(Pháp lý) - LTS: Là đạo luật được chuẩn bị trong thời gian dài, 2 khóa của Quốc hội. Và cũng là đạo luật thể hiện vai trò, tầm vóc và đóng góp quan trọng của Hội Luật gia VN trong công tác xây dựng pháp luật. Luật TCYD đã thể hiện sự trọng dân, tin dân, dựa vào dân và để nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước … Đây là đạo luật được ví như “vương miện” của nền dân chủ. Luật có hiệu lực thực hiện từ ngày 01/7/2016.
Ban biên tập Tạp chí Pháp lý trân trọng giới thiệu tiếp tới bạn đọc (kì 2) những nội dung cơ bản của đạo luật đặc biệt quan trọng này.
13. Thẩm tra đề nghị trưng cầu ý dân; Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về đề nghị trưng cầu ý dân; Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân
Trưng cầu ý dân là sự kiện chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng, việc tổ chức đòi hỏi công phu và tốn kém, vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân phải là vấn đề thực sự xác đáng. Do vậy, Luật Trưng cầu ý dân quy định, trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân, đề nghị trưng cầu ý dân phải được Hội đồng dân tộc, Ủy ban có liên quan của Quốc hội thẩm tra; Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
- Thẩm tra đề nghị trưng cầu ý dân (Điều 15): Nội dung thẩm tra đề nghị trưng cầu ý dân tập trung vào sự cần thiết của việc tổ chức trưng cầu ý dân; đối tượng, phạm vi tác động của vấn đề trưng cầu ý dân; nội dung cần trưng cầu ý dân; thời điểm trưng cầu ý dân; các phương án, giải pháp để thực hiện kết quả trưng cầu ý dân. Báo cáo thẩm tra phải thể hiện rõ quan điểm của cơ quan thẩm tra về những nội dung trên, phản ánh đầy đủ ý kiến của thành viên cơ quan chủ trì thẩm tra, ý kiến của cơ quan tham gia thẩm tra, việc đủ hoặc chưa đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân.
Việc thẩm tra đề nghị trưng cầu ý dân phải được thực hiện tại phiên họp toàn thể của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Cơ quan chủ trì thẩm tra có trách nhiệm mời đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban khác của Quốc hội, cơ quan, tổ chức có liên quan tham dự phiên họp thẩm tra để phát biểu ý kiến về những nội dung của đề nghị trưng cầu ý dân.
[caption id="attachment_139803" align="aligncenter" width="183"] Luật Trưng cầu ý dân có hiệu lực từ 1/7/2016[/caption]
Cơ quan thẩm tra có quyền yêu cầu cơ quan, người đã đề nghị trưng cầu ý dân báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu về những vấn đề liên quan đến nội dung đề nghị trưng cầu ý dân. Cơ quan, người được yêu cầu có trách nhiệm đáp ứng các yêu cầu của cơ quan thẩm tra.
- Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về đề nghị trưng cầu ý dân (Điều 16): Khi xét thấy đề nghị của cơ quan, người có thẩm quyền đề nghị trưng cầu ý dân đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Luật này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa nội dung quyết định việc trưng cầu ý dân vào dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội tại kỳ họp gần nhất để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
- Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân (Điều 17): Trên cơ sở đề nghị trưng cầu ý dân của cơ quan, người có thẩm quyền và báo cáo thẩm tra, Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nghị quyết về trưng cầu ý dân. Nghị quyết của Quốc hội về trưng cầu ý dân phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành và được công bố theo quy định của pháp luật.
