Nhìn lại công tác chống tham nhũng và hoạt động của các cơ quan tư pháp: Bên cạnh thành tích vẫn còn những hạn chế lớn

(Pháp lý) - Kỳ họp thứ 11 QH khóa XIII đã nghe báo cáo nhiệm kỳ 5 năm (2011-2016) của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC… Bên cạnh những thành tựu to lớn, các báo cáo cũng cho thấy công tác chống tham nhũng và hoạt động của các cơ quan tư pháp vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập phải tiếp tục khắc phục.

Vẫn còn cán bộ tư pháp nhũng nhiễu và tiêu cực

Theo Báo cáo về nhiệm kỳ trước Quốc hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang luôn quan tâm sát sao đến công tác đổi mới hoạt động tư pháp; xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân; công tác bổ nhiệm các chức danh tư pháp đạt kết quả tốt, góp phần kiện toàn đội ngũ cán bộ tư pháp; đồng thời Chủ tịch nước luôn quan tâm chỉ đạo, giải quyết xử lý án oan sai; thực hiện tốt chính sách khoan hồng.

[caption id="attachment_138203" align="aligncenter" width="410"]Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo trước Quốc hội khóa XIII kỳ họp cuối Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo trước Quốc hội khóa XIII kỳ họp cuối[/caption]

Bên cạnh đó, báo cáo cũng thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ còn hạn chế, trong đó có phần trách nhiệm của Chủ tịch nước. Trên cương vị Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước có trách nhiệm trước thực trạng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một số cán bộ tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ tư pháp nhũng nhiễu và tiêu cực.

Lĩnh vực này là một trong những kết quả công tác được nhiều đại biểu Quốc hội ghi nhận qua Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước. Trên cương vị của mình, Chủ tịch nước quan tâm chỉ đạo sát sao công tác cải cách tư pháp, góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Chủ tịch nước đã chỉ đạo các cơ quan tư pháp xem xét, giải quyết dứt điểm, đúng quy định của pháp luật đối với một số vụ án có dấu hiệu oan sai được dư luận xã hội quan tâm, khẩn trương minh oan, đền bù, khôi phục quyền lợi hợp pháp cho người bị oan, đồng thời xử lý nghiêm những sai phạm của tập thể, cá nhân thuộc cơ quan tiến hành tố tụng...

Một số ý kiến tán thành với những nguyên nhân của hạn chế được đề cập tại báo cáo đó là nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước được Hiến pháp và pháp luật quy định, song trên thực tế còn thiếu cơ chế cụ thể, đủ hiệu lực thực thi nên khi triển khai còn vướng mắc; cải cách tư pháp là một quá trình lâu dài, phức tạp, vì vậy, mặc dù Chủ tịch nước đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo thực hiện song kết quả công tác cải cách tư pháp trên một số lĩnh vực còn hạn chế...

Chưa phản ánh hết mức độ tham nhũng, lãng phí

Trong Báo cáo nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; cải cách hành chính đạt những kết quả tích cực; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được chú trọng... Công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo và có những chuyển biến; xử lý nghiêm các vi phạm. Khiếu nại, tố cáo giảm cả về số lượng và số vụ khiếu kiện đông người.

Trong nhiệm kỳ, Chính phủ đã triển khai 39.742 cuộc thanh tra hành chính và trên 834.640 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, đã kiến nghị thu hồi 124.125 tỷ đồng, 19.744 ha đất; lập biên bản, ban hành 989.519 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 30.549 tỷ đồng; xử lý khác hơn 60.542 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 6.934 tập thể, 22.700 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 313 vụ, 365 đối tượng. Ngành thanh tra đã phát hiện 441 vụ, 696 người có dấu hiệu tham nhũng với số tiền 769 tỷ đồng, 10 héc-ta đất; kiến nghị thu hồi 745 tỷ đồng, 6,3 héc-ta đất; kiến nghị xử lý hành chính 23 tập thể, 596 cá nhân, xử lý trách nhiệm 157 người đứng đầu; chuyển cơ quan điều tra 162 vụ, 272 đối tượng.

