Số lượng tiến sĩ đó rất khập khiễng với kết quả nghiên cứu, điều đó phản ánh điều gì, phản ánh chất lượng đào tạo của chúng ta kém.
"Tôi thấy rất buồn"
Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thống kê ở Việt Nam đang có hơn 24.000 tiến sĩ.
Thế nhưng, theo thống kê Viện thông tin khoa học (ISI), trong 15 năm qua (1996-2011) Việt Nam mới có 13.172 ấn phẩm khoa học công bố trên các tập san quốc tế có bình duyệt, bằng khoảng một phần năm của Thái Lan, một phần sáu của Malaysia, và một phần mười của Singapore.
Trước thực trạng, chúng ta có nhiều tiến sĩ mà lại ít công trình công bố, trao đổi với Đất Việt, ngày 26/4, một Tiến sĩ tại Viện toán học, Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết: "Với số lượng sinh viên, quy mô đào tạo, cán bộ giảng dạy tại các trường Cao đẳng, Đại học hiện nay, thì số lượng tiến sĩ như vậy không phải nhiều.
Ở các nước đang phát triển, nếu là người đứng ra giảng dạy ở cấp đại học, ít nhất phải có bằng tiến sĩ. Cứ nhìn vào số lượng tiến sĩ của Việt Nam, số lượng trường đại học, số lượng sinh viên, sẽ thấy lượng tiến sĩ chưa nhiều. Chưa kể lượng tiến sĩ làm ở những cơ quan quản lý khoa học, những cơ quan quản lý công quyền.
Nhưng bây giờ số lượng tiến sĩ đó rất khập khiễng với kết quả nghiên cứu, điều đó phản ánh điều gì? Nó phản ánh chất lượng đào tạo của chúng ta kém!
Chủ yếu giảng viên hiện nay chưa đạt chuẩn, không có bằng, không có làm nghiên cứu thực sự. Tôi thấy rất buồn, khi thấy Viện hàn lâm khoa học xã hội năm 2015 chỉ có 1 bài công bố trong tạp chí có chất lượng (một trong những tạp chí lọt danh mục của cơ sở dữ liệu ISI), điều này là không chấp nhận được, không thể bao biện với bất kỳ lý do gì".
Bên cạnh đó, theo tiến sĩ này, thì vấn đề ở đây là chất lượng đào tạo từ Tiến sĩ, Thạc sĩ, cử nhân. Chắc chỉ Việt Nam mới có chuyện đi học Tiến sĩ thay vì làm Tiến sĩ, trong khi, Tiến sĩ ở nước khác họ chỉ làm đào tạo cho các cán bộ giảng dạy và nghiên cứu chứ không làm cho bộ phận quản lý, vì mất mấy năm đi học không để làm gì.
[caption id="attachment_139523" align="aligncenter" width="410"] Nên có quy chế rõ ràng về đào tạo NCS[/caption]
Đơn giản bởi vì, bằng Tiến sĩ không phải để chứng tỏ anh đạt được một trình độ kiến thức nào đó, mà nó chứng tỏ anh có khả năng độc lập nghiên cứu khoa học. Điều đáng quan tâm với tiến sĩ Việt Nam, số lượng nghiên cứu nhiều, nhưng số lượng công bố quá ít, mà trong khi tiến sĩ thì phải độc lập nghiên cứu.
Thậm chí, cán bộ giảng dạy ở các trường Đại học, chỉ nói trường học công lập, mới là cử nhân đã có thể đi giảng dạy được, trong đó bằng thạc sỹ nhiều nước gắn với nghiên cứu.
Chính vì thế, chất lượng tiến sĩ của Việt Nam không đáp ứng, không thể chạy theo con số, bởi phải đi theo chất lượng, con số nhiều mà không đảm bảo được yêu cầu am hiểu khoa học thực sự, thì khó chấp nhận.
Ở đây, nó cũng như con lai F1, F2, thế hệ F1 chất lượng kém thì sẽ lại đào tạo ra những thế hệ tiếp theo kém, tự nhiên trở thành vòng luẩn quẩn.
Việt Nam chưa đủ dũng cảm để đặt ra chuẩn mực quốc tế
Về phía bên khoa học tự nhiên, theo vị tiến sĩ trên, cơ bản con số công bố không phải kém, nếu so về trình độ kinh tế, thu nhập, hỗ trợ khoa học để công bố khoa học, thì con số đã đạt được cũng là một con số đáng nể, chấp nhận được. Cụ thể là với một đất nước nghèo, hỗ trợ khoa học kém hơn so với thế giới rất nhiều.
"Tôi không đồng tình với Viện hàn lâm khoa học xã hội khi cho rằng số lượng công bố của Viện ít đào tạo nhiều, là do toàn công bố nội tại, không thể công khai, đó chỉ là ngụy biện, khoa học đúng thì phải là không biên giới.
