Lập "hòm nợ công" để nhắc món nợ 29 triệu/mỗi người

"Hòm nợ công" là nhắc nhở mỗi người dân VN đang cõng 29 triệu nợ công, qua đó đánh thức ý thức tiết kiệm của mỗi người dân.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo – ĐBQH Vĩnh Phúc đề xuất trước bối cảnh nợ công của Việt Nam tăng nhanh, thậm chí chúng ta đã phải đi vay để trả nợ vay, thì, chủ trương cắt giảm chi tiêu, trong đó, quan trọng là các khoản chi thường xuyên đã được đặt ra.

[caption id="attachment_138905" align="aligncenter" width="410"]Ảnh minh họa Ảnh minh họa[/caption]

Thừa nhận, năm 2015 là năm “vượt khó hay vượt cạn” của nền ngân sách quốc gia, vì thế, vấn đề thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu không thể chỉ xem như lời hô hào xuông nữa, mà cần phải biến từ chủ trương thành hành động thiết thực, cụ thể để cứu nguy cho nền ngân sách quốc gia, vị đại biểu đoàn Vĩnh Phúc trăn trở.

Khó giảm chi tiêu

Chỉ ra hai lý do đẩy nền tài chính Việt Nam rơi vào bối cảnh lao đao, ông Bảo cho hay, một là do tác động của suy thoái kinh tế thế giới. Hai là do chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của chúng ta đang còn quá nhiều bất cập. Tư duy bao cấp cùng với sự thiếu minh bạch trong điều hành quản lý dẫn tới những hậu quả khó lường.

"Cách quản lý hiện nay không khác nào một gia đình có ông bố đông con, đi vay được một ít, bán tài nguyên được một ít lại đứng ra ban phát, chia đều cho các con. Nếu cứ tư duy như vậy, Việt Nam sẽ tiếp tục bị tụt lùi, không bao giờ giải quyết được vấn đề bội chi", ông Bảo nói.

Hơn nữa, chính sách chi cho tiền lương cũng có nhiều vấn đề bất cập. Một khoản ngân sách quá lớn đang phải chi để nuôi bộ máy hành chính cồng kềnh, không hiệu quả.

"Một năm, riêng khoản chi phí chi trả lương hàng năm đã lên tới hơn 400.000 tỷ. Con số quá khủng khiếp. Vấn đề đáng nói là mức chi trả tiền lương quá lớn nhưng lại không đảm bảo được đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính. Nhiều cán bộ, công chức ca thán chuyện lương không đủ sống, cán bộ không sống bằng lương. Rõ ràng, đang có một bức tranh trái chiều, chi phí nhiều nhưng hiệu quả không cao, không nuôi được cán bộ, công chức bằng lương", ông Bảo chỉ rõ.

Theo vị đại biểu, để hướng tới một nền tài chính lành mạnh bắt buộc phải giảm bớt chi tiêu công, tinh giảm bộ máy, giống mô hình của Quảng Ninh hiện nay đang làm, giảm người làm việc, tăng trách nhiệm cho từng vị trí, công việc.

Tiếp đến là quản lý chặt chẽ nguồn vốn vay, huy động tối đa nguồn lực trong dân, giải quyết tận gốc vấn đề bội chi ngân sách.

"Để làm được như vậy, Chính phủ cần chấm dứt ngay cơ chế bao cấp, nhà nước không thể đóng vai trò bà đỡ, chỉ đứng ban phát nguồn vốn cho các địa phương. Để giải quyết được bội chi phải có được nguồn thu, muốn có được nguồn thu các địa phương phải đi lên và bằng hai chân của mình. Có như vậy, nền kinh tế mới vững mạnh, mới phát triển được", ông nhấn mạnh.

Lập hòm nợ công

Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo cũng chỉ ra một thực tế, dù Việt Nam nghèo, nền tài chính non yếu, chúng ta đang phải chi tiêu bằng tiền đi vay nhưng lại quá hoang phí, sử dụng nó một cách không hiệu quả dẫn tới nợ cộng ngày càng tăng nhanh.

