Minh bạch không gây 'tổn hại cho đất nước'

Minh bạch là cách tốt nhất để người dân hiểu chính quyền và cùng chính quyền giải quyết vấn đề. Ngược lại, kém minh bạch chỉ làm dấy thêm những hoài nghi, làm sụt giảm lòng tin vào cơ quan công quyền.

8

Câu trả lời của ông Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường với một nhà báo: “Câu hỏi của em tổn hại cho đất nước”, tại cuộc họp báo ở bộ này tối 27.4 (*) làm tôi nhớ đến việc một quan chức ngành ngân hàng lớn tiếng nạt nộ một nhà báo khi anh hỏi ông về các vấn đề liên quan đến vài người Việt và Úc được quốc tế nêu lên trong chuyện đổi tiền Việt Nam từ đồng tiền giấy cotton sang tiền chất liệu polymer cách đây gần 10 năm. Vị quan chức đỏ mặt, lớn tiếng đập bàn nói anh là ai mà dám hỏi câu hỏi đó? Anh ở báo nào? Rồi ông ta lấn át đi bằng những lý lẽ kiểu như các anh chị phải biết đây là vấn đề quốc tế, quốc gia và đại ý nhà báo không cần biết. Sau cuộc họp tôi còn biết ông yêu cầu nhân viên gạch tên nhà báo kia không cho tham gia các cuộc họp báo của cơ quan ngang bộ của ông.

Trong nhiều năm làm nghề báo, tôi gặp nhiều trường hợp đại diện công quyền hăm dọa như vậy, có những vị yêu cầu cơ quan báo chí đuổi việc nhà báo nào đó, có những vị chỉ nghe câu hỏi thôi đã lớn tiếng hỏi kiểu "anh/cô có muốn bị mất việc không?" Hay quy kết rằng bài báo đó, nhà báo đó đang phá hoại nền kinh tế, hoặc dám đưa ra bí mật quốc gia mặc dù ông chẳng bao giờ chứng minh được các báo cáo công khai trên website của một tổ chức mà đồng nghiệp tôi lấy làm dẫn chứng trong bài báo là bí mật quốc gia.

Nhiều lần tôi cũng rất thắc mắc bởi vì tôi được học rằng nhà báo có quyền hỏi còn nguồn tin có quyền trả lời hay không và trả lời thế nào. Thực sự luôn có một không gian tự do cho nguồn tin trước truyền thông. Điều này hoàn toàn đúng với luật báo chí không riêng Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Vì thế mới có chuyện một phóng viên của hãng thông tấn nước ngoài đưa nguyên xi đoạn băng ghi âm anh phỏng vấn qua điện thoại với một cựu tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam và ông này đã đáp lại rất thiếu văn hóa “Vietnam Airlines không biết sợ ai hết”. Phóng viên hỏi tại sao Vietnam Airlines không làm thế này, ông trả lời nhấn mạnh “Bởi vì tôi thích thế”...

Ông đã quen nói chuyện kiểu đó với cấp dưới và các nhà báo trong nước mà quên mất đây là một phóng viên nước ngoài và ông đã giữ nguyên cái giọng vừa hăm dọa vừa thách thức như thế. Hồi đó ông dường như không biết rằng internet đã làm cuộc sống của chúng ta hoàn toàn thay đổi luật chơi. Đoạn băng ngay lập tức "đi ra quốc tế” và tên tuổi ông sau một đêm đã nổi như cồn.

Nhưng đến nay, hơn 10 năm sau những sự cố vạ miệng như vậy, thì ông thứ trưởng và nhiều quan chức khác tôi từng chứng kiến (xin mở ngoặc là bên cạnh đó vẫn có những đại diện công quyền văn minh và thiện chí và chúng tôi thầm biết ơn họ) vẫn giữ tư duy và thái độ đó với truyền thông nói riêng và công chúng nói chung. Kể cả đến nay, cuộc cách mạng của mạng xã hội và các công cụ khác qua internet đã và đang thay đổi cuộc chơi và cuộc sống của con người theo một cách khác.

Trở lại câu nói của ông thứ trưởng, công chúng sẽ không bị thuyết phục vì họ biết rằng minh bạch không và chưa bao giờ gây tổn hại cho đất nước và cho dân chúng, con cháu chúng ta sau này. Minh bạch là chìa khóa vàng để mở ra tình cảm và sự đồng thuận trong trái tim người dân, cả các nhà đầu tư nước ngoài và cộng đồng quốc tế. Minh bạch là cách tốt nhất để người dân hiểu chính quyền và cùng chính quyền giải quyết vấn đề. Ngược lại, kém minh bạch chỉ làm dấy thêm những hoài nghi, làm sụt giảm lòng tin vào cơ quan công quyền.

Giả dụ ông thứ trưởng có tuyên bố vùng biển ấy đang gặp vấn đề X,Y,Z và cần người dân giúp sức những việc như A, B, C thì tôi tin không có người dân nào không thiện chí. Họ chỉ nổi giận nếu những người đại diện cho họ, ăn lương nhà nước để giám sát môi trường lại nói vòng vo gây thêm bế tắc và lờ đi những gì công chúng cần biết.

Cách phản ứng của ông thể hiện sự lo lắng và sợ hãi. Tâm lý học lý giải rằng khi lo lắng và sợ hãi, cảm thấy bất an người ta dễ nổi nóng, phát ngôn cộc cằn hay có thái độ đe dọa đối phương vì nó như hành động tự vệ bản năng mà lý trí đôi khi không kiểm soát kịp.

Ông thứ trưởng chắc không nghĩ rằng trong giao tiếp, chỉ có 20% thông điệp đưa ra là bằng lời nói, còn 80% thông điệp sẽ được người đối diện hiểu bằng ngôn ngữ phi lời nói, tức là nắm bắt câu trả lời qua hành động và thái độ. Cách hành xử của ông trong vụ họp báo còn đem đến một câu trả lời khác cho công chúng và nó không giống với những gì ông đã nói.

Quyền được biết của người dân không phải điều gì to tát, chỉ là họ đợi ông thứ trưởng và các đại diện nhà chức trách nói ra rõ ràng, ngắn gọn rằng vụ việc đang được xử lý tới đâu, với thái độ thế nào, thông tin người dân muốn biết về nguyên nhân vụ việc khi nào có, và quan trọng nhất là đưa ra những tuyên bố giúp người dân bảo vệ sức khỏe (thậm chí sinh mạng) và giữ lòng tin của hàng triệu người dân có sinh kế dựa vào biển.

Ai từng lớn lên ở một vùng quê có biển mới thấm thía nỗi mất mát khi dải duyên hải miền Trung xinh đẹp đã bị cắt nát và chiếm hữu thế nào bởi các dự án du lịch, người dân khó khăn hơn thế nào trong kiếm sống trên vùng biển của mình. Hàng chục triệu người dân Việt Nam chắc chắn không khi nào muốn đánh đổi việc được ăn con tôm con cá từ biển của mình, được đắm mình trong nước biển xanh sạch và đẹp của mình với bất cứ thứ gì.

Hồng Phúc

(*) Trong cuộc phỏng vấn được phát hình trực tiếp trên facebook báo Thanh Niên, vị thứ trưởng này tỏ thái độ tức giận, nói rằng "Em hỏi câu đó là tổn hại cho đất nước" rồi bỏ đi khi một nữ phóng viên chất vấn về việc kim loại nặng crom trong nước biển Lăng Cô cao gấp 9 lần mức cho phép.

Link nội dung: https://phaply.net.vn/minh-bach-khong-gay-ton-hai-cho-dat-nuoc-a139616.html