Siêu dự án trên sông Hồng: Làm lợi cho Trung Quốc?

Siêu dự án giao thông thủy xuyên Á kết hợp thủy điện trên sông Hồng không nằm trong quy hoạch, hoàn toàn trái luật và không được phép.

Trái Luật

Trong khi các bộ ngành đang tranh cãi, các nhà khoa học phản đối, nhiều chuyên gia khẳng định Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng nhưng lợi cho Trung Quốc lại rất rõ.

[caption id="attachment_140062" align="aligncenter" width="410"] Ảnh minh họa
Ảnh minh họa[/caption]

GS Vũ Trọng Hồng – nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định Sông Hồng không có quy hoạch phát triển thủy điện. Việc xây 6 đập này, nếu được thực hiện là hoàn toàn trái luật.

"Sông Hồng là tài sản quốc gia, phải do quốc gia định đoạt. Một doanh nghiệp tư nhân có quyền đề nghị nhưng đụng đến con sông chi phối đời sống của hơn 40 triệu người dân đồng bằng Bắc Bộ, thì phải được Quốc hội phê chuẩn. Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã làm sai trình tự xây dựng cơ bản. Khi xem xét một dự án nào đó phải căn cứ vào nhu cầu thực sự.

Với dự án này, phải xem xét có nhu cầu về giao thông và thủy điện ở khu vực đó không. Tôi nghe là Bộ Giao thông vận tải có đề nghị, nhưng ngành Điện không đồng ý. Vậy tại sao lại trình 6 cái thủy điện?

Sau khi xem xét nhu cầu lại phải xem đến quy hoạch. Sông Hồng không có quy hoạch thủy điện, chỉ có quy hoạch thủy lợi.

Quy hoạch chưa có đã trình Chính phủ là sai rồi. Đánh giá khả thi cũng chưa chắc chắn. Nếu như dự án này được thông qua sẽ gây hậu quả khôn lường.

Đây không phải dự án bình thường, mà phía sau đó là rất nhiều hệ lụy mà hàng trăm năm sau cũng không giải quyết được", ông Hồng nói.

Đó là về mặt quy hoạch, về tính khả thi nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng thẳng thắn cho biết dự án không có tính khả thi về mọi mặt.

Về kinh tế, ông cho biết, không có chủ đầu tư nào vốn chỉ có 1.200 tỉ, mà làm dự án trên 24.000 tỉ. Họ không kiếm đâu ra vốn đối ứng để hoàn thành công trình. Nếu họ làm dang dở rồi bị phá sản, thì hậu quả của sông Hồng để lại cho ai?

Về môi trường, nếu dự án này được thực hiện, vựa lúa sông Hồng sẽ mất, ai lo vấn đề an ninh lương thực quốc gia?

Đồng bằng sông Hồng có mỏ than rất lớn, nhưng Chính phủ không dám cho khai thác vì sợ làm cho đồng bằng sông Hồng tụt xuống. Bao đời nay, người dân Bắc Bộ chỉ biết trồng lúa, nếu đồng bằng sông Hồng sụt lún sâu, không còn đất sản xuất thì biết làm gì?

Về an ninh, nếu dự án hoàn thành, biên giới 2 nước Việt Nam – Trung Quốc sẽ trở thành xuyên suốt, kiểm soát sẽ khó khăn hơn. Trong trường hợp công ty Xuân Thiện thua lỗ rồi bán dự án cho doanh nghiệp nước ngoài, liệu rằng Chính phủ có thể điều hành được không?

Về xã hội, việc Tập đoàn tư nhân nắm con sông huyết mạch sẽ xảy ra tranh chấp nước giữa các địa phương dưới hạ du. Tại sao Bộ Kế hoạch - Đầu tư lại tham mưu, đệ trình Chính phủ phê duyệt dự án? Tôi nghĩ rằng bản thân họ cũng không hiểu rằng dự án sẽ đi về đâu.

"Dự án chỉ là cái cớ nhân thể để kiếm lợi. Mục đích của dự án là tận thu cát và sa khoáng từ việc nạo vét 288km lòng sông. Nếu lỗ vốn, doanh nghiệp sẽ bán dự án, khi đó chắc chắn doanh nghiệp Trung Quốc sẽ mua.

