Chống tiêu cực, nhà báo Thu Trang từng từ chối nhiều món tiền lớn của những người đi mua sự im lặng. Theo nữ nhà báo này, từ chối nhận tiền cũng là một… khoái cảm tuyệt vời.
LTS: Rút ruột hàng trong container khi làm tờ khai dưới sự đạo diễn của cán bộ hải quan biến chất, đó là cách “làm ăn” của một đường dây chuyên nghiệp.
Nhà báo Nguyễn Thị Thu Trang, Phóng viên Báo Phụ nữ TP.HCM, người từng bị dọa “mua quan tài cho cả nhà” đã liều mình thâm nhập, lật tẩy chiêu thức táo tợn này ở Hải Phòng.
Cất lưới bắt… cá to
Nghe nhà báo Thu Trang nói nữ doanh nhân tên Thoa vừa bị cướp, mất hết giấy tờ, Nguyễn Đức Đ., cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực II vừa thất vọng vừa bực bội.
Không còn giấy tờ thì đương nhiên, lô hàng của chị Thoa chưa thể mở kẹp chì và như thế, vụ rút ruột cũng không thể thực hiện.
Tuy nhiên, tối đó, Đ. đã hẹn nhà báo Thu Trang, người đóng vai đại gia bỏ tiền ra mua số hàng mà Đ. và đồng bọn sẽ đánh cắp tới một nhà hàng sang trọng ở Hải Phòng để bàn việc lớn.
Vừa gặp, Đ. đã oang oang: “Con Thoa nó lươn khươn lắm, không tin nó được. Chuyện nó bị cướp hết giấy tờ lô hàng là nó bịa đấy!”.
Vừa nghe Đ. nói câu đó, nhà báo Thu Trang đã giật nảy mình. Có lẽ nào kế hoãn binh của mình đã bị lộ, có lẽ nào Đ. đã phát hiện mình là nhà báo đang thâm nhập vào đường dây làm ăn phi pháp mà hắn là chủ mưu?
“Thế à, sao anh lại nghĩ Thoa nó bịa ra chuyện đó?”, vờ tỏ ra ngạc nhiên, nhà báo Thu Trang hỏi dồn.
“Nó làm sao qua mắt anh được! Anh cho người điều tra rồi, sáng nay ở khu vực đó không có vụ cướp nào cả”, Đ. vỗ ngực về thông tin của mình.
Nghe Đ. nói vậy, nhà báo Thu Trang đã thở phào.
Nghĩ Đ. vẫn chưa hề biết gì về việc “nhập vai” của mình nhưng cũng muốn cò cưa mãi nên chị muốn kết thúc “vai diễn” càng sớm càng tốt.
“Ngay từ đầu em cũng không tin cái Thoa này lắm, nó cứ nay thế này mai thế kia chẳng biết đâu mà lần. Thôi, em cũng chẳng cần lô hàng ấy nữa, coi như mấy hôm đi chơi vậy”, nhà báo Thu Trang tỏ vẻ buồn chán, bất cần.
Nghe được những lời trên, Đ. ra vẻ đăm chiêu giây lát rồi bảo, không có gì phải thất vọng, kể cả Thoa không đồng ý thì anh ta vẫn có cách xử lý.
Đúng như lời nhân viên hải quan này nói, sáng hôm sau Đ. đã liên lạc và dẫn nhà báo Thu Trang xuống cảng… xem hàng.
Trên xe, Đ. chào mời nhà báo Thu Trang mua một lô hàng bánh kẹo. Lô hàng này cũng có số phận tương tự như lô hàng của nữ doanh nhân tên Thoa.
Khi thấy nhà báo Thu Trang còn lưỡng lự thì Đ. nói luôn, nếu thích thì lô hàng của Thoa thì anh ta cũng có thể bán mà không cần sự đồng ý của nữ doanh nhân này.
Trong bộ trang phục của ngành, Đ. đã vào cảng và chụp lại lô hàng của Thoa và bảo: “Em cứ đem ảnh này về hỏi lại Thoa cho chắc. Nếu đây chính là hàng của nó thì anh sẽ cho lấy ra”.
