Góc khuất cuộc đời của những nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam

Hé lộ về cuộc đời những nghệ sĩ và mang đến cho người đọc sự thương cảm, tôn trọng là điều đã làm được của "Thân phận và hào quang".

Những năm gần đây tại Việt Nam, cùng với sự nở rộ của truyền thông, cả về số lượng báo chí, kênh truyền hình lẫn sự trỗi dậy của truyền thông xã hội, tin tức về “người nổi tiếng” trở thành món ăn tinh thần “không thể thiếu” của người Việt. Người ta không chỉ bàn luận, săm soi về các “Ngôi sao”, mà nhiều người còn mơ ước trở thành “Sao”, xem đó là hình mẫu sống.

Với truyền thông, khai thác đủ góc cạnh về “Sao” – dù chỉ là cấp độ “Sao” xẹt, nổi tiếng trong “15 phút” – đủ quan trọng để tăng hit và có thu nhập quảng cáo. Thậm chí với không ít trang mạng, showbiz là cứu cánh duy trì sự tồn tại của họ.

Còn với những người được xem là “Sao”, đa số, nếu không phải ngay từ đầu, thì cũng dần quen với vị trí của mình để có những phát ngôn, hình ảnh đáp ứng mong đợi của truyền thông và công chúng. Mong đợi không chỉ đơn giản có nghĩa là sống sạch, sống đẹp, dù đó vẫn còn là tiêu chuẩn được nhiều người hướng tới.

Nhưng truyền thông và không ít khán giả còn mong đợi cả những chiêu trò từ “Sao”, như nay yêu nhau, mai (giả vờ) bỏ nhau. “Lộ hàng” trở thành một trong những từ thường gặp nhất trên các trang mạng, mặc dù nhiều khi gần như bất khả để biết sự luống cuống, hớ hênh của sao khi “lộ hàng” là thật hay giả. Những tâm sự của ca sĩ, diễn viên, nay thế này, mai thế khác, đã là điều bình thường.

[caption id="attachment_137852" align="aligncenter" width="274"] Cuốn sách Thân phận và hào quang.
Cuốn sách Thân phận và hào quang.[/caption]

Những cuộc phỏng vấn của Hoàng Nguyên Vũ, nay tuyển chọn lại trong quyển sách bạn cầm trên tay, là điều hiếm hoi giữa bối cảnh thật giả lẫn lộn như thế trên truyền thông.

Là một nhà báo mang tâm hồn nghệ sĩ, Vũ tạo được một mạng lưới quan hệ rộng rãi trong lĩnh vực nghệ thuật, giải trí Việt. Một số nhà báo cũng có quan hệ rộng không kém, nhưng khi phỏng vấn người của công chúng lại có sự ngần ngại – có thể vì e làm “gãy cầu”. Lại có những người không sợ “gãy cầu”, sẵn sàng truy đến cùng người đối diện nhưng không hẳn vì muốn buộc người ấy nói thật mà vì muốn chính mình trở nên nổi tiếng.

Vũ không rơi vào hai thái cực như thế. Anh đặt những câu hỏi sắc sảo, đôi khi phê phán, và luôn xoáy thẳng vào những góc khuất của người mình gặp. Đây không phải là những cuộc trò chuyện mang tính chất PR cho cả người hỏi và trả lời – một hiện tượng đã khá phổ biến hiện nay. Nhưng đồng thời, những câu hỏi của Vũ, cách anh khai thác câu chuyện, đều có tình, thể hiện sự cảm thông với người đang chia sẻ với thế giới bên ngoài nỗi buồn, thậm chí bất hạnh của họ.

Kết quả là người đọc cảm nhận những ngôi sao tươi sáng trong “hào quang” ấy đều có “thân phận” mỏng manh giữa chốn nhân gian. Người đọc nhận ra những người nổi tiếng ấy cũng đều có những thói tật như ai, nhưng chúng ta nhận ra điều đó trong sự cảm thông, chia sẻ. Hé lộ sự thật về cuộc đời những ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng nhưng vẫn để lại trong người đọc sự thương cảm, tôn trọng. Đây là thử thách lớn cho nhà báo, nhưng Hoàng Nguyên Vũ đã làm được như vậy.”

Theo Zing

Link nội dung: https://phaply.net.vn/goc-khuat-cuoc-doi-cua-nhung-nghe-si-hang-dau-viet-nam-a137851.html