Những tư tưởng tiến bộ vượt bậc của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ về “Ngày hội dân chủ”

Nhân dân ta đang chuẩn bị đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ XIV (2016 - 2021). Rất nhiều kinh nghiệm bổ ích được các đại biểu Quốc hội khóa XIII để lại cho nhiệm kỳ sau. Nhiều thành tựu quan trọng được ghi nhận trên lĩnh vực lập pháp của Quốc hội nhưng các đại biểu Quốc hội còn băn khoăn về công tác xây dựng pháp luật.

[caption id="attachment_139715" align="aligncenter" width="410"]Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đến thăm một đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam tại miền Bắc (năm 1970). Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đến thăm một đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam tại miền Bắc (năm 1970).[/caption]

Những vấn đề thời sự này trước đây Luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thọ ở cương vị lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có những đóng góp nổi bật, cách nhìn rất thực tế về hoạt động của các cơ quan dân cử cũng như yêu cầu đối với các đại biểu nhân dân.

Nhân cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, xin nêu lại những quan điểm của LS Nguyễn Hữu Thọ về vấn đề vẫn còn nguyên giá trị đến tận hôm nay. Theo PGS.TS Trần Minh Trưởng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Những quan điểm của LS Nguyễn Hữu Thọ cho thấy tư duy của ông đã đi trước thời đại.

Tôn trọng dân thì phải làm tròn trách nhiệm

Năm 1982, LS Nguyễn Hữu Thọ cho rằng đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND phải là người “đủ kiến thức và năng lực”, “là đại biểu thực sự cho quần chúng, được quần chúng tín nhiệm”. Quốc hội, HĐND không phải là nơi đại biểu “phát biểu cảm tưởng” mà là nơi cân nhắc, tính toán sau khi cọ xát quan điểm, thảo luận thẳng thắn, nói lên sự đồng ý hay không đồng ý với tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân”.

Điều đáng tiếc, bên cạnh những đại biểu Quốc hội năng nổ, lúc nào cũng gần gũi, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri thì vẫn còn không ít đại biểu Quốc hội sợ đụng chạm, chọn cách “im hơi lặng tiếng”, không làm tốt trách nhiệm, làm cho cử tri thất vọng.

Khi bàn về Bộ luật Hình sự, LS Nguyễn Hữu Thọ từng nêu rõ quan điểm: “Chúng ta làm luật để bảo vệ người lương thiện, chớ không phải để trừng phạt người có tội thôi. Trong 80 triệu dân chỉ có vài chục ngàn người có tội. Còn lại mấy chục triệu người là người lương thiện”. Trong thời gian qua, không ít luật nặng tính trừng phạt hơn là giáo dục, thiếu khách quan, thậm chí còn làm thiệt hại đến lợi ích của người dân.

Về quyền và nghĩa vụ của công dân, dù họ có sai phạm, LS Nguyễn Hữu Thọ luôn có cách xử lý hợp tình, hợp lý. Ông bày tỏ: “Khi can phạm bị tạm giữ mang trong người tiền bạc và tư trang, nếu tài sản này không phải là vật chứng của hành vi phạm pháp thì phải hỏi xem đương sự muốn xử lý theo hướng nào: gửi cho người nhà, người quen hay gửi cho Ngân hàng Nhà nước tạm giữ. Từ đó cơ quan nhà nước phải giải quyết theo yêu cầu của đương sự”.

Ông coi đây là vấn đề lớn: “Vấn đề tôn trọng quyền của công dân, chớ không phải là vấn đề nhỏ”. Trong thực tế mấy năm qua, do bất cẩn, nghiệp vụ kém hoặc do động cơ nào đó còn để xảy ra quá nhiều việc oan sai, vi phạm quyền của công dân.

Liên quan đến kinh tế đất nước, LS Nguyễn Hữu Thọ khẳng định: Kỷ luật nhất thiết phải có hiệu lực với mọi cấp, mọi ngành, không có ngoại lệ; ngay cả khi pháp luật đã đầy đủ thì kỷ luật vẫn là động lực bảo đảm việc thực hiện pháp luật. Ông còn đề nghị sớm có tòa án kinh tế xét xử các vụ vi phạm hợp đồng kinh tế nhằm giảm thiểu những tổn thất kinh tế, bảo đảm chặt chẽ kỷ cương và góp phần ổn định các hoạt động của nền kinh tế đất nước (tháng 10/1984).

Mặt trái của sự phát triển kinh tế kéo theo tình trạng tệ nạn và tội phạm nhức nhối, phức tạp. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do việc quản lý nhà nước còn yếu kém, chưa phát huy hết hiệu quả. Từ năm 1980, LS Nguyễn Hữu Thọ đã nhất trí với Thủ tướng Phạm Văn Đồng rằng: “Những yếu kém và thiếu sót trong công việc quản lý nền kinh tế quốc dân” có nguyên nhân rất quan trọng ở “tình trạng tham ô, móc ngoặc, cửa quyền” của những cán bộ có chức, có quyền”.