Mấy ngày thâm nhập, đã nắm rõ chân tơ kẽ tóc, thủ đoạn rút ruột hàng của Đ. và đám tay chân, ngay khi rời cảng về lại thành phố, nhà báo Thu Trang quyết định viết bài.
Suýt bỏ nghề
Sáng hôm sau, báo ra. Sự thật phơi bày trên mặt báo khiến nhiều người kinh hãi.
“Nói thật, tôi thấy rất đau đớn khi làm loạt bài điều tra này. Khi ấy tôi đã có ý định giã từ nghề báo ngay khi câu chuyện này khép lại”, nhà báo Thu Trang nhớ lại.
Theo nhà báo Thu Trang, khi bài báo đầu tiên trong loạt bài điều tra dài kỳ của mình được đăng tải, nhiều người đã đứng ra “chạy án”, mua chuộc để chị không viết tiếp. Trong số ấy có cả những nhà báo mà chị từng quen thân, từng một thời kính trọng.
Khi không đạt được mục đích của mình thì họ quay ra nói những lời khó nghe, thậm chí còn dọa sẽ viết bài theo hướng ngược lại, bênh vực những người có hành vi tiêu cực.
“Chuyện đó làm tôi rất buồn, tôi không ngờ nghề của mình lại có những người như thế. Bởi thế nên tôi rất nản và có ý định bỏ nghề”, nét mặt buồn rầu, nhà báo Thu Trang chia sẻ.
[caption id="attachment_138770" align="aligncenter" width="410"]
Nhà báo Thu Trang từng có ý định bỏ nghề (Ảnh nhân vật cung cấp)[/caption]
Ý định giã từ nghề viết của nhà báo Thu Trang cũng chẳng tồn tại được lâu. Những người khốn khổ lại tìm đến chị, cần ngòi bút của chị bảo vệ, chở che. Và đương nhiên, trước những mảnh đời cơ cực ấy, nhà báo Thu Trang chẳng có lý do gì để chối từ, gạt bỏ.
Từ chối tiền cũng là… khoái cảm!
Nhà báo Thu Trang quan niệm, nghề báo với chị thì ngoài chuyện mưu sinh thì còn là thỏa mãn đam mê.
“Tôi luôn sống thật với lương tâm, sở thích của mình, chính vì vậy nhiều người đã thất vọng khi họ định dùng tiền để mua sự im lặng của tôi”, trò chuyện về chuyện nghề, chuyện đời, nhà báo Thu Trang thật lòng chia sẻ.
Theo nữ nhà báo cá tính này thì sống ở trên đời, bất cứ ai cũng thèm và cần… tiền. Tuy nhiên, với những người coi tiền là trên hết, là lẽ sống thì cuộc đời họ vô cùng bi kịch.
“Nhận tiền là một sở thích, nhưng từ chối tiền còn cho tôi khoái cảm lớn hơn nhiều”, nhà báo Thu Trang tâm sự.
Làm điều tra, từng vạch trần nhiều thủ đoạn tiêu cực, không ít lần nhà báo Thu Trang nhận được đề nghị đánh đổi sự im lặng bằng một số tiền lớn.
“Số tiền ấy có lẽ cày cuốc cả đời tôi cũng chẳng thể có được nhưng tôi đã từ chối. Tôi thích thấy bài viết, công sức của mình bỏ ra trên trang báo hơn”, nhà báo Thu Trang chia sẻ.
[caption id="attachment_138768" align="aligncenter" width="307"]
Sau những bài viết, nhà báo Thu Trang lại tham gia làm vườn để mưu sinh. (Ảnh nhân vật cung cấp)[/caption]
Còn nhớ cách đây ít lâu, tham gia điều tra một vụ tiêu cực, trước khi bài đăng, nhà báo Thu Trang nhận được rất nhiều lời xin xỏ của “đương sự”. Như mọi lần, chị khước từ mọi lời đề nghị “dùng tiền để chạy tội” ấy.
Báo đăng, trước sự nghiêm trọng của vụ việc, địa phương để xảy ra tiêu cực cũng đã nhanh chóng sửa sai, người vi phạm cũng đã bị kỷ luật bằng hình thức nghiêm khắc nhất.
Tưởng vụ việc như thế là khép lại nhưng chừng vài tháng sau, nhà báo Thu Trang nhận được cuộc điện thoại từ một số máy lạ.
