Từ hơn 1.000 ngày gian nan của gói 30 nghìn tỉ đến 123 văn bản bị đề cử ‘giải mâm xôi’: Đằng sau những chính sách, quy định lắt léo là gì?

(Pháp lý) - Còn nhớ hồi đầu tháng 3/2016 vừa qua, những người dân trông chờ vào gói 30 nghìn tỉ để có thể có hi vọng sở hữu căn nhà của mình bỗng thấy bất an trước thông tin khác nhau, nhiều lần thay đổi về gói tín dụng này. Trong một cuộc bầu chọn “văn bản tốt nhất và văn bản tệ nhất” do VCCI tổ chức vào tháng 4 năm nay có đến 123  quy định bị đề cử là văn bản tệ nhưng chỉ có 114 quy định được đề cử tốt… Người viết bỗng có sự liên tưởng về điểm chung của hai sự việc trên đó là chính sách, quy định “đỏng đảnh” khiến người dân và doanh nghiệp “vã mồ hôi” chạy theo và bị chịu thiệt... Vậy đằng sau những chính sách, quy định lắt léo là gì?...

Chính sách “đỏng đảnh” dân mệt mỏi, lo âu dõi theo

Từ năm 2013 trước cơn sụp giảm của thị trường bất động sản, Ngân hàng nhà nước đã tung ra gói hỗ trợ 30 nghìn tỉ dành cho các đối tượng thu nhập thấp nhằm kì vọng cứu vãn thị trường bất động sản, tạo điều kiện cho những người thu nhập thấp có thể sở hữu nhà. Gói tín dụng này không phải là vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước hàng năm, mà là nguồn tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng thương mại thực hiện theo nguyên tắc cho vay thương mại và phải thu hồi vốn, kể cả lãi, sau thời gian quy định.

[caption id="attachment_138501" align="aligncenter" width="410"]Chính sách “đỏng đảnh “làm người dân phập phồng lo âu (trong ảnh là một khu nhà được vay vốn từ gói 30 nghìn tỉ) Chính sách “đỏng đảnh “làm người dân phập phồng lo âu (trong ảnh là một khu nhà được vay vốn từ gói 30 nghìn tỉ)[/caption]

Còn nhớ, phản ánh của nhiều doanh nghiệp, người dân thời gian đầu khi triển khai gói 30 nghìn tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở theo nghị quyết 02/NQ-CP quy định để tiếp cận gói vay này rất hà khắc. Lý do một phần là các ngân hàng “ngại” đứng ra gánh trách nhiệm hỗ trợ tín dụng cho đối tượng chính sách. Bởi thế vào thời điểm đó, tuy nhu cầu của người dân cao nhưng gói tín dụng hỗ trợ này đến với người dân khá khiêm tốn.

Trước sự bức xúc dữ dội từ nhiều phía, Chính phủ lại phải điều chỉnh gói vay này bằng một thông tư mới. Trong đó quy định, thủ tục cho khách hàng cá nhân vay gói 30 nghìn tỷ đồng hiện đã "mở" hơn, cho thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, lãi suất cho vay cũng đã điều chỉnh từ 6%/năm xuống 5%/năm, thời gian vay từ 10 năm lên 15 năm, không khống chế diện tích và giá bán (chung cư, nhà thổ cư)... Nhờ quy định mới đó đã góp phần tháo gỡ việc giải ngân ì ạch gói 30.000 tỷ đồng trong suốt hơn 1 năm sau khi có gói cứu trợ.

Tưởng rằng gian nan đã hết, khi nhiều người vay được vốn của gói cứu trợ này đang mừng vui với những dự định, kế hoạch “chuyển về nhà mới” thì thì hồi đầu tháng 3 vừa qua lại có tin sét đánh, gói 30 nghìn tỉ giải ngân sau ngày 1/6/2016 bị tính lãi suất thương mại. Cam kết như bị đánh tráo, dân lo lắng vô cùng. Sự chập chờn, đỏng đảnh của chính sách trên còn đang là vấn đề thời sự nóng hổi, nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người dân đối với các chương trình, kế hoạch dù là nhân đạo của nhà nước. Không chỉ vậy nó cho thấy hạn chế khi làm chính sách của ta, chỉ một thời gian là chính sách bộc lộ bất cập, thay đổi liên tục.