Do vậy, thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu cần phải được đẩy mạnh hơn nữa, cụ thể hơn nữa. Tiết kiệm không chỉ bằng những hoạt động hô hào, hình thức mà cần phải biến nó thành những con số cụ thể, hành động cụ thể.

Ông cho biết, năm 2015 Bộ Tài chính tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu công được 24.000-25.000 tỷ, một con số không thật sự lớn nhưng vẫn là con số ấn tượng. Đó mới chỉ là riêng Bộ Tài chính, trong khi còn rất nhiều bộ ngành, địa phương khác vẫn đang xài tiền Chính phủ một cách vô tội vạ, lãng phí. Theo ông Bảo, đã đến lúc phải thực hiện cơ chế khoán chỉ tiêu tiết kiệm tới từng đầu đơn vị, có như vậy mới thực hiện quyết liệt. Nếu tiếp tục cứ vay trả nợ, vay chi tiêu thì quá nguy hiểm.

"Ở đây không phải câu chuyện ngày hôm nay đút được mấy đồng vào lợn tiết kiệm, ngày mai bỏ được mấy đồng vào hòm nợ công thì sẽ giàu mà ở đây là bài toán kinh tế, bài toán sử dụng đồng vốn đó thế nào cho hiệu quả.

Tức là, có một đồng thì phải làm ra được 1,5 đồng hay 2 đồng. Chứ không phải có 1 đồng tiêu 8 hào, cất đi 2 hào là tiết kiệm, là sẽ giàu", ông Bảo nói.

Ông Bảo cũng nói thẳng, Việt Nam không thể học Hy Lạp để tiết kiệm, cũng không thể học cách Hy Lạp đang thắt lưng buộc bụng như cắt giảm lương hay kiểm soát các hóa đơn chi tiêu... vì theo như ông nói, cái khó của Việt Nam là một bộ máy hành chính quá cồng kềnh, không hiệu quả, lương đang bị dàn mỏng chứ không phải lương quá cao.

"Một lãnh đạo đang quen được xe đưa đón, nói là cắt giảm, khoán xe công làm sao có thể làm ngay được? Họ quá quen với thói quen được bao cấp từ xăng, dầu, đưa đón… đó chính là nguồn lực của dân, là tiền thuế của dân đó.

Cách quản lý thiếu minh bạch, chưa thật thà mà vẫn chỉ hướng tới lợi ích của một nhóm người như vậy thì làm sao giảm được, làm sao tính chuyện thắt lưng buộc bụng?

Nếu những tồn tại đó không giải quyết được thì hô hào tiết kiệm chỉ là hình thức thôi, không thể làm được, cũng không thể giảm được chi tiêu thường xuyên đâu", vị đại biểu bức xúc.

Vì thế, vị đại biểu đoàn Vĩnh Phúc cho rằng, chỉ có đánh thẳng vào ý thức của người dân, vào túi tiền, quyền lợi của mỗi người thì mới thức tỉnh được tính tự giác tiết kiệm của mỗi người.

Theo ông, nếu có một hành động nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam đang phải cõng trên lưng 29 triệu tiền nợ công, tức là mỗi đứa trẻ vừa mới ra đời cũng đã mang món nợ hơn 1 nghìn đô, một số tiền rất lớn và nó sẽ tăng dần lên nếu sự hoang phí còn tiếp diễn.

"Lập hòm nợ công" là nhắc nhở mỗi người dân VN đang cõng 29 triệu nợ công, qua đó đánh thức ý thức tiết kiệm của mỗi người dân. Tuy nhiên, tôi vẫn nhấn mạnh rằng, giải pháp căn cơ vẫn phải là sử dụng hiệu quả, đúng mục đích mỗi đồng tiền mình bỏ ra".

"Tôi không bao giờ có tư duy, mỗi ngày bỏ vào chum một hạt thóc thì cuối năm thóc sẽ đầy chum, tôi quan niệm tiết kiệm là làm thế nào đồng tiền đó được sinh lợi", ông chia sẻ.

Theo Bao Datviet

 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/lap-hom-no-cong-de-nhac-mon-no-29-trieumoi-nguoi-a138904.html