(Pháp lý) - LTS: Trong khi chúng tôi thực hiện chuyên đề này, Quốc hội khóa XIII đang họp phiên họp trọng thể cuối cùng để nhìn lại hoạt động của nhiệm kỳ trong toàn khóa. Có không ít những ý kiến mạnh mẽ, thẳng thắn chỉ ra những nhược điểm của Quốc hội khóa XIII với mong muốn được khắc phục triệt để ở khóa mới. Liệu Quốc hội khóa mới có khắc phục được hay không là vấn đề không đơn giản. Pháp lý xin tiếp tục đăng tải tuyến bài góp ý “Hướng tới một Quốc hội chất lượng, đáp ứng mong mỏi của cử tri”.
>> Bài 3: Chọn lựa Đại biểu QH và những góp ý tâm huyết của vị Tướng tham gia Quốc Hội 3 khóa
>> Bài 1: Quốc hội khóa XIII và những dấu ấn trong lòng cử tri
>> Bài 2: Hạn chế của Quốc hội khóa XIII nhìn từ chất lượng một số đại biểu dân cử
>> Luật xa cuộc sống – Nói mãi nhưng chưa khắc phục được
Bài 4: Hạn chế của Quốc hội nhìn từ một số hoạt động đặc thù
Hoạt động giám sát còn chưa đáp ứng mong mỏi của cử tri
Giám sát là một chức năng quan trọng bậc nhất của QH. Trong nhiệm kì QH khóa XIII, hoạt động giám sát vẫn còn hạn chế. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát còn chưa thực sự đi sâu, còn chủ yếu giám sát bằng hình thức nghe báo cáo của bộ, ngành, địa phương. Theo đó, trong một số trường hợp “chưa xác định rõ ràng trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đến các vấn đề được giám sát, chưa xác định rõ biện pháp xử lý, chưa có chế tài phù hợp”. Việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát “có lúc, có nội dung chưa thực sự quyết liệt” nên có không ít những vụ việc, vấn đề bất cập còn tồn tại chậm được giải quyết, tiếp tục gây bức xúc trong đời sống xã hội.
Còn nhớ, trong một phiên họp của UBTVQH, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã nói: “Giám sát của ĐBQH, các đoàn ĐBQH, các Ủy ban của Quốc hội, giám sát Quốc hội thì cuối cùng kiến nghị đi đến đâu? Như thế giám sát chưa chắc đã bằng một bài báo. Bài báo chỉ cần xoáy vào một điểm là có kết quả chứ giám sát của Quốc hội gì mà cứ tràng giang đại hải”.
Trong hoạt động giám sát của Quốc hội có một thực tế rằng, đại biểu dám nói lên tiếng nói của cử tri và kiên tâm truy đến cùng trách nhiệm của các bộ, ngành là không nhiều. Lý do là trong Quốc hội hiện nay, nhiều ĐBQH đóng hai vai, vừa là ĐBQH vừa đóng vai chính quyền - tức là đại biểu kiêm nhiệm. Theo ông Nguyễn Đình Xuân (nguyên là ĐBQH tỉnh Tây Ninh khóa XII): Về mặt tâm lý, dân ta có câu “Ăn cây nào rào cây nấy”, đại biểu công tác ở địa phương thì hiện tại, tương lai toàn bộ gắn với địa phương đó, do đó họ phải đầu tư thỏa đáng công việc của mình ở địa phương. Chưa kể những điều họ phát biểu mâu thuẫn với trung ương sẽ làm địa phương không hài lòng vì nó rõ ràng ảnh hưởng đến quyền lợi địa phương, nhất là các địa phương còn phụ thuộc ngân sách, dự án, công trình của trung ương. Điều này đặt đại biểu vào tình huống khó khăn, xung đột về lợi ích....
ĐBQH Trần Trọng Nghĩa trong một chia sẻ với báo giới đã nhắc về một thực tế khác khiến giám sát chưa hiệu quả: Phải nói rằng, việc giám sát theo chương trình chung cũng khá nặng. Thế nhưng ngoài chương trình này lại phải tham gia hoạt động giám sát của đoàn... Như thế, gánh nặng về giám sát có thể làm giảm hiệu quả của giám sát. Ông Nghĩa cũng nêu thêm thực tế: Trong cuộc sống, khi tiếp dân, tiếp nhận, xử lý kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân hàng ngày, hàng tháng, rồi qua báo chí và nhiều kênh khác, đại biểu nắm nhiều thông tin nhưng họ chỉ làm nhiệm vụ chuyển hồ sơ trực tiếp đến các Ủy ban và các vị Bộ trưởng... Nhiều đại biểu và đoàn đại biểu Quốc hội chỉ làm nhiệm vụ chuyển đơn đơn thuần. Như thế không có hiệu quả giám sát.
Nhiều quy định pháp luật còn khiến cử tri chưa yên lòng
Một trong những dấu ấn quan trọng của Quốc hội khóa XIII đó là dấu ấn về lập pháp. Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp 2013 đề cao quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân và hàng loạt các luật, nghị quyết có tác động sâu rộng đến đời sống. Tuy nhiên không thể phủ nhận, hoạt động lập pháp của Quốc hội vẫn khiến cử tri chưa thật sự an tâm, nhiều đạo luật vừa được Quốc hội thông qua đã gây phản ánh tức thời trong cử tri và dư luận.