Khi pháp luật “thách thức” doanh nghiệp

Doanh nghiệp hoạt động trên thực tế cần quy định của pháp luật là khuôn khổ. Khuôn khổ đó có thể vừa khuyến khích được doanh nghiệp phát triển nhưng cũng có thể “bó tay” doanh nghiệp. Điều đó là tùy vào tầm nhìn, tư duy của người làm chính sách.

Gần đây dư luận xôn xao và đặc biệt chú ý về một cuộc thi “bình chọn” văn bản pháp luật tốt nhất và tệ nhất. Hiện nay, VCCI (đơn vị đăng cai tổ chức cuộc bình chọn) đã thống kê được hơn 123 quy định bị đề cử là quy định tồi và 114 quy định tốt. Có thể dẫn ra một số quy định tồi như ngành in yêu cầu người đứng đầu cơ sở in phải có trình độ cao đẳng trở lên về chuyên ngành in, hoặc được Bộ TT&TT cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in. Trong chăn nuôi có quy định, đòi hỏi nước thải trại lợn phải uống được, tổng mức giá trị hàng hóa, dịch vụ khuyến mại không quá 50%, thương nhân phải có kho gạo 10 nghìn tấn, cơ sở xay xát 5.000 tấn mới được xuất khẩu gạo…

Cụ thể, với quy định về in ấn, cả nước hiện có trên 3.000 cơ sở in, không phải ai cũng có bằng cao đẳng, nhưng họ vẫn hoạt động tốt, hiệu quả, tăng trưởng khả quan. Chưa kể, theo Hiệp hội In Việt Nam và các doanh nghiệp, những lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý in do Bộ TT&TT tổ chức, thực chất là lớp phổ biến các văn bản pháp luật liên quan hoạt động in, ít liên quan nghiệp vụ quản lý hoặc năng lực chuyên môn của người đứng đầu cơ sở in. Tuy nhiên, mức thu phí 5.000.000 đồng/người cho thời lượng học thực tế chỉ 3 ngày quá cao, gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Hay quy định nước thải từ trang trại công nghiệp (10.000 con lợn trở lên), phải đạt loại A, tức là nước người có thể uống được (Thông tư 47, năm 2011 của Bộ TN&MT), đây là quy định quá khắt khe, đánh đố và rất khó có doanh nghiệp nào đáp ứng được. Thực tế, theo đánh giá của chuyên gia nông nghiệp, quy định này còn cao hơn rất nhiều so với Thái Lan, thậm chí cao hơn chỉ tiêu nước thải của Nhật Bản. Điều này, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành chăn nuôi, “giết chết” các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn…

Thật may là có cuộc thi bình chọn 10 văn bản pháp luật tốt nhất-tồi nhất để doanh nghiệp nói ra nỗi lòng của mình. Cuộc bầu chọn sẽ “quét” các văn bản trong năm 2014-2015 đang còn hiệu lực. Trong đó, 70% ý kiến là đánh giá từ các hiệp hội doanh nghiệp, 30% còn lại từ các doanh nghiệp, người dân. Các văn bản sẽ được soi về tính cần thiết của quy định, tính hợp lý, thống nhất, khả thi, minh bạch, tuân thủ, tự do kinh doanh, môi trường cạnh tranh, kiểm soát nguy cơ nhũng nhiễu, thời điểm ban hành. Dự kiến sẽ công bố kết quả trên vào tháng 4/2016.

Những lỗ hổng đáng báo động

Chính sách xung quanh gói 30 nghìn tỉ và những quy định pháp luật bị đánh giá là tồi được phân tích ở trên (và trên thực tế chắc chắn còn nhiều hơn nữa) đã cho thấy những điểm yếu cơ bản, những “lỗ hổng” của quá trình làm chính sách và ban hành văn bản pháp luật.

