Ai có lỗi khi nhân dân không biết?

Nếu như nhân dân không biết thức ăn hàng ngày của họ là sạch hay bẩn, thì lỗi đó thuộc về ai?

Tôi thực sự thất vọng với lời xin lỗi của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Cao Đức Phát về phát biểu của ông chiều 1/4: “Đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác tất cả không an toàn!”.

Chỉ hai ngày sau khi “lỡ lời” khi phát biểu trước Quốc hội câu nói trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát vội vàng đưa ra lời xin lỗi tới nhân dân vì đã diễn đạt gây hiểu lầm. Đó là một thái độ cầu thị, cần thiết, và rất đáng ngợi khen của ông Bộ trưởng. Song, đó là một lời xin lỗi sai!

[caption id="attachment_138133" align="aligncenter" width="410"]Hai ngày sau khi "lỡ lời" phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã xin lỗi nhân dân. Nhưng ông lại xin lỗi vì một điều đúng đắn, trong khi vấn đề rất cần phải xin lỗi thì ông bỏ qua. (Ảnh Vietnamnet) Hai ngày sau khi "lỡ lời" phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã xin lỗi nhân dân. Nhưng ông lại xin lỗi vì một điều đúng đắn, trong khi vấn đề rất cần phải xin lỗi thì ông bỏ qua. (Ảnh Vietnamnet)[/caption]

Nhân dân có biết thực phẩm hàng ngày họ vẫn ăn có thật sự an toàn hay không? Chắc chắn là không! Không biết thức ăn hàng ngày sạch hay bẩn, nhưng nhân dân anh hùng vẫn phải ăn, vì không còn lựa chọn nào khác.

Nếu biết, thì nhân dân sẽ không sợ hãi, bởi họ sẽ biết chủ động chọn cho mình một sự an toàn. Nhưng nhân dân không biết, nên họ có cảm giác không an toàn với tất cả thực phẩm, dù trong đó có cả những thứ đa số là an toàn.

Phát biểu của Bộ trưởng Bộ NN&PTNN tại hội trường Quốc hội hôm 1/4 là một sự thật cần phải được nói ra. Đó là điều cốt lõi, là bản chất của nỗi hoang mang đang bao phủ đời sống của nhân dân.

Lời phát biểu đó, lẽ ra phải là một chỉ dấu lạc quan bởi khi đã nhìn đúng vấn đề thì mọi việc mới có thể được giải quyết một cách thấu đáo và hiệu quả.

Khi đã xác định được vấn đề là cái sự “không biết” của nhân dân, những cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm như ông Bộ trưởng Bộ NN&PTNT sẽ phải thúc đẩy để nhân dân được biết, để không còn cảm giác mất an toàn thường trực.

Vì sự được biết của nhân dân, điều đó có khó không? Không khó! Nếu như quy trình giám sát được tổ chức một cách khoa học, và liêm chính. Không khó! Nếu như nguồn gốc thực phẩm được xác định rõ ràng, được sản xuất ra sao, bởi ai, được phân phối như thế nào, và ai phải chịu trách nhiệm đảm bảo cho chất lượng của sản phẩm.

Khi ông Bộ trưởng Bộ NN&PTNT dũng cảm chỉ rõ bản chất của vấn đề an toàn thực phẩm là do quyền được biết của người dân không được thực thi, nhân dân lẽ ra đã có thể tin tưởng ông sẽ nỗ lực để thực hiện điều đó, bằng tất cả quyền năng mà nhân dân giao phó cho ông. Hai ngày sau đó, ông xin lỗi nhân dân.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT xin lỗi nhân dân vì một lời phát biểu. Đó là một việc làm chưa từng có tiền lệ trong cung cách hành xử của các Bộ trưởng ở nước ta. Nhưng nhân dân có thật sự cần một lời xin lỗi như thế không? Một lời xin lỗi vì đã diễn đạt không trọn vẹn khiến nhân dân bức xúc.

Ông Bộ trưởng đã xin lỗi rồi. Sau đó thì sao? Ừ thì không phải là người dân không biết, người dân biết cả, vậy biết rồi thì đừng ăn bẩn nữa, chọn thức ăn sạch mà ăn và đừng đòi hỏi nữa!

Không. Nhân dân không cần lời xin lỗi đó. Nhân dân cần một lời xin lỗi khác! Trong vai trò là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Cao Đức Phát cần xin lỗi vì lâu nay Bộ đã thiếu trách nhiệm đối với quyền được biết của người dân.

Nếu thực sự là một lời xin lỗi chân thành và cầu thị, nếu thực sự cần phải diễn đạt lại câu nói tại Quốc hội hôm 1/4, thì nó phải được sửa lại như sau: “Đa số thực phẩm của chúng ta an toàn, nhưng người dân không biết nên có cảm giác không an toàn.

Đó là lỗi của Bộ NN&PTNT nói chung, và của Bộ trưởng nói riêng. Là Bộ trưởng, tôi xin lỗi và sẽ nguyện nỗ lực để mỗi người dân đều biết được thức ăn của mình có an toàn hay không!”

Theo Khampha

Link nội dung: https://phaply.net.vn/ai-co-loi-khi-nhan-dan-khong-biet-a138132.html