Trong báo cáo thẩm tra, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá, Chính phủ đã có nhiều cố gắng thực hiện các biện pháp đề phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế cụ thể để kiểm soát các hoạt động quản lý trong một số lĩnh vực nhạy cảm liên quan trực tiếp đến người dân, như thuế, hải quan; quản lý chi tiêu công, giảm các đoàn đi công tác nước ngoài không cần thiết bằng ngân sách nhà nước…

Tuy nhiên Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí trong thời gian qua. “Thực tế, việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tham nhũng không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, không những chỉ là nguy cơ tiềm ẩn mà ngày càng hiện hữu. Tình trạng lãng phí còn xảy ra khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực mà chưa có biện pháp khắc phục. Đề nghị trong Báo cáo cần thể hiện rõ hơn nội dung này với sự phân tích, đánh giá, nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục”- ông Phan Trung Lý đề xuất.

[caption id="attachment_138204" align="aligncenter" width="410"]Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình báo cáo trước Quốc hội khóa XIII kỳ họp cuối Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình báo cáo trước Quốc hội khóa XIII kỳ họp cuối[/caption]

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đánh giá trong nhiệm kỳ qua, tổ chức bộ máy của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ cơ bản ổn định; nỗ lực thực hiện các biện pháp để cải cách hành chính, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, trong Báo cáo cần làm rõ nguyên nhân kết quả cải cách hành chính chưa cao, một số thủ tục trong hoạt động của Nhà nước còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo, nhiều lĩnh vực vẫn còn tình trạng “xin-cho”, nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân chậm được khắc phục. Hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa tương xứng với yêu cầu của thời kỳ mới…

Kết tội oan 3 người vô tội

Báo cáo của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình về kết quả công tác nhiệm kỳ vừa qua của ngành Tòa án cho biết 5 năm qua, các Tòa án đã giải quyết gần 1.781.410/1.809.080 vụ án, đạt 98,5%; số vụ án còn lại hầu hết là mới thụ lý và còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Các Toà án đã triển khai sâu rộng việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên toà, nên chất lượng xét xử tiếp tục được nâng lên, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán giảm 1,35% so với nhiệm kỳ trước.

Bên cạnh những thành tựu mà ngành Tòa án đã đạt được, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình thừa nhận một số chỉ tiêu chưa đạt 100% yêu cầu. Hoạt động Tòa án các cấp vẫn còn một số hạn chế, trong công tác xét xử hình sự còn có 3 trường hợp kết tội oan người vô tội...

Thảo luận về Báo cáo của Chánh án TANDTC, một số đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của các Tòa án trong nhiệm kỳ qua còn một số hạn chế, thiếu sót như: Một số Tòa án chưa khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn luật định do lỗi chủ quan; tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt cao như mong muốn. Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), các đơn thư khiếu nại tuy có giảm, nhưng việc giải quyết các loại án, nhất là vụ án dân sự còn chậm, để kéo dài, chưa đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân.

Thẩm tra Báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Ủy ban Tư pháp đề nghị TANDTC tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp, Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức TAND năm 2014, nhằm nâng cao vị trí, uy tín của TAND trong Nhà nước pháp quyền XHCN. TANDTC cần nâng cao chất lượng công tác tổng kết kinh nghiệm xét xử và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, trong đó chú trọng triển khai áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án về tham nhũng, chức vụ, bảo vệ công lý, quyền con người và quyền cơ bản của công dân…

Còn nhiều trường hợp bị bắt khẩn cấp phải chuyển xử lý hành chính

Báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, nhiệm kỳ qua, toàn Ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 387.857 tố giác, tin báo; số tố giác, tin báo về tội phạm được kiểm sát tăng theo mỗi năm, tỉ lệ giải quyết đạt 97,3%, vượt 7,3% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 37 của Quốc hội; số tố giác, tin báo về tội phạm quá hạn giải quyết giảm dần. Đặc biệt, Viện kiểm sát đã làm tốt hơn trách nhiệm công tố, thiết thực góp phần chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn đầu quá trình tố tụng.

Viện Kiểm sát các cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 337.474 vụ/539.564 bị can (tăng 14,1% số vụ, 14,6% số bị can so với nhiệm kỳ trước); thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố 275.380 vụ/498.622 bị can (tăng 15,5% số vụ).

Trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra được tăng cường và gắn chặt hơn với hoạt động điều tra; tiến độ giải quyết án hình sự trong giai đoạn điều tra, truy tố nhanh hơn, tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 99,99%, vượt 9,99% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 37 của Quốc hội; chất lượng giải quyết án đạt cao, tỷ lệ truy tố đúng tội danh đạt 99,9%, vượt 4,9% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 37 của Quốc hội…

Cơ quan điều tra VKSNDTC đã phát hiện, khởi tố 150 vụ án, tăng 92,3%; đặc biệt, đã kiên quyết khởi tố, xử lý nghiêm minh nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp dẫn đến làm oan người vô tội, một số vụ án về tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp.

Trong nhiệm kỳ, VKSNDTC đã ban hành 6.035 kháng nghị phúc thẩm, tăng 131% so với nhiệm kỳ trước; tỉ lệ kháng nghị được Tòa án chấp nhận đạt 85%, tăng 03% và vượt 15% so với chỉ tiêu của Quốc hội; đã ban hành 7.987 kiến nghị, tăng 7,1%.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, ngành Kiểm sát còn một số hạn chế, thiếu sót. Thẩm tra Báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng: Trong nhiệm kỳ qua, kết quả thực hiện quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện Kiểm sát nhân dân các cấp có nhiều chuyển biến tích cực, về cơ bản đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu theo các nghị quyết của Quốc hội. Công tác xét phê chuẩn việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn của VKS các cấp cơ bản đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu điều tra tội phạm. Phát hiện kịp thời và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khắc phục nhiều vi phạm trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hiện cho rằng ngành Kiểm sát còn nhiều hạn chế chưa được khắc phục cơ bản. Trong đó có việc số trường hợp VKS phát hiện, hủy bỏ quyết định tạm giữ chưa tương xứng với số trường hợp bắt, tạm giữ hình sự phải chuyển xử lý hành chính hoặc trả tự do. Đặc biệt, “còn nhiều trường hợp VKS phê chuẩn bắt khẩn cấp, gia hạn tạm giữ, tạm giam, gia hạn tạm giam sau đó phải chuyển xử lý hành chính, trả tự do vì không có sự việc phạm tội” . Đối với các vụ án kinh tế, chức vụ và tham nhũng, thì “số trường hợp đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự đối với các bị can phạm tội về kinh tế, chức vụ, tham nhũng còn nhiều so với các loại tội phạm khác”- ông Nguyễn Văn Hiện nhận xét.

Vẫn còn nhiều trường hợp VKS truy tố chưa chính xác bị Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung, hủy án để điều tra lại hoặc tuyên bị cáo không phạm tội. Chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại một số phiên tòa chưa đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp.

Đối với việc triển khai, thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trong 5 năm qua, VKS các cấp đã giải quyết đơn yêu cầu bồi thường cho người bị oan trong tố tụng hình sự với số tiền trên 13,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, còn một số trường hợp bồi thường chưa kịp thời; có những trường hợp đình chỉ vụ án, miễn trách nhiệm hình sự có dấu hiệu không đúng pháp luật để tránh bồi thường, nhưng chưa được xem xét, giải quyết kịp thời.

* * *

Qua thảo luận, cơ bản các ý kiến thống nhất với nhiều nội dung trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC... Nhiều ý kiến đánh giá các bản báo cáo đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, thể hiện được trách nhiệm trước nhân dân và cử tri cả nước. Các ý kiến đánh giá các bản báo cáo đã nghiêm túc, thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém, nguyên nhân của những hạn chế yếu kém và các bài học kinh nghiệm để khóa tới hoạt động hiệu quả hơn. Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm được đúc rút, là kim chỉ nam để nhiệm kỳ tới kế thừa, phát huy những kết quả đã làm được, tích cực khắc phục những mặt còn hạn chế, yếu kém...

Thái Đăng

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhin-lai-cong-tac-chong-tham-nhung-va-hoat-dong-cua-cac-co-quan-tu-phap-ben-canh-thanh-tich-van-con-nhung-han-che-lon-a138202.html