Cử tri mong Quốc hội khóa XIV sắc sảo, quyết liệt hơn trong hoạt động phòng, chống tham nhũng

(Pháp lý) - LTS: Diệt trừ “giặc nội xâm” tham nhũng là mối quan tâm hàng đầu của cử tri. Là cơ quan quyền lực cao nhất do cử tri bầu trực tiếp, Quốc hội đã có những nỗ lực nhất định để phòng, chống tham nhũng (PCTN). Nhưng không thể phủ nhận hoạt động này còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được mong mỏi của cử tri. Làm thế nào để Quốc hội khóa XIV sắc sảo, quyết liệt hơn trong hoạt động phòng, chống tham nhũng. Số báo này, Pháp lý sẽ đi sâu phân tích và đăng tải các ý kiến góp ý của các ĐBQH.

Chống tham nhũng tại Quốc hội: Dấu ấn và một vài hạn chế

Quốc hội thể hiện vai trò tối cao trong PCTN qua các hoạt động như lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng đối với hoạt động PCTN.

Thể hiện được vai trò tối cao trong PCTN

Chất lượng của chính sách, pháp luật về PCTN là yếu tố tiên quyết để quyết định hiệu quả của PCTN. Với vai trò là lập pháp, Quốc hội có nhiệm vụ xác lập một khuôn khổ pháp luật PCTN để cả hệ thống chính trị và người dân lấy đó là “cây gậy pháp lý” để chống “giặc nội xâm”.

[caption id="attachment_140327" align="aligncenter" width="410"]Báo cáo về tình hình PCTN của Thanh tra Chính phủ thường bị ĐBQH chất vấn rất nhiều (ảnh: Ông Huỳnh Phong Tranh thời kỳ còn là Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo trước QH) Báo cáo về tình hình PCTN của Thanh tra Chính phủ thường bị ĐBQH chất vấn rất nhiều (ảnh: Ông Huỳnh Phong Tranh thời kỳ còn là Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo trước QH)[/caption]

 

Trong nhiệm kì XIII, dấu ấn đáng kể nhất của QH trong PCTN thể hiện ở việc đã có những sửa đổi quan trọng trong BLHS và BLTTHS để có thể đấu tranh với tội tham nhũng hiệu quả hơn. Theo đó, BLHS có những quy định hình sự hóa hành vi tham nhũng trong lĩnh vực tư. BLHS quy định tội tham nhũng nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng không áp dụng thời hiệu truy cứu. Đồng thời, dù có nhiều ý kiến cho rằng nên loại bỏ một số tội bị áp dụng hình phạt tử hình trong đó có tội tham nhũng nhưng đa số ĐBQH vẫn giữ quan điểm duy trì án tử hình đối với tội phạm tham nhũng và điều đó cũng được thể chế trong BLHS (sửa đổi).

Quy định của BLHS (sửa đổi) 2015 không áp dụng thời hiệu truy cứu TNHS với tội tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng:

Điều 28. Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của Bộ luật này đối với các tội phạm sau đây:

1. Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật này;

2. Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật này;

3. Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật này; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật này.

Trong BLTTHS (sửa đổi) có quy định áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt với tội phạm tham nhũng, rửa tiền... Điều này được đánh giá là phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng. Áp dụng biện pháp này, kì vọng sẽ ngăn chặn tội phạm trốn chạy và ngăn chặn được các đối tượng tham nhũng tẩu tán tài sản.

Thu hồi tài sản tham nhũng là một vấn đề tồn tại nhức nhối. Thống kê của các nhà chức trách chỉ ra rằng tham nhũng thất thoát nghìn tỉ nhưng chỉ thu hồi lại được vài ba tỉ. Lý do của những hạn chế đó là do cơ chế kiểm soát tài sản quan chức (tội phạm tham nhũng có chủ thể đặc biệt) còn hạn chế, quá trình đấu tranh với tội phạm tham nhũng còn chưa nhanh nhạy bằng tham nhũng. Trong nhiệm kì khóa XIII, QH đã thông qua nghị quyết về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Theo đó có quy định “Trong giải quyết, xử lý người phạm tội kinh tế, chức vụ, tham nhũng, cần tăng cường áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các đối tượng phạm tội ngay từ giai đoạn điều tra nhằm chống tẩu tán tài sản, bảo đảm việc thu hồi; xem xét việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp tích cực khắc phục hậu quả thiệt hại trong vụ án; nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt tỷ lệ trên 60%” - nghị quyết nêu.

Vấn đề tham nhũng trong các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước cũng đáng báo động. Quốc hội cũng yêu cầu cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, bảo đảm 100% các vụ việc sau khi thanh tra, kiểm toán có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền xem xét việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.

Trong hoạt động giám sát của Quốc hội, ĐBQH đã dũng cảm nói tiếng nói của cử tri qua rất nhiều vụ việc cụ thể và dám truy đến hết thời gian của nhiệm kì một vấn đề nhức nhối mà cử tri quan tâm. Các vấn đề như tham nhũng trong ngân hàng, tham nhũng trong các tập đoàn nhà nước, tham nhũng vặt tại các cơ quan công quyền… đều được các đại biểu đặt vấn đề và phản ánh. Tại một phiên chất vấn của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại – đã nêu lên thực trạng chạy sổ đỏ. Sau đó chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang xung quanh tiến trình điều tra, xử lý vụ “bôi trơn” sổ đỏ ở Hà Nội mà ông từng phản ánh nhưng đến nay có vẻ đã bị “rơi vào im lặng”. Cũng chính đại biểu có tâm đã theo đến cùng vụ việc. Điều đó cho thấy đại biểu rất kiên tâm nhưng do chức năng, nhiệm vụ của QH chỉ là giải quyết những việc chung, hỏi trách nhiệm của Hành pháp, hành pháp chỉ chuyển đơn thì cũng đành chịu.