14. Về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức trong tổ chức trưng cầu ý dân
Hiến pháp đã quy định Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân, Ủy ban thường vụ Quốc hội chịu trách nhiệm tổ chức trưng cầu ý dân, hơn nữa, trưng cầu ý dân là hoạt động không thường xuyên, do đó, phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, đồng thời để các cơ quan phụ trách tổ chức trưng cầu ý dân được tổ chức gọn nhẹ, hợp lý, việc tổ chức trưng cầu ý dân sẽ do Ủy ban thường vụ Quốc hội tự mình trực tiếp thực hiện và chỉ đạo việc tổ chức trưng cầu ý dân trên toàn quốc, Chính phủ là cơ quan phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội trong tổ chức trưng cầu ý dân, việc tổ chức trưng cầu ý dân ở địa phương sẽ giao cho Ủy ban Nhân dân các cấp thực hiện. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Nhân dân các cấp có quyền thành lập hoặc phân công cơ quan chuyên môn trực thuộc để giúp việc trong tổ chức trưng cầu ý dân; việc thành lập tổ trưng cầu ý dân ở mỗi khu vực bỏ phiếu; trưng tập cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập để giúp thực hiện các công việc liên quan đến tổ chức trưng cầu ý dân.
Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan, tổ chức trong trưng cầu ý dân được quy định cụ thể từ Điều 18 đến Điều 21 Luật này, trong đó:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn sau (Điều 18): Quyết định ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân, bỏ phiếu sớm, hoãn ngày bỏ phiếu, bỏ phiếu lại; chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức trưng cầu ý dân trong phạm vi cả nước; chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân; quy định về phiếu trưng cầu ý dân, mẫu thẻ cử tri trong trưng cầu ý dân, nội quy phòng bỏ phiếu và các mẫu văn bản khác sử dụng trong việc tổ chức trưng cầu ý dân; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình tổ chức trưng cầu ý dân; nhận và kiểm tra báo cáo kết quả trưng cầu ý dân do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh gửi đến; lập báo cáo tổng hợp kết quả trưng cầu ý dân trong phạm vi cả nước; kiểm tra, giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo về kết quả trưng cầu ý dân. Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội là quyết định cuối cùng; xác định, công bố kết quả trưng cầu ý dân trong cả nước và báo cáo Quốc hội về kết quả tổ chức trưng cầu ý dân tại kỳ họp gần nhất.
- Chính phủ có nhiệm vụ, quyền hạn sau (Điều 19): chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các cấp thực hiện các công việc trong tổ chức trưng cầu ý dân theo quy định của pháp luật; chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình tổ chức trưng cầu ý dân; bảo đảm về kinh phí và các điều kiện cần thiết khác phục vụ việc tổ chức trưng cầu ý dân; hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí trong tổ chức trưng cầu ý dân; phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân; Phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong kiểm tra, giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân.
- Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn sau (khoản 1, Điều 20): Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức trưng cầu ý dân trên địa bàn cấp tỉnh theo quy định của pháp luật; chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình tổ chức trưng cầu ý dân ở địa phương; tổ chức in ấn thẻ cử tri, phiếu trưng cầu ý dân, biểu mẫu và các tài liệu khác phục vụ việc tổ chức trưng cầu ý dân trên địa bàn; phân bổ kinh phí và bảo đảm các điều kiện cần thiết khác phục vụ việc tổ chức trưng cầu ý dân trên địa bàn cấp tỉnh; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong tổ chức trưng cầu ý dân theo thẩm quyền; báo cáo tình hình tổ chức việc trưng cầu ý dân với Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ; nhận, kiểm tra báo cáo kết quả kiểm phiếu trưng cầu ý dân do Ủy ban Nhân dân cấp xã gửi đến; lập báo cáo kết quả trưng cầu ý dân tại địa phương mình gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội. - Ủy ban Nhân dân cấp huyện có các nhiệm vụ, quyền hạn sau (khoản 2, Điều 20): Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức trưng cầu ý dân trên địa bàn cấp huyện theo quy định của pháp luật; phê chuẩn việc xác định khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân của Ủy ban Nhân dân cấp xã; chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân và công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình tổ chức trưng cầu ý dân ở địa phương; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện trưng cầu ý dân tại địa phương theo thẩm quyền; báo cáo tình hình tổ chức việc trưng cầu ý dân với Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh; ở huyện không có đơn vị hành chính xã, thị trấn thì Ủy ban Nhân dân huyện thực hiện cả các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 3 Điều này.
