Việt Nam - quốc gia của những "thiên tai" nhân tạo?

Khác với Philippines thường xuyên phải hứng chịu các cơn bão, những tai họa do thiên nhiên tạo ra, Việt Nam lại hứng chịu những tai họa do chính con người gây ra, chính xác hơn là do chính mình gây ra hoặc để xảy ra.

30

Trên thế giới, Philippines được coi là quốc gia của những thiên tai khi vị trí địa lý đặc thù của đất nước này luôn khiến Philippines phải đương đầu với những cơn bão lớn hàng năm. Không ít người đã đặt biệt danh cho Philippines là quốc gia của những cơn bão. Nhưng, nếu như có một quốc gia khác có thể xem là đất nước của những thiên tai nhân tạo, ít nhất là trong giai đoạn 4 tháng đầu năm 2016, thì chắc hẳn đó phải là Việt Nam.

Chỉ trong vòng chưa đầy 4 tháng, Việt Nam đã phải trải qua hai sự kiện bị tàn phá ghê gớm về mặt môi trường trên diện rộng, từ hạn mặn kỷ lục đã tàn phá nông nghiệp và đe dọa cuộc sống người dân ở đồng bằng sông Cửu Long cách đây hai tháng, và giờ đây là việc ô nhiễm đang lan ra trên vùng biển rộng ở miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Điểm khác duy nhất giữa Philippines và Việt Nam, đó là một bên phải hứng chịu những tai họa do thiên nhiên tạo ra, còn một bên là hứng chịu những tai họa do con người gây ra, chính xác hơn là do chính mình gây ra.

Không phải cả hai tai họa thảm khốc về mặt môi trường, kinh tế và xã hội mà Việt Nam phải hứng chịu trong vòng chưa đầy 4 tháng đầu năm nay đều do con người tạo ra, khi tình trạng hạn hán và xâm mặn kỷ lục ở đồng bằng sông Cửu Long cách đây hai tháng là do hiện tượng El Nino với cường độ lớn nhất trong gần 100 năm trở lại đây. Nhưng cả hai thảm họa kinh khủng đang tàn phá Việt Nam này đều có bóng dáng của sự vô trách nhiệm của chính con người, mà trong đó phần lớn là thuộc về chính người Việt Nam. Ở thảm họa hạn mặn, sự vô trách nhiệm đó nằm ở chỗ thờ ơ và thiếu sự chuẩn bị ứng phó với một thảm họa thiên tai đã được cảnh báo từ vài năm trước. Còn ở thảm họa cá chết hàng loạt với nghi vấn Tập đoàn Đài Loan Formosa đang làm ô nhiễm gần một nửa vùng biển ở miền Trung, thì sự vô trách nhiệm đó hoàn toàn thuộc về người Việt Nam, khi đã làm ngơ, dung túng và tạo cơ hội cho sự tàn phá môi trường trên diện rộng.

Trong thảm họa hạn hán và xâm mặn kỷ lục ở đồng bằng sông Cửu Long, phân nửa nguyên nhân đến từ hậu quả của hiện tượng El Nino cũng như việc các nước trên thượng nguồn sông Mekong chặn dòng chảy. Trên thực tế tất cả những yếu tố đó đều đã được dự báo từ nhiều năm trước nhưng chúng ta đã lờ đi. Chỉ đến khi hạn mặn tàn phá nền nông nghiệp ở khu vực vựa lúa quốc gia và đẩy hàng triệu người dân vào tình cảnh khó khăn cả về sinh hoạt lẫn kinh tế, thì chúng ta mới bàng hoàng nhận ra: Việt Nam gần như đã không có bất cứ một sự chuẩn bị nào để ứng phó với thảm họa đã được dự báo trước này.

Nếu so với Thái Lan, nước đã bắt đầu khởi công và hoàn thiện hệ thống thủy lợi chống hạn từ vài năm trước, thì quả thực gần như tất cả lỗi trong vụ việc lần này đã thuộc về chính người Việt Nam. Chúng ta không thể đổ lỗi cho những tác động xấu để bào chữa cho việc chúng ta đã không có sự chuẩn bị để ứng phó với những nguy cơ đó. Trách nhiệm của Việt Nam là phải có kế hoạch ứng phó với mọi tình huống đe dọa đến sự ổn định của đất nước, chứ không phải là trách cứ và đổ lỗi cho những nguyên nhân gây ra nó.

Ở vụ việc ô nhiễm trên một nửa vùng biển miền Trung hiện nay, thì sự vô trách nhiệm đó còn lớn hơn nữa. Thừa Thiên Huế vừa là địa phương đầu tiên công bố mẫu xét nghiệm nước tại cửa biển Lăng Cô, kết quả cho thấy hàm lượng kim loại nặng trong nước biển cao vượt mức cho phép rất nhiều lần. Với việc các nguyên nhân do dịch bệnh, sóng thần hay tràn dầu đã được loại bỏ, thì gần như chỉ còn một nguyên nhân duy nhất là ô nhiễm nhân tạo. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngoài đường ống xả thải ngầm của Formosa ở Hà Tĩnh, thì hiện vẫn còn rất nhiều các đường ống xả thải ra biển khác trên khắp cả nước. Tất cả những nguyên nhân này đang tạo ra một thảm họa môi trường, kinh tế và xã hội có quy mô lớn diễn ra lần thứ hai tại Việt Nam chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng ngắn ngủi.