Không ít hạn chế cần được khắc phục…

Trong lập pháp, sự chậm chễ ban hành sửa đổi, bổ sung kịp thời các chính sách pháp luật khuyết thiếu hoặc có lỗ hổng khiến nguy cơ thất thoát do tham nhũng nhiều hơn. Còn nhớ những thất thoát, tham nhũng xảy ra ở Vinashin đã được dư luận cảnh báo từ những năm 2008, 2009. Có nhiều ý kiến cho rằng thất thoát do những hạn chế của chính sách quản lý kinh tế đã tạo lỗ hổng và tạo điều kiện cho cán bộ tham nhũng. Còn nhớ, cuối năm 2009, Quốc hội đã có cuộc giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Giám sát đi đến một nhận định chung là đang thiếu một hành lang pháp lý minh bạch cho khối doanh nghiệp này, hầu hết các ý kiến tại đây đều thống nhất cần có luật để quản lý vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh. Ngay sau đó, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ “trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật liên quan và sớm trình để ban hành Luật sử dụng vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào kinh doanh.

[caption id="attachment_140328" align="aligncenter" width="410"]PCTN luôn là vấn đề nóng bỏng, được các ĐBQH đem ra “mổ xẻ” kiến nghị tại các phiên họp của Quốc hội khóa XIII  PCTN luôn là vấn đề nóng bỏng, được các ĐBQH đem ra “mổ xẻ” kiến nghị tại các phiên họp của Quốc hội khóa XIII[/caption]

Nhiều năm trôi qua, sau nhiều lần kiên nhẫn đề nghị đi đề nghị lại của không ít vị đại biểu, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh năm 2014 mới được xem xét thông qua, đầu năm 2015 có hiệu lực. Bên cạnh Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, thì hàng loạt các dự án luật khác cần phải sửa đổi bổ sung để đáp ứng tình hình mới của đất nước như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Phá sản, Luật Đầu tư công… Các luật này đến cuối nhiệm kỳ XIII mới được thông qua. Việc thiếu chính sách hay để lâu cho những lỗ hổng chính sách tồn tại đã tạo điều kiện cho tham nhũng bào mòn nguồn vốn của nhà nước, tiền thuế của nhân dân khiến dư luận lên án, nhân dân bất bình.

Điểm yếu lớn nhất của lập pháp trong PCTN thể hiện trong luật PCTN. Luật Phòng chống tham nhũng đã có 10 năm nhưng kết quả thực thi luật này xem ra ít ỏi, cách quá xa so với kỳ vọng của người dân. Chẳng hạn quy định về kê khai tài sản thì kê nhưng không công khai được nhiều, được sâu, kê nhưng không thẩm định, xác minh được, không trung thực, mang tính hình thức… Không có quy định về một cơ quan độc lập, chuyên trách đủ sức mạnh để chống tham nhũng hiệu quả. Hạn chế của Luật này làm giảm hiệu quả PCTN của Đảng và nhà nước, khiến dân mất niềm tin vào công cuộc chống tham nhũng.

Cuối cùng, hoạt động giám sát của Quốc hội là rất quan trọng trong việc phòng, chống tham nhũng. Thông qua việc xem xét các báo cáo, việc chất vấn tại các kỳ họp, Quốc hội bảo đảm sự công khai minh bạch của chính sách, pháp luật và việc thực thi chính sách, pháp luật. Tuy nhiên hiện nay, hoạt động này còn mơn man do báo cáo của phía Chính phủ chung chung. Đại biểu hỏi xong, được đại diện hành pháp trả lời… Nhưng bao lâu sau không thấy chuyển biến vì chưa tìm ra được quyết sách cụ thể.

Tham nhũng đâu đâu cũng có, nhiều cử tri bức xúc. Quốc hội có hơn 500 đại biểu, thế nhưng, những ĐBQH dám nói tiếng nói của cử tri quyết liệt chống tham nhũng chỉ có vài chục người. Điều đó chứng tỏ rằng, để PCTN hiệu quả còn cần những ĐBQH có tầm, có tâm và có dũng khí để nói tiếng nói của cử tri.

Kết mở

Thời gian gần đây, chúng ta phát hiện tham nhũng ít hơn. Có ý kiến cho rằng, phát hiện tham nhũng ít không có nghĩa là tình hình tham nhũng giảm. Cử tri thấy rằng, họ đang phải sống cùng tham nhũng. Tham nhũng nảy sinh trong mọi ngóc ngách của đời sống và trách nhiệm của Quốc hội khóa mới càng nặng nề trong tình hình này. Đã có nhiều mô hình, nhiều tâm huyết chống tham nhũng, ta trông chờ vào cơ quan quyền lực cao nhất khóa mới sẽ quyết và làm để cho xứng với kì vọng của cử tri…

Các biện pháp điều tra đặc biệt được áp dụng cho Tội phạm tham nhũng quy định tại BLTTHS:

Điều 223. Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

Sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt:

1. Ghi âm, ghi hình bí mật;

2. Nghe điện thoại bí mật;

3. Thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

Điều 224. Trường hợp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt Có thể áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đối với các trường hợp:

1. Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền;

2. Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

 

Minh Hải

Link nội dung: https://phaply.net.vn/cu-tri-mong-quoc-hoi-khoa-xiv-sac-sao-quyet-liet-hon-trong-hoat-dong-phong-chong-tham-nhung-a140326.html