Mặc dù đã có sự vào cuộc của các lực lượng chức năng khá hùng hậu từ trung ương, song cho đến nay kết quả vẫn là “những câu hỏi lớn không lời đáp” về nguyên nhân vụ cá chết trắng bờ biển miền Trung từ Hà Tĩnh vô tới Huế. Trong sự việc này, cơ quan chức năng đã chậm chân dẫn tới có thể bế tắc trong việc truy tìm thủ phạm.
[caption id="attachment_139202" align="aligncenter" width="410"] Cá chết dạt vào vùng biển Quảng Bình. Ảnh: Phi Long.[/caption]
Họp, nghe báo cáo và… nói vòng vo Sau 20 ngày phát hiện cá chết, vào chiều 23/4, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên-môi trường làm việc với 4 tỉnh tại Hà Tĩnh vẫn chưa trả lời được những câu hỏi mà dư luận hết sức trông đợi: Nguyên nhân cá chết? Ai đã xả chất độc ra môi trường gây ô nhiễm? Ai phải chịu trách nhiệm? Biển, cá đã an toàn chưa?...
Những phát biểu, kết luận tại cuộc họp vẫn hết sức chung chung, mờ nhạt: nào là tuyên truyền cho người dân, rồi xử lý cá chết, khuyên dân không nên ăn cá chết hay sử dụng làm thức ăn chăn nuôi…
Đó là những điều mà trong thời đại thông tin ngày nay, người dân đều có thể biết, không cần ai “tuyên truyền, phổ biến” nữa.
Trả lời phỏng vấn ngay sau cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-môi trường chỉ nói: “Bộ đã và đang tích cực tìm hiểu nguyên nhân xảy ra sự việc và chắc chắn sẽ tìm ra nguyên nhân”.
Như vậy, kết quả hoạt động của đoàn công tác Bộ Tài nguyên-môi trường cho đến ngày 23/4 vẫn là một con số không tròn trĩnh.
Đây là kết quả tất yếu. Cách làm việc của đoàn công tác Bộ Tài nguyên-môi trường, cũng như nhiều cơ quan, ban ngành khác, chủ yếu là họp hành, nghe báo cáo. Đã thành “mô típ”, sau khi có sự kiện xảy ra, là thành lập đoàn, đi kiểm tra, nghe báo cáo, rồi kết luận. Bản thân người báo cáo cũng không trực tiếp xử lý sự việc, mà lại nghe báo cáo từ cấp thấp hơn. Ở đây, Tài nguyên-môi trường tổ chức họp, có sự tham gia của báo chí, nhưng chưa có trong tay các kết quả khảo sát, quan trắc, điều tra, chưa có những cơ sở dữ liệu chắc chắn về vấn đề. Vì vậy rơi vào tình trạng chung chung, lúng túng, nói vòng vo, gây bức xúc dư luận, trong tình thế nước sôi lửa bỏng.
Lỗ hổng trong quản lý/ Vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm là ống xả thải của dự án Formosa đã có vai trò như thế nào đối với hiện tượng cá chết bất thường, Bộ Tài nguyên-môi trường cũng trả lời chưa rõ.
Thừa nhận ống xả thải đường kính 1,5m, dài 1,5km và chôn sâu dưới mặt biển là có thật, ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, cho biết hệ thống đường ống xả đó đã được Bộ TNMT cho phép lắp đặt để xả nước thải đã qua xử lý của Formosa, nằm trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan chức năng phê duyệt.
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên-môi trường khẳng định Formosa chưa được cấp phép xả thải xuống biển.
Thế nhưng, Thứ trưởng Tài nguyên-môi trường Võ Tuấn Nhân nói: “Tôi khẳng định, Formosa được phép xả thải bằng đường ống ra biển, đã được Tài nguyên-môi trườngViệt Nam cấp phép đúng quy định pháp luật Việt Nam”.
Hai khẳng định trái ngược của lãnh đạo Bộ Tài nguyên-môi trường khiến dư luận ngỡ ngàng. Tuy nhiên, bằng chứng thuyết phục nhất là văn bản giấy phép của Bộ Tài nguyên-môi trường vẫn chưa được công bố.
Theo ông Võ Tuấn Nhân, tại Formosa Hà Tĩnh chưa có hệ thống quan trắc tự động cảnh báo nước xả thải không đạt chuẩn. Ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết tại đây mẫu nước xả thải được lấy 1 lần/quý.
Dư luận đặt câu hỏi, liệu trong khoảng thời gian quá xa (3 tháng), doanh nghiệp xả trộm nước thải không đạt chuẩn ra biển, thì ai kiểm soát?
Một thực tế là nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải đã xả thải. Không ít doanh nghiệp khác hệ thống xử lý nước thải chỉ hoạt động được trong thời gian đầu, rồi sau đó bị hỏng hóc. Một số doanh nghiệp mặc dù có hệ thống xử lý nước thải nhưng không vận hành, vì rất tốn kém.
Đây có thể là những kẽ hở “chết người” mà doanh nghiệp đã lách được, để gây ra thảm họa môi trường, qua mặt được cơ quan chức năng.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, đến ngày 26/4, mới bắt đầu kiểm tra toàn diện Formosa. Đến lúc này doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ, và việc xả thải nguy hại, nếu có, cũng đã được chấm dứt từ lâu.
Việc lấy mẫu nước xả thải tại cống ngầm của Formosa, đến lúc này mới thực hiện là vô nghĩa, thậm chí vô tình trở thành “lá chắn”.
Đến lúc này, cơ quan chức năng và các địa phương vẫn nợ người dân về nguyên nhân, trách nhiệm của thảm họa môi trường.
Theo Báo Lao Động
Link nội dung: https://phaply.net.vn/ca-chet-trang-bo-bien-mien-trung-nhung-cau-hoi-lon-khong-loi-dap-a139201.html