Hòm nợ công nên đặt ngay trên bàn chính lãnh đạo các cơ quan, bộ ngành từ trung tương tới địa phương...
Liên quan tới đề xuất lập “hòm nợ công” để nhắc nhở món nợ 29 triệu mỗi người dân Việt Nam đang mang, qua đó đánh thức tính tự giác tiết kiệm của mỗi cá nhân, cán bộ, công chức..., PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng, hòm nợ công nên đặt ngay trên bàn chính lãnh đạo các cơ quan, bộ ngành từ trung tương tới địa phương chứ không chỉ nhắm vào từng cán bộ, công chức.
[caption id="attachment_138967" align="aligncenter" width="410"]
Ảnh minh họa[/caption]
“Hòm nợ công phải đặt ngay trước bàn lãnh đạo các cơ quan bộ ngành cho tới lãnh đạo địa phương. Hòm nợ công mục đích là để nhắc nhở khi đặt bút ký đầu tư một dự án hay đưa ra một quyết định nào cũng phải nhìn vào bối cảnh nguy khó của ngân sách quốc gia mà quyết định. Tất cả phải hiểu rằng, một quyết định sai sẽ là nguyên nhân đẩy nợ công tăng lên”, vị chuyên gia giải thích.
Ông lý giải, tiết kiệm chi tiêu, thắt lưng buộc bụng không phải hô hào, kêu gọi theo kiểu mỗi ngày, mỗi người bớt một đồng tiêu, hay cắt một ngày lương để bỏ vào hòm tiết kiệm, đó chỉ là hình thức, làm cho vui. Tiết kiệm ở đây phải hiểu là tiết kiệm từ chủ trương, chính sách, từ chính những dự án, công trình cho tới ngay trong chính bộ máy, nhân sự.
Vấn đề khó nhất của Việt Nam, theo vị chuyên gia là do chính sách, chủ trương, do cơ chế điều hành quản lý còn hời hợt, theo kiểu “mềm nắn rắn buông”, nhiều lúc, nhiều nơi còn đang bị lợi ích nhóm chi phối.
Vì thế, vị PGS cho rằng, cần phải khoán chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị hành chính sự nghiệp. Thông qua kế hoạch chi tiêu là bao nhiêu, tổng ngân sách giảm cụ thể bao nhiều? Giảm chi ở những lĩnh vực nào, chi trả lương cắt giảm bao nhiêu? Hội thảo, hội nghị cắt giảm thế nào? Đầu tư hạ tầng ra sao…? Tất cả phải công khai dựa trên những báo cáo cụ thể để dư luận giám sát.
“Tôi không mấy vui mừng khi nghe thông tin Bộ Tài chính năm vừa qua tiết kiệm được 24.000-25.000 tỷ. Đó chỉ là con số rất nhỏ so với một dự án hàng trăm nghìn tỉ khác. Cắt giảm chỗ này lại phình chỗ kia, tiết kiệm cái nhỏ nhưng lại đánh dự án lớn… đó không thể gọi là tiết kiệm”, ông nói.
Ông cảnh báo, nếu tính toán đầy đủ mỗi người dân Việt Nam không phải đang phải 29 triệu nợ công, con số này nếu tính đầy đủ nó phải tăng gấp đôi (tức là 58 triệu/mỗi người). Dẫn bài học từ Hy Lạp, ông cho biết Việt Nam không nên chỉ hô hào nữa mà cần phải biến chủ trương thành hành động cụ thể. Theo ông, nếu không kịp thời có hành động thì nợ công sẽ tiếp tục tăng nhanh, đe dọa toàn nền tài chính quốc gia, dẫn đến nguy cơ như Hy Lạp.
Vị chuyên gia cho biết, nợ công của Việt Nam tăng nhanh trong khoảng 10 năm trở lại đây. Từ khi các định chế tài chính kinh tế, các nước giàu nới lỏng điều kiện cho vay, Việt Nam mới gia tăng vay. Nợ nước ngoài tăng nhanh, gấp hàng chục lần những năm trước đó.
Vay nước ngoài nhiều, Việt Nam lại mở rộng vay thêm trong nước thông qua các hình thức phát hành trái phiếu chính phủ. Nguồn vốn vay một phần dùng để đầu tư, xây dựng nhưng bên cạnh đầu tư, xây dựng thì chi phí cho chi tiêu thường xuyên cũng tăng quá nhanh.
Theo ông Nam, trong những năm qua, Việt Nam nhiều lần hô hào cắt giảm chi tiêu, tinh giảm bộ máy nhưng kết quả hầu như đều đi ngược lại, càng hô hào tinh giảm bộ máy thì bộ máy hành chính càng phình to, chi tiêu thường xuyên không ngừng tăng mạnh.
