(Phap ly) - Ba vụ án hình sự gồm các bị can Nguyễn Văn Tấn (chủ quán cà phê Xin Chào), Nguyễn Văn Bỉ (người cho ông Tấn thuê đất mở quán) ở TP Hồ Chí Minh và bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc (người tố cáo cát tặc) ở Đồng Nai đã và đang làm nóng dư luận cả nước. Điều đáng lo ngại là khởi tố để xử lý bằng hình sự với những chế tài nghiêm khắc, tác động trực tiếp đến quyền tự do, danh dự, nhân phẩm của công dân… đang bị áp dụng một cách dễ dãi, tùy tiện với nhiều động cơ khác nhau.
Mở quán có đăng ký kinh doanh bị khởi tố
Ngày 24/4, đại diện VKSND huyện Bình Chánh (TP.HCM), đã gặp ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê “Xin chào”, người đã bị khởi tố và truy tố về tội “kinh doanh trái phép” để tống đạt Quyết định đình chỉ vụ án hình sự; Quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can và quyết định hủy bỏ biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Từ đó, phục hồi các quyền lợi hợp pháp đối với ông Tấn đã bị đình chỉ trong thời gian bị khởi tố, đình chỉ mọi hoạt động tố tụng đối với vụ án này, yêu cầu chính quyền địa phương phục hồi các quyền lợi hợp pháp cho ông Tấn.
[caption id="attachment_140373" align="aligncenter" width="410"] Ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê “Xin chào”, người đã bị khởi tố và truy tố về tội “kinh doanh trái phép”[/caption]
Đây là kết quả của quá trình báo chí, dư luận phản ánh, Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy TP HCM và các cơ quan chức năng ở trung ương quan tâm, yêu cầu xem xét, xử lý vụ án này.
Nội dung vụ án đơn giản đến không ngờ. Quán phở của ông Nguyễn Văn Tấn khai trương ngày 8/8/2015 thì 5 ngày sau, quán bị kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính. Ngay trong ngày, ông Tấn đi đăng ký giấy phép kinh doanh.
Lại 5 ngày sau đó, Thủ trưởng Công an huyện Bình Chánh ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền nộp phạt là 17.000.000 đồng. Ông Tấn nhận được giấy phép đăng ký kinh doanh vào ngày 19/8/2015.
Đến ngày 4/9/2015, ông Tấn nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và nhận được giấy hẹn trả kết quả vào ngày 29/9/2015.
Ngày 10/9/2015, quán phở tiếp tục bị kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính. Đến ngày 25/9/2015, ông Tấn bị khởi tố vụ án hình sự về tội “Kinh doanh trái phép” vì đã vi phạm: Điểm b, khoản 1, Điều 34 Luật An toàn thực phẩm và khoản 2, Điều 5, Thông tư 47/2014/TT-BYT.
Điều 159 BLHS 1999 quy định: Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm.
Tuy nhiên, ông Tấn đã được UBND huyện Bình Chánh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và kinh doanh đúng với nội dung trong giấy đăng ký là: “Bán ăn uống, cà phê, nước giải khát – 56101”.
Dựng chòi nuôi vịt cũng bị khởi tố
Cũng gián tiếp liên quan đến quán “Xin chào” là trường hợp ông Nguyễn Văn Bỉ (chủ phần đất cho ông Tấn thuê để mở quán cà phê) cũng bị Công an huyện Bình Chánh khởi tố vì dựng chuồng vịt. Theo ông Bỉ, vợ chồng ông được cha mẹ để lại cho khu đất rộng 3.000 m2, trên mảnh đất lúc đó có dựng một cái chòi sử dụng cho việc chăn nuôi vịt và trồng hoa màu. Tháng 7/2015, chòi sập nên ông mua cây về dựng lại với diện tích rộng khoảng 80m2.
Chòi dựng được một thời gian thì bị chính quyền địa phương xuống kiểm tra, yêu cầu tháo dỡ và lập biên bản xử phạt hành chính. Ông Bỉ chấp hành tháo dỡ chòi và nộp phạt theo quy định 7 triệu đồng.