Có thể Chính phủ cũng như các địa phương sẽ không tuyên bố tình trạng thảm họa như những gì đã làm trong vụ việc hạn mặn kỷ lục tại đồng bằng sông Cửu Long cách đây gần 2 tháng, nhưng ở thời điểm hiện tại thì tình trạng thảm họa môi trường gần như đã là điều chắc chắn với các dấu hiệu hiện có. Một vùng biển rộng chiếm một nửa vùng biển miền Trung bị ô nhiễm nghiêm trọng, các loại động vật biển chết hàng loạt. Thậm chí tình trạng này còn đe dọa sức khỏe con người nếu như có tiếp xúc với nguồn nước độc hại này, khi ít nhất 1 thợ lặn đã tử vong và 5 thợ lặn khác đã phải nhập viện khi tiến hành lặn ở gần khu vực xả thải của Formosa. Về cơ bản, nó đang không khác gì một thảm họa tràn dầu trên quy mô lớn trên thế giới.

Về tác động tới nền kinh tế và sự ổn định xã hội, thảm họa nhân tạo ở vùng biển miền Trung hiện nay gần như không hề thua kém so với những gì mà hạn mặn kỷ lục gây ra ở đồng bằng sông Cửu Long. Nếu như hạn mặn kỷ lục đã tàn phá nền nông nghiệp ở các tỉnh Nam Bộ, thì tình trạng ô nhiễm nguồn nước biển cũng đang đe dọa xóa sổ toàn bộ các ngành nuôi trồng thủy sản, du lịch và dịch vụ tại các vùng biển đang có hiện tượng ô nhiễm cũng như các tỉnh lân cận.

Hiện các công ty lữ hành du lịch tại các tỉnh có hiện tượng ô nhiễm và cá chết hàng loạt đã hủy bỏ các tour du lịch đến các địa điểm ở những địa phương này; thậm chí những tỉnh lân cận chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm tràn đến cũng bị ảnh hưởng, mà Đà Nẵng là một ví dụ. Các hợp tác xã, các công ty kinh doanh nuôi trồng thủy hải sản trên các vùng biển miền Trung cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng khi tình trạng thủy hải sản chết sau khi thay nước từ biển vào đang dần tăng lên.

Trên thực tế, thảm họa nhân tạo này có mức độ nguy hại lớn hơn và lâu dài hơn những gì hạn mặn gây ra ở các tỉnh Nam Bộ rất nhiều. Khi nước về, tình trạng xâm mặn sẽ bị đẩy lùi, đất đai sẽ được rửa mặn và có thể trồng trọt như bình thường. Nhưng để giải quyết tình trạng ô nhiễm nặng ở vùng biển miền Trung hiện nay phải cần rất nhiều thời gian cũng như công sức và tiền bạc nếu muốn tẩy sạch những chất ô nhiễm công nghiệp ra khỏi nước biển.

Về phương diện sức khỏe con người và ổn định xã hội, những tác động của nó cũng lâu dài hơn. Cá chết do nhiễm độc vẫn đang tiếp tục được tuồn vào các khu chợ tại nhiều địa phương trên cả nước, thậm chí đã mang ra cả Hà Nội và đang đe dọa sức khỏe người dân một cách đáng sợ. Có lẽ sẽ mất không ít năm để các địa phương trên cả nước mới dám ăn lại thủy hải sản miền Trung, cũng như đặt các tour du lịch biển tại các tỉnh miền Trung này một lần nữa.

Và nếu như thiên tai là do thiên nhiên tạo ra, thì nhân tai lại phần lớn là thuộc về lỗi của con người. Cả hai thảm họa kinh hoàng tại đồng bằng sông Cửu Long cách đây gần 2 tháng và vùng biển miền Trung bị ô nhiễm nặng nề hiện nay đều thuộc về trách nhiệm của con người, mà ở đây thuộc về chính người Việt Nam. Cả hai thảm họa này đều có quy mô rộng lớn mang tính quốc gia, và đều xảy ra do sự tắc trách của chính người Việt Nam.

Chỉ trong vòng 2 tháng ngắn ngủi đã có liên tiếp hai thảm họa xảy ra, liệu có phải đã đến lúc Việt Nam xứng đáng để nhận được biệt danh “quốc gia của những thiên tai nhân tạo?”. Đó có lẽ là một danh hiệu không lấy gì làm hãnh diện nhưng lại đúng một cách đầy cay đắng. Người Việt Nam hại người Việt Nam bằng thực phẩm bẩn đã là gì chứ, chúng ta còn đang giết cả đất nước của chính mình được nữa cơ mà.

Theo Motthegioi

Link nội dung: https://phaply.net.vn/viet-nam-quoc-gia-cua-nhung-thien-tai-nhan-tao-a139460.html