[caption id="attachment_138725" align="aligncenter" width="410"] ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương băn khoăn về tiếng nói của ĐBQH khi giám sát hoạt động của chính quyền…[/caption]
Có thể lấy ví dụ về các quy định pháp luật chưa thỏa lòng cử tri, đó là quy định của Luật bảo hiểm xã hội, đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2014. Nội dung điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thể hiện theo hướng sau khi nghỉ việc lao động không có cơ chế để hưởng BHXH một lần. Điều đó tuy đúng định hướng mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, nhưng lại ảnh hưởng đến quyền lợi trước mắt của một bộ phận lao động không có việc làm ổn định, cần tiền giải quyết những đòi hỏi trước mắt của cuộc sống.
Điều đó đã dẫn đến cuộc đình công của hàng ngàn công nhân. Có thể nói, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam có một cuộc đình công phản đối một điều luật khi luật còn chưa có hiệu lực. Chính vì vậy nên Chính phủ đã phải kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh điều 60 của Luật theo hướng trước mắt cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì có quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng như quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2006.
Trước đó, Luật xử phạt vi phạm hành chính cũng có một quy định “bó tay” nhiều tỉnh thành, dẫn đến việc không thể xử lý được người nghiện gây mất trật tự trị an nghiêm trọng. Phải nói rằng, gốc của quy định trong Luật là nhân văn, đảm bảo quyền con người thế nhưng đi vào thực tế hoạt động lại bị vấp. Nhiều tỉnh thành sau đó phải xin Quốc hội sửa luật, kiến nghị Quốc hội cho phép dưới hình thức một Nghị quyết hoặc lồng ghép vào nội dung của Nghị quyết.
Không ít quy định pháp luật được Quốc hội thông qua chưa thực sự khiến cử tri yên lòng. Ví dụ như ở Bộ Luật hình sự (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Tại điểm c khoản 3 Điều 40 với quy định "không thi hành án tử hình đối với người bị kết án về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”. Điều đó gây ra băn khoăn không chỉ nhiều cử tri mà không ít các đại biểu (trước QH có đến 73 đại biểu (gần 15%) cũng không tán thành và 14 đại biểu không biểu quyết) và nghi ngại. Nhiều cử tri cho rằng, tội phạm tham nhũng sẽ gia tăng, vì tâm lý “hi sinh đời bố cũng cố đời con”.
Nhiều vấn đề chưa được QH quan tâm đúng mức
Một trong những vấn đề cử tri rất quan tâm đó là vấn đề phòng, chống tham nhũng (PCTN). Vấn đề này, là vấn đề cử tri trông ngóng trong nhiều khóa họp của Quốc hội. Có lần trước QH, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng những năm qua, chỉ số cảm nhận chống tham nhũng không tụt và không tăng tức là có tính chất ổn định. Phát ngôn trước Quốc hội này lập tức khiến người dân giật mình. Điều này không chỉ phản ánh yếu kém của hoạt động PCTN mà còn phản ánh những bất cập của hoạt động giám sát của Quốc hội trong việc PCTN.
Những năm gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều những làng ung thư, làng dị dạng… Vấn đề ô nhiễm môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng báo động. Thế nhưng tại Quốc hội, nhiều đại biểu đã lên tiếng nhưng thực tế vẫn chưa thay đổi là bao để người dân được trông nhờ. Điều đó phản ánh yếu kém của những cơ quan quản lý như Bộ Y tế, Bộ Nông Nghiệp, chính quyền nhiều địa phương và phản ánh bất cập của hoạt động điều chỉnh và giám sát của Quốc hội trong lĩnh vực này.
Nợ công những năm gần đây tăng lên ở mức đáng báo động, vấn đề kinh doanh không hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp công ích…là những vấn đề nóng bỏng của đất nước và đã được bàn thảo nhiều lần ở các kì họp nhưng đến nay QH vẫn chưa tìm ra được đối sách phù hợp làm yên lòng cử tri quan tâm đến tình hình kinh tế đất nước.
Trong chia sẻ cuối nhiệm kì, nhiều đại biểu QH thể hiện sự mắc nợ với cử tri. Trong báo cáo cuối nhiệm kì, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng khẳng định: “Quốc hội nhận rõ phần trách nhiệm trước những tồn tại, yếu kém của đất nước”. Điều này thể hiện sự thẳng thắn của QH, ĐBQH trước cử tri. Tuy nhiên cử tri vẫn mong mỏi, sau trách nhiệm của QH khóa cũ, ĐBQH, QH khóa mới khắc phục những nhược điểm trên như thế nào để xứng đáng với kì vọng của cử tri.
Phan Minh
Link nội dung: https://phaply.net.vn/chuyen-de-huong-toi-mot-quoc-hoi-chat-luong-dap-ung-mong-moi-cua-cu-tri-ky-2-a138724.html