Theo ông, đây là một trong những nguyên nhân làm cho đời sống xã hội gặp khó khăn. Để thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ: “Làm sao cho nhân dân được ấm no, mặc ấm, được học hành”. Sau khi đất nước thoát khỏi chiến tranh xâm lược tàn khốc, với các trọng trách được giao, LS Nguyễn Hữu Thọ rất quan tâm vấn đề thực hiện dân chủ, xây dựng pháp luật và công tác giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ.
Ông cho rằng việc quản lý các lĩnh vực đời sống xã hội bằng các đạo luật là phương thức bảo đảm dân chủ cao nhất. Ông nói: “Tự do, dân chủ chỉ có được thực sự khi hệ thống pháp luật đúng, đủ và được thực hiện nghiêm minh. Người dân phải được bảo vệ các quyền cơ bản của mình”.

Cụ thể, ông đã góp phần xây dựng Bộ luật Dân sự, theo đó quyền lợi và nghĩa vụ của công dân sẽ được thể chế hóa theo cơ chế dân chủ. Và cơ chế đó đã trở thành nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ”. Cơ chế này được dựa vào Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV và lần thứ V.

Theo V.I Lênin: “Sự thực hiện dân chủ không phải là chuyện rộng lượng ban ơn mà là nghĩa vụ của Đảng cầm quyền phải mang đến cho quần chúng”. Hiện nay ta đang thực hiện cơ chế này và còn làm rõ thêm:
“Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ thông qua Mặt trận. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng chồng chéo về chức năng giữa sự “lãnh đạo” của Đảng, sự “quản lý” của chính quyền và sự “vận động” của Mặt trận. Nhiều nơi cấp ủy Đảng bao biện làm thay công việc của chính quyền, chính quyền dẫm chân lên công việc của Mặt trận, làm yếu đi sức mạnh tổng hợp của cơ chế. Đảng chỉ mạnh khi chính quyền mạnh, Mặt trận mạnh.

Sinh thời, LS Nguyễn Hữu Thọ từng lưu ý: “Cấp ủy Đảng chỉ thị trực tiếp cho ngành Kiểm sát, Công an bắt người này, thả người kia” là sự vi phạm mang tính nguyên tắc, vi phạm nguyên tắc Đảng lãnh đạo”. Không có một cái gì mang tính đảng cao hơn bản thân đạo luật trong khuôn khổ mà đạo luật quy định xử lý”. Và LS khẳng định: “Đảng là người lãnh đạo, đưa đường, chỉ lối, Quốc hội, HĐND do nhân dân bầu trực tiếp để tổ chức, quản lý xã hội theo đường lối của Đảng” .

Loại bỏ hiện tượng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

LS Nguyễn Hữu Thọ từng đề nghị: “Nếu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đã lãnh nhiệm vụ bộ trưởng, thứ trưởng..., phó chủ tịch tỉnh, giám đốc sở v.v... thì không còn quyền biểu quyết trong các kỳ họp Quốc hội và HĐND, để tránh tình trạng người chịu sự giám sát lại tham gia giám sát các cơ quan hành pháp. LS nhắc nhở: “Luật mà thi hành không nghiêm thì sẽ “đẻ” ra luật rừng, luật rừng “đẻ” ra xã hội rừng”.

Điều đáng mừng là hiện nay, số đại biểu chuyên trách ở Quốc hội ngày càng gia tăng, số cán bộ hành pháp tham gia Quốc hội ngày càng ít đi. Gần đây nhất, TP Đà Nẵng là một ví dụ điển hình rất đáng để các tỉnh, thành khác nhìn vào khi bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND không ra ứng cử đại biểu Quốc hội vì đã kiêm nhiệm nhiều chức vụ rồi.

Thiết nghĩ, những kinh nghiệm, đóng góp của LS Nguyễn Hữu Thọ vẫn bổ ích cho những đại biểu nhân dân tương lai: Dám nói lên tiếng nói của cử tri, không vì lợi ích riêng mà nể nang, né tránh, không làm tròn trách nhiệm với cử tri.

Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét về LS Nguyễn Hữu Thọ: “Anh Thọ là người của công lý, của đạo nghĩa. Anh mong muốn mọi người đều đem hết trí lực phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Anh có thái độ nghiêm khắc đối với mọi hành động sai trái vi phạm phép nước, xâm phạm tài sản của dân, ức hiếp nhân dân. Với trách nhiệm và tính cương trực của mình, anh đấu tranh thẳng thắn để phân rõ đúng, sai; khi cần nói lên sự thật để bảo vệ chân lý, bảo vệ chính sách của Đảng và Nhà nước thì anh luôn tỏ ra cương trực, không hề né tránh. Ở anh, không có đặc quyền, đặc lợi cho bất cứ ai”.

Theo Bao phapluatplus

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-tu-tuong-tien-bo-vuot-bac-cua-luat-su-nguyen-huu-tho-ve-ngay-hoi-dan-chu-a139714.html