Theo tôi, việc không có công bố chắc chắn chỉ vì một thời gian dài không có áp lực nào yêu cầu phải công bố quốc tế.
Thậm chí, hiện nay có nhiều tạp chí bỏ tiền ra mua bài viết công bố công trình nghiên cứu khoa học, cứ trả tiền là công bố không quan tâm nội dung.
Chính vì thế, mới sinh ra thế hệ tiến sĩ không biết tiếng Anh, không biết viết 1 bài báo khoa học để bên ngoài có thể chấp nhận được, làm khoa học xã hội nhân văn mà được công bố cũng không phải khó lắm.
Trong khi, ngành khoa học tự nhiên cơ bản, phải làm ra hẳn một cái mới, thì mới được công bố, thậm chí phải có ý nghĩa người ta mới cho công bố. Còn giới khoa học xã hội thì không nhất thiết phải làm ra cái mới, chỉ cần bàn về những vấn đề đặc trưng cho vùng miền cũng có thể công bố được", vị tiến sĩ này phân tích.
Đưa ra đề xuất để tăng thêm số lượng công bố quốc tế trên tạp chí khoa học, theo vị tiến sĩ trên, bản thân Bộ GD&DT phải tạo ra áp lực bằng các quy chế, có thể đầu tiên không một sớm một chiều có bài công bố, vạch ra lộ trình bắt buộc phải công bố quốc tế. Phải có lộ trình rõ ràng.
Nếu không sau này sẽ có một ngành khoa học gọi là ngành khoa học Việt Nam, chỉ có chúng ta biết với nhau, quốc tế không ai công nhận.
Cũng giống như việc không tìm được nguyên nhân cá chết hàng loạt, phải nhờ sự vào cuộc của các chuyên gia nước ngoài, theo vị tiến sĩ trên, nếu muốn tìm thì rất dễ. Cá chết đầu tiên ở đâu, thì nguồn gốc sẽ bắt đầu từ đó, chúng ta thấy cá chết từ Hà Tĩnh ra đến Thừa Thiên Huế, như vậy phải tìm mẫu nước vùng Hà Tĩnh.
Sau đó cho phân tích chắc chắn sẽ thấy ngay các độc tố trong nước, ở đây, lỗi chính là hệ thống quản lý đào tạo, không đủ dũng cảm để đặt ra chuẩn mực quốc tế, trong khi, các nước kém phát triển cũng đã làm được.
Trước chia sẻ của một số NCS, mức chi phí thực tế để có tấm bằng tiến sỹ ở Việt Nam tùy theo ngành, ngành hot như kinh tế hơn 1 tỷ đồng, kém hot thì vài trăm triệu, vị tiến sĩ trên bàng hoàng: "Tiền đào tạo tiến sĩ, với giảng viên như chúng tôi được 3 -6 triệu đồng/năm.
Nguyên tắc, không bao giờ lấy tiền của học sinh, bản thân ngành của chúng tôi thu hút người nghiên cứu đã khó, nói gì bỏ tiền ra để nghiên cứu?
Hệ thống đào tạo khoa học của chúng ta đang hư nát, không hỗ trợ đủ, không nghiêm, không đặt ra một cái chuẩn đào tạo ra một tiến sỹ thì phải có bài báo quốc tế, có nhận bao nhiêu tiền thì cũng không thể công bố giúp được, trừ khi dùng tiền mua bài.
Mức giá 1 tỷ đồng chỉ là cho nghiên cứu sinh mua bằng tiến sĩ mới có giá như vậy".
Nói chung để thay đổi không phải khó, lấy chuẩn quốc tế áp vào tự khác sẽ đúng, lấy chất lượng làm đầu, chất lượng đó kiểm nghiệm qua hệ thống giáo dục các nước.
Vị tiến sĩ trên chia sẻ thêm: "Xã hội hiện nay có thể mua bằng cấp một cách đơn giản, nên họ vẫn đâm đầu vào mua. Tôi nghĩ nhiều người đi làm ngoài, nước Mỹ có nhiều tiến sĩ đi làm ngoài, đối với nhà khoa học họ sẽ lấy chuyện công bố làm chuẩn, mới được hỗ trợ.
Mọi việc chỉ cần lấy chuẩn mực về thành tích nghiên cứu khoa học áp vào làm chất lượng từ đào tạo cho đến hỗ trợ khoa học, mọi việc sẽ vào quỹ đạo ngay.
Nếu lấy chất lượng làm đầu thì mọi việc đã khác. Còn Việt Nam tiếp tục đi theo con đường khác, thì cuối cùng sẽ không có nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh, ai muốn nghiên cứu thì ra nước ngoài".
Theo Bao Datviet
Link nội dung: https://phaply.net.vn/viet-nam-qua-nhieu-tien-sy-chat-luong-dao-tao-qua-kem-a139522.html