Hàng loạt dầu gội nổi tiếng ở VN bị cáo buộc có chất cấm: Cục Dược và Hiệp hội Mỹ phẩm nói gì?
Thông tin gì đang lan truyền?
Những ngày qua, trên một số trang mạng lan truyền 1 clip và thông tin về việc: Hàng loạt nhãn hiệu dầu gội nổi tiếng, phổ biến trong mọi gia đình đều chứa chất cấm nhưng vẫn vẫn bày bán công khai suốt 1 năm nay.
Dẫn ra Công văn 6577/QLD-MP ban hành ngày 13/4/2015 của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), các thông tin này cho rằng:
- Chất bảo quản Methylisothiazolinone (MIT) và hỗn hợp của Methylchlorothiazolinone (MCT) với Methylisothiazolinone (MCT + MIT) theo tỷ lệ 3:1 chỉ được sử dụng trong các sản phẩm rửa sạch (rinse-off product); và hỗn hợp MCT + MIT theo tỷ lệ 3:1 nếu có thêm MIT thì không được sử dụng trong 1 sản phẩm mỹ phẩm.
- Các sản phẩm dầu gội nhãn hiệu như Pantene, Sunsilk, Clear, Hazeline, Rejoice, Double Rich, Enchanter... do có chứa 2 loại chất MIT và MCT trên bao bì nên đáng lẽ phải thu hồi, nhưng không hiểu sao suốt 1 năm qua vẫn được lưu hành rộng rãi trong mọi siêu thị?
[caption id="attachment_140651" align="aligncenter" width="410"] Đây là 2 chất bảo quản mà các thông tin trên mạng cho rằng là chất cấm dùng trong dầu gội. Nhưng phản hồi (bên dưới) từ Cục Dược đã cho thấy nó là chất được dùng ở hàm lượng nhất định.[/caption]
Tuy nhiên, các thông tin nêu trên đều không phải ý kiến chính thức từ Cục Quản lý Dược và đại diện các nhãn hàng.
Để tìm lời giải cho công chúng về việc: thực chất sự hiện diện của 2 chất MIT, MCT trên bao bì sản phẩm là gì? Loại sản phẩm rửa sạch (rinse-off) trong mỹ phẩm mà Công văn nêu có bao gồm dầu gội hay không?
Chúng tôi đã liên hệ với các bên liên quan.
Đại diện Cục Quản lý Dược nói gì?
Trao đổi với phóng viên Trí Thức Trẻ vào sáng nay (18/5), đại diện Cục Quản lý Dược cho biết vấn đề quan trọng nhất mà Công văn 6577 nêu ra là cập nhật về việc cấm dùng dẫn chất Paraben trong mỹ phẩm ở Việt Nam.
Vị đại diện này cho biết, lý do phải dừng sử dụng các dẫn chất Paraben trong mỹ phẩm là do ngày 18/9/2014 Ủy ban Mỹ phẩm châu Âu đã ra qui định cập nhật 5 dẫn chất Paraben (Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben) vào danh mục các chất không dùng trong mỹ phẩm.
Tuy Hội đồng khoa học châu Âu khẳng định chưa có đủ bằng chứng khoa học để kết luận các dẫn chất Paraben đó không an toàn nếu dùng với nồng độ giới hạn cho phép, nhưng để đảm bảo lợi ích và an toàn cho người tiêu dùng, Ủy ban Mỹ phẩm châu Âu vẫn bổ sung nhóm chất này vào danh mục cấm.
Từ đó, Ủy ban Mỹ phẩm ASEAN đã tiến hành rà soát và thống nhất cập nhật các quy định mới về các chất nêu trên từ châu Âu. Tiếp đó, Việt Nam cũng cập nhật 5 chất này vào danh mục cấm theo ASEAN.
Còn về 2 chất Methylchlorothiazolinone (MCT) và Methylisothiazolinone (MIT), đại diện Cục Quản lý Dược khẳng định: Với chức năng là cơ quan quản lý, Cục đã ban hành các văn bản cần thiết để thông tin rõ về việc này. Còn các thông tin cụ thể liên quan đến doanh nghiệp sẽ do Hiệp hội tinh dầu hương liệu mỹ phẩm Việt Nam trả lời thêm.
Hiệp hội Tinh dầu Hương liệu Mỹ phẩm Việt Nam: Thông tin trên mạng là không chính xác
Trong công văn ngày 17/5/2016 gửi Trí Thức Trẻ, Hiệp hội Tinh dầu Hương liệu Mỹ phẩm Việt Nam nêu rõ, năm 2014, EU có đưa ra văn bản quy định về việc điều chỉnh hàm lượng MIT và MCT dùng trong mỹ phẩm để kiểm soát nguy cơ có thể gây nhạy cảm da.
Tuy nhiên, chưa có báo cáo khoa học chính thức nào khẳng định về việc các thành phần này có thể gây mất an toàn ở một hàm lượng nhất định.
Công văn cũng nêu rõ, trong khi chưa có báo cáo xác thực nào thì đối với mỗi công thức sản phẩm mỹ phẩm trước khi đưa ra ngoài thị trường, doanh nghiệp có trách nhiệm phải làm đánh giá an toàn trên hàm lượng cụ thể.
Đồng thời, Hiệp hội cũng khẳng định thông tin các chất MIT và MCI là chất cấm là không chính xác về cơ sở khoa học lẫn quy định hiện hành, làm cho người tiêu dùng hoang mang.
"Chúng tôi khẳng định lại, theo quy định của châu Âu, ASEAN và Việt Nam, 2 chất bảo quản nói trên không bị cấm mà chỉ giới hạn nồng độ, hàm lượng, và chưa có bằng chứng khoa học nào về việc mất an toàn khi sử dụng các thành phần trên trong sản phẩm mỹ phẩm", công văn nhấn mạnh.
Hiệp hội cũng cho hay, việc Cục lùi thời hạn áp dụng đổi giới hạn với 2 chất bảo quản này đến tháng 11/2016 là phù hợp với lộ trình của Châu Âu cũng như các nước thành viên ASEAN.
"Chúng tôi xin khẳng định, doanh nghiệp hoàn toàn tuân thủ quy định của Bộ Y tế Việt Nam về thời hạn áp dụng và chịu trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn", công văn nhấn mạnh thêm.
Về việc ghi nhãn sản phẩm mỹ phẩm, Hiệp hội cũng cho biết thêm là tuân thủ theo quy định của Bộ Y tế, phù hợp với Nghị định Mỹ phẩm ASEAN cũng như của Chính phủ.
Theo Trithuctre
Link nội dung: https://phaply.net.vn/hang-loat-dau-goi-noi-tieng-o-vn-bi-cao-buoc-co-chat-cam-cuc-duoc-va-hiep-hoi-my-pham-noi-gi-a140650.html