Lý do Bhutan là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

Thủ tướng Bhutan, ngài Tshering Tobgay, nói: “Tổng hạnh phúc quốc gia (Gross National Happiness-GNH) quan trọng hơn tổng sản phẩm quốc gia (GDP)”. Cụ thể, hạnh phúc quốc gia của Bhutan là giáo dục, y tế hoàn toàn miễn phí.

[caption id="attachment_139508" align="aligncenter" width="410"] Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.[/caption]

* Tại sao người ta nói Bhutan là nước rất nhỏ bé, tổng sản phẩm quốc gia (GDP) rất thấp nhưng lại là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới?

Để trả lời câu hỏi này tôi xin trích ý kiến phát biểu của Thủ tướng Bhutan, ngài Tshering Tobgay, tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu mang tên “Dream” - “Ước mơ” tổ chức tại Vancouver (Canada).

Ông nói: “Tổng hạnh phúc quốc gia (Gross National Happiness-GNH) quan trọng hơn tổng sản phẩm quốc gia (GDP)”. Cụ thể, hạnh phúc quốc gia của Bhutan là giáo dục, y tế hoàn toàn miễn phí.

Để bảo vệ môi trường, Chính phủ Bhutan tìm cách sản xuất điện sạch, trợ giá xe điện cho nhân dân để giảm bớt khí thải nhà kính mà theo lời Thủ tướng Tshering Tobgay: “Bhutan phát thải nhà kính với tỉ lệ âm”.

Hiến pháp của Bhutan quy định phải đảm bảo diện tích rừng bao phủ 70% quốc gia. Hiến pháp Bhutan đề cao GNH với 4 trụ cột là Môi trường xã hội, Văn hóa, Quản lý Nhà nước và Phát triển kinh tế xã hội.

Ở Bhutan hút thuốc lá ở nơi công cộng là phạm pháp và bị phạt tới 227 USD. Chỉ số GNH ở Bhutan có đến 72 tiêu chí. Trong đó có thời gian ngủ, thời gian làm việc, nhà ở, thu nhập, an ninh lương thực… Bhutan không đặt nặng phát triển kinh tế bằng mọi giá. Vấn đề quan trọng là phải có sự đồng thuận, phải đề cao công bằng xã hội và hạnh phúc cho người dân.

Việt Nam đã từng được nhiều tổ chức xếp thứ hạng cao trong các chỉ số hạnh phúc khác nhau như được tổ chức News Economics Foundation xếp hạng top 5 trong số các quốc gia hạnh phúc. Một trong những căn cứ để xếp hạng là chỉ số tăng trưởng “tổng sản phẩm quốc gia”.

Điều đáng nói là người dân ít nhiều cảm thấy… chưa hài lòng với vị trí mà đáng lẽ ra phải vui mừng ấy. Lý do chưa hài lòng về chỉ số hạnh phúc đó có thể hiểu trong bối cảnh người dân vẫn phải cố gắng để chi trả cho các dịch vụ y tế, giáo dục ngày càng tăng lên, trong khi chất lượng nhận lại chưa được như mong muốn.

Mặt khác, những bất an về tai nạn giao thông, tình hình tội phạm, ô nhiễm môi trường, biến đối khí hậu đang tác động hằng ngày, hằng giờ lên cuộc sống của người dân. Đặc biệt với nạn hạn hán, nước mặn xâm nhập vào đất liền, ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến đời sống của hàng triệu dân chúng hiện nay, chúng ta càng thấy sự chọn lựa nào cho phát triển là một vấn đề cấp bách và nhức nhối.

Vấn đề ở đây là chúng ta vẫn phải tăng trưởng nhưng không thể tăng trưởng bằng mọi giá. Điều đó đòi hỏi các chính sách phát triển phải được tính toán rất kỹ lưỡng với các tác động kèm theo đối với môi sinh và xã hội. Chúng ta buộc phải hạn chế tối đa các tổn thương vào thiên nhiên và đời sống con người trong quá trình khai thác để phục vụ cho phát triển. Nếu không cái giá phải trả (đã được cảnh báo) là rất lớn.

Tất nhiên mục tiêu cuối cùng của mọi chính sách phát triển đều phục vụ cho đời sống của người dân, trong đó chỉ số chất lượng sống, chỉ số hạnh phúc cần phải đặt lên cao nhất. Sẽ là rất khó thuyết phục nếu cho rằng chúng ta ngày càng phát triển mà người dân cảm thấy chất lượng sống của mình đi xuống và không cảm nhận được hạnh phúc một cách thực sự.

Vì vậy, trong tiến trình phát triển tới đây, hơn bao giờ hết chỉ số này phải trở thành thường trực trong các chính sách. Hạnh phúc là cảm nhận của nhân dân nhưng nó không thể chỉ là cảm giác của nhà quản lý, hoạch định chính sách. Nó phải trở thành sự thôi thúc từ bên trong của các nhà lãnh đạo quốc gia; phải trở thành từng con số cụ thể trong mục tiêu phấn đấu và được hiện thực hóa bằng hành động cụ thể, từng ngày, từng giờ.

Theo Báo Nông nghiệp VN

Link nội dung: https://phaply.net.vn/ly-do-bhutan-la-quoc-gia-hanh-phuc-nhat-the-gioi-a139507.html