Khoảng 3 tháng sau, ông Bỉ lại dựng chòi nhỏ hơn, chỉ khoảng 35m2 thì bị chính quyền mời lên lập biên bản vi phạm hành chính rồi chuyển sang xử lý hình sự.
[caption id="attachment_140374" align="aligncenter" width="410"] Ông Nguyễn Văn Bỉ, người cho ông Tấn thuê đất mở quán cà phê “Xin chào”cũng bị khởi tố hình sự vì dựng chòi vịt trong vườn nhà[/caption]
Đến ngày 19/1/2016, ông Nguyễn Văn Quý – Trưởng Công an huyện Bình Chánh là người ký Quyết định số 139 khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Bỉ về tội “Vi phạm quy định về quản lý nhà ở” theo Điều 270 BLHS .
Điều ngạc nhiên người ký quyết định khởi tố ông Bỉ và ông Tấn chính là ông Nguyễn Văn Quý (Trưởng Công an huyện Bình Chánh) và người phê chuẩn quyết định là Phó Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh lúc đó là ông Lê Thanh Tòng.
Tin mới nhất là Công an TP.HCM cũng đã chỉ đạo rút quyết định khởi tố vụ chòi vịt.
Quyết liệt chống cát tặc bị tạm giam
Ông Tấn và ông Bỉ may mắn hơn trường hợp bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc ở Nhơn Trạch, Đồng Nai bị tạm giam 4 ngày vì đã ngăn chặn những người khai thác cát trái phép trên sông Thị Vải. Ngày 24/4 vừa qua, lãnh đạo VKSND huyện Nhơn Trạch và Công an huyện đã gặp bà Ngọc để thừa nhận sai.
Vụ việc cũng đơn giản. Ngày 5/9/2015, chính bà Ngọc là người gọi điện báo tình trạng ghe, sà lan bơm cát gây ô nhiễm cho UBND xã Phước An và công an nhưng gần 3 giờ sau công an mới đến. Khi công an đến, có 3 thanh niên trên sà lan cát bắt và chở bà Ngọc chạy vào rừng tràm. Bà Ngọc chỉ thoát được và trở lại chỗ sà lan hút cát khi có một chiếc ghe ở gần rừng đến cứu. Bà Ngọc muốn công an lập biên bản tại chỗ vì bà Ngọc và những người dân ở đây sợ đưa ghe, sà lan về rồi không xử như những lần trước nên mới yêu cầu như vậy rồi đu lên ống bơm cát, để cát tặc không bỏ chạy.
Bà Ngọc là người thuê lại đùng để nuôi tôm trên sông Thị Vải thuộc huyện Nhơn Trạch. Cuối tháng 2/2016, bà Ngọc xây công trình xi măng trong đùng đã bị nhân viên Ban quản lý bảo vệ rừng Long Thành ngăn chặn nên xảy ra mâu thuẫn. Sau đó, nhiều nhân viên bảo vệ rừng xông vào chòi canh tôm đánh bà Ngọc và trói người thân của bà rồi ném khoảng 40 bao xi măng trong đùng tôm và đập phá công trình được cho là xây trái phép trong lúc không có quyết định cưỡng chế.
Khi báo chí phản ánh, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai lập đoàn thanh tra công vụ đối với nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ và có văn bản đề nghị công an huyện Nhơn Trạch điều tra việc bà Ngọc bị đánh, trói và bị hủy hoại tài sản. Ngay sau đó, căn cứ trên tường trình của nhân viên bảo vệ rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành đã tạm đình chỉ công tác 4 người để chờ công an điều tra vụ việc.
Ngày 19/4, bà Ngọc nhận giấy mời của Công an xã Phước An để làm việc “vụ liên quan bảo vệ lâm trường”, nhưng sau đó bà Ngọc bị còng tay đưa lên xe về Công an huyện Nhơn Trạch. Công an huyện Nhơn Trạch bắt tạm giam bà Ngọc về hành vi chống người thi hành công vụ. Công an cũng cho rằng mời bà Ngọc điều tra vụ nhân viên bảo vệ rừng đánh bà Ngọc vào 19/4 rồi bắt bà về việc chống người thi hành công vụ về sự việc xảy ra từ ngày 5/9/2015 là do bà Ngọc bỏ đi đâu không rõ nên khi mời xác minh công an thấy bà Ngọc có tên trong lệnh bắt tạm giam nên bắt để điều tra.