Trung Quốc đã có 8 đập lớn trên thượng nguồn, nếu có thêm các đập phía hạ nguồn sẽ kiểm soát toàn bộ sông Hồng, khiến Việt Nam bị phụ thuộc nguồn nước. Khi Trung Quốc kiểm soát nguồn nước thì hạ du còn gì? Mùa kiệt chúng ta cần nước thì thủy điện sẽ tích lại. Muốn có nước, Nhà nước phải đánh đổi, cho họ đất vàng và các cơ chế ưu đãi đặc thù.

Chúng ta ở hạ nguồn, bị phụ thuộc vào thượng nguồn mà lại tự trói mình là sai lầm. Tôi tin là dự án này sẽ không được Quốc hội phê chuẩn", vị chuyên gia bày tỏ.

Lợi cho Trung Quốc rất rõ

TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế trung ương cho rằng, cần thận trọng với dự án giao thông đường thủy xuyên Á kết hợp thủy điện trên sông Hồng vì dự án quá tham vọng và có rất nhiều rủi ro đối với nền kinh tế, với môi trường và đời sống người dân.

Đặc biệt, cần làm rõ việc ngăn lại thành các đập trên sông Hồng sẽ ảnh hưởng đến sinh thái và nguồn nước trồng lúa cho đồng bằng Bắc Bộ.

Theo đó, phải lập Hội đồng độc lập nhà nước và lấy ý kiến của cơ quan tư vấn quốc tế về tác động của dự án chứ không thể đưa ra đánh giá tác động sơ sài rồi để dự án thực hiện.

Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã trình Thủ tướng xem xét chủ trương đầu tư đối với Dự án giao thông đường thủy xuyên Á kết hợp thủy điện.

Dự án có mục tiêu kép là nâng cấp tuyến vận tải đường thủy dọc sông Hồng trên cơ sở kết nối 2 tuyến vận tải thủy lớn là Hải Phòng – Việt Trì và Hà Nội – Lạch Giang. Ngoài ra có thể cung cấp lượng điện năng lên tới 0,91 tỉ Kwh/năm.

Theo đó, nhà đầu tư sẽ xây dựng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét 288 km luồng sông Hồng đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai đạt tiêu chuẩn sông cấp III; kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ (cấp II), kiểu tua bin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW; xây dựng 7 cảng dọc tuyến từ Hà Nội lên tới Lào Cai.

Trong khi, nếu dự án được triển khai, cái lợi cho Trung Quốc có thể thấy rất rõ vì nó khai thông đường thủy từ Vân Nam (Trung Quốc) đến cảng Hải Phòng, khi đó xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục tăng lên, chúng ta lại nhập siêu nhiều hơn và sẽ trở thành người làm thuê cho Trung Quốc.

Về phương án tài chính, công ty TNHH Xuân Thiện không có khả năng để làm dự án lớn với mức đầu tư 1 tỷ USD.

Bởi, xét về số vốn đầu tư, công ty này phải đi vay 70% với lãi suất 4-9% trong vòng 20 năm thì rất khó thực hiện, trong khi nguồn thu của dự án là bán điện và thu phí vận chuyển đường thủy.

Dự án giao thông đường thủy xuyên Á kết hợp thủy điện là dự án BO nên khi xây dựng xong, họ sở hữu vận hành và thu tiền mãi mãi không bàn giao lại cho nhà nước nên các cơ quan bộ, ngành cần phải có thẩm định cụ thể trước khi cho phép nghiên cứu triển khai dự án.

Không thể được

Ông Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm phát triển Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu cho biết, đây là dự án chặn sông Thao với 6 con đập. Một con sông lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với quốc gia, chảy qua thủ đô mà lại làm 6 con đập thì không thể chấp nhận được. Không có lý do kinh tế gì để bao biện cho điều này.

“Việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến nền nông nghiệp bởi đồng bằng sông Hồng cũng là vựa lúa của nước ta. Ngoài ra, thủy sản cũng không còn, chẳng cá tôm nào bơi qua được đập thủy điện cả, cho dù họ có làm đường dẫn cá thì cũng không có tác dụng bao nhiêu. Kéo theo đó là đời sống của hàng triệu người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Tứ nói.

Ông Tứ cũng chia sẻ chưa thấy bất cứ nước nào trên thế giới có chuyện này khi mới 200km làm tới 6 con đập. Chúng ta cũng đã làm một số đập trên các con sông và cũng đã phải trả giá rồi, phải rút ra bài học.

 

Theo Bao Datviet

Link nội dung: https://phaply.net.vn/sieu-du-an-tren-song-hong-lam-loi-cho-trung-quoc-a140061.html