“Tham nhũng không chỉ là nguy cơ tiềm ẩn mà ngày càng hiện hữu”

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đánh giá Báo cáo nhiệm kỳ 5 năm 2011 – 2016 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí trong thời gian qua.

[caption id="attachment_137436" align="aligncenter" width="410"] Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội[/caption]

Tiếp theo chương trình nghị sự, ông Phan Trung Lý, Chủ tịch Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thay mặt Quốc hội đọc báo cáo thẩm tra về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Về vấn đề tham nhũng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá Chính phủ đã có nhiều cố gắng thực hiện các biện pháp để phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế cụ thể để kiểm soát các hoạt động quản lý trong một số lĩnh vực nhạy cảm liên quan trực tiếp đến người dân, như thuế, hải quan; quản lý chi tiêu công, giảm các đoàn đi công tác nước ngoài không cần thiết bằng ngân sách nhà nước…

Tham nhũng ngày càng hiện hữu

“Thực tế, việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tham nhũng không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, không những chỉ là nguy cơ tiềm ẩn mà ngày càng hiện hữu. Tình trạng lãng phí còn xảy ra khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực mà chưa có biện pháp khắc phục. Đề nghị trong Báo cáo cần thể hiện rõ hơn nội dung này với sự phân tích, đánh giá, nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục”, ông Lý đề xuất.

Về vấn đề tham nhũng, sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng báo cáo trong nhiệm kỳ của mình đã triển khai 39.742 cuộc thanh tra hành chính và trên 834.640 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, đã kiến nghị thu hồi 124.125 tỷ đồng, 19.744 ha đất; lập biên bản, ban hành 989.519 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 30.549 tỷ đồng; xử lý khác hơn 60.542 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 6.934 tập thể, 22.700 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 313 vụ, 365 đối tượng.

Ngành thanh tra đã phát hiện 441 vụ, 696 người có dấu hiệu tham những với số tiền 769 tỷ đồng, 10 héc-ta đất; kiến nghị thu hồi 745 tỷ đồng, 6,3 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 23 tập thể, 596 cá nhân, xử lý trách nhiệm 157 người đứng đầu; chuyển cơ quan điều tra 162 vụ, 272 đối tượng.

Về vấn đề kinh tế, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về việc tổ chức triển khai những chính sách, biện pháp và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người nước ngoài đóng góp tích cực về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; Về tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; vấn đề nợ công;

Ông Lý cũng yêu cầu Chính phủ làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành để tình trạng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ Chính phủ vượt giới hạn quy định, hiệu quả sử dụng vốn vay thấp.

Vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế với 3 trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; vấn đề tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống NHTM; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, phát huy vai trò của kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước gắn với việc bảo toàn và sử dụng có hiệu quả vốn của Nhà nước và việc huy động nguồn lực ngoài khu vực nhà nước vào đầu tư phát triển và tạo điều kiện cho kinh tế.

“Đồng thời, cần phân tích rõ hơn những yếu tố cản trở quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, những bài học, kinh nghiệm rút ra trong quá trình tái cơ cấu vừa qua, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan”, ông Lý nói.

Tình trạng “xin – cho”, nhũng nhiễu dân chậm được khắc phục

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đánh giá trong nhiệm kỳ qua, tổ chức bộ máy của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ cơ bản ổn định; được xây dựng theo hướng tinh gọn hơn, hiệu lực, hiệu quả và gần dân hơn. Chính phủ đã tập trung rà soát, phân định rõ nhiệm vụ của từng bộ, cơ quan ngang bộ; bước đầu có sự phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Chính phủ và chính quyền địa phương.

Chính phủ nỗ lực thực hiện các biện pháp để cải cách hành chính, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, như kiện toàn bộ máy hành chính từ trung ương đến cơ sở, nhiều thủ tục hành chính không cần thiết đã được loại bỏ, cơ chế một cửa đã được triển khai đến các cấp, các ngành, địa phương...

Tuy nhiên, trong Báo cáo cần nêu bật được kết quả tổ chức thực hiện những chủ trương lớn về tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ; bổ sung đánh giá kết quả việc thực hiện chủ trương bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; việc thực hiện tách quản lý nhà nước với quản lý sản xuất, kinh doanh; việc tổ chức các bộ, cơ quan ngang bộ và đội ngũ cán bộ, công chức theo yêu cầu tinh gọn và chất lượng.

“Cần làm rõ nguyên nhân kết quả cải cách hành chính chưa cao, một số thủ tục trong hoạt động của Nhà nước còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo, nhiều lĩnh vực vẫn còn tình trạng “xin-cho”, nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân chậm được khắc phục”, ông Lý nhấn mạnh.

Ngoài ra, Chính phủ cần làm rõ vấn đề hệ thống cơ quan hành chính nhà nước chưa đồng bộ, thống nhất và thực sự thông suốt, bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ, phân công, phân cấp chưa rõ ràng, chưa phù hợp với cơ chế thị trường.

“Hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa tương xứng với yêu cầu của thời kỳ mới…”, ông Lý cho hay.

Theo Bizlive

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tham-nhung-khong-chi-la-nguy-co-tiem-an-ma-ngay-cang-hien-huu-a137435.html