“Quốc hội làm thế này còn nhiều nặng nợ với cử tri lắm”

“Quốc hội làm thế này còn nhiều nặng nợ với cử tri lắm. Dân đặt niềm tin vào đại biểu Quốc hội, mong muốn chúng ta thể hiện ý chí, nguyện vọng của họ nhưng chúng ta làm chưa đến nơi đến chốn. Nếu chúng ta giám sát kỹ thì chắc chắn những việc oan sai, oan ức, đơn thư khiếu nại sẽ làm được nhiều việc, đem lại được niềm tin cho nhân dân với Quốc hội. Những điều này Quốc hội khóa 14 tới phải thay đổi”- đại biểu Huỳnh Nghĩa nói.

[caption id="attachment_137474" align="aligncenter" width="410"] Ông Huỳnh Nghĩa - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng.
Ông Huỳnh Nghĩa - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng.[/caption]

Thảo luận tại tổ về báo cáo nhiệm kỳ của các chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước và kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2011-2015) sáng nay 23/3, ông Huỳnh Nghĩa - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, đã có bài phát biểu thẳng thắn, chỉ rõ những bất cập trong hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ qua.

“Thực tế hiện nay cơ quan làm luật là Chính phủ nên có nhiều luật không đi vào thực tiễn, có hơi hướng của lợi ích nhóm, cục bộ nhưng chúng ta không cương quyết. Luật quy định cấm hút thuốc lá, tử hình bằng tiêm thuốc độc nhưng đến giờ có thực hiện không? Người ta làm đơn xin được chết nhưng lại không tử hình được vì không có thuốc. Chúng ta làm luật như thế thì làm sao luật đi vào cuộc sống được. Mà luật không đi vào cuộc sống thì làm luật ra để làm gì ?”- ông Nghĩa chỉ rõ.

Hơn nữa, việc thực hiện giám sát thực hiện luật của Quốc hội hiện nay chưa sâu sát, đúng chức năng của cơ quan lập hiến, lập pháp. “Giám sát thì cưỡi ngựa xem hoa thôi. Vừa rồi có vài đoàn giám sát làm tốt, được người dân ủng hộ nhưng xuống giám sát thì chẳng giám sát gì hết. Có những đoàn đi nhiều lắm nhưng xuống cơ sở chỉ có một anh Phó chủ nhiệm không kết luận được. Một đoàn giám sát oan sai như thế, hàng loạt các ngành tới báo cáo nhưng không kết luận được cái gì hết”- ông Nghĩa nêu thực trạng.

Trong khi đó tại nghị trường xuất hiện nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách không xứng tầm, phát biểu các vấn đề “chán lắm”, “không đạt yêu cầu”.

Dẫn ra báo cáo của ngành tòa án khẳng định 5 năm qua đã giải quyết án đạt tỷ lệ 98,5%, báo cáo của viện kiểm sát đạt gần 100%, ông Huỳnh Nghĩa bình luận ví von: “Án oan sai, cơ quan điều tra truy tố, xét xử bao nhiêu vụ án oan sai như thế mà báo cáo tròn trĩnh thế này thì có thể coi đây là hồng phúc cho người dân của chúng ta. Nhưng người dân họ nghe thế này, họ không chịu đâu bởi đơn thư khiếu nại kêu oan rất nhiều. Tôi đọc hai báo cáo mà các đồng chí đọc trước Quốc hội (báo cáo của Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao - PV) đạt tỷ lệ quá cao nhưng tại sao oan sai vẫn còn, xử không đúng vẫn còn? Các vụ xử nói thế thì cần phải kiểm điểm nghiêm túc, đặc biệt những thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên phải kiểm điểm”.

Nhấn mạnh tới việc lựa chọn cho bằng được những người có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn thực sự đưa vào bộ máy của cơ quan tư pháp, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng khẳng định việc đó mới giúp bảo vệ được quyền lợi của người dân. Đối với những cán bộ yếu kém thì phải xử lý, thải loại. Nếu gây oan sai thì phải bồi thường thiệt hại cho nhà nước. “Mặc dù đến nay đã có Luật Bồi thường nhà nước nhưng đã có anh nào gây oan sai cho người dân phải bồi thường hay chưa? Tôi chưa thấy. Như thế làm luật làm gì?” - ông Nghĩa thẳng thắn.