- Ủy ban Nhân dân cấp xã có các nhiệm vụ, quyền hạn sau (khoản 3, Điều 20): Xác định khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân; thành lập Tổ trưng cầu ý dân ở từng khu vực bỏ phiếu; thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân và công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình tổ chức trưng cầu ý dân ở địa phương; tổ chức việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân ở địa phương; giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải đáp thắc mắc của cử tri và xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện trưng cầu ý dân tại địa phương theo thẩm quyền; báo cáo tình hình tổ chức việc trưng cầu ý dân với Ủy ban Nhân dân cấp huyện; nhận, kiểm tra báo cáo kết quả kiểm phiếu trưng cầu ý dân do Tổ trưng cầu ý dân gửi đến; lập báo cáo kết quả trưng cầu ý dân tại địa phương mình gửi Ủy ban Nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh.
- Về thành lập Tổ trưng cầu ý dân và nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ trưng cầu ý dân, Điều 21 quy định: Tổ trưng cầu ý dân được thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu chậm nhất là 40 ngày trước ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân. Tổ trưng cầu ý dân có từ chín đến mười một thành viên gồm Tổ trưởng, Thư ký và các thành viên là đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đại diện cử tri ở địa phương. Đơn vị vũ trang Nhân dân được xác định là khu vực bỏ phiếu riêng được thành lập một Tổ trưng cầu ý dân có từ bảy đến chín thành viên gồm Tổ trưởng, Thư ký và các thành viên là đại diện chỉ huy đơn vị và đại diện quân nhân của đơn vị vũ trang Nhân dân đó. Trong trường hợp đơn vị vũ trang Nhân dân và địa phương có chung một khu vực bỏ phiếu thì Ủy ban Nhân dân cấp xã sau khi thống nhất với chỉ huy đơn vị vũ trang Nhân dân quyết định thành lập Tổ trưng cầu ý dân có từ chín đến mười một thành viên gồm Tổ trưởng, Thư ký và các thành viên là đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đại diện cử tri ở địa phương, đại diện chỉ huy đơn vị và đại diện quân nhân của đơn vị vũ trang Nhân dân đó.
[caption id="attachment_139804" align="aligncenter" width="410"] Trưng cầu ý dân nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân (ảnh minh họa)[/caption]
Tổ trưng cầu ý dân có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: Phụ trách công tác trưng cầu ý dân tại khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân; bố trí phòng bỏ phiếu và chuẩn bị hòm phiếu; nhận tài liệu và phiếu trưng cầu ý dân từ Ủy ban Nhân dân cấp xã; phát thẻ cử tri, phiếu trưng cầu ý dân có đóng dấu của Tổ trưng cầu ý dân cho cử tri; thông báo cho cử tri biết thời gian, địa điểm bỏ phiếu trưng cầu ý dân; bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về trưng cầu ý dân và nội quy phòng bỏ phiếu; kiểm phiếu và lập biên bản kết quả kiểm phiếu để gửi đến Ủy ban Nhân dân cấp xã; giải quyết khiếu nại, tố cáo của cử tri; báo cáo Ủy ban Nhân dân cấp xã về các khiếu nại, tố cáo của cử tri không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình; chuyển biên bản kết quả kiểm phiếu và toàn bộ phiếu trưng cầu ý dân đến Ủy ban Nhân dân cấp xã; báo cáo tình hình tổ chức trưng cầu ý dân theo hướng dẫn của Ủy ban Nhân dân cấp xã; tổ chức việc bỏ phiếu lại tại khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân (nếu có). Tổ trưng cầu ý dân kết thúc hoạt động sau 30 ngày kể từ ngày kết quả trưng cầu ý dân được công bố.
15. Về nguyên tắc lập danh sách cử tri, những trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri, thẩm quyền lập danh sách cử tri, việc niêm yết danh sách cử tri, khiếu nại và giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri, việc cử tri bỏ phiếu nơi khác và quy định về khu vực bỏ phiếu biểu quyết trưng cầu ý dân (từ Điều 24 đến Điều 30).
