hội trong PCTN chỉ là ở tầm vĩ mô; còn PCTN có hiệu quả hay không lại phụ thuộc vào việc tổ chức thi hành pháp luật, quản lý nhà nước và thi hành công vụ… Trên thực tế những lĩnh vực hoạt động này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, mong mỏi của cử tri. Ta vẫn nói nhiều về tham nhũng nhưng quản lý thế nào, phòng và chống để tham nhũng không xảy ra; phát hiện và xử lý tham nhũng thiếu hiệu quả.

Trong hoạt động lập pháp, Quốc hội đã làm được gì trong PCTN, thưa Trung tướng?

Quốc hội XIII đã ghi dấu ấn lập pháp quan trọng: Ban hành Hiến pháp mới, trong đó có cơ chế kiểm soát việc thực hiện quyền lực; ban hành nhiều Luật tổ chức bộ máy nhà nước; hệ thống pháp luật về tư pháp được ban hành mới…Đặc biệt, Quốc hội đã ban hành Bộ luật Hình sự và Bộ luật TTHS mới, có nhiều quy định tạo cơ sở pháp lý cho đấu tranh PCTN có hiệu quả trong giai đoạn mới. Cụ thể là:

- Trong BLHS 2015 bổ sung tham nhũng trong lĩnh vực tư, điều này phù hợp và đã thể chế hóa được các quy định tại Công ước Quốc tế về PCTN. Dù có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng BLHS vẫn giữ hình phạt tử hình với tội Tham ô tài sản và tội Nhận hối lộ để có tính phòng ngừa và răn đe chung. BLHS quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự không áp dụng đối với tội tham nhũng. Ngoài ra, BLHS quy định người phạm tội tham nhũng bị kết án tử hình, nếu nộp lại ít nhất ¾ tài sản chiếm đoạt và lập công hoặc giúp cơ quan có thẩm quyền phát hiện tội phạm thì được chuyển thành tù chung thân để khuyến khích và thu hồi lại tài sản bị chiếm đoạt.

- Trong BLTTHS 2015 cũng có nhiều quy định nhằm tăng cường phát hiện, điều tra và xét xử án tham nhũng. Đáng chú ý là Bộ luật bổ sung cho phép tiến hành các biện pháp điều tra đặc biệt như quay phim, ghi âm bí mật; nghe lén điện thoại… để phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng.

Hi vọng rằng, với những điều kiện luật mở ra như vậy, các cơ quan có trách nhiệm sẽ biến các quyết tâm chính trị thành hành động thực tế để phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn, xứng với kì vọng của cử tri.

Còn về giám sát, theo ông làm thế nào để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội với PCTN?

Thời gian qua, QH chỉ thực hiện việc giám sát thông qua nghe các báo cáo, chất vấn mà thiếu một hoạt động giám sát chuyên đề về vấn đề này. Quốc hội khóa tới, hoặc ít nhất là Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có hoạt động giám sát chuyên đề về đấu tranh chống tham nhũng để truy vấn các nguyên ngân khiến tham nhũng nhiều mà phát hiện, xử lý hạn chế. Giám sát chuyên đề và cho ra nghị quyết, sẽ giúp cho việc hoạch định những chính sách vĩ mô và quyết định những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực PCTN sát hợp hơn với thực tiễn, với yêu cầu, đòi hỏi của xã hội. Tôi mong rằng nhờ đó sẽ khắc phục được tình trạng ai cũng khẳng định tham nhũng nghiêm trọng, nhưng các địa phương, các cấp, các ngành lại không phát hiện, xử lý được tham nhũng.

Luật PCTN từng là dấu ấn quan trọng của QH và kì vọng có ý nghĩa với hoạt động PCTN của nước ta. Tuy nhiên thực tế hiện nay, nhiều qui định của Luật lỗi thời hoặc không “hiệu nghiệm” để trị tham nhũng. Cần sửa đổi những quy định luật này theo hướng nào thưa ông?

Vừa rồi đã tiến hành tổng kết 10 năm thi hành luật PCTN. Việc tổng kết này đã chỉ ra nhiều điểm hạn chế, thiếu khả thi và thiếu cơ chế hiệu quả để phòng ngừa tham nhũng của Luật hiện hành. Quốc hội khóa tới cần sửa đổi bổ sung Luật này theo hướng khả thi hơn.

Đặc biệt, cơ chế điều tra, truy tố tội phạm tham nhũng hiện nay chưa ổn. Nên chăng, cần có một thiết chế đặc biệt chống tham nhũng. Ví dụ, thành lập một Ủy ban chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội; Thành viên Uỷ ban này phải là những người có trình độ tốt, có kinh nghiệm thực tiễn và bản lĩnh vững vàng; họ và gia đình phải được bảo vệ an toàn về mọi mặt; Uỷ ban có thực quyền trong khởi tố, bắt giam, truy tố để có sự độc lập, tấn công mạnh hơn vào tội phạm tham nhũng.

Phan Tĩnh (thực hiện)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/trung-tuong-tran-van-do-quoc-hoi-can-tao-ra-mot-thiet-che-dac-biet-de-phong-chong-tham-nhung-hieu-qua-hon-a140695.html