"Một bộ quy định chỉ có 3-4 thứ trưởng nhưng hiện nay có bộ lên tới 6-7 thứ trưởng vẫn không xử lý được, không tinh giảm được ai'' - vị chuyên gia nêu ví dụ.
Ông Nam cho rằng, điều nguy hiểm hơn là chủ trương tăng quyền lực cho chính quyền địa phương hay còn gọi là cơ chế phân cấp, phân quyền của địa phương hiện đang gây nhiều bất cập. Về lý thuyết, việc phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm tăng tính tự chủ, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển là chủ trương đúng. Tuy nhiên, cơ chế quản lý, giám sát còn yếu kém dẫn tới nhiều kẽ hở, bộ máy chính quyền địa phương cũng nhờ đó mà phình thêm, chi tiêu nhiều hơn, thu không đủ chi.
Ngoài ra, chủ trương hành chính hóa bộ máy cấp xã, phường tức là đưa cán bộ xã, phường vào biên chế và nhà nước trả lương dẫn tới hàng mấy chục vạn biên chế phát sinh. Ở các nước trên thế giới, chính quyền thôn xã thuộc cơ chế tự quản nhưng ở Việt Nam, chính phủ lại trả lương. Vì thế, vừa rồi mới có câu chuyện một xã có tới mấy chục biên chế, thậm chí có phường còn lên tới 500 cán bộ phường ăn lương biên chế. Ngay cả cán bộ tổ dân phố bây giờ cũng được nhận trợ cấp của nhà nước.
"Tại nơi tôi ở, có người về hưu 60-70 tuổi vẫn tranh nhau nhận làm cán bộ dân phố. Ở đây, không đơn giản chỉ là câu chuyện về quyền lợi kinh tế, tức là không chỉ nhận 50-100 ngàn đồng/tháng tiền hỗ trợ mà nó còn liên quan tới nhiều quyền lợi khác bao gồm cả quyền lợi về kinh tế và chính trị.
Ví dụ, một hộ gia đình muốn sửa sang cái nhà, cơi nới cái khuôn viên cũng phải có lời nhờ vả với cán bộ tổ dân phố. Bây giờ người ta cũng không thể nhờ vả suông nữa, nhờ vả là phải có phong bì. Có lợi nên họ mới tranh nhau làm'' - ông Nam dẫn chứng.
Nhìn nhận trong lĩnh vực đầu tư, ông Nam cho rằng, đây cũng phải được xem là đang gây lãng phí lớn. Nhiều hạng mục trong đầu tư công cũng thực hiện xã hội hóa, nhưng vẫn còn hình thức, chưa triệt để. Cụ thể với những tuyến đường BOT, nói là đầu tư xã hội hóa nhưng vẫn dựa trên nền tảng là đường cũ của nhà nước, chủ đầu tư nâng cấp, trải nhựa rồi thu phí BOT. Rất ít những tuyến đường làm mới hoàn toàn, như vậy thì cuối cùng vẫn là tiền công mà dân phải đóng góp quá nặng, trả phí cao.
Nhiều dự án đầu tư, xây dựng xong rồi bỏ xó, không hiệu quả, thậm chí nhiều dự án không cần thiết phải đầu tư, xây dựng nhưng vẫn được làm. Cụ thể như những dự án nhà văn hóa tiền tỉ, các công trình công cộng, chủ trương nông thôn hóa… rõ ràng tất cả đều là tiền thuế của dân.
Đó là còn chưa nói tới hiện tượng lãng phí, tham nhũng ngay trong các dự án đó gây thất thoát lớn cho ngân sách quốc gia.
Vì thế, nói rằng cắt giảm chi tiêu, thắt lưng buộc bụng thì phải nhìn thẳng vào thực tế và phải thực hiện đồng bộ, toàn diện. Ngoài ra, cần phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, không có cơ chế chống tham nhũng, lãng phí sẽ không thể phát triển được.
Việt Nam còn nghèo, nền sản xuất trì trệ, trong khi thuế, phí chồng chéo lên nhau. Doanh nghiệp kiệt sức vì thuế phí, người dân mệt mỏi, trong khi chi tiêu quá lãng phí. Nếu Việt Nam không thắt chặt chi tiêu thì sẽ ngày càng tụt hậu so với các nước.
Theo Bao Datviet
Link nội dung: https://phaply.net.vn/hom-no-cong-nhac-no-29-trieunguoi-dat-truoc-ban-lanh-dao-a138966.html