Công an cho biết, khi tiến hành đưa phương tiện vào bờ để lập biên bản vì ghe đang bị rò rỉ nước, trời tối nhưng bà Ngọc là người không có trách nhiệm không cho di dời phương tiện, đòi lập biên bản tại chỗ, thực hiện ôm hút cát trên ghe và hù dọa tự sát. Vì vậy, hành vi của bà Ngọc có dấu hiệu của tội phạm chống người thi hành công vụ. Việc dẫn đến bắt tạm giam bà Ngọc vì bà Ngọc không thành khẩn khai báo, không hợp tác, gây khó khăn cho cơ quan điều tra.
Và vụ án này hiện nay cũng đã bị đình chỉ. Viện kiểm sát và Công an đã tổ chức họp xin lỗi bà Ngọc.
Bài học nào sau ba vụ án
Trước hết đó là ý thức pháp luật của chính những người tiến hành tố tụng. Tình tiết của các vụ việc quá đơn giản, không có gì khó để xác định có dấu hiệu phạm tội hay không.
Đối với vụ ông Nguyễn Văn Tấn, nội dung quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can xác định: “Ngành nghề kinh doanh của ông Tấn đăng ký, pháp luật quy định không cần có giấy phép riêng theo Điều 159 BLHS và không bắt buộc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc Công an huyện Bình Chánh hai lần kiểm tra đều xác định ông Nguyễn Văn Tấn vi phạm kinh doanh chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và kinh doanh không có giấy phép riêng để khởi tố ông Tấn về tội kinh doanh trái phép là không có căn cứ”.
Hay vụ ông Nguyễn Văn Bỉ bị khởi tố về hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý nhà ở” là không có căn cứ vì cái chòi mà ông Bỉ dựng lên không phải là “nhà ở” theo quy định tại điều luật này. Khoản 1 Điều 3 Luật Nhà ở qui định: “Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.”. Trong khi đó, cái chòi lá của ông Bỉ chỉ là “nơi chứa vật tư trồng cây và nuôi ngỗng” chứ không phải để ở như Kết luận điều tra.
Chưa nói đến Luật Xây dựng quy định trong một số trường hợp công trình xây dựng ở khu vực nông thôn được miễn giấy phép xây dựng.
Trường hợp bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Ban Nội chính tỉnh Đồng Nai phân tích, cơ quan điều tra mời trường hợp bà Ngọc để xác minh vụ nhân viên bảo vệ rừng đánh người nhưng lại bắt tạm giam bà với lí do “chống người thi hành công vụ” trong một vụ khác, xảy ra từ lâu là không cần thiết, có dấu hiệu vi phạm tố tụng.
Cả ba vụ án đều đơn giản, nhưng những người tiến hành tố tụng dày dặn kinh nghiệm ở huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) và huyện Nhơn Trạch ( Đồng Nai) vẫn quyết tâm làm sai. Điều đó khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi, động cơ thật sự phía sau những quyết định tố tụng oan ức đó là gì? Có phải họ cố tình lạm dụng chức vụ quyền hạn để nhằm đạt một mục đích cá nhân nào đó? Nếu những câu hỏi này được trả lời, có căn cứ kết luận về sự lạm quyền, lộng quyền, coi thường pháp luật thì đó là một thực trạng đáng lo ngại trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay.
Bài học thứ hai về sự chỉ đạo của cấp trên. Ba vụ án trên đây đều đã và đang được sự chỉ đạo trực tiếp từ cấp trung ương và cấp tỉnh để xử lý đúng pháp luật. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi với Chủ tịch UBND tp Hồ Chí Minh Lê Thành Phong về vụ án “Xin chào”. Bí thư Thành ủy Tp HCM Đinh La Thăng cũng chỉ đạo sát sao. Tiếp đó, Viện trưởng VKSNDTC chỉ đạo ngành dọc dẫn đến việc ngày Chủ nhật, 24/4 VKSND huyện Bình Chánh đến trao các quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can với ông Tân, đồng thời ông Viện phó VKSND huyện Bình Chánh Lê Thanh Tòng bị tạm đình chỉ công tác.
Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP HCM, cho biết sẽ xem xét hình thức xử lý đối với đại tá Nguyễn Văn Quý, Trưởng Công an huyện Bình Chánh, để đề xuất Tổng cục Chính trị (Bộ Công an) quyết định. Còn đối với những cán bộ công an có liên quan mà cấp thấp hơn, Công an TP HCM sẽ xem xét từng mức độ để đưa ra hình thức kỷ luật tương xứng với mức độ sai phạm. Liên quan đến việc ông Nguyễn Văn Bỉ bị khởi tố, Trung tướng Lê Đông Phong cho biết đã yêu cầu Công an TP HCM rút hồ sơ lên kiểm tra và báo cáo, nếu xác định có sai phạm sẽ xử lý đối với lãnh đạo Công an huyện Bình Chánh.
Ở vụ bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Ban nội chính tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với bà Ngọc để tiếp tục xem xét lại hồ sơ vụ việc. Đại tá Cao Hữu Nguyên, Trưởng Công an huyện Nhơn Trạch đã thừa nhận sai và hứa sẽ xử lý nghiêm những gì mà quá trình điều tra viên làm sai dẫn đến việc bắt tạm giam bà Ngọc. VKSND huyện Nhơn Trạch cho biết sẽ đình chỉ vụ án và công khai xin lỗi bà Ngọc.
Có thể nói những người dân “thấp cổ bé họng” trên đây đã may mắn được các vị lãnh đạo cấp cao quan tâm, chỉ đạo, nếu không có sự may mắn đó thì không biết nỗi oan của họ khi nào mới được giải thoát.
Bài học thứ ba là vai trò của báo chí và dư luận xã hội. Những vụ án trên đây được quan tâm, đến tai lãnh đạo Trung ương và địa phương bởi vì dư luận phản ánh, phân tích, mổ xẻ rất sâu sát. Có thể nói nó là một cơn bão dư luận.
Ngoài báo chí thì các trang mạng xã hội cũng đưa tin và bình luận, bày tỏ sự bất bình với các cơ quan tiến hành tố tụng, đồng cảm với những người bị oan… Nhờ có sự thông tin mạnh mẽ đó thì Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Tp Hồ Chí Minh, Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC đã có thể kịp thời chỉ đạo các cơ quan thuộc thẩm quyền, kiến nghị cơ quan liên quan xử lý vụ việc đúng pháp luật.
Bài học thứ tư là cải cách thể chế. Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà bình luận: “Nếu ông chủ quán Xin Chào thua thì sẽ đưa ra một thông điệp rất xấu, đó là mọi doanh nghiệp và mọi người kinh doanh đều có thể dễ dàng bị đi tù”. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu cũng là những nguyên nhân đang khiến cho nền kinh tế Việt Nam yếu kém, đó là những rào cản trong môi trường đầu tư kinh doanh về thủ tục pháp lý lẫn từ phía các cơ quan chức năng đang nhiều hơn bao giờ hết.
Vì thế, từ những việc tưởng như “nhỏ như móng tay” này người ta đòi hỏi phải cải cách thể chế và hành chính hiệu quả hơn nữa, để không tái diễn những vụ việc tương tự, để công dân yên tâm kinh doanh trên cơ sở một nền luật pháp minh bạch và gần dân. Vì thiếu minh bạch nên giấy phép con tràn lan, vì thiếu minh bạch nên các quan chức tiêu cực có cơ để hành dân.
Chúng ta cần có một hệ thống pháp luật minh bạch, đi vào cuộc sống để người dân dễ dàng thực hiện, không bị sa vào những “mạng nhện” giấy phép rồi quyết định xử phạt rồi bị đe dọa đối diện với vành móng ngựa. Đồng thời với cải cách thể chế là bộ máy công quyền, nếu những quan chức có thể dùng quyền lực của mình, tùy tiện áp dụng pháp luật theo ý thức chủ quan của mình vì động cơ nào đó thì mọi nỗ lực cải cách hệ thống pháp luật đều có nguy cơ phá sản.
Thái Đăng
Link nội dung: https://phaply.net.vn/khoi-to-hinh-su-khong-the-tuy-tien-a140372.html