Kết thúc bài phát biểu, ông Huỳnh Nghĩa tâm sự rằng cả đời ông gắn bó với Quốc hội. Sau khi tốt nghiệp đại học ông đã vào làm việc tại cơ quan của Quốc hội từ khóa 7-8 và sắp tới sẽ nghỉ.

“Quốc hội làm thế này còn nhiều nặng nợ với cử tri lắm. Dân đặt niềm tin vào đại biểu Quốc hội, mong muốn chúng ta thể hiện ý chí, nguyện vọng của họ nhưng chúng ta làm chưa đến nơi đến chốn. Nếu chúng ta giám sát kỹ thì chắc chắn những việc oan sai, oan ức, đơn thư khiếu nại sẽ làm được nhiều việc, đem lại được niềm tin cho nhân dân với Quốc hội. Những điều này Quốc hội khóa 14 tới phải thay đổi”- ông Nghĩa nói.

Bài phát biểu của ông Huỳnh Nghĩa nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình.

[caption id="attachment_137475" align="aligncenter" width="400"] Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương.[/caption]

Trong khi đó, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng Quốc hội đã làm được nhiều việc, chất lượng ngày càng được nâng cao nhưng những tâm tư cử tri gửi gắm vẫn chưa làm được trọn vẹn.

“Tôi có trao đổi lại với cử tri là nguyện vọng gửi gắm chưa thể trọn vẹn là chuyện đương nhiên vì chỉ một nhiệm kỳ 5 năm chưa thể giải quyết hết mọi vấn đề lớn của đất nước”- ông Vở thừa nhận.

Ông Vở cho rằng việc thực hiện sau giám sát dù đã có tiến một bước rất rõ nhưng vẫn chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao, chưa đi đến cùng. Hi vọng sau này triển khai Luật hoạt động giám sát thì những kiến nghị sẽ đạt chất lượng cao hơn, cụ thể hoá được trách nhiệm của chủ thể giám sát và chế tài sau giám sát.

Đánh giá Quốc hội khóa này đã làm được một khối lượng công việc rất lớn, nhưng đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho biết rất “tâm tư” vì nhiều phát biểu tâm huyết, chắt lọc ý kiến, nguyện vọng của cử tri đã không được tiếp thu vào nhiều văn bản, nghị quyết của Quốc hội khi đưa ra thảo luận.

“Ai cũng thừa nhận những ý kiến nói như thế là rất đúng, cử tri rất đồng tình nhưng lại không được tiếp thu. Vậy nên tôi tâm sự thật là sau đó trả lời lại cử tri về vấn đề lấy phiếu, bỏ phiếu tôi đành lờ đi”- ông Cương nói.

Đối với hoạt động giám sát, nhất là chất vấn và trả lời chất vấn thu hút sự chú ý của cử tri nhưng ông Cương cho rằng điều đáng tiếc nhất là nhiều vấn đề được nêu ra trong hoạt động giám sát, chất vấn không được đi đến cùng.

“Tóm lại là cứ nêu ra rồi trả lời thế nào cũng được, có thể được kết luận hoặc không mà thậm chí được kết luận rồi cũng rơi tõm đi đâu không rõ. Kỳ 9- 10 vừa qua, tôi nói về tình trạng phân bón giả, thậm chí phải kêu lên “ai cứu người nông dân Việt Nam” nhưng rồi tình trạng lỗi trong quản lý lĩnh vực này cũng vẫn thế, phát biểu rơi tõm đi đâu, không có tác dụng gì, vẫn tồn tại hàng ngàn loại phân bón mà người dân như đứng trước ma trận, không biết thế nào mà lần”- ông Cương dẫn chứng.

Để thuyết phục hơn, ông Cương cho biết qua giám sát đã phát hiện những doanh nghiệp kinh doanh 100% phân bón giả nhưng vẫn không có ai bị khởi tố, không có ai phải chịu trách nhiệm; trong khi đó là nguồn gốc của mọi thất bát mùa màng, sự thống khổ của nông dân.

“Chất vấn có thể chỉ cần ít thôi nhưng phải đi đến cùng, vì đời sống người dân chứ không phải để bôi bác, hạ bệ người nào, bộ ngành nào cả”- ông Cương nhận định.

Theo Dantri

Link nội dung: https://phaply.net.vn/quoc-hoi-lam-the-nay-con-nhieu-nang-no-voi-cu-tri-lam-a137473.html