Nó cũng chứng minh, việc ban hành pháp luật có dấu hiệu đặc quyền đặc lợi. Ví dụ như Luật An toàn thực phẩm (ATTP), yêu cầu người sản xuất phải hiểu về ATTP. Sau đó, để thể hiện sự hiểu biết thì cơ quan quản lý chỉ tổ chức lớp học 3-4 ngày, rồi cấp chứng chỉ, và chỉ bộ đó mới được cấp…

Thiếu tầm nhìn dài hạn khi làm chính sách là điều dễ nhận thấy và thể hiện rõ trong chính sách 30 nghìn tỉ. Chính sách chỉ kéo dài trong 3 năm mà bị sửa đổi nhiều lần…. Sau đó, dù đã quy định rõ nhưng mỗi nơi thực hiện một kiểu. Cụ thể, ngân hàng này giải ngân dễ, ngân hàng khác quy định khác dẫn đến nhà nước lại phải “bù” vào bằng một quy định khác để “gỡ khó”.

Những văn bản pháp luật quy định hành lang cho doanh nghiệp đã thể hiện sự can thiệp quá sâu của nhà nước vào quyền tự chủ của doanh nghiệp, chưa phù hợp, thiếu thực tế. Nói về văn bản làm khó doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) một chuyên gia pháp luật nói: “Cơ bản là tồi! Tìm 10 văn bản tồi nhất rất dễ, nhưng chỉ ra 10 cái tốt thì rất khó. Thực tế, các văn bản của ta rất ít khi xác định tiêu chí rõ ràng…”. Ông Cung cũng cho rằng, phần lớn văn bản thiếu cơ sở thực tiễn, khoa học, pháp lý rõ ràng. Đó là quy định bảo vệ lợi ích cho một nhóm nào đó, làm thiệt hại cho xã hội.

Những chính sách và văn bản trên đều có hiệu lực trên thực tế. Sự đỏng đảnh và có dấu hiệu đặc quyền, đặc lợi của nó đã gây hại nhất định cho người dân và doanh nghiệp. Nay phản biện xã hội đã chỉ ra, ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi ban hành các văn bản như vậy? Việc không chỉ rõ trách nhiệm thì liệu có tiếp tục lặp lại những văn bản như vậy không? Và hậu quả để lại cho xã hội thì không hề nhỏ.

Cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức thuộc Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (RCV) và Đại sứ quán Australia tổ chức.Đến hết ngày 29/02/2016, Cuộc bình chọn đã kết thúc giai đoạn nhận đề cử. Tiếp theo, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp các đề cử, để Hội đồng chuyên gia xem xét, bình luận và đưa ra Danh sách ngắn 30 quy định tốt và 30 quy định tồi. Danh sách đề cử này sẽ được gửi trước đến cho các bộ ngành liên quan để thu nhận các ý kiến phản hồi, giải trình. Sau đó, Danh sách ngắn sẽ được công bố để cộng đồng bình chọn, mỗi đề cử trong Danh sách ngắn sẽ bao gồm: (1) nội dung quy định; (2) lý do được đề cử; và (3) phản hồi, giải trình của bộ phụ trách.

Tổng số đề cử nhận được: 9297 đề cử. Phân loại các quy định được đề cử. Tổng số quy định tốt: 114 quy định. Tổng số quy định tồi: 123 quy định. Văn bản chứa quy định tốt hay tồi :

o Quy định trong Hiến pháp: 2 quy định

o Quy định trong Luật: 79 quy định

o Quy định trong Nghị định: 75 quy định

o Quy định trong Quyết định của Thủ tướng: 4 quy định

o Quy định trong Thông tư: 69 quy định

o Quy định trong Thông tư liên tịch: 8 quy định

Các cơ quan có văn bản được đề cử bao gồm: Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Ngân hàng nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng liên đoàn lao động.

Nguồn: VCCI

 

 

Phan Phan

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-hon-1-000-ngay-gian-nan-cua-goi-30-nghin-ti-den-123-van-ban-bi-de-cu-giai-mam-xoi-dang-sau-nhung-chinh-sach-quy-dinh-lat-leo-la-gi-a138500.html