Đầu máy bên kia bảo, muốn mời chị cà phê để cảm ơn vì bài báo vừa rồi.
Thấy người ta chân thành, chị cũng thu xếp một cuộc hẹn. Gặp chị là một người đàn ông ăn vận lịch lãm. Ban đầu chị cứ nghĩ người này là được hưởng lợi gì đó sau bài báo của mình. Tuy nhiên không phải vậy.
Anh này chính là em trai của nhân vật đã có những hành vi tiêu cực mà chị đã phanh phui trong bài báo hôm nào.
Trò chuyện, anh này bảo, nhờ có bài báo của chị mà anh trai mình đã tỉnh ra và hướng thiện.
“Gia đình tôi cũng đau khổ nhiều lắm nhưng không thể nào khuyên can được anh ấy. May mà có bài báo của chị chứ không thì không biết đến bao giờ anh tôi mới thoát khỏi u mê”, người đàn ông này nói.
Hai người trò chuyện cởi mở suốt buổi và anh này tự giới thiệu mình đang là chủ một doanh nghiệp lớn ở địa phương trên. Khi chia tay, người đàn ông ấy bảo, anh ta có chút quà quê muốn gửi nhà báo thay lời tri ân.
Từ chối món quà ấy, nhà báo Thu Trang vội vàng bước lên xe. Tuy nhiên, người đàn ông ấy đã chạy theo và cố nhét túi quà đó vào xe.
Ngó nhìn, nhà báo Thu Trang thấy đúng là “quà quê” thật. Đó là mấy cặp bánh được gói vuông vắn bằng lá chuối khô. Cảm ơn người đàn ông thật thà, chân thành, định nổ máy xe đi thì linh tính mách bảo, nhà báo Thu trang vội vàng nhấc mấy chiếc bánh đó lên.
Dưới lớp bánh là mấy sấp tiền mệnh giá lớn mới tinh. Hoảng hồn, nữ nhà báo vội mở cửa xe bước xuống.
“Tôi biết anh thật lòng nhưng tôi không thể nhận thứ này được, mong anh hiểu cho tôi. Bánh thì tôi xin, còn thứ này mong anh cầm lại”, vừa nói nhà báo Thu Trang vừa đặt túi tiền vào tay người đàn ông ấy.
Biết chẳng thể ép được, người đàn ông ấy đành nhận lại “món quà” của mình rồi tần ngần nhìn theo xe của nữ nhà báo vút đi.
Khổ như có vợ là… nhà báo
Nhà báo Thu Trang vắng nhà biền biệt. Trên xe lúc nào cũng sẵn va-li quần áo nên nhiều khi có việc gấp, chị lên đường mà chẳng kịp qua nhà từ biệt chồng con. Trên xe thì tranh thủ gọi cho chồng dặn dò việc này việc nọ rồi cứ thế… lặn mất tăm.
[caption id="attachment_138769" align="aligncenter" width="326"]
Nhà báo Thu Trang bảo, gia đình dù lo lắng nhưng đã hết lòng ủng hộ công việc của chị. (Ảnh nhân vật cung cấp)[/caption]
Nhà báo Thu Trang bảo, mỗi lần chị ra ngoài tác nghiệp là ở nhà mọi người như ngồi trên đống lửa. Bố mẹ thì ra đứng vào trông còn chồng thì hết đứng lại ngồi, đốt thuốc như một cái máy.
Lo lắng nhưng sợ ảnh hưởng đến công việc của vợ nên dù điện thoại trên tay nhưng anh không dám gọi.
“Đàn ông thì ai chẳng thích khi về nhà có cơm dẻo canh ngọt. Nhưng chồng tôi quá hiểu tôi nên anh ấy cũng chẳng phàn nàn gì.
Tôn trọng tôi, tôn trọng công việc của tôi nên anh ấy chỉ dặn làm gì cũng phải cẩn thận và nếu thấy nguy hiểm thì người đầu tiên phải thông báo chính là… anh ấy”, nhà báo Thu Trang mở lòng.
Theo Soha
Link nội dung: https://phaply.net.vn/khoai-cam-tu-choi-tien-cua-nu-nha-bao-bi-doa-mua-quan-tai-a138767.html