Mặc dù phần này có một số quy định tương đồng với Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân nhưng tính chất của cuộc bầu cử khác với cuộc trưng cầu ý dân, bầu cử là cử tri bầu ra đại biểu đại diện cho mình, còn trưng cầu ý dân là việc cử tri thể hiện ý chí của mình về một vấn đề cụ thể; việc quy định trực tiếp sẽ giúp cho việc tiếp cận văn bản được dễ dàng hơn; một số thuật ngữ cũng sử dụng khác nhau, do vậy, Luật này quy định cụ thể về nguyên tắc lập danh sách cử tri, những trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri, thẩm quyền lập danh sách cử tri, việc niêm yết danh sách cử tri, khiếu nại và giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri, việc cử tri bỏ phiếu nơi khác và quy định về khu vực bỏ phiếu biểu quyết trưng cầu ý dân mà không quy định dẫn chiếu áp dụng theo các quy định tương ứng của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân.
Cử tri là Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật này. Cử tri là công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ thì đến xuất trình hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam tại Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi mình đăng ký thường trú hoặc tạm trú để được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri (khoản 4, Điều 24).
Luật mở rộng người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri tại nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, nơi có cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. 16. Về mục đích, nguyên tắc thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân; nội dung thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân; thời điểm thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân; các hình thức thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân và trách nhiệm cơ quan, tổ chức trong thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân.
- Về mục đích, nguyên tắc thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân (Điều 31)
Việc thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân có đặc thù riêng. Đó là thông tin, tuyên truyền về vấn đề trưng cầu ý dân, về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cử tri trong việc tham gia trưng cầu ý dân; động viên cử tri đi bỏ phiếu biểu quyết trưng cầu ý dân, không vận động cử tri bỏ phiếu hay ủng hộ phương án cụ thể. Nội dung này khác với việc thông tin, tuyên truyền, vận động trong bầu cử là người ứng cử được vận động cử tri trực tiếp bỏ phiếu cho mình. Do đó, Điều 31 Luật quy định mục đích, nguyên tắc thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân là:
1. Việc thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, đúng đắn về vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân để cử tri hiểu rõ ý nghĩa của việc trưng cầu ý dân, nội dung trưng cầu ý dân; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cử tri trong việc tham gia trưng cầu ý dân; động viên, khuyến khích cử tri tham gia tích cực vào việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân.
2. Việc thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân được tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, khoa học, đúng pháp luật, thuận lợi cho cử tri và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
- Về nội dung, hình thức, thời gian và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân (từ Điều 32 đến Điều 34).
Để việc thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân đạt được mục đích và đảm bảo nguyên tắc theo quy định tại Điều 31, Luật đã quy định cụ thể:
1) Nội dung thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân gồm: Sự cần thiết của việc trưng cầu ý dân; mục đích, quan điểm trưng cầu ý dân; nội dung trưng cầu ý dân; các phương án, giải pháp để thực hiện kết quả trưng cầu ý dân; đối tượng, phạm vi tác động của vấn đề trưng cầu ý dân; thời gian tổ chức trưng cầu ý dân; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cử tri trong việc tham gia trưng cầu ý dân.
2) Hình thức thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân gồm: Phát hành các ấn phẩm, tài liệu chính thức của Ủy ban thường vụ Quốc hội về vấn đề được trưng cầu ý dân; tổ chức thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật; thông qua hội nghị cử tri do Ủy ban Nhân dân cấp xã tổ chức và các hình thức khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.
3) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân là: Ủy ban thường vụ Quốc hội chủ trì, phối hợp với Chính phủ chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân trong phạm vi cả nước; Ủy ban Nhân dân các cấp chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân ở địa phương; các cơ quan báo chí ở trung ương và địa phương có trách nhiệm tuyên truyền về trưng cầu ý dân, thông tin về tình hình tổ chức trưng cầu ý dân theo quy định của pháp luật, sự chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Nhân dân các cấp; cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang Nhân dân và chính quyền địa phương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tham gia và tạo điều kiện cho công tác thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân ở cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương mình.
(Đón đọc tiếp kì 3 nội dung bài viết đăng trên TCPL kì phát hành đầu tháng 5/2016)
PV
Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-noi-dung-co-ban-cua-dao-luat-duoc-vi-nhu-vuong-mien-cua-nen-dan-chu-luat-trung-cau-y-dan-ki-2-a139801.html