Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 lần đầu tiên quy định chế định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân và được thể hiện tập trung tại Chương XI, gồm 16 điều (từ điều 74 - 89) và trong một số điều khoản cụ thể khác của Bộ luật (các điều 2, 3, 8, 33, 46). Đây là điểm đổi mới nổi bật, mang tính đột phá trong chính sách hình sự nước ta, làm thay đổi nhận thức truyền thống về vấn đề tội phạm và hình phạt. Phải nói rằng, việc bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào BLHS xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn và là kết quả của gần 16 năm (từ 1999 đến nay) kiên trì, bền bỉ nghiên cứu, đề xuất của Chính phủ và đã được Quốc hội chấp thuận nhằm góp phần khắc phục những bất cập, hạn chế trong việc xử lý các vi phạm pháp luật của pháp nhân trong thời gian qua, nhất là những vi phạm trong các lĩnh vực kinh tế và môi trường, đồng thời tạo điều kiện bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người bị thiệt hại do các vi phạm của pháp nhân gây ra.
[caption id="attachment_138922" align="aligncenter" width="410"] Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII[/caption]
1. Về sự cần thiết quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân
Việc bổ sung chế định TNHS của pháp nhân trong BLHS trên cơ sở các lý do sau:
1- Kinh tế thị trường đã mang lại những lợi ích vô cùng to lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội ở nước ta. Nhưng chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều hiện tượng tiêu cực được coi là mặt trái của kinh tế thị trường như các hành vi vi phạm quy định về độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh, buôn lậu, xâm phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại, làm ô nhiễm môi trường..., gây những hậu quả rất nghiêm trọng, thậm chí đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội. Trong hoạt động quản lý của các doanh nghiệp, nhiều chính sách, hành vi của doanh nghiệp được thực hiện theo quyết định của tập thể lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp. Do vậy, việc quy trách nhiệm cho một hay một số cá nhân là rất khó khăn và việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với họ là thiếu công bằng, chưa thật sự hợp lý.
2- Các biện pháp hình sự xử lý pháp nhân có nhiều ưu điểm so với các biện pháp hành chính, dân sự. Việc xử lý hình sự sẽ được tiến hành bởi các cơ quan tiến hành tố tụng mang tính chuyên nghiệp cao, với trình tự, thủ tục tư pháp chặt chẽ, minh bạch, sử dụng các chế tài mạnh mẽ, các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu (mà trong xử lý hành chính, dân sự không có) trong việc chứng minh các hành vi vi phạm và xác minh mức độ thiệt hại do pháp nhân gây ra.
3- Có chế tài hình sự đủ nghiêm để ngăn chặn, xử lý tình hình vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, phức tạp của pháp nhân, đảm bảo việc khắc phục thiệt hại, quyền của người bị hại do pháp nhân gây ra, không để lọt tội phạm.
4- Qua thực tiễn xử lý các vụ việc điển hình trong thời gian qua cho thấy những khó khăn, vướng mắc và hạn chế hiện nay trong việc giải quyết các vi phạm pháp luật của pháp nhân bằng biện pháp hành chính và dân sự. Ví dụ: Theo Luật tố tụng dân sự, cho đến nay vẫn chưa xác định được ai là người phải chịu trách nhiệm khởi kiện yêu cầu công ty Vedan bồi thường thiệt hại, nếu khởi kiện thì những người nông dân không đủ khả năng chứng minh được thiệt hại gây ra, dự trù án phí dân sự không phải nhỏ,...
Chế tài xử phạt hành chính vừa thiếu tính răn đe lại vừa không đầy đủ. Luật xử lý vi phạm hành chính cho phép phạt tối đa (trong trường hợp nặng nhất) đối với pháp nhân có hành vi vi phạm không vượt quá 2 tỷ đồng. Với mức phạt này, theo ý kiến của một số chuyên gia, nhiều pháp nhân (đặc biệt là các pháp nhân là các Công ty liên doanh, các hãng vận tải biển quốc tế) có thể chấp nhận nộp phạt để tiếp tục vi phạm. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính tuy có ưu điểm là nhanh, tác dụng tức thời nhưng lại thiếu tính chuyên nghiệp, nhất là quá trình xác minh mức độ gây thiệt hại của pháp nhân làm cho việc xử phạt pháp nhân chưa đạt hiệu quả.
Việc áp dụng biện pháp buộc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong pháp luật dân sự cũng tỏ ra bất cập, nhất là đối với việc bồi thường trong lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường; các quy định về án phí dân sự và nguyên tắc bị hại phải tự chứng minh thiệt hại khi đòi bồi thường thiệt hại như là một sự cản trở rất lớn đối với người bị thiệt hại, nhất là người dân bị gây thiệt hại do các hành vi gây ô nhiễm môi trường.
5- Cá nhân bị truy cứu TNHS thường khó có đủ năng lực tài chính để bồi thường những thiệt hại lớn hoặc đặc biệt lớn. Trong khi đó, nếu chủ thể phạm tội là pháp nhân thì có khả năng tốt hơn trong việc thi hành các khoản bồi thường thiệt hại, sửa chữa, khắc phục hậu quả gây ra. Đây chính là lý do “rất thực dụng” cho việc truy cứu TNHS đối với pháp nhân.
6- Trong bối cảnh hội nhập quốc tế về pháp luật và tư pháp diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều công ước quốc tế về phòng, chống tội phạm như: Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước chống tham nhũng, Công ước chống rửa tiền.... Mặc dù khi tham gia các Công ước, đặc biệt là Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (gọi tắt là Công ước TOC), Việt Nam tuyên bố không bị ràng buộc về quy định TNHS của pháp nhân, nhưng theo quy định tại Điều 10 của Công ước, các quốc gia thành viên phải ban hành những biện pháp cần thiết phù hợp với những nguyên tắc pháp lý của nước mình, để xác định trách nhiệm pháp lý của pháp nhân trong việc thực hiện những hành vi phạm tội như: tham gia nhóm tội phạm có tổ chức (Điều 5); rửa tiền (Điều
6), tham nhũng (Điều 8), cản trở công lý (Điều 23). Đồng thời tuỳ theo những nguyên tắc pháp lý của mình, việc xử lý pháp nhân vi phạm có thể là trách nhiệm hình sự, dân sự hay trách nhiệm hành chính.
2. Các quy định về TNHS của pháp nhân trong BLHS năm 2015
Trách nhiệm hình sự của pháp nhân là vấn đề mới, hết sức phức tạp, do vậy, để bảo đảm sự thận trọng trong việc quy định chính sách mới, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, BLHS đã xác định rõ giới hạn áp dụng chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo hướng hẹp cả về chủ thể lẫn về loại tội mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, cụ thể:
(1) Về chủ thể, Điều 2 của BLHS quy định chế định này chỉ áp dụng đối với pháp nhân thương mại.
(2) Về loại tội, Bộ luật (Điều 76) quy định pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 31 tội danh được liệt kê cụ thể tại Điều 76 của BLHS (chiếm tỷ lệ 9,87%). Các tội danh này đều thuộc nhóm tội phạm về kinh tế và nhóm tội phạm về môi trường. Đồng thời, Bộ luật (Điều 75) cũng quy định rõ 04 điều kiện để một pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự, bao gồm: hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân; hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân; hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
(3) Về hệ thống chế tài áp dụng đối với pháp nhân phạm tội được quy định tại Điều 33 và Điều 46 của BLHS bao gồm 03 hình phạt chính: phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; 03 hình phạt bổ sung: cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính và 04 biện pháp tư pháp: tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra.
Theo Noichinh
Link nội dung: https://phaply.net.vn/quy-dinh-ve-trach-nhiem-hinh-su-cua-phap-nhan-trong-bo-luat-hinh-su-